Chuyện "ánh sáng" bên trong nhà hàng bóng tối

Thứ Hai, 26/06/2017, 10:08
Trước khi bước vào bữa ăn, tôi hơi lo lắng... Quả thực chúng tôi gặp khó khăn khi phải di chuyển và thực hiện các thao tác trong bóng tối. Việc này giúp tôi hiểu và cảm thông hơn cuộc sống của những người khiếm thị. Sống trong lòng thành phố ồn ào, náo nhiệt, thì bóng tối của bữa ăn này là không gian yên bình, thư giãn thực sự...


Nhà hàng... bóng tối

Nằm khiêm tốn trong một con hẻm nhỏ ở quận 3 (TP Hồ Chí Minh),không có gì quá độc đáo ở vẻ ngoài để gây sự chú ý nhưng chúng tôi tin, bất cứ ai đã đến và bước ra từ nhà hàng này sẽ thật khó quên bởi những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Và chính tôi cũng là một người không ngoại lệ khi đã một lần đến đây.

Trần Võ Viễn Nghĩa đón chúng tôi bằng câu chào lịch thiệp giữa khoảng không tối đen. Nghĩa yêu cầu chúng tôi đặt tay lên vai cậu và đi theo sự hướng dẫn của mình. Kéo ghế và nhắc tên từng người một cách thân thiện, Nghĩa dặn chúng tôi thật kỹ vị trí những thứ đã có và những thứ sẽ chuẩn bị bày trên bàn.

Thực khách sẽ được nhân viên hỗ trợ nhiệt tình trong suốt quá trình dùng bữa.

Lúc này, mọi giác quan, trừ thị giác đều được đánh thức hoàn toàn, tập trung và hoàn hảo cho một việc duy nhất là "tưởng tượng". Tôi quơ tay nhè nhẹ, sợ sệt chạm vào thứ gì đó mà không làm nó đổ vỡ hoặc rơi xuống đất.

"Nếu có gặp khó khăn gì, chị cứ gọi em, em luôn ở ngay bên cạnh chị". Câu nói này của Nghĩa thật có giá trị khi bao trùm xung quanh tôi là khoảng tối mênh mông và sâu thẳm. Trong bóng tối, chỉ cần một cử động, một âm thanh nào đó cũng đều được thẩm thấu một cách rõ nét. 

Trải nghiệm bữa ăn trong nhà hàng này, tôi có cảm giác như đôi chân mình cũng bị liệt và tôi đặt mình vào hoàn cảnh của người mù, người liệt hay một người ốm yếu… và cảm thấy sợ. Tôi bắt đầu làm quen trong bóng tối. Giống như mình đang nhắm mắt lại, đầu tiên mình phải lắng nghe, phải tập trung cao độ hướng dẫn của tiếp viên.

Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, khi ta mất đi cửa sổ ấy, não phải hoạt động nhiều hơn. Trong hoàn cảnh này, tôi phải tập trung vào cảm nhận, phải nhớ thật chính xác từng vị trí đồ vật trên bàn ăn, từng động tác, từng chi tiết rất nhỏ và không thể cẩu thả.

Tôi thấy việc tập trung của trí não hiệu quả hơn là có đôi mắt, mọi suy nghĩ không bị ảnh hưởng của những thứ vô hình hay hữu hình xung quanh. Nói chung đó là bữa ăn đem lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Mọi giác quan đều được đánh thức, vận dụng một cách triệt để và hoàn hảo ở bữa ăn tối đen như mực.

Khách phải đi theo sự hướng dẫn của nhân viên để vào bàn ăn.

Nhưng điều lớn lao hơn mà những người đưa ra ý tưởng mở nhà hàng này là nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng những phút giây quý giá của cuộc sống qua việc "sống thử" một giai đoạn ngắn của cuộc đời người khiếm thị. Tôi nghĩ đến quy trình sinh, lão, bệnh, tử của một đời người và tôi thấy yêu quý hơn những gì mình có.

Vic và Tamy, 2 anh em người Nam Phi lần đầu đến nhà hàng vẫn còn tỏ ra thích thú khi ngồi đoán những món mà mình vừa được ăn. Vic tìm thấy được địa chỉ nhà hàng trên một trang mạng du lịch và cô khẳng định: "Tôi muốn mang đến sự bất ngờ cho anh trai. Khi đến đây tôi mới hiểu vì sao Noir được bình chọn là nhà hàng nên đến nhất tại TP Hồ Chí Minh vì ngoài đồ ăn ngon, phục vụ tốt và thực khách còn có được sự trải nghiệm rất đặc biệt".

Được là chính mình

Tốt nghiệp Trường Đại học Luật và Đại học Văn hiến, Trần Võ Viễn Nghĩa tự tin cầm hồ sơ đi xin việc nhưng các đơn vị mà Nghĩa đến đều từ chối khi biết cậu bị mù. Nghĩa còn nhớ cảm giác khi bị một đơn vị từ chối bằng một câu lạnh lùng: "Mù thế này thì làm được gì. Về đi!".

Nhân viên khiếm thị tại nhà hàng tỏ ra chuyên nghiệp trong không gian của mình.

Nhớ lại cảm giác này, Nghĩa nghẹn lời, tròng mắt ngập nước. Vì vậy khi được nhận vào làm việc tại nhà hàng này, em coi nơi này như ngôi nhà thứ hai của mình.

