Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam

Thứ Ba, 17/12/2019, 12:59
Chúng tôi trở lại biên giới huyện Đức Huệ, tỉnh Long An tiếp giáp với Campuchia vào dịp cuối năm để ghi nhận thực tế công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ của cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu Công an tỉnh Long An.


Kỳ 1: 1001 trò tuồn hàng lậu

Chỉ với thời gian 3 ngày, 2 đêm lặn lội cùng anh em đã giúp chúng tôi hiểu được nhiều điều về sự gian nan, vất vả, những hiểm nguy luôn rình rập đối với những cán bộ, chiến sỹ làm công tác chống buôn lậu...

Trong vai một con bạc tìm đường sang casino ở bên kia biên giới để thỏa mãn thú "đỏ đen", tôi tự lái xe lên biên giới. Nhưng chỉ vừa chớm đến địa bàn huyện Đức Huệ, từ trong lùm cây rậm rạp ven đường, hai thanh niên lao ra nói gì đó như ám hiệu rồi hai chiếc xe mô tô phân khối lớn lập tức bám theo sau.

Trinh sát tổ chống buôn lậu tuần tra trên tuyến biên giới.

Tưởng người đi đường, tôi giảm tốc độ, đánh tay lái sang lề phải nhường đường, nhưng hai chiếc xe mô tô cũng lập tức giảm tốc độ theo chứ không chịu vượt và đến thị trấn Đức Huệ thì hai xe mô tô ấy bỗng dưng mất hút nhường chỗ cho hai chiếc Wave độ máy kèm cặp xe của tôi.

Biết là "vệ tinh do thám" mà dân trong nghề gọi là "chim lợn", tôi thong thả vừa lái xe, thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn gương chiếu hậu xem hai "chim lợn" kia có biểu hiện gì đáng nghi ngờ không, nhưng được vài cây số thì họ lại biến mất. 

Chạy thêm khoảng 5-6 cây số, không thấy còn ai bám theo nữa, tôi dừng lại, xuống xe, và vẫn với vai người đi chơi bạc, đến bên một cây dù lớn, phía dưới có hai người đàn ông ngồi thảnh thơi uống cà phê, tôi gật đầu chào rồi mở lời hỏi đường đến cửa khẩu Tho Mo thì nhận được câu trả lời: "Nếu sang casino thì đưa 1 triệu, chúng tôi đưa đi…".

Sợ bị lộ, tôi cảm ơn rồi lấy lý do đã hẹn người quen rồi để từ chối khéo mà chỉ thấy họ hơi cau mặt, rút điện thoại gọi vu vơ gì đó chứ không níu kéo như một số người dẫn mối ở cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Chạy khuất tầm nhìn, tôi tiếp tục dừng lại ở vài điểm có cây dù lớn để hỏi, nhưng đều nhận được những lời tương tự. 

Tôi đến chợ cửa khẩu Tho Mo khi chiều muộn. Đã hẹn trước nên Trung úy Phạm Minh Tâm, Tổ trưởng tổ công tác chống buôn lậu Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu Công an tỉnh Long An đang "thường trực" tại biên giới đến đón, nhưng anh cũng rất cẩn thận bảo tôi gửi xe vào một nhà quen, thay bộ quần sooc, áo thun rồi mới đưa về nơi đóng quân của tổ công tác bằng con đường tắt theo bờ ruộng. Căn lều bạt dã chiến rộng hơn chục mét vuông là nơi nghỉ ngơi, ăn ở, sinh hoạt của các anh năm xưa nay đã được Ban Giám đốc Công an tỉnh Long An đầu tư xây dựng tường gạch, mái tôn, nền lát gạch men khang trang, sạch sẽ.

Thắc mắc tại sao hỏi đường mà mấy người ngồi trong cây dù cứ bảo chi tiền để họ dẫn sang casino chứ dứt khoát không chỉ đường, Trung úy Tân cho biết đó là "chim lợn" mà các đầu nậu rải trên đường.

