Chuyện của những người Việt còn sống trong tâm dịch châu Âu

Thứ Tư, 25/03/2020, 09:30
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đó cũng là lúc nhiều người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài trở về nước với nhiều lý do. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều công dân Việt Nam chọn cách khác, đó là không trở về nước.

"Vì sao mình không về, dù biết Việt Nam sẽ chăm sóc tốt hơn, an toàn hơn… bởi mình nghĩ khả năng lây nhiễm tại sân bay rất cao. Nếu tất cả cùng về thì mọi thứ sẽ bị quá tải, tốt nhất ở đâu đóng cửa mà ở đó", đó là quan điểm của anh Hoàng Xuân Hiếu, người vẫn đang còn ở lại London (Anh) dù dịch bệnh nơi đây đang diễn biến theo chiều hướng xấu.

Nỗi sợ dần lớn

Cho đến nay tại châu Âu, dịch bệnh COVID-19 đã lấy đi sinh mạng của gần chục ngàn người.

Khi dịch bệnh bùng phát, đó cũng là lúc nhiều người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài trở về nước với nhiều lý do, được gần gia đình, cảm thấy an toàn hơn hoặc cũng không còn gì để làm ở nước ngoài do nền kinh tế đình trệ vì dịch bệnh… 

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều công dân Việt Nam chọn cách khác, đó là không trở về nước. Anh Hoàng Xuân Hiếu - sinh sống tại Putney (một quận của London, Anh) là một trong những người chọn ở lại.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, nguy cơ và cách phòng tránh, anh Hiếu thường xuyên theo dõi thông tin diễn biến dịch bệnh qua các phương tiện truyền thông, không chỉ tại Anh mà còn tại Việt Nam.

Anh này cho biết, tại nơi anh sinh sống, người dân dường như không nhìn ra sự nghiêm trọng của dịch bệnh, nhất là trong thời gian đầu khi con số người nhiễm bệnh, người bị ảnh hưởng chưa lớn. Đến thời điểm hiện tại, người dân mới biết sợ hơn nhưng so sánh với các nước châu Á và châu Âu khác thì vẫn có sự coi nhẹ nhất định.

"Họ không có những biện pháp phòng tránh dứt khoát và mạnh mẽ. Họ vẫn coi đa phần bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến người già và những người trẻ sẽ vượt qua", anh Hiếu nói.

Đường phố vắng vẻ ở London.

Về vấn đề đeo khẩu trang, anh Hiếu cho biết thực tế tại châu Âu đã bắt đầu sử dụng khẩu trang, tại Séc là 100% bắt buộc. Nhưng tại Anh cho đến hiện tại vẫn rất ít người sử dụng, một phần cũng do không được truyền tải thông điệp về việc cần đeo khẩu trang. Mặc dù chưa thấy sự kỳ thị người đeo khẩu trang như một số tờ báo nói, nhưng anh Hiếu cho rằng nhiều người sẽ ngại nếu đeo khẩu trang bởi thấy mình khác biệt, sẽ bị mọi người nghĩ là đang bị bệnh…

Cho tới hiện tại, chính quyền nước sở tại vẫn đang khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, rửa tay liên tục, có biểu hiện nghi ngờ tự cách ly ở nhà. Gọi 111 nhờ trợ giúp và bác sĩ sẽ hướng dẫn nếu thấy nhẹ. Tình hình nặng thì gọi cứu thương.

