Đau lòng hai chị em ruột bị tước quyền làm mẹ

Thứ Năm, 29/09/2016, 07:33
"Sao cùng lúc tước bỏ quyền làm mẹ của hai đứa con gái tôi mà họ chỉ giải thích gọn lỏn do trình độ bác sĩ non kém. Bất hạnh của các con tôi thì ai gánh cho đây?" - bà Lê Thị Chăm bật khóc tức tưởi.


Hai con gái bà là chị Lê Thị Vịnh, SN 1978 và chị Lê Thị Nhị, SN 1980 khi đó đều đang mang thai. Nhưng kết quả, cả hai người phụ nữ này đã không chỉ mất con mà còn vĩnh viễn mất đi quyền được làm mẹ do sự yếu kém chuyên môn của các bác sĩ trong ca trực thuộc Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang.

Vỡ tử cung, chẩn đoán đau ruột thừa

Đến thôn Tân Luận, xã Phi Môn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) hỏi thăm nhà ông Lê Văn Công và bà Lê Thị Chăm, bất kỳ người nào khi chỉ đường cho chúng tôi đều thêm vào một câu cảm thán: "Nhà ông bà ấy khổ lắm. Có hai đứa con gái thì cả hai đứa đều bị cắt bỏ tử cung, giờ không đẻ được nữa". Có lẽ câu chuyện hy hữu ấy đã từng khiến làng quê này xôn xao.

Ông Công, bà Chăm bật khóc khi nói về nỗi đau của hai cô con gái.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Công đúng vào lúc ông bà đang ăn cơm cùng hai cô con gái. Không khí buồn bã, lặng lẽ bao trùm căn nhà nhỏ. Biết chúng tôi về để tìm hiểu chuyện hai người con của ông bà bị cắt bỏ tử cung, bà Chăm nói trong nước mắt: "Đến bệnh viện, sức khỏe, tính mạng của mình đều gửi gắm cho bác sĩ. Giờ lại bảo do trình độ, năng lực hạn chế nên chẩn đoán sai làm hai con gái tôi mất con lại mất luôn quyền làm mẹ thì ai mà nghe được. Trình độ kém sao không để những người có tài, có đức thay thế. Sao gây ra đau khổ cho người khác đến như thế mà họ lại nói nhẹ bẫng vậy?".

Ngồi cạnh mẹ, chị Nhị cũng bật khóc. Chị bảo đến bây giờ cũng không dám tin là mình vĩnh viễn không bao giờ được làm thiên chức của một người mẹ. Thậm chí tương lai của mình cũng không biết rồi sẽ ra sao khi mà bên nhà chồng, chồng chị là con một.

Với chị Nhị, đó không chỉ là nỗi đau mà còn cả áp lực về tâm lý. "Chồng tôi quê mãi ở Yên Bái, lấy nhau rồi tôi vẫn xin ở lại Bắc Giang để tiện cho công việc. Chồng tôi đồng ý nên hai vợ chồng quyết định mua nhà cạnh nhà bố mẹ tôi.

Khi tôi mang thai, dù công việc anh ấy rất bận rộn, lại xa xôi nhưng tuần nào cũng vẫn thu xếp từ Yên Bái về Bắc Giang chăm tôi. Thế mà chưa được mấy ngày vui bây giờ tôi mất hết rồi. Mất đứa con trong bụng, mất cả quyền làm mẹ nữa" - chị Nhị vừa khóc vừa nói.

Đêm 19-5-2016, chị Nhị thấy bụng khó chịu nhưng nghĩ chắc thai không sao vì mới mấy hôm trước chị đi khám thai, thai nhi khỏe mạnh và phát triển bình thường. Sáng hôm sau khi thấy bụng có dấu hiệu đau hơn nên chị Nhị đã bắt taxi vào Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang khám.

Tại đây, chị Nhị được các bác sĩ khám và cho đi siêu âm, xét nghiệm máu nhưng cho ra kết quả bình thường, không thấy có biểu hiện của bệnh gì. Thấy chị Nhị đau nhiều, nghi ngờ chị bị tiết niệu, ruột thừa nên Bệnh viện Sản nhi cho chị chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Lúc chuẩn bị chuyển viện, bác sĩ còn dặn: "Xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, nếu bệnh của Sản Nhi thì quay trở lại Bệnh viện Sản nhi điều trị". Tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang, sau khi khám và làm xét nghiệm các bác sĩ chẩn đoán chị Nhị bị trụy mạch do chảy máu trong ổ bụng vì bị vỡ tử cung nên phải phẫu thuật.

Vì bệnh liên quan đến sản nhi nên Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang đã liên hệ với bác sĩ của Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang sang kết hợp phẫu thuật cho chị Nhị. Kết quả, chị Nhị phải bỏ thai 14 tuần và cắt tử cung bán phần.

Điều đau xót là, không phải một mình chị Nhị bị mất con và mất khả năng làm mẹ mà chị gái chị 2 năm trước cũng bị y hệt chị. Hôm đó là ngày 19-8-2014, khoảng 22 giờ 30 phút, chị Vịnh bị đau bụng dữ dội nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang.

Đến khoảng 4h30 phút sáng hôm sau, chị được kíp trực hội chẩn viêm phúc mạc toàn thể do viêm ruột thừa. Sau đó kíp trực đã chuyển chị Vịnh sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang lúc 5h45 phút.