Trước đây họ thường dùng xe mô tô đeo bám, nhưng hơn một năm trở lại đây, họ thay đổi chiêu thức bằng việc dựng lán trại dã chiến hoặc căng dù lớn dọc đường, nếu thấy nghi ngờ có lực lượng chống buôn lậu hoặc xe lạ, người lạ thì người ở trạm đầu tiên lập tức gọi điện thoại thông báo cho lán trại thứ 2 và tiếp tục thông báo đến các lán trại thứ 3,4,5,6,7… để theo dõi. Đội quân "vệ tinh do thám" này có đến hàng trăm người được các đầu nậu thuê nằm rải rác khắp nơi.

Một điểm tập kết thuốc lá ở bên kia biên giới.

Họ đóng giả làm những người chạy xe ôm, bán quán nước canh 24/24 giờ trên khắp các tuyến đường. Ngay cả xung quanh lều bạt cũ của tổ công tác của Công an tỉnh đã được giao cho xã Mỹ Quý Tây sử dụng họ vẫn cắt cử hàng chục "chim lợn" để theo dõi, còn ở nơi đóng quân mới thì họ dựng lên 4 quán cà phê án ngữ hai đầu đường và từ nhân viên đến quản lý đều là những tai mắt của đầu nậu cài cắm.

Đám "chim lợn" này nắm rõ từ họ tên, cấp bậc, quê quán của từng cán bộ, chiến sỹ và điểm danh hàng giờ nếu thấy thiếu bất cứ một cán bộ chiến sỹ nào sẽ thông báo cho đầu nậu dừng ngay việc vận chuyển thuốc.

Công việc đi tuần bây giờ, trinh sát vẫn phải lội ruộng đi vòng hàng chục cây số, nhưng phải liên tục thay đổi các biện pháp nghiệp vụ thì mới có thể đến được điểm đã xác định. Biết mà không thể xử lý được "chim lợn" vì luật không quy định, mà vận động, cảm hóa thì họ né tránh.

Nói về vòng tròn lợi ích giữa giới chủ - "chim lợn" - "nài", anh T, một "nài" thuốc đã bỏ nghề, cho biết các đầu nậu muốn tuồn thuốc lá vào trong nội địa thì cần phải có "nài", "nài" muốn "chẻ" thuốc vào trong nội địa được phải theo sự hướng dẫn của "chim lợn".

Ngược lại "nài" và "chim lợn" muốn có tiền phải phục tùng "đầu nậu". Chính vì vậy, mối liên kết giữa "đầu nậu" - "nài" và "chim lợn" là một vòng tròn lợi ích khép kín không thể tách rời. "Chim lợn" là những người thông thuộc địa hình, địa vật trong vùng như trong lòng bàn tay và phải có khả năng phán đoán tình hình cũng như biết cách nhận định đâu là Công an, Quản lý thị trường, Liên ngành và nhất là người lạ, xe lạ đi vào khu vực biên giới.

"Nài" đang sang bên kia biên giới chuẩn bị cho chuyến "chẻ" thuốc lá vào nội địa.

Trước đây, "chim lợn" thường đóng giả làm xe ôm, người bán quán nước, sửa xe gắn máy… ngồi án ngữ ở tất cả các ngã 3, ngã 4 trọng yếu để theo dõi, nếu nghi ngờ có lực lượng chức năng kiểm tra thì thông báo ngay cho các đầu nậu để dừng mọi hoạt động, ngược lại khi thấy bình lặng thì thông báo để giao thuốc lá cho "nài" chẻ vào nội địa.

Bây giờ đám đầu nậu đã sử dụng thủ đoạn khác bằng cách liên kết chặt chẽ với nhau rồi cho dựng những chốt canh dọc các tuyến đường từ thị trấn Đức Hòa đến biên giới. "Chim lợn" chỉ việc ngồi tại đó quan sát, ghi nhận biển số các loại xe nghi ngờ của cơ quan chức năng và biển xe lạ rồi thông báo bằng điện thoại cho các trạm khác theo dõi tiếp, đặc biệt là thông tin từng phút cho đầu nậu.

Riêng "nài" sau khi chất thuốc chạy trên con đường nào đều do "vệ tinh" chỉ định và trên đường đi, "nài" luôn phải giữ liên lạc bằng điện thoại di động với "vệ tinh" để không bị "sập hầm" (bị lực lượng chức năng phát hiện).