Và cũng giống như Việt Nam, ảnh hưởng của dịch bệnh tại các nước châu Âu rất rõ ràng. Những ngành ảnh hưởng trực tiếp đó là du lịch và dịch vụ, sau đó là đến những ngành nghề khác do việc hạn chế tiếp xúc, cấm xuất nhập khẩu…

"Hầu hết các công ty chuyển hướng cho làm tại nhà hơn 1 tuần nay. Những công việc không làm được ở nhà thì gặp khó khăn rất nhiều. Ngay cả những tầm lớp lao động phổ thông hoặc việc của dân nhập cư như: dọn dẹp nhà cửa, phục vụ quán.. rất nhiều người mất việc. Ví dụ đơn giản, một người hay đến nhà mình dọn dẹp có kể vừa bị các chủ nhà khác hủy dịch vụ này. Có thể chủ nhà họ sợ lây hoặc họ cũng ko đi làm, ở nhà nên có thời gian làm việc nhà", anh Hiếu chia sẻ.

Là một người làm ngành du lịch, công việc của anh Hoàng Xuân Hiếu cũng bị ảnh hưởng nặng nề do khách đặt trước từ đầu năm đến tháng 4 đều hủy hết tour, nguy cơ có khả năng kéo dài đến tháng 7. Những người thuộc tầng lớp trung lưu có tài sản tiết kiệm thì sẽ không quá khó khăn, nhưng với người lao động thì bắt đầu thấy được sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Nói về cuộc sống hiện tại, anh Hiếu cho biết do các cửa hàng lớn, cửa hàng thời trang bắt đầu đóng cửa, chỉ còn siêu thị, nhà thuốc và quán cafe nhỏ vẫn mở cửa nhưng cũng không còn đông đúc như trước. 

Các dịch vụ công cộng như tàu điện ngầm bắt đầu đóng cửa dần dần. Để tránh tiếp xúc nơi đông người, gia đình anh Hiếu cũng hạn chế ra ngoài, chỉ chạy bộ gần nhà và đi siêu thị 2 ngày/lần. Giải trí bằng mạng xã hội Facebook, Youtube, xem TV và đọc báo điện tử.

"Nhiều trang mạng có nói về việc tích trữ lương thực tại châu Âu, ở nước khác mình không rõ nhưng tại nơi mình sống thì không thấy có. Siêu thị bán được nhiều hơn nhưng vẫn đủ cho mọi người. Chỉ có một số đồ dùng khó mua hơn như khẩu trang, nước rửa tay… thuốc cảm thì có bán hạn chế cho mỗi người. Nói chung là mọi thứ vẫn chưa hỗn loạn", anh Hiếu cho biết.

Lượng mua ở siêu thị tăng khiến ngày nào cũng gần hết hàng.

Chờ đợi và hy vọng

Cũng giống như ở Anh, tại Tây Ban Nha, dịch bệnh COVID-19 cũng đang hoành hành khiến đất nước này phải đưa ra một loạt những biện pháp cứng rắn để khống chế tình hình. Chia sẻ về cuộc sống tại đây, bạn Hoàng Hiệp - một du học sinh cho biết: "Từ khi xuất hiện dịch, mình thấy mọi người khá chủ quan vì nghĩ đây chỉ là cúm thông thường. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát tại châu Âu thì mọi thứ thay đổi khá nhiều, tất cả đều ở trong nhà, chỉ ra ngoài đường khi thật cần thiết".

Ngày 14/3/2020, chính phủ Tây Ban Nha đã ra quyết định buộc đóng cửa với tất cả nhà hàng và bar cũng như các trung tâm mua sắm - nơi có thể tụ tập đông người trong vòng 15 ngày. Buộc người dân phải ở trong nhà để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các nước châu Âu đã đồng loạt đóng cửa biên giới trong 30 ngày .

Ngoài ra những người có biểu hiện bị bệnh cần lập tức gọi đến đường dây nóng của Bộ y tế Tây Ban Nha để được hướng dẫn cách ly tại nhà. Không được tự ý đến bệnh viện cũng như cơ sở y tế để đảm bảo sức khoẻ cho những người xung quanh. Chính vì thế mà ở thời điểm hiện tại đường sá ở đây rất vắng vẻ. Chỉ có siêu thị và nhà thuốc được phép mở cửa để phục vụ nhu cầu cần thiết của người dân

Trước ngày có lệnh buộc đóng cửa hàng quán tại Tây ban nha thì người dân ở đây cũng đi mua thực phẩm khá nhiều nhưng không có cảnh hỗn loạn . Tất cả các siêu thị ở đây đều có đủ khả năng cung cấp đồ cho tất cả người dân trong mùa dịch nên không thiếu thốn bất cứ thứ gì.

