Click thuê - "tù khổ sai" thời công nghệ

Thứ Ba, 22/12/2020, 19:00
Các "trại cày" click đã trở thành vấn đề được công chúng và báo chí chú ý đến nhiều hơn trong vài năm trở lại đây. Những cơ sở hằng ngày "sản xuất" ra cả triệu lượt nhấp chuột, câu bình luận, v.v…trong bí mật nay được lôi ra ánh sáng trên các mặt báo.


Những chuyên gia xã hội học; tin học tranh luận với luật sư và các chính trị gia về tính hợp pháp của việc "cày" click, liệu đây có phải là hành vi lừa đảo hay không? Chắc hẳn sẽ có nhiều người tự hỏi: Vì sao chúng ta lại phải làm lớn chuyện việc có những người được trả tiền để làm mỗi một nhiệm vụ là nhấn nút "like", "subscribe" trên mạng xã hội? Sự thật là những "trại cày" click đã và đang gây ra những hậu quả đáng kể trong cả đời thật lẫn trên môi trường mạng Internet.

Quyền lực của cú click chuột

Một sự thay đổi do các nền tảng mạng xã hội gây ra mà mới đầu không nhiều người ngờ tới đó chính là kinh doanh hoá việc tương tác. Các doanh nghiệp marketing đo lường sự thành công trên mạng Internet qua sự tương tác của khán giả cũng giống như đối với những hoạt động quảng cáo trên báo chí, truyền hình, v.v… 

Nhưng trái với các phương tiện truyền thông truyền thống trên, những nhà nghiên cứu thị trường đo lường sự thành công không phải qua khảo sát trên giấy mà nhờ vào một vài chỉ số như lượt người truy cập, lượt bình luận, v.v…Đây là tiền đề cho sự xuất hiện của các "trại cày" click.

Những "trại cày" click đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ như một dịch vụ "chợ đen" cho những người làm trong ngành marketing. Họ muốn tạo sự thành công giả cho sản phẩm quảng cáo nên mới thuê người nhấp chuột, truy cập đường link, v.v… nhằm đẩy các chỉ số đo lường lên, tạo "hồ sơ" đẹp để  báo cáo với khách hàng. 

Dần dần quy mô khách hàng của các dịch vụ mở rộng. Sự xuất hiện của các "influencers" - người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội để đổi lấy lợi nhuận từ quảng cáo - như "một liều thuốc thần" với các "trại cày" click. Những người mới chập chững bước vào nghề làm "influencer" thuê họ làm tăng số lượt xem, lượt like, v.v… một cách nhân tạo, rồi đem những số liệu này làm chứng cho sự nổi tiếng, sự cuốn hút của mình. Mục đích cuối cùng là lấy được một phần lợi nhuận quảng cáo từ các công ty chủ quản mạng xã hội.

Những "trại cày" click chỉ là một phần trong cả một "ngành công nghiệp" ngầm mà các chuyên gia đặt tên "astroturfing". "Astroturfing" hiểu theo nghĩa đơn giản là những cá nhân; tổ chức bí mật chuyên làm cái việc "đổi trắng thay đen", biến một thứ gì đó không thật hoặc giả dối thành thật. 

Lấy một ví dụ xảy ra gần đây: số lượng người Nhật phản đối lệnh phong tỏa của chính phủ là vô cùng nhỏ khi so với các quốc gia khác như Mỹ và Anh quốc. Nhưng một số tổ chức đã thuê những dịch vụ làm "astroturfing" để làm công chúng và giới truyền thông tưởng rằng lượng người phản đối lệnh phong toả nhiều hơn thực tế rất nhiều. "Tiếng nói" của những cá nhân, nhóm phản đối nhờ thế mà có sức nặng hơn, buộc chính quyền phải xem xét đến yêu cầu vô lý do họ đưa ra.

Cảnh sát Thái Lan đột kích một trại click.

"Tù khổ sai" thời công nghệ

Cách đây hơn ba năm, cảnh sát Thái Lan đã khám phá ra một "trại cày" click. Bên trong một căn hộ rộng hơn 30m2, một nhóm người Trung Quốc đặt những cái kệ bày hằng trăm chiếc điện thoại thông minh. Việc của người làm công là hằng ngày ngồi bấm like, gõ comment, v.v… lên từng chiếc điện thoại. Nhìn cảnh hàng chục người Thái Lan chen chúc nhau, bấm điện thoại còn nhanh hơn hoa chân múa tay, ít người ngờ rằng họ đang kiếm cho các ông chủ mỗi tháng hàng trăm nghìn USD.

Các "trại cày" click thường được đặt tại những quốc gia châu Á có luật công nghệ thông tin lỏng lẻo. Một điểm chung khác của các quốc gia này là luật lao động không chặt chẽ, trong khi bản thân việc câu like; "cày" view không phải hoạt động kinh doanh có cấp phép, vì vậy các ông chủ tha hồ buộc nhân viên làm việc trong những điều kiện lao động vô cùng khổ cực.

Albert, một người Philippines từng làm việc trong "trại cày" click, kể lại về công việc này như sau: "Tôi và một số người bạn cùng thất nghiệp rủ nhau vào làm việc cho họ. Một ngày chúng tôi kiếm được khoảng 10 USD, đổi lại mỗi người phải hoàn thành ít nhất một ca 10 tiếng đồng hồ. Tôi dành gần như cả ngày trong một nhà kho cùng với xấp xỉ 200 người khác. 