Trong giới buôn lậu cũng có luật ngầm, và khi "nài" vi phạm luật sẽ bị xử không thương tiếc. Chỉ vào cái chân bị tật, T kể rằng trước kia, anh là "nài" có số má, ít ai dám đụng đến. Vừa rồi do bất đồng với chủ hàng ở bên kia biên giới, T rẽ ngang đầu quân cho một chủ hàng khác, chạy được hai chuyến đầu trót lọt, đến chuyến thứ 3 thì bất ngờ bị "tai nạn".

Đêm hôm đó, T bị chủ hàng thuê một "nài" khác canh ở chỗ hiểm yếu bất ngờ dùng nhiều cây gỗ tràm thọc vào bánh xe khiến anh văng vào bụi cây bên bờ ruộng ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, nhìn quanh chỉ thấy hoang vu nên T hiểu ngay mình bị trả thù và bị cướp cả xe lẫn thuốc. Nhưng nặng hơn là lúc định đứng dậy thì thấy ống chân đau nhói, máu me đầm đìa.

Biết đã bị gãy chân, nhưng giữa cánh đồng hoang giữa đêm khuya biết kêu cứu ai được nên đành cắn răng nằm chờ, nhưng được một lúc lại lịm đi vì mất máu quá nhiều. Đến khi tỉnh dậy lần sau thì thấy đang nằm trong bệnh viện và hỏi ra mới biết được các anh Công an trong tổ công tác chống buôn lậu cứu giúp. "Thuốc mất phải đền, xe vừa mua trả góp cũng bị mất, bây giờ tàn tật biết làm gì để có tiền trả nợ…", T than thở…

19h30 phút, sau bữa cơm tối với anh em tại chốt, Trung úy, tổ trưởng Phạm Minh Tân ra hiệu lệnh chuẩn bị lên đường đi tuần tra, phục kích đêm. Vừa dứt hiệu lệnh, anh quay sang căn dặn: "Đi tuần ở vùng này phải men theo đường mòn, núp bụi rậm và khi phát hiện mục tiêu thì lội băng ngang ruộng lúa, mương nước nên anh bỏ tất cả đồ đạc ở đơn vị, chỉ mang theo chiến điện thoại di động nhưng phải để ở chế độ rung và chỉ được chụp ảnh khi bắt được đối tượng vận chuyển hàng lậu để tránh bị lộ…".  

Đêm biên giới, trời tối đen như mực, những chiếc xe gắn máy của tổ tuần tra không được phép mở đèn (vì dễ bị phát hiện) hết chồm qua những đụn đất lại sục xuống hố nước sâu men theo những con đường mòn đến khu rừng tràm rậm rạp.
Chốt mà các đầu nậu dựng dọc tuyến biên giới cho "chim lợn" ngồi canh lực lượng chức năng.

Hơn hai giờ ngồi núp mình trong bụi cây gai, sâu bọ cắn, muỗi chích khắp người nhưng một không gian rộng lớn không thấy bóng dáng dân buôn lậu, chỉ nghe tiếng côn trùng kêu râm ran gọi bạn tình. 3 giờ sáng, một đoàn khoảng 4-5 xe mô tô mở đèn sáng trưng rú ga chạy với tốc độ cao trên con đường mòn như muốn xé toang bầu không khí tĩnh lặng xộc thẳng vào trong nội địa.

Tôi định chồm ra ghi hình, nhưng Trung úy Phạm Minh Tân đã nhanh tay ngăn lại và bảo tôi rằng đây chỉ là chiêu thăm dò thôi, nếu thấy "nài" chở theo thuốc thì báo cho tổ công tác khác đón lõng chặn bắt cũng không muộn. Lời nhận định của Trung úy Tân đã hoàn toàn đúng bởi sau chiêu thăm dò ấy là sự im lặng cho đến tận tờ mờ sáng.

Trời đã hừng đông, chúng tôi phải trở về nơi đóng quân. Tuy không bắt được hàng lậu, nhưng với một đêm đi phục kích, tôi cũng đã ghi nhận được không ít những khó khăn vất vả của CBCS Tổ công tác chống buôn lậu cùng những chiêu trò của cánh đầu nậu.

Đức Cương
.
.
.