Chuyện về người Anh hùng và tấm ảnh gần nửa thế kỷ của một nhà báo quốc tế

Thứ Tư, 19/06/2019, 19:50
Một tấm ảnh do một nhà báo quốc tế ghi lại tại Đại hội Thanh niên và Sinh viên (TN-SV) thế giới lần thứ IX ở Thủ đô Sofia – Bulgaria năm 1968 là bằng chứng sinh động góp vào hồ sơ để Đại tá Đặng Phi Thưởng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) ngày 26-4-2018.


Trong số hàng trăm tấm ảnh được lưu giữ suốt hành trình binh nghiệp hơn 40 năm của Đại tá Đặng Phi Thưởng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, có tấm ảnh do một nhà báo quốc tế ghi lại tại Đại hội Thanh niên và Sinh viên (TN-SV) thế giới lần thứ IX ở Thủ đô Sofia – Bulgaria năm 1968. Đó là một trong những bằng chứng sinh động góp vào hồ sơ để ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) ngày 26-4-2018.

Tôi tìm đến nhà riêng của Đại tá Đặng Phi Thưởng ở phố Trường Chinh, phường 7, TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên giữa buổi sáng đầu mùa hạ ngập tràn nắng gió. Khi đến nơi cũng là lúc ông vừa trở về nhà sau chuyến đi thăm đồng đội cũ. ở độ tuổi ngoài bảy mươi, sức khoẻ của ông đã giảm sút sau hơn 7 năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Dẫu vậy phong thái của ông vẫn đậm chất người lính, rất bình dị mà hào phóng, nét kiên nghị trong ánh mắt cùng nụ cười hiền lành luôn hiện hữu trên gương mặt thông thái và phúc hậu.

Rót tách trà mời khách, Đại tá Thưởng tâm sự: “Đất nước hoà bình, thống nhất hơn 44 năm, nhưng ký ức chiến tranh vẫn đọng mãi trong tâm trí nên tôi luôn nhận thức trong danh hiệu Anh hùng LLVT mà tôi vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng có cả chiến công của đồng đội cần phải trân trọng tưởng niệm, tri ân suốt đời ”.

Đại tá Đặng Phi Thưởng, bí danh Tám Hồng, sinh năm 1947 trong một gia đình ngư dân ở làng biển Phú Lạc, xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hoà – một vùng đất giàu truyền thống cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến ở phía Nam Phú Yên, từng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 

Giữa vùng cát trắng bên biển xanh và tả ngạn hạ lưu sông Bàn Thạch, ông Thưởng đã đảm nhiệm tổ trưởng tổ du kích B Hoà Hiệp khi mới 15 tuổi. Hai năm sau đó chàng trai có nước da màu bánh mật nhập ngũ vào Đại đội K60 thuộc Phân khu Nam - Quân khu 5 làm nhiệm vụ ở bến tàu Vũng Rô phía Đông dãy núi đèo Cả, bảo vệ những chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào vịnh biển Vũng Rô chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Đại tá Đặng Phi Thưởng.

Đại tá Thưởng nhớ lại: “Sau khi phối hợp, hỗ trợ dân quân địa phương tiếp đón, bốc dỡ gần 200 tấn vũ khí trên 3 chuyến tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh – một người con của quê hương Phú Yên chỉ huy từ cuối tháng 11-1964 đến đầu tháng 2-1965, trong đêm 15-2-1965, Đại đội K60 tiếp đón tàu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy chuyển đổi điểm đến bến Lộ Diêu phía Bắc Bình Định vào bến Vũng Rô phía Nam Phú Yên. 

63 tấn vũ khí đã được bộ đội, du kích bốc dỡ trong đêm, nhưng do hệ thống kéo neo bị hỏng nên tàu 143 phải nằm lại Bãi Chùa. Dù đã giăng lưới, phủ lá rừng che chắn chiếc tàu nối liền chân núi để ngụy trang, nhưng khi phi công Mỹ điều khiển trực thăng chuyển tải binh lính bị thương trong Chiến dịch đèo Nhông ở Bình Định vào Sài Gòn đã phát hiện “mõm núi” bất thường nhô ra từ Bãi Chùa, nên Bộ Tư lệnh Vùng II Quân lực Việt Nam Cộng hoà điều máy bay trinh sát ra hiện trường chụp ảnh và nhận ra nét khác biệt với những tấm ảnh trước đó. 