Tiếng nhấp chuột và gõ bàn phím không thôi cũng đã làm bạn điếc tai. Bây giờ tôi luôn cảm thấy bồn chồn mỗi lần nghe thấy hai tiếng động đấy. Thậm chí trong lúc ngủ tôi cũng nghe thấy trong đầu tiếng nhấp chuột và gõ bàn phím… Tôi đã xin ông chủ cho đeo  tai nghe chống tiếng ồn nhưng bị cấm". Trong khi đó với mỗi một triệu lượt theo dõi, khách hàng sẽ trả cho ông chủ của Albert 600 USD.

Một người phụ nữ Trung Quốc làm việc tại một trại click.

Trường hợp của Albert không có gì kỳ lạ về mặt sức khoẻ tâm lý cả. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, nghe những tiếng động lặp đi lặp lại như tiếng nhấp chuột trong một khoảng thời gian dài có thể khiến người nghe có phản ứng tiêu cực với âm thanh đó như đột ngột trở nên bồn chồn hay nổi giận. Đây là một chứng bệnh tâm lý có thể làm suy giảm chất lượng sống của người mắc rất nhiều. Còn với Albert, hiện nay anh cương quyết không bao giờ động đến bàn phím hay con chuột, mà chỉ sử dụng máy tính qua màn hình cảm ứng. Anh ta cũng không thể ngồi lâu trước màn hình máy tính hay TV được nữa.

Nhưng Albert coi mình vẫn thuộc nhóm may mắn. Bởi có rất nhiều người mắc phải chứng trầm cảm. Ngày qua ngày họ phải làm đi làm lại cùng những việc nhàm chán ấy. Mà không ai có đủ thời gian để ngủ hay nghỉ ngơi, vì họ còn phải hoàn thành chỉ tiêu do quản đốc đưa ra. Có lần một anh thanh niên không chịu nổi nữa mới đứng lên đập phá mọi thứ như người điên. Bảo vệ phải đánh anh ta bất tỉnh mới khống chế được.

Trong trường hợp các "trại cày" click dùng máy tính thay vì điện thoại thông minh, hơi nóng từ thùng máy tính cũng khiến cho những người làm công trở nên cực kỳ khổ sở. Người ta đã tính ra rằng, chỉ cần ba chiếc máy tính làm việc không ngừng nghỉ đã có thể tạo ra lượng nhiệt đủ để đun nước sôi trong vòng nửa tiếng. Mà các cơ sở này luôn được đặt trong những căn phòng chật hẹp, không được thông khí, chứa một lúc hơn trăm người. Khả năng có người bị sốc nhiệt hoặc bỏng hay,  xảy ra cháy nhà do chập điện là rất cao.

Tuy nhiên, điều mà các "nông dân cày" click sợ nhất là ông quản đốc. Họ phải làm việc trong khi lúc nào cũng có người đứng lù lù ngay phía sau như một tên thiên lôi mặt mũi đằng đằng sát khí. Chỉ cần người làm tỏ dấu hiệu chậm chạp thôi là đã bị tra hỏi, căn vặn, thậm chí là đuổi việc. Các công ty chuyên "câu like" dùng nỗi sợ hãi để buộc nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Albert kể lại cho phóng viên về việc có một số nhân viên bị đánh trọng thương bởi quản đốc do ban giám đốc nghi ngờ họ là "tay trong" của cảnh sát. Cuối cùng, Albert buộc phải bỏ việc do không thể tiếp tục sống trong sợ hãi được nữa. Anh bị công ty quỵt tháng tiền lương cuối cùng.

Vấn đề click thuê thậm chí đã lên cả phim truyền hình Mỹ.

Sẽ còn lớn mạnh

Những "trại cày" click sẽ còn xuất hiện nhiều hơn với quy mô lớn hơn. Đấy là hậu quả nhãn tiền của mô hình phát triển mạng xã hội và ngành công nghiệp quảng cáo hiện nay dựa quá nhiều vào số lượt like; lượt view; lượt comment…Hiện nay những công ty "câu view" có thể kiếm được gần 500.000 USD/ tháng. Chẳng có mấy loại hình kinh doanh tại các quốc gia đang phát triển lại có thể có cơ may kiếm được khoản lợi nhuận lớn đến vậy.

Hiện nay, cảnh sát nhiều nước như Trung Quốc và Thái Lan đang đẩy mạnh việc dừng hoạt động các "trại cày" click. Vấn đề ở đây là họ thiếu các công cụ luật pháp để xử lý đối tượng chịu trách nhiệm. Bản thân việc "câu like" hay "cày view" đều không vi phạm bất kỳ điều luật nào. Cảnh sát chỉ có thể phạt họ với các tội danh như không đăng ký kinh doanh hay sử dụng sim không đăng ký. Sẽ cần một thời gian nữa để quốc hội các nước này thông qua các bộ luật mới có thể xử lý các "trại cày" view một cách hiệu quả.

Các doanh nghiệp, tổ chức, và ngay cả người sử dụng mạng xã hội hiện nắm nhiều quyền lực nhất trong việc xoá bỏ ngành công nghiệp này. Sau một thời gian dài báo chí phương Tây báo động hiện tượng like giả; view giả, nhiều tập đoàn lớn đã phải công khai tuyên bố không thuê bên thứ ba làm tăng các chỉ số tương tác một cách giả tạo nữa. Rất có thể sẽ thêm nhiều doanh nghiệp khác đi theo con đường "đoạn tuyệt" với việc "cày click", giúp cho môi trường Internet toàn cầu trở nên trong sạch hơn.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.
.