Gian nan và bi hài hành trình truy nã tội phạm của Công an xứ Lạng

Thứ Ba, 09/12/2014, 08:00
Dù mới chỉ thành lập hơn 4 năm, Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn đã có một bề dày thành tích đáng nể với việc bắt giữ hàng trăm đối tượng bỏ trốn tại các địa bàn trên khắp cả nước. Mỗi lần tìm được đầu mối thông tin về tội phạm bỏ trốn là lại có một chuyến công tác dài ngày của các chiến sĩ. Đi kèm với những chuyến công tác ấy là biết bao gian nan, vất vả và cũng có biết bao kỉ niệm vui buồn. Nhưng trên tất cả, việc bắt thành công tội phạm truy nã là niềm vui lớn lao nhất đối với các anh...
Những chiến công đầy gian khổ

Chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của riêng mình và những chiến công của phòng, Trung tá Lành Minh Chi (46 tuổi) - Đội trưởng Đội truy bắt của Phòng Cảnh sát truy nã Công an  tỉnh Lạng Sơn như đang nhớ lại những chặng đường gian khổ, những lần rong ruổi dọc chiều dài đất nước để truy nã những kẻ phạm tội bỏ trốn khỏi địa phương. Trung tá Chi cho biết: "Tính từ 16/1 cho đến 17/10, đơn vị đã bắt giữ được 70 đối tượng trốn nã, lập 6 chuyên án truy xét, đã phá được 5 chuyên án, bắt giữ 5 đối tượng đặc biệt nguy hiểm và còn một chuyên án đang thực hiện".

Vào ngành đã được 28 năm, 18 năm gắn bó với Phòng Hình sự và chuyển sang Phòng Truy nã kể từ những ngày đầu thành lập, Trung tá Lành Minh Chi đã chứng kiến biết bao nỗi gian khó của các cán bộ chiến sĩ   đơn vị. Theo như lời anh kể, có những chuyến công tác kéo dài cả tháng, anh cùng nhiều anh em khác phải nằm mật phục tại địa phương nhiều ngày trời, theo dõi và tìm kiếm thông tin về đối tượng.

Cụ thể là đối tượng Đặng Văn Thành (tức Đặng Văn Ninh, 49 tuổi, trú tại thôn 2, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, Bắc Giang), một tên tội phạm ma túy bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm  về ma túy Lạng Sơn ra quyết định truy nã. Thành là đối tượng cầm đầu ổ nhóm ba đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển trái phép 2 bánh heroin vào tháng 5/2008. Sau khi đồng bọn bị bắt, Thành đã bỏ trốn vào Kon Tum và lấy vợ sinh con, lấy tên giả là Đặng Văn Vinh. Cho đến khi bị bắt, đối tượng Thành đã bỏ trốn được 6 năm.

Trung tá Lành Minh Chi kể chuyện bắt nã.

Kể về quá trình truy bắt Thành, Trung tá Chi cho biết, việc truy bắt tội phạm trốn nã đã lẩn trốn lâu như vậy rất khó khăn. Các cán bộ chiến sĩ phải lần theo từng manh mối thông tin, tìm hiểu các mối quan hệ của đối tượng. Chính anh Chi cùng lãnh đạo của phòng đã phải vào Tây Nguyên hai lần khi có thông tin đối tượng. Nhưng do địa bàn rộng, việc tìm kiếm không phải dễ dàng nên lần đầu tiên không có kết quả. Sau đó ít lâu, khi phát hiện người nhà của Thành làm giấy tờ chuyển hộ khẩu vào xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), các chiến sĩ Phòng Truy nã đã lần theo thông tin đó và tìm được đến nơi Thành đang lẩn trốn, sau đó phối hợp với Công an tỉnh Kon Tum tổ chức vây bắt bất ngờ đối tượng áp giải về Lạng Sơn.

Lần truy bắt Đặng Văn Thành cũng mới chỉ dừng lại ở sự khó khăn khi phải xác minh thông tin đối tượng và đối tượng lẩn trốn ở xa địa phương. Nhưng cũng có nhiều lần, việc truy bắt tội phạm trốn nã còn nguy hiểm đến cả tính mạng của cán bộ chiến sĩ. Như trong vụ bắt giữ đối tượng Vũ Công Tùng (44 tuổi, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) - một kẻ nhiều tiền án, tiền sự, manh động lại có súng trong tay, vì vậy việc bắt giữ Tùng được đánh giá hết sức nguy hiểm. Tùng từng bị kết án 10 năm tù vì tội cố ý gây thương tích.

Sau khi được phóng thích trước thời hạn chưa được bao lâu thì ngày 9/10/2011, Tùng cùng một nhóm người đi đòi nợ thuê, sử dụng súng hoa cải bắn vào con nợ và bị khởi tố về tội giết người. Sau khi gây án, tên này bỏ trốn khỏi địa phương. Công an thành phố Lạng Sơn đã thụ lý vụ án theo thẩm quyền và ra quyết định truy nã.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn đang vận động gia đình một đối tượng bị truy nã.

