Độc đáo ngôi làng vươn lên từ việc học

Thứ Ba, 22/11/2016, 22:28
Ngôi làng giàu lên vì học, coi việc học là cái nghề thì không phải ở đâu cũng có. Làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Huyện Xuân Trường, Nam Định) là ngôi làng như thế. Từ xa xưa nơi đây đã sinh ra biết bao hiền tài bậc nhất thiên hạ, và cho đến nay họ vẫn phát huy truyền thống học hành, luôn đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt.


Xã hội hiện đại đã xuất hiện rất nhiều ngôi làng tỷ phú, cách mà họ giàu lên cũng chẳng giống nhau. Có làng thì coi việc xuất khẩu lao động là nghề để đổi đời, làng thành tỷ phú nhờ nghề truyền thống, buôn bán, rồi có cả những ngôi làng tiền tỷ nhờ đền bù đất. 

Ngôi làng giàu lên vì học, coi việc học là cái nghề thì không phải ở đâu cũng có. Làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Huyện Xuân Trường, Nam Định) là ngôi làng như thế. Từ xa xưa nơi đây đã sinh ra biết bao hiền tài bậc nhất thiên hạ, và cho đến nay họ vẫn phát huy truyền thống học hành, luôn đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt.

Hành Thiện - đất khoa bảng

Chẳng phải tự nhiên mà người ta coi làng Hành Thiện là đất khoa bảng, dù trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào thì vùng đất này cũng xuất hiện những con người kiệt xuất, làm rạng danh dòng tộc. Cả làng có 6.000 nhân khẩu nhưng có tới 200 người là tiến sỹ, giáo sư. Trình độ thạc sĩ, cử nhân thì không kể hết.

Cụ Nguyễn Đăng Hùng (75 tuổi) - Hội trưởng Hội Khuyến học của làng tự hào: "Từ xa xưa làng tôi đã có truyền thống hiếu học rồi. Ngay từ thời phong kiến, Hành Thiện đã có 419 người đỗ đạt, trong đó có 7 vị đại khoa, 3 tiến sĩ, 4 phó bảng, 97 cử nhân…".

Sử sách ghi lại rằng, có những gia đình 9 người cùng đi thi, thì 7 người đỗ đạt cao. Nhiều nhân tài đỗ đạt từ khi còn rất nhỏ tuổi như: "Thần Chuyên, Thánh Nguyện, Trạng Nguyễn Thu", tên thật là Nguyễn Âu Chuyên, Đặng Văn Nguyện, Nguyễn Hữu Thu. Hay cụ Đặng Huyền đỗ tú tài năm 11 tuổi, cụ Đặng Nguyên Hang đỗ tú tài năm 14 tuổi.

Còn những tấm gương nhà nghèo, đỗ đạt thì kể không hết. Điển hình như cụ Đặng Hữu Nữu không có tiền ăn học, xin thầy nấu cháu ăn cho các bạn ở làng đến học để được theo học thầy, cụ đã đỗ cử nhân khi mới 19 tuổi.

Còn cả những tấm gương không thông minh, sáng dạ nhưng vẫn miệt mài theo đuổi nghiệp học. Như cụ Đỗ Viết Hòe, 7 lần đi thi đỗ tú tài nhưng không thi đỗ nổi cử nhân. Hay cụ Đỗ Đăng Thiện đỗ tú tài từ khi 19 tuổi nhưng mãi đến 60 tuổi mới thi đỗ cử nhân. Cụ Đặng Vân Trường 4 lần thi đỗ tú tài nhưng đến năm 53 tuổi mới được cử nhân.

Làng Hành Thiện hình một con cá chép có đầu hướng ra biển Đông.

Truyền thống hiếu học được tiếp nối mãi đến thời Tây học. Làng Hành Thiện cũng đã có 51 người đỗ cử nhân và tú tài. Những nhân vật nổi bật nhất trong giai đoạn này phải nhắc tới ông Nguyễn Thế Truyền.

Ông đỗ bằng Cao học khoa học năm 24 tuổi tại Pháp và phải bỏ dở ngày trình bày luận án Tiến sĩ để tham gia hoạt động cứu nước trong nhóm Ngũ Long (gồm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh).

Rồi ông Nguyễn Thế Rục, tốt nghiệp Cao đẳng Thương mại bên Pháp, tham gia cách mạng và được sang Nga học Đại học Phương Đông. Chính ông là người cùng Tổng bí thư Trần Phú soạn thảo Luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đến nay, con số chưa chính xác nhưng làng Hành Thiện đã có tới 60 nhà khoa học có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư. Không kể những người là con rể, cháu ngoại thì nơi đây còn có trên 120 vị là Tiến sĩ khoa học và Tiến sĩ.

Đã có 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh như GS, AHLĐ Vũ Khiêu, GS y khoa Đặng Vũ Hỷ, GS, TS, Thầy thuốc nhân dân (TTND) Nguyễn Xuân Thụ. Hành Thiện còn có 2 vị được Nhà nước trao danh hiệu TTND khác nữa là GS, TS y khoa, AHLLVT Phạm Gia Triệu, GS, TS y khoa Đặng Đức Trạch.

3 Nhà giáo nhân dân: Ông Đặng Xuân Đỉnh và 2 GS.TSKH Nguyễn Xuân Bảo, Nguyễn Xuân Trục cùng hơn hai chục Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú. Nếu ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Hành Thiện được các vương triều bổ làm quan có tới 4 vị là quan Thượng thư (cấp Bộ trưởng ngày nay), 8 vị là Tổng đốc (ngang cấp Chủ tịch tỉnh) thì ở chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, Hành Thiện có 1 vị là cố Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trường Chinh, 1 vị là Phó Chủ tịch Quốc hội, 6 vị hàm bộ trưởng hoặc Ủy viên TW Đảng, 6 vị hàm thứ trưởng cùng 10 vị mang quân hàm thiếu tướng hoặc trung tướng.

