Đập sông Mê Kông: lợi không bù hại

Thứ Bảy, 10/08/2019, 15:51
Hoạt động của các con đập dọc theo sông Mê Kông đang làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Đây là một năm đặc biệt khô hạn và bóp nghẹt một tuyến đường thủy huyết mạch đối với Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, Nikkei Asian Review đưa tin.


Các nhà khí tượng học ở Thái Lan dự báo 2019 sẽ là năm khô hạn nhất trong ít nhất một thập niên. Ở các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông, Campuchia và Việt Nam, nhiều người cũng đang chỉ trích các nước Trung Quốc và Lào đã đóng cửa hai con đập, dẫn đến dòng chảy giảm nghiêm trọng.

Về phần mình, Bộ Tài nguyên Nước của Trung Quốc đã thông báo đập Jinghong ở tỉnh Vân Nam ở khu vực Trung Nam của nước này sẽ giảm một nửa lưu lượng nước ra từ ngày 5 đến 19-7 để "bảo trì lưới điện".

Tuy nhiên, Ủy ban sông Mê Kông (MRC) ban đầu dự báo sẽ không có ảnh hưởng nghiêm trọng vì những cơn mưa gió mùa sẽ sớm bắt đầu. Có trụ sở tại Phnom Pênh, MRC có các thành viên bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam; Trung Quốc và Myanmar là các đối tác đối thoại.

Trạm Thủy điện Jinghong ở phía Tây nam tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. 

Nhưng khi công việc bảo trì ở Vân Nam chấm dứt, MRC đã đưa ra một tuyên bố lưu ý rằng mực nước sông Mê Kông đã đạt đến mức thấp "kỷ lục". Tình hình tồi tệ hơn khi những con sông liền kề Chiang Saen và Nong Khai của Thái Lan cũng đặc biệt khô cạn - thấp hơn một vài mét so với mức bình thường.

Ngày 15-7, đập Xayaburi 1.285 megawatt ở Lào đã bắt đầu một đợt thử nghiệm sản xuất điện cho Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT), và dự kiến tháng 10 sẽ đi vào hoạt động. Anuparp 

Wonglakorn, Phó Giám đốc điều hành Công ty Điện lực Xayaburi, nói với Bangkok Post rằng điều này không ảnh hưởng đến dòng nước. Thay vào đó, ông đổ lỗi cho lượng mưa thấp hơn dự kiến: "Chúng tôi vận hành một đập thủy điện ngay trên dòng sông mà không cần trữ nước". "Dòng nước chảy vào bằng với dòng chảy nước chảy ra". Anuparp đổ lỗi tình hình khô hạn của dòng sông do lượng mưa yếu, chỉ với 400 mm mưa rơi từ tháng 1 đến tháng 7 so với 1.200 mm năm ngoái.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng có mối liên hệ giữa hoạt động của các con đập và tình hình hạn hán trong khu vực. Trung Quốc đã xây dựng 10 đập trong đó có đập Jinghong dọc theo Langcang, tên gọi của đoạn thượng lưu sông Mê Kông, mà Bắc Kinh coi như một con sông nội địa. Lào cũng có đập Don Sahong đang được xây dựng gần biên giới với Campuchia, và 7 con đập trong kế hoạch khác gần hoặc dọc theo biên giới ven sông chủ yếu với Thái Lan.

Với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Campuchia có kế hoạch xây đập sông tại Stung Treng và Sambor, nhưng bây giờ có thể có những suy nghĩ khác. Tại Hội nghị "Tầm nhìn năng lượng" gần đây ở Phnom Pênh do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức, Keo Rattanak, Tổng giám đốc của Electricite de Cambodge, nói với khán giả rằng ông không muốn 2 con đập được đề xuất tiếp tục triển khai.

Trạm Thủy điện Biển hồ của Campuchia.

Trên thế giới có khoảng 3.700 đập thủy điện đang được triển khai, nhưng các nghiên cứu học thuật cho thấy những dự án này thường tốn gấp đôi ngân sách dự kiến và mất 50% thời gian để hoàn thành so với kế hoạch, trong khi thường hoạt động kém. 

Tại Thái Lan, đập Pak Mun 25 tuổi do Ngân hàng Thế giới tài trợ và được EGAT vận hành trên một nhánh sông Mê Kông đã ảnh hưởng bất lợi hơn 6 lần so với dự kiến ban đầu của 262 hộ gia đình. 

Con đập cũng phá hủy ngành công nghiệp đánh cá địa phương sau khi sự phản đối kịch liệt từ người dân địa phương và các tổ chức phi chính phủ bị gạt sang một bên. Trong khi đó, mưa lớn đã cuốn trôi các con đập và làm ngập lụt các cộng đồng lân cận ở cả Myanmar và Lào vào năm 2018.

Sông Songkhram dài 485 km của Thái Lan, chảy vào sông Mê Kông gần Nakhon Phanom, đã bị đe dọa ngăn đập trong 40 năm qua. Và đến nay, theo học giả người Anh David Blake, con đập bây giờ có thể được xây dựng vì nhiều lý do. 

"Có lẽ đứng đầu trong số các lý do là sức mạnh hồi sinh của một liên minh quân sự - kinh doanh - quan liêu dưới thời Thủ tướng Gen Prayuth Chan-ocha, người hiện cảm thấy được khuyến khích để thúc đẩy một số cụm từ thủy lực", ông bình luận gần đây trên tờ Bangkok Post. 

Chính phủ sắp tới của Prayuth đã đặt "các biện pháp để đối phó với hạn hán và lũ lụt" ở hàng thứ 11 trong danh sách 12 chính sách quan trọng cần được xây dựng. Nước này đã phải yêu cầu xả nước từ Trung Quốc và Lào.

Marc Goichot thuộc Chương trình WWF Greater Mekong mô tả đập Sambor dài 18 km được Campuchia đề xuất là một con đập "khổng lồ", sẽ chấm dứt dòng chảy tự do của Hạ lưu sông Mêkông với tổn thất rất lớn cho Campuchia và Việt Nam, làm tổn hại vĩnh viễn các dòng chảy, thủy sản và phù sa. 

"Campuchia có một trong những nghề cá nội địa năng suất cao nhất thế giới và nó cung cấp protein giá cả phải chăng cho tất cả mọi người", Goichot nói với Nikkei Asian Review. 

"Giảm trầm tích sẽ làm cho đồng bằng bị chìm và co lại, làm giảm khả năng chống chịu của 18 triệu người Việt Nam đối với bão nhiệt đới, lũ lụt, cũng như gây ra sự xâm nhập mặn gia tăng và giảm khả năng tiếp cận với nước ngọt". 

Ông nói thêm: "Giữ cho hạ lưu sông Mê Kông chảy tự do sẽ khiến khoảng 28 triệu người ở Campuchia và Việt Nam kiên cường hơn trước thảm họa khí hậu và nước trong khi cải thiện an ninh lương thực của họ".

Nhiều chuyên gia tin rằng năng lượng mặt trời và năng lượng gió cung cấp các giải pháp thay thế ngày càng khả thi hơn, trong khi sự xuất hiện dày đặc các con đập trên sông Mê Kông sẽ là thảm họa. "Nó đang sử dụng dòng sông chỉ cho một lần sử dụng - thủy điện - và những người dùng khác đang bị thiệt thòi", Pianyh Deetes thuộc nhóm International Rivers nói với Reuters.

Vinh Trang
.
.
.