Nhận nhiệm vụ, cán bộ phòng truy nã đã tìm kiếm gắt gao thông tin về Tùng. Sau khi có nguồn tin tên này đã trốn vào Nam, một số cán bộ đã được cử đi xác minh và lập kế hoạch bắt giữ khi hắn chuẩn bị về thăm gia đình. Nhưng điều đáng nói, trong người đối tượng lúc nào cũng mang súng nên việc bắt giữ rất nguy hiểm vì nếu không khống chế được ngay, rất có thể sẽ có một cuộc đấu súng diễn ra. Nhận thấy sự nguy hiểm ấy, lãnh đạo Phòng Truy nã cùng các cán bộ chiến sĩ đã lập kế hoạch thật tỉ mỉ để bắt giữ đối tượng một cách nhanh chóng, bất ngờ nhất. Và đúng như kế hoạch, việc vây bắt diễn ra một cách chớp nhoáng khiến Vũ Công Tùng không kịp trở tay.

Những câu chuyện bi hài

Theo Trung tá Lành Minh Chi, ngoài những lần truy bắt nghẹt thở ấy thì cũng có biết bao lần, cuộc truy bắt để lại cho các cán bộ, chiến sĩ của phòng những kỉ niệm bi hài. Theo đó, những lần đi truy bắt tội phạm đều là những chuyến đi đầy căng thẳng bởi nỗi lo tội phạm chạy trốn hay thậm chí là tự sát. Dù chưa xảy ra lần nào, tình huống ấy luôn là nỗi lo thường trực trong anh em. Mỗi lần đi bắt nã, không chỉ chuẩn bị đồ đạc cho mình mà còn cho cả phạm nhân khi bắt được nên lắm khi các chiến sĩ cũng tất bật với một lô lốc đồ đạc, quần áo, trang bị y tế, thuốc men.

Sau khi bắt được đối tượng, việc áp tải theo đường bộ cũng gặp nhiều chuyện khó như đối tượng giả vờ ốm hoặc ốm thật. Anh Chi cho biết, nhiều đối tượng khi áp tải được nửa đường liền "lăn" ra ốm, khi đưa vào viện mới biết là ốm giả. Nhưng thế vẫn còn đỡ hơn khi đối tượng ốm thật trên đường áp tải, các anh em lại phải túc trực chăm nom như chăm người nhà. Nhiều người còn trêu đùa rằng, "có khi về nhà chăm vợ đẻ cũng chẳng cẩn thận thế này...". Lúc nào việc chăm người ốm cũng trong tình trạng cảnh giác cao độ bởi phạm nhân có thể bỏ trốn bất cứ lúc nào.

Vận động gia đình một đối tượng bị truy nã.
Do Phòng Truy nã không có cán bộ nữ làm công tác nghiệp vụ nên với các anh, việc bắt đối tượng nữ trốn truy nã cũng hết sức căng thẳng. Do đối tượng là nữ nên khi áp tải cũng gặp nhiều chuyện khó khăn, thậm chí là nhạy cảm. Như việc ngủ nghỉ, do đề phòng đối tượng bỏ trốn nên trên đường áp tải vẫn phải luôn theo dõi, mọi người thay nhau đi ngủ, lúc nào cũng phải có người để mắt đến đối tượng. Ngoài ra khi đi vệ sinh, do là nữ nên phải để đối tượng tự "xử lý", các cán bộ phải canh chừng... vòng ngoài. Anh Chi vừa kể vừa cười: "Lắm lúc thấy mấy ông đứng quanh đấy, người dân lại cứ tưởng có vấn đề vì anh em thường chỉ mặc thường phục đi bắt nã...". Và việc bị hiểu nhầm như vậy cũng là quá bình thường đối với các chiến sĩ của Phòng Truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn, bởi mỗi lần bắt nã là một lần xảy ra nhiều tình huống không đoán trước.

Trung tá Chi kể lại, có một lần để bắt đối tượng nguy hiểm, các chiến sĩ đột nhập được vào căn nhà nơi đối tượng này đang ẩn náu và chuẩn bị bắt giữ. Nhưng do đối tượng rất manh động, có sức khỏe và nhanh nhẹn nên một chiến sĩ đã lao thẳng ôtô chặn ngay ở cửa. Khi tên này phát hiện có người lạ đột nhập thì bỏ chạy ra ngoài nhưng lúc ấy ánh đèn xe sáng lóa đã rọi thẳng vào nhà, biết đã hết đường nên tên này đành bó tay chịu trói.

Một đối tượng bị bắt giữ.­

Ngoài công tác bắt nã, điều các cán bộ chiến sĩ tâm đắc nhất vẫn là việc vận động gia đình, người thân của đối tượng để họ ra đầu thú hưởng sự khoan hồng. Cho đến nay, đã nhiều trường hợp tội phạm trốn khỏi địa phương trở về đầu thú do sự vận động hết sức mềm mỏng, lý lẽ của lãnh đạo Phòng Truy nã. Công tác vận động luôn được các anh đề cao ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của một đối tượng nào đó, nó mang tính nhân văn cao và cũng phần nào giảm được nỗi lo, gánh nặng trong việc truy bắt.

Sau 4 năm làm công tác truy nã, cũng như biết bao cán bộ chiến sĩ của phòng, Trung tá Lành Minh Chi vẫn luôn ngày đêm suy nghĩ đến việc làm thế nào để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những tháng công tác xa nhà, những ngày ăn nằm túc trực tại cơ quan, những nỗi vất vả trên đường áp giải tội phạm vẫn không ngăn được nhiệt huyết và trách nhiệm của anh. Và trước khi kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi, Trung tá Chi cười và nói: "Mình cùng đồng đội luôn mong muốn rằng sẽ không có việc để làm vì khi ấy xã hội sẽ không còn những người phạm tội...".

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.