Chị Nhị không biết tương lai mình sẽ ra sao.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang chị Vịnh được chẩn đoán là sốc CRNN-TD (sốc mất máu, do chảy máu trong ổ bụng). Ngay lập tức, chị Vịnh được mổ cấp cứu. Kết quả thai nhi 36 tuần tuổi tử vong, bản thân chị phải cắt bỏ tử cung.

Ngồi cạnh chị gái, chị Nhị cay đắng nói: "Chắc chẳng có gia đình nào bất hạnh như gia đình tôi. Hai chị em cùng bị mất con, mất khả năng làm mẹ cũng chỉ vì trình độ chuyên môn yếu kém của bác sĩ. Họ chẩn đoán nhầm bệnh cho cả hai chị em tôi.

Bệnh rõ ràng của Sản nhi lại chuyển sang Bệnh viện Đa khoa. Nếu họ chẩn đoán đúng ngay từ đầu và được điều trị đúng bệnh chắc gì chị em tôi đã phải chịu khổ sở thế này".

Làm đúng quy trình nhưng do trình độ hạn chế?

Đau đớn trước những mất mát không gì bù đắp được, mẹ chồng chị Vịnh là bà Hà Thị Thúy Liên đã thay mặt con dâu làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ trách nhiệm, trình độ chuyên môn của các bác sĩ trong kíp trực của Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang.

Tuy nhiên, trong tất cả các phản hồi của Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang gửi tới bà Liên thì đều trả lời rất loanh quanh và dừng lại ở việc nhận trình độ chuyên môn non kém.

Ông Lê Công Tước, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang thừa nhận sự non yếu và thiếu kinh nghiệm của các y, bác sĩ trong ca trực.

Cụ thể trong Công văn số 379 của Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang gửi bà Liên có viết: "Ngày 10-10-2014, hội đồng chuyên môn họp và kết luận: Các nhân viên của kíp trực ngày 19-8-2014 tham gia cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân Lê Thị Vịnh đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn để xảy ra tai biến.

Đây là tai biến trong khám, chữa bệnh, là trường hợp hiếm gặp, khó chẩn đoán, chưa có quy định chuyên môn cụ thể để thực hiện chẩn đoán xác định nên dẫn đến việc phát hiện chậm ngoài mong muốn của nhân viên y tế".

Trong một công văn của Sở Y tế Bắc Giang về kết quả giải quyết tố cáo cũng xác nhận: "Đây là một ca bệnh khó, hiếm gặp (vỡ tử cung trong khi mang thai mà không có sẹo mổ cũ), không có dấu hiệu dọa vỡ nên khó chẩn đoán.

Mặt khác kết quả xét nghiệm bạch cầu tăng cao nên dẫn đến chẩn đoán nhầm với bệnh viêm ruột thừa". Kết luận: "Kíp trực chưa đủ kinh nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh của bệnh nhân".

Trong khi vụ việc của chị Lê Thị Vịnh còn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng thì ngày 19-5-1016 lại tiếp tục xảy ra chuyện tương tự với chị Lê Thị Nhị. Hai chị em ruột cùng bị mất con và mất quyền làm mẹ khiến gia đình rất bức xúc.

Vì ở tận Lạng Giang không tiện đi lại nên chị Vịnh đã ủy quyền cho bà Liên - mẹ chồng của chị gái đứng ra làm đơn tố cáo thay mình. Sau hơn hai tháng gửi đơn, đến ngày 9-8-2016, Bệnh viện Sản nhi mới có Công văn số 56/TB-BVSN thông báo kết quả giải quyết tố cáo do Giám đốc Đinh Văn Thành ký.

Lần này, Bệnh viện Sản nhi khẳng định những người trong kíp trực đều có trình độ sau đại học. Tuy nhiên, nhóm bác sĩ này chưa có kinh nghiệm, chưa gặp trường hợp tương tự trước đó trong quá trình hành nghề nên đã có những chẩn đoán chưa chính xác…

Nói về trường hợp hai chị em ruột đều bị chẩn đoán nhầm, ông Lê Công Tước - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi giải thích: "Cả hai trường hợp dù ở bệnh viện nào thì bệnh nhân cũng đều phải mổ. Thực tế là không gây hậu quả đối với bệnh nhân.

Chúng tôi không làm sai mà chỉ do trình độ chuyên môn, năng lực của các bác sĩ trong kíp trực còn hạn chế và thiếu kinh nghiệm trước những ca bệnh hiếm gặp. Trường hợp sản phụ Lê Thị Nhị khi chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, bên đó đã gọi điện cho tôi.

Suốt hai năm qua, bà Liên đi đòi công bằng cho con dâu và cháu của mình.

Sau đó tôi đã điều bác sĩ Đào Xuân Hiền - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản sang phối hợp mổ cho bệnh nhân. Trường hợp của chị Vịnh cũng vậy".

Thiết nghĩ, khi người bệnh đến bệnh viện, sức khỏe và tính mạng của họ đều giao cả cho bác sĩ. Không thể cứ để xảy ra những hậu quả đau lòng cho bệnh nhân rồi bệnh viện lại nói một lời nhẹ như lông hồng, rằng do trình độ chuyên môn hạn chế, do thiếu kinh nghiệm… nên dẫn đến sự việc xảy ra ngoài mong muốn của nhân viên y tế.

Ngô Anh
.
.
.