Chiều cùng ngày, địch huy động máy bay phóng rốc két khiến lá ngụy trang cháy rụi, tàu 143 chao nghiêng, không thể kích hoạt chất nổ bên trong. Với quyết tâm cao nhất, Đại đội K60 cùng dân quân địa phương kiên cường chống trả các cuộc tấn công của địch, vận chuyển nửa tấn thuốc nổ phá hủy tàu 143 trong đêm 17-2-1965. 

Cũng từ đó bến Vũng Rô khép lại nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền Bắc, nên tôi cũng một số đồng đội ở Đại đội K60 được điều động về Trung đoàn Ngô Quyền, trực tiếp cơ động, chiến đấu hàng chục trận đánh địch trên địa bàn Phú Yên, trong đó có nhiều trận đánh ác liệt, đối mặt sinh tử trong gang tấc diễn ra ở Hoà Mỹ, Hoà Thịnh – huyện Tuy Hoà; Xuân Phước – huyện Đồng Xuân; An Xuân – huyện Tuy An…”.

Với khí chất dũng cảm cùng với tinh thần mưu trí, sáng tạo trong mỗi trận đánh, sau gần hai năm (9/1965-11/1967) ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn Ngô Quyền, Tiểu đội phó Đặng Phi Thưởng đã chiến đấu hàng chục trận đánh, trực tiếp tiêu diệt nhiều binh lính Mỹ, trong đó có 3 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. 

Cuối năm 1967, ông được lệnh vượt đường Trường Sơn ra miền Bắc để đào tạo nghiệp vụ quân sự tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Khi chuẩn bị rời trường với cấp hàm Thiếu uý cũng là lúc niềm vinh dự đến với ông khi được Trung đoàn Ngô Quyền đề nghị Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ghi danh trong Đoàn Anh hùng dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam tham dự Đại hội TN-SV Thế giới lần thứ IX tại Thủ đô Sofia – Bulgaria.

Ông Huỳnh Tấn Việt – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên trao danh hiệu Anh hùng LLVT cho Đại tá Đặng Phi Thưởng.

Đại tá Thưởng nhớ lại: “Đoàn Anh hùng dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam gồm 75 cán bộ – chiến sĩ lên tàu rời cảng Hải Phòng một đêm giữa tháng 6-1968, vượt qua hải trình dài nhiều sóng gió mới đến cảng Vladivostokcủa Liên Xô – nay thuộc Liên bang Nga. Từ đó, chúng tôi tiếp tục đến Moskva trước khi sang đất nước Rumani rồi Bulgaria. Hành trình dài gần 3 tháng vì chúng tôi đến nhiều vùng miền ở Liên Xô, Rumani, Bulgaria, Ba Lan, Trung Quốc để giao lưu, tìm hiểu đời sống văn hoá – xã hội và đã được đắm mình dưới dòng sông Amur… 

Khi đến Thủ đô Sofia – Bulgaria chúng tôi được tiếp đón rất nồng hậu, thân tình. Đại hội TN-SV Thế giới lần thứ IX diễn ra một tuần với sự tham dự của TN-SV 142 quốc gia, nhưng có lẽ bạn bè quốc tế luôn rất quan tâm đến tình hình chiến sự và cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lúc bấy giờ, nên khi tôi vừa kết thúc chuyện  về những cuộc chiến đấu chính nghĩa để giành lại độc lập, tự do cho đất nước trong thời lượng 15 phút nhưng rất giàu hình ảnh khí phách kiên cường, anh dũng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, thì không gian cuộc giao lưu trở nên sôi động bởi tiếng hò reo cổ vũ, biểu dương của bạn bè quốc tế. 

Rất đông bạn bè ùa tới cõng tôi lên vai khiến tôi rơi nước mắt vì xúc động và tự hào. Trong giây phút đó, tôi không hề biết nhà báo quốc tế nào đã bấm máy ghi lại khoảnh khắc tôi được đông đảo TN-SV quốc tế công kênh lên cao. Chỉ đến khi kết thúc Đại hội, một người bạn Bulgaria tìm đến khách sạn để trao tặng cho tôi bức ảnh đó”.