Ngày nay ngôi làng đặc biệt này mỗi năm có từ 50 đến 70 cháu đỗ vào đại học, cao đẳng, tỷ lệ đỗ đạt lên tới 70%, có năm đạt tới 98%. Tính đến năm 2011, Nhà nước phong 1.441 người có học hàm Giáo sư, thì đã có 35 Giáo sư ở ngôi làng hiếu học này.

Tấm bảng vàng chúc mừng một Tiến sĩ của làng.

Ngôi làng mệnh danh "tỷ phú chữ" này dù sống bằng nghề nông nhưng rất sung túc, nền nếp. Cụ Hùng tâm sự: "Dù làm nghề gì thì người dân làng tôi cũng rất trọng đạo nghĩa. Dù nghèo khó nhưng luôn phấn đấu, động viên nhau đi lên bằng con đường học vấn.

Như gia đình anh Nguyễn Ngọc Tiến, mấy năm trước thuộc diện nghèo nhất làng vì dốc sức nuôi 3 con ăn học. Hiện nay các cháu ra trường và có công việc ổn định, gửi tiền về bố mẹ trả hết nợ, sửa sang lại nhà cửa. Cháu đầu của anh chị Tiến sau khi tốt nghiệp đại học đã vào công tác tại ngành Dầu khí Quảng Ninh.

Cháu thứ hai là thạc sĩ, hiện đang giảng dạy tại Đại học Thái Nguyên. Còn cháu út đang học cao học, hiện đang dạy học tại Trường THPT Xuân Trường. Đó là kết quả có hậu của sự quan tâm việc học hành, tiếp nối truyền thống cha anh. Chúng tôi quan niệm "giàu chữ" là sẽ "giàu của".

Cụ Hùng tự hào kể về lịch sử khoa bảng của làng mình.

Truyền thống khuyến học đặc biệt

Xưa kia làng Hành Thiện nổi tiếng khó khăn, người dân phải sống trong cảnh lụt lội, cơ cực.

Truyền thống hiếu học của người Hành Thiện xuất phát từ nếp sống có văn hóa từ mỗi gia đình, từ sự ganh đua vươn lên của từng người. Đó là sự ganh đua tích cực, không đố kỵ, ghen ghét nhau.

Mỗi người thành danh ở làng lại là tấm gương, là động lực cho các thế hệ sau. Những câu chuyện bắt đom đóm làm đèn học, rồi người vợ tần tảo trồng dâu nuôi tằm nuôi chồng ăn học được các thế hệ truyền tai nhau như một bài học.

Không chỉ do tố chất con người Hành Thiện ham học mà còn do truyền thống của phong trào khuyến học ở làng cũng rất đặc biệt. Phong trào khuyến học ở đây đã có từ rất lâu, đó là trách nhiệm với quê hương của các bậc tiền nhân.

Văn miếu của làng Hành Thiện - nơi vinh danh những người con đỗ đạt.

Ở Hành Thiện có trường công lập sớm vào bậc nhất của cả nước (năm 1925). Ngày đó, vị quan Tổng đốc Đặng Đức Cường đã nảy ra ý tưởng cùng các vị hương quản đem bán 36 mẫu ruộng, lấy tiền ủng hộ xây trường sơ học của làng.

Sau này đến bác sĩ Đặng Vũ Lạc khi thành tài cũng bỏ tiền ra xin Công sứ Pháp cho xây dựng Trường Tiểu học Hành Thiện. Ông quyên tiền từ các nhà giàu trong làng rồi mua ruộng, thuê người cày cấy. Tiền bán thóc sẽ trợ cấp cho những học sinh giỏi con nhà nghèo.

"Nếu không có phong trào này chắc chắn không có những con người tài giỏi. Ví dụ như Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Sĩ Quốc, với hàng chục công trình nghiên cứu Y học quân sự phục vụ chiến đấu. Năm 2000, chàng trai nhà nghèo mà hiếu học ấy đã được tặng thưởng cấp Nhà nước. Trước gia đình ông ấy nghèo lắm, bố làm nghề bán dầu rong ở quê, cũng nhờ quỹ khuyến học của làng nên ông ấy mới có thể theo đuổi nghiệp chữ của mình" - cụ Hùng xúc động kể lại.

Quỹ học bổng ở Hành Thiện có truyền thống rất lâu đời nhưng lại vô cùng đặc biệt. Quỹ này không cho ai hoàn toàn, những người được nhận, khi nên người sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại cho làng. Chính vì thế, quỹ khuyến học của Hành Thiện ngày một lớn hơn. Bởi những người thành đạt sẵn sàng đóng góp để thúc đẩy truyền thống của quê nhà.

Chia tay chúng tôi, cụ Hùng tự hào giới thiệu những điều tuyệt vời mà Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu viết tặng quê hương:

Việc học hành đất dưỡng thông minh; Đường khoa bảng trời ban tài trí

Đã nhiều Tiến sỹ Cử nhân; Lại lắm GS Viện sỹ

Nay toàn cầu vào cuộc đua tranh; Lúc nhân loại gặp thời trí tuệ

Có học thì dân trí cao thăng; Không học thì dân sinh tồi tệ

Hãy học sao trị quốc an dân; Hãy học để kinh bang tế thế

Để Việt Nam bền mãi nghĩa nhân; Để Hành Thiện sáng ngời nhân trí

Nay ghi danh ngưỡng mộ hiền tài; Dựng bia đá tôn vinh học vị.

Phong Anh
.
.
.