Gắn bó với nhà hàng ngay từ ngày đầu, những cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với khách hàng cũng đem lại cho Nghĩa nhiều kỷ niệm khó quên. Có lần, khi hai vị khách người Ả Rập vừa bước ra, họ ôm lấy cậu và òa khóc. Ông cho biết, cha của ông cũng bị mù cách đây 17 năm nhưng bây giờ ông mới thấu hiểu được những gì cha mình đã phải chịu đựng suốt ngần ấy năm.

Một lần, Nghĩa đón vị khách người Úc bị dị tật cả 2 tay, cảm giác ấy gây ấn tượng mạnh với cậu cho đến tận bây giờ. Hình như những ngón tay của ông ấy được chìa ra từ trên khủy, rất ngắn và ông phải dùng vai dựa vào đầu Nghĩa để di chuyển vào bàn ăn.

Nghĩa rất bối rối với vị khách này, cậu đề nghị được trợ giúp nhưng vị khách từ chối và quyết định tự mình dùng bữa ăn bằng những ngón tay ngắn ngủi, trong bóng tối mù mịt. "Tôi vô cùng thán phục ông"- Nghĩa thốt ra trước mắt ông ta.

Vị khách trả lời: "Đây chỉ là việc bình thường, đi và làm việc trong bóng tối mới là điều khó và cậu mới là người mà tôi thán phục. Cái gì trong đời mình muốn và cố gắng thì mình sẽ làm được".

Nghĩa cho rằng, lợi thế của người khiếm thị là trí nhớ và độ nhạy về âm thanh, cảm giác. Khi nghe người đối diện có thể cảm nhận được khuôn mặt của họ đang hướng về mình và phán đoán được cảm xúc. Điều mà Nghĩa cảm thấy hạnh phúc nhất ở đây là mình còn làm việc có ý nghĩa.

Nghĩa chia sẻ: "Khi làm ở môi trường này, em cảm thấy rất thỏa mái, em được làm chủ mọi không gian xung quanh. Bởi khi ở ngoài ánh sáng, những người khiếm thị như em phải dựa vào người sáng mắt, còn ngược lại ở đây mọi người phải dựa vào sự trợ giúp của em. Em được là chính mình".

"Linh hồn" của bóng tối

Vũ Anh Tú và Germ Doornb là hai thành viên sáng lập nhà hàng Noir. Tú cho biết, tên Noir được lấy từ tiếng Pháp có nghĩa là màu đen - là sự bí mật và lãng mạn trong bóng tối nhằm truyền tải thông điệp của mô hình ăn uống rất đặc biệt và thú vị. Là một màu luôn mang lại sự huyền bí nhưng sang trọng.

Ngoài ra, Noir được sinh ra trong một ngôi nhà kiến trúc Pháp với lối không gian thiết kế trang trí mang đậm chất hoài cổ của Đông Dương, nơi giao thoa của hai nền văn hoá Pháp-Việt.

Trước khi vào bữa ăn, thực khách tập xếp hình để "vận động" trí óc.

Trong những chuyến đi dọc dài thế giới, Tú và Germ Doornb đã có cơ hội trải nghiệm qua các nhà hàng ăn trong bóng tối tại một vài thành phố lớn. Cả hai đều thích thú và thực sự ấn tượng với những mô hình độc đáo này. Tuy nhiên, việc nảy ra ý tưởng mô hình như thế này đến cuối năm 2013 mới xuất hiện tại Việt Nam.

Tú giải thích: "Vì môi trường làm việc tại nhà hàng và dịch vụ này hoàn toàn mới lạ đối với cộng đồng người khiếm thị tại Việt Nam, nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc giới thiệu, quảng bá".

Qua sự giúp đỡ của Hội người mù thành phố và một số trung tâm bảo trợ người khiếm thị, Tú và Germ Doornb được kết nối và gặp gỡ với các bạn khiếm thị (sau này trở thành nhân viên chính thức tại Noir). Họ chủ yếu là sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố.

"Những buổi gặp gỡ và những câu chuyện về nghị lực sống của các bạn khiếm thị thực sự là nguồn động viên tích cực và truyền cảm hứng cho chúng tôi quyết tâm thực hiện dự án này. Khi đặt người khiếm thị vào một vị trí mà họ sẽ chịu trách nhiệm trước những người sáng mắt, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và nhà hàng của chúng tôi là nơi trở thành sự chuyển giao lòng tin giữa con người với con người"- Tú khẳng định.

Theo anh, mặc dù đã có những trợ cấp từ phía Chính phủ, các tổ chức cộng đồng và đặc biệt là những nỗ lực của chính cá nhân mỗi người, song người khiếm thị tại Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong học tập, việc làm, sự hoà nhập cộng đồng và tạo lập một cuộc sống ổn định. Thông qua dự án này, Tú và Germ mong muốn góp sức vào việc nâng cao nhận thức đối với cộng đồng người khiếm thị.

Hiện nhà hàng Noir có 17 nhân viên khiếm thị và khiếm thính đang làm việc. Sắp tới nhà hàng sẽ mở thêm những phòng ăn mà nhân viên phục vụ là người câm và điếc.

Để gọi món, thực khách sẽ ra dấu hiệu bằng tay được hướng dẫn trên thực đơn hoặc chỉ vào các hình vẽ có sẵn trên đó. Dự án này không chỉ có thêm cho khách sự trải nghiệm mới mà ý nguyện của Tú và Germ là mong muốn tạo thêm công ăn việc làm cho những người không may mắn.

Ngọc Hoa
.
.
.