Cũng giống như Anh, số người đeo khẩu trang ở Tây Ban Nha rất ít, hầu hết người sử dụng khẩu trang đều đến từ châu Á.

"Quan điểm của người dân nơi đây, chỉ người bệnh mới đeo khẩu trang ra đường nên cũng ngại sử dụng. Nhưng mình vẫn thấy việc đeo khẩu trang là cần thiết, bảo vệ sức khỏe bản thân và người xung quanh", Hiệp nói.

Nhiều gian hàng trong trung tâm thương mại gần nơi anh Hiếu sống phải đóng cửa.

Vì sao không trở về?

Mặc dù có chút lo lắng nhưng anh Hiếu cũng như Hiệp đều không tỏ ra sợ hãi, nhưng khi nắm bắt thông tin và có các biện pháp bảo vệ bản thân thì sự lo lắng ấy cũng giảm bớt.

Anh Hiếu cho rằng nếu bị nhiễm COVID-19, cũng sẽ có đủ kiến thức để tự cách ly với người nhà và tìm được phương pháp an toàn nhất có thể. Nếu bị nhẹ thì sẽ không đi bệnh viện vì thời điểm này mọi nơi đều quá tải, khó được xét nghiệm. Chỉ khi bệnh nặng mới gọi cấp cứu, làm theo hướng dẫn của chính quyền sở tại.

Nói về lý do ở lại, anh này cho rằng: "Thực tế mọi người vẫn biết nếu bị bệnh thì điều kiện ở Việt Nam sẽ được bác sĩ chăm tốt hơn, an toàn hơn nhưng khả năng lây nhiễm tại sân bay cũng cao. Tất cả mọi người đều về thì việc lây nhiễm, quá tải là cũng sẽ xảy ra. Hơn nữa với công việc, nếu về mà chính sách nhập cảnh 2 nước thay đổi, mình sẽ bị giữ lại lâu hơn mình tính, sẽ ảnh hưởng lớn đến mọi thứ. Quan điểm của mình đó là ở đâu thì nên đóng cửa mà ở đó đi...".

Còn theo Hiệp, lý do bạn không trở về Việt Nam đó là vì nhận thấy việc di chuyển ồ ạt đến những nơi đông người như bến tàu, sân bay vào thời điểm dịch bệnh bùng phát chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ đi.

"Mỗi người đều có mỗi quan điểm khác nhau, quan điểm của mình đó là không đến nơi đông người để bảo vệ sức khỏe không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình và cộng đồng", Hiệp chia sẻ.

Đánh giá cao khả năng ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam, cả anh Hiếu và Hiệp đều nhận thấy Việt Nam đang phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Ngay cả vấn đề khai báo, cách ly với người trở về từ nước ngoài đều được sắp xếp rất ổn thỏa.

Chia sẻ quan điểm về việc cách ly tại Việt Nam, Hiệp nói: "Mình có đọc được thông tin, nói về một số ít người chê bai điều kiện cách ly của Việt Nam. Nhưng qua hình ảnh các bạn chụp và chia sẻ về những ngày cách ly, mình thấy mọi thứ đều khá tốt. 

Có thể về vấn đề này quan điểm mỗi người sẽ khác nhau. Nhưng đại đa số đều thấy vừa lòng, điều kiện cách ly cũng như nhu yếu phẩm và sự chăm sóc của y bác sĩ khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Hy vọng rằng dịch bệnh này sẽ sớm kết thúc, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới để mọi thứ trở lại bình thường".

Hiền Trâm
.
.
.