Dân công nghệ Mỹ mất việc vì visa H-1B

Thứ Hai, 27/02/2017, 09:54
Báo New York Times khẳng định chương trình visa H-1B dành cho người lao động nước ngoài đang làm dân công nghệ (IT) người Mỹ bị mất việc.


Chương trình visa H-1B là thị thực tạm thời mà mỗi năm cấp 85.000 visa cho người nước ngoài đạt trình độ đại học và có kỹ năng chuyên môn đến Mỹ, nơi họ đảm nhận những việc làm, và các công ty IT phải dựa cậy số lao động nước ngoài này, vì ở Mỹ thiếu số nhân lực lao động có tay nghề cao.

Một nghiên cứu của Goldman Sachs ước tính có khoảng 900 nghìn đến 1 triệu người có visa H-1B visa hiện sống ở Mỹ, và họ giữ khoảng 13% số việc làm trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ.

+ H-1B sẽ bị “chặt bỏ”?

Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump nói H-1B đã bị lạm dụng, nguồn cầu vượt xa nguồn cung. Trong 4 năm qua, số ứng viên xin hưởng H-1B vượt quá số visa cho phép. Đầu tháng 2 vừa qua, một bản nháp của sắc lệnh hành pháp về vấn đề kết thúc chương trình này đã bị “xì” ra ngoài cho Hãng tin Bloomberg, được cho là kêu gọi các doanh nghiệp cố gắng ưu tiên tuyển dụng người Mỹ.

Bản nháp này viết: “Các chính sách di dân của nước ta phải được thiết kế và tuân thủ để trước tiên và trên hết là để phục vụ quyền lợi quốc gia Mỹ.  Chương trình visa cho lao động nước ngoài phải được tiến hành theo hướng bảo vệ quyền dân sự của công dân Mỹ và cư dân hợp pháp hiện tại, và phải ưu tiên bảo vệ người lao động Mỹ, tầng lớp lao động bị lãng quên của chúng ta cùng công việc họ đang giữ”. Bản nháp còn có một đoạn nêu các phương án sửa đổi chương trình H-1B đang được xem xét “để bảo đảm những người thụ huởng chương trình là những người giỏi nhất, xuất sắc nhất”.

Nhà Trắng từ chối bình luận, nên còn phải chờ xem ông Trump sẽ ký sắc lệnh này hay không. Nhưng nhiều nghị sĩ Mỹ đã đề xuất nhiều cách thay đổi chương trình H-1B.

Qui định hiện buộc các công ty có ít nhất 15% nhân viên thụ hưởng visa H-1B thì phải chứng minh họ có thuê được nhân viên người Mỹ. Nhưng các công ty có thể “lách” qui định này nếu họ trả mức lương ít nhất 60.000 USD/ năm.

Ảnh minh họa.

Một đề xuất là nâng mức lương tối thiểu của một nhân viên có visa H-1B từ 60.000 USD lên 130.000 USD/ năm. Ý tưởng này mang hy vọng sẽ thu hẹp cách biệt giữa mức lương chuẩn trả cho một nhân viên IT người Mỹ với mức lương trả cho một nhân viên người nước ngoài. 

Một đề xuất khác là thay đổi hệ thống bốc thăm “người đến trước được hưởng trước” vốn có lợi cho các công ty gia công bên ngoài. Hoặc ý tưởng các công ty “đấu thầu” sẽ trả bao nhiêu tiền lương cho một ứng viên, điều có thể gây thêm khó khăn cho số nhân viên sẵn sàng hưởng mức lương thấp.

+ Dân nghề Mỹ bị sa thải

Các công ty khổng lồ về công nghệ như Microsoft và Google mỗi năm đều phải chịu sức ép tăng quota nhận người nước ngoài. Nhưng đối với những nhân viên IT như Jeff Tan, chương trình visa H-1B lại có những hậu quả.