Tạm rời chiến trường sau chuyến đi tham dự Đại hội TN-SV Thế giới lần thứ IX, Thiếu uý Thưởng được đào tạo làm giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 từ tháng 12-1968. Thế nhưng hai năm sau đó, khát vọng chiến đấu thôi thúc ông tình nguyện vào chiến trường Quảng Trị từ tháng 11-1971 với cấp bậc Thiếu uý, chức vụ Đại đội phó Đại đội 7 rồi Trung uý, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304.

Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ ông Đặng Phi Thưởng được trao tặng từ thời còn là chiến sĩ Trung đoàn Ngô Quyền.

Đại tá Thưởng chia sẻ: “Trước khi vào chiến trường Quảng Trị, tôi chủ động gửi lại cho người mẹ nuôi ở Sơn Tây nhiều kỷ vật, trong đó có tấm ảnh bạn bè quốc tế công kênh tôi lên cao ở Thủ đô Sofia – Bulgaria và tấm ảnh trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 9-1968. Tôi dặn dò mẹ nuôi nếu như tôi hy sinh ở chiến trường thì khi đất nước thống nhất, mẹ nhớ gửi lại những kỷ vật đó cho gia đình tôi ở Phú Yên”.

Vào Quảng Trị khi Chiến dịch Xuân – Hè 1972 khởi đầu, ông Thưởng chỉ huy Tiểu đoàn 5 hỗ trợ và phối hợp Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 6 triển khai nhiều trận đánh tấn công các cứ điểm Tân Lâm 241, Phượng Hoàng, Ái Tử, Cái Lợi, Yên Bầu… để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Một ngày sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Thiết đoàn tăng thiết giáp của địch chiếm giữ trái phép Cửa Việt vào ngày 29-1-1973, Trung uý Thưởng chỉ huy Tiểu đoàn 5 phối hợp Tiểu đoàn 4 và một số đơn vị tiêu diệt và bắt sống toàn bộ sĩ quan, bính lính Thiết đoàn này.

Giữa lúc Tiểu đoàn 5 đang xây dựng trận địa phòng ngự, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Cửa Việt, thì tháng 3-1973 Tiểu đoàn trưởng Đặng Phi Thưởng nhận được mệnh lệnh cấp trên bàn giao nhiệm vụ cho cấp phó kế nhiệm để trở lại làm giảng viên rồi Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 Trường Sĩ quan Lục quân 1, Phó Trưởng khoa, Trưởng khoa chiến thuật, Trưởng Phòng huấn luyện Trường Sĩ quan Lục quân 2. 

Đến đầu năm 1990, khi đang mang cấp bậc hàm Đại tá, ông Đặng Phi Thưởng được điều chuyển về đảm trách Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng rồi Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên đến cuối năm 2004 mới giã từ binh nghiệp. Trong chặng thời gian ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, Đại tá Đặng Phi Thưởng đã được đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ quân sự ở Trường Vuwetren- Liên Xô, Học viện Lục quân, Học viện Quốc phòng.

Những năm cuối hành trình binh nghiệp cho đến khi nghỉ hưu, những người có chức trách đã đề nghị Đại tá Đặng Phi Thưởng lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, thế nhưng trong tâm thức ông luôn muốn dành lại phần thưởng cao quý đó cho những đồng đội đã hy sinh. Mãi đến khi ông mắc bệnh hiểm nghèo hơn bốn năm thì nhiều đồng đội ráo riết hối thúc nên ông mới trở thành người Anh hùng thứ sáu ở vùng đất mệnh danh “Làng cát” Hoà Hiệp anh hùng. 

Có một chi tiết phải đề cập đến là khi kiểm chứng hồ sơ, một cán bộ hỏi ông về bằng chứng tham dự Đại hội TN-SV Thế giới lần thứ IX, ông Thưởng mới mở tủ tìm kiếm tấm ảnh mang về từ thủ đô Sofia – Bulgaria đã được lưu giữ gần nửa thế kỷ. Khi đưa cho tôi xem bức ảnh đó, trong đôi mắt của ông không chỉ có nét sáng lấp lánh tự hào, mà còn đau đáu nỗi nhớ thương những đồng đội đã nằm lại chiến trường chưa tìm được hài cốt… 

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.