Châu Âu không hài lòng với CEO Facebook

Chủ Nhật, 27/05/2018, 13:35
Sau khi tới Brussels (Bỉ) để điều trần tại Nghị viện châu Âu, CEO Facebook Mark Zuckerberg gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi có mặt tại thủ đô Paris cùng với 50 nhà lãnh đạo của các tập đoàn lớn về kỹ thuật số. Và việc này diễn ra sau phiên điều trần của ông Mark Zuckerberg với các nhà làm luật của Liên minh châu Âu (EU) hôm 22-5.

Theo giới truyền thông, phiên điều trần kéo dài 80 phút không mang lại nhiều thông tin mới, vì ông Mark Zuckerberg tránh trả lời các câu hỏi chi tiết, mặc dù chấp thuận livestream và nhận hết lỗi về Facebook sau vụ lộ thông tin người dùng.

Bởi CEO Facebook chủ yếu lặp lại các cam kết và mô tả kế hoạch đã đề cập tại 2 phiên điều trần trước đó ở Quốc hội Mỹ. Dù một số câu hỏi của các nghị sĩ châu Âu được coi là hóc hiểm nhưng họ không có cơ hội hỏi thêm nếu cảm thấy câu trả lời chưa đầy đủ.

Ông Mark Zuckerberg khi điều trần trước Quốc hội Mỹ.

"Tôi đã hỏi anh 6 câu "có hay không", nhưng không nhận được câu trả lời nào cả", nghị sĩ Philippe Lamberts phàn nàn. Và hình thức của phiên điều trần là nguyên nhân của việc này - các nghị sĩ có 3 phút để hỏi (việc đặt câu hỏi của 12 nghị sĩ đã mất 50% thời gian) và ông Mark Zuckeberg trả lời vào cuối phiên. Khi hết thời gian, CEO Facebook cam kết sẽ trả lời từng người bằng văn bản "trong vài ngày tới".

Trước đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani cho biết, ông Mark Zuckerberg đã đồng ý gặp các nghị sỹ của Nghị viện châu Âu, để trả lời những câu hỏi về vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng liên quan tới Công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.

Được biết, ông Mark Zuckerberg tuy đã xin lỗi trước Nghị viện châu Âu về lỗ hổng của mạng xã hội do mình sáng lập, nhưng né trả lời những câu hỏi chuyên sâu như việc sử dụng chéo các dữ liệu từ Facebook, về dịch vụ nhắn tin WhatsApp hay việc ngăn chặn các quảng cáo có định hướng… Giới chuyên môn cho rằng, Facebook vẫn đang phải đối mặt với vụ bê bối lộ thông tin của khoảng 87 triệu người sử dụng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh luật bảo vệ dữ liệu mới của EU, với tên gọi "Quy định bảo vệ dữ liệu chung" bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25-5 để bảo vệ thông tin trên mạng của người dùng. Theo giới truyền thông, kể từ khi xảy ra vụ bê bối Cambridge Analytica, Facebook đã tạm dừng 200 ứng dụng từ các nền tảng của mình sau khi điều tra các ứng dụng của bên thứ ba có quyền truy cập vào nhiều dữ liệu của người dùng.

Được biết, Cambridge Analtica và công ty mẹ SCL Election Ltd có trụ sở tại Anh, đều đã tuyên bố phá sản sau bê bối kể trên. CEO Alexander Nix đã bị đình chỉ chức vụ để phục vụ cuộc điều tra của giới chức Anh. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ và FBI cũng tiến hành điều tra vụ này kể cả khi Công ty Cambridge Analtica tuyên bố dừng hoạt động và phá sản.

Theo tờ New York Times, các công tố viên đã yêu cầu thẩm vấn các nhân viên cũ của Cambridge Analytica, cũng như những ngân hàng thực hiện các vụ giao dịch của công ty này. Được biết, cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ và FBI tập trung vào các thỏa thuận tài chính của Cambridge Analytica và cách thức công ty này lấy và sử dụng thông tin cá nhân thu được từ Facebook và các nguồn khác.

Sự sụp đổ của Công ty Cambridge Analtica (được thành lập năm 2013), với mục tiêu đưa ra những tư vấn chính xác dựa trên tâm lý của khách hàng và cử tri, một lần nữa cho thấy trong thế giới công nghệ tiến bộ ngày càng nhanh thì quyền riêng tư luôn phải được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ hoàn cảnh hay vì bất kỳ mục đích nào.

Hơn 10 ngày trước (15-5), Facebook thông báo, trong 3 tháng đầu năm 2018, họ đã khóa 583 triệu tài khoản giả mạo, đồng thời cho biết mạng xã hội này đang áp dụng "các chuẩn mực của cộng đồng" đối với những hình ảnh phản cảm hoặc bạo lực, nội dung tuyên truyền khủng bố hoặc phát ngôn gây kích động. Facebook coi việc khóa các tài khoản kể trên nằm trong nỗ lực ngăn chặn hàng triệu đối tượng tìm cách lập các tài khoản giả mạo mỗi ngày.

Theo giới truyền thông, Facebook bắt đầu điều tra các ứng dụng chạy trên nền tảng của mình từ ngày 21-3, sau khi ông Mark Zuckerberg thừa nhận: Facebook đã phạm sai lầm trong quá trình bảo vệ thông tin của 50 triệu người sử dụng, và cam kết sẽ có biện pháp cứng rắn hơn để siết chặt việc các nhà lập trình tiếp cận những thông tin này.

Dư luận và giới chuyên môn cũng đang quan tâm tới thông tin trên trang mạng New Scientist, khi dữ liệu từ hàng triệu người dùng Facebook từng sử dụng một ứng dụng thu thập thông tin cá nhân cho mục đích nghiên cứu khoa học, bao gồm câu trả lời của họ cho bảng câu hỏi về đời tư, vừa bị phơi bày trực tuyến để mọi người dễ dàng truy cập.

Phạm Huy Anh
.
.
.