Vào hè 2016, Tan cùng 80 người khác được Đại học California (UCSF, ở San Francisco) thông báo họ sẽ phải thôi việc từ tháng 2-2017. Vài tháng sau, trường tổ chức các buổi học “chuyển giao tri thức” kéo dài 2 giờ cho các nhân viên HCL Technologies, một công ty dịch vụ công nghệ Ấn Độ trúng thầu tuyển chọn nhân sự cho UCSF. 

Ông Tan, 54 tuổi, là quản lý hệ thống công nghệ thông tin suốt 20 năm cho UCSF, phụ trách huấn luyện công việc cho nhân viên HCL qua video trực tuyến và cho các nhân viên được đưa đến Mỹ theo chương trình visa H-1B. Tan nói ông không ngại trở lại thị trường tuyển dụng việc làm trong những năm tới, và ông hiểu lý do UCSF phải dùng cách này. Nhưng Tan lo cho các con ông sẽ vất vả thế nào khi chúng bắt đầu tìm việc làm.

UCSF nói nhà trường và HCL không thay nhân viên bị sa thải bằng nhân viên có visa H-1B, dù thừa nhận ban đầu HCL có đưa một số nhân viên H-1B đến để họ nắm bắt các nhu cầu công nghệ mà nhà trường cần. UCSF nói các nhân viên này không còn làm việc nữa.

Bà Audrey Hatten - Milholin, 54 tuổi, vào tháng 7-2016 cũng nhận được thông báo sẽ phải thôi làm việc cho UCSF từ tháng 2-2017. Bà đã có 17 năm làm việc ở mảng công nghệ. Bà phàn nàn trường kỳ thị khi trường thay bà và các đồng nghiệp khác bằng những “nam nhân viên trẻ hơn vốn sẽ làm việc ở nước ngoài”. Bà nói: “Chúng tôi mất lợi thế là công dân Mỹ”.

Người chỉ trích chương trình visa H-1B đã nói nó giúp các công ty Mỹ chuyển mảng IT thành những công ty gia công bên ngoài. Và các công ty này tranh thủ chương trình để thay nhân viên Mỹ bằng những nhân viên tạm thời và chấp nhận lương thấp hơn.

Năm 2014, có 13 công ty gia công bên ngoài tranh thủ H-1B, lợi dụng kẻ hở hệ thống bốc thăm “ai đến trước hưởng trước” để giành toàn bộ số suất thụ hưởng chương trình này cho các ứng viên của họ. Trong nhiều trường hợp, các ứng viên này được hưởng mức lương cao hơn mức lương tối thiểu hàng năm 60.000 USD mà chương trình này qui định, nhưng vẫn là mức lương thấp hơn so với nhân viên IT người Mỹ kiếm được.

Người ủng hộ H-1B nói đây là một công cụ quan trọng để thu hút người có tài năng đến Mỹ. Người có visa này sau khi đến Mỹ có thể đăng ký kỹ năng để mở công ty mới hoặc sản xuất các sản phẩm mới, dẫn đến có thêm nhiều việc làm ở Mỹ. 

Nhà kinh tế học Lawrence F. Katz thuộc Đại học Harvard cho rằng các công ty “khoái” chương trình visa H-B1 vì nó mở rộng nguồn ứng viên xin việc làm, điều có nghĩa chỉ phải trả lương ít và vẫn giữ được sự kiểm soát người lao động. Ông Katz nói: “Từ quan điểm của một nhà kinh tế học, có hai người thắng cuộc, là công nhân có visa H-1B đến Mỹ và những công ty sử dụng họ”.

Cuộc tranh luận “người thắng kẻ thua” này là một kết quả của chương trình H-1B. Dù các lợi ích của chương trình được phủ khắp nền kinh tế, cái giá phải trả cũng dễ nhận ra. Nói cách khác, sự thật là lao động giá rẻ giúp chủ lao động có thêm lợi lãi và tăng trưởng, và việc có thêm người lao động có tay nghề ở Mỹ góp thêm sức sáng tạo cho nền kinh tế Mỹ.

 Nhưng cùng lúc, người lao động Mỹ phải gánh thêm sức ép lương bổng từ những nhân viên mới vốn sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn. Và trong vài trường hợp, người lao động Mỹ có nguy cơ bị mất việc, nhất là những nhân viên lớn tuổi và hưởng mức lương cao hơn. 

Ông Craig Diangelo, 64 tuổi, đã có 11 năm việc mảng IT của Công ty Northeast Utilities ở bang Connecticut (nay có tên mới là Công ty Eversource Energy) nhưng năm 2014, ông cùng 220 nhân viên bị sa thải. Trước khi nghỉ, ông được báo phải huấn luyện người thay thế nếu ông muốn được nhận khoản trợ cấp thôi việc.  

Ông Diangelo từng hưởng mức lương 130.000 USD/ năm cùng tiền thưởng, đã đào tạo một số nhân viên của công ty gia công bên ngoài  Infosys (Ấn Độ) và người này có visa H-1B, hưởng mức lương  60.000 USD/ năm. Còn có một nhóm nhân viên ở Ấn Độ lãnh 6.000 USD/ năm nhưng không giỏi bằng ông.  Ông nói: “Vấn đề là công việc của tôi ở lại, còn người lao động Mỹ phải ra đi”.

Nói cách khác, việc làm của ông Diangelo được giao tạm thời cho những nhân viên có visa H-1B, trước khi Infosys chuyển hẳn việc làm đến một quốc gia có chi phí thấp hơn, theo báo New York Times.

Theo tờ The Wall Street Journa, nếu Chính phủ Mỹ siết chương trình H-1B, các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đều lo lắng không thể đưa người lao động nước ngoài đến Mỹ, nên họ tự “cách ly” với các công ty gia công bên ngoài của Ấn Độ vốn tranh thủ tối đa chương trình visa này, thông qua chương trình bốc thăm “người đến trước hưởng trước”, để đưa lao động ở các nước khác đến Mỹ làm việc cho các công ty Mỹ. 

Nhưng người chỉ trích nói các công ty gia công bên ngoài chỉ ưu tiên nhân viên người Ấn Độ lãnh lương thấp, không tập trung tìm tài năng người Mỹ. Họ hy vọng bất kỳ sự hạn chế áp dụng H-1B nào cũng sẽ “chĩa thẳng” vào các công ty Ấn Độ như Tata Consultancy, Infosys (2 trong số các công ty gia công bên ngoài lớn nhất Ấn Độ).

Năm 2014, 10 công ty hàng đầu sử dụng nhân công H-1B đều là các công ty dựa cậy mạnh vào nhân viên IT từ Ấn Độ đến Mỹ, theo Ron Hira, một giáo sư Khoa Chính sách công ở Đại học Howard, và là một người không thích các công ty Ấn. Ông nói từ năm 2005 đến 2014, 15 công ty xuất khẩu nhân lực đã đem hơn 190.000 người thụ hưởng H-1B vào Mỹ, điều có nghĩa “hàng trăm ngàn người Mỹ mất việc làm”.

Trong bối cảnh này, một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon (bang California) đã tính đến chuyện đưa nhân viên nước ngoài qua Canada làm việc cho một công ty mới có tên TrueNorth. Họ gọi đây là “Kế hoạch dự phòng”, hứa trả mức lương 60.000 USD và tặng vé máy bay đến Vancouver, bao ăn - ở 2 đêm 1 ngày cho người nhập cư có tay nghề.

+Vấn đề dân nhập cư đã là vấn đề nóng bỏng cho tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã ký ban hành một sắc lệnh hành pháp (có hiệu lực lập tức) vào cuối tháng 1 vừa qua, qua ðó cấm công dân của 7 nýớc có ða số dân là ngýời Hồi giáo (gồm: Iran, Iraq, Somalia, Sudan, Syria, Yemen và Libya) ðýợc nhập cảnh vào Mỹ, với lý do sợ khủng bố.

+ Ngày 9-2, Tòa Phúc thẩm liên bang Mỹ tuyên không khôi phục lệnh cấm này, giữ nguyên phán quyết của Tòa Sơ thẩm, có nghĩa người có visa của 7 nước trên vẫn được nhập cảnh Mỹ.

Anh Thao (tổng hợp)
.
.
.