"Chất" Thăng Long ở vùng cửa sông lịch sử

Thứ Tư, 28/03/2018, 12:03
Vùng đất mà ở đó từng con hẻm, con phố đã khơi gợi sự tò mò khám phá bởi nhiều nét kiến trúc nhà ở mang dáng dấp của một làng Việt cổ trù phú, đi sâu vào làng thì thực sự được tận hưởng một không gian “phố cổ” ở Hà Nội và đến khi nghe chuyện của các “trưởng lão” trong vùng thì không còn nghi ngờ gì nữa, cái “chất Thăng Long” còn rất đậm dấu nơi này!


Những ngày đầu năm 2018, PV Chuyên đề CSTC đến một vùng đất mà ở đó từng con hẻm, con phố đã khơi gợi sự tò mò khám phá bởi nhiều nét kiến trúc nhà ở mang dáng dấp của một làng Việt cổ trù phú, đi sâu vào làng thì thực sự được tận hưởng một không gian “phố cổ” ở Hà Nội và đến khi nghe chuyện của các “trưởng lão” trong vùng thì không còn nghi ngờ gì nữa, cái “chất Thăng Long” còn rất đậm dấu nơi này!               

Tự hào dòng dõi Tiên Công

Khu phố người dân phường Cẩm La - Quảng Yên - Quảng Ninh nằm trọn trong khu di tích lịch sử ghi dấu hai trận chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta mang tầm ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn: Trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền và 1288 của Trần Hưng Đạo. 

Vùng cửa sông Bạch Đằng và nhánh sông Chanh với bãi cọc huyền thoại nơi đây tạo nên một bãi phù sa cổ, có địa hình thấp hơn mực nước biển. Bốn bề là nước và nằm ở phía nam sông Chanh nên được gọi là đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). 

"Vùng trũng" ở nơi cửa biển này được hình thành từ sức lao động khẩn hoang của một nhóm cư dân đến từ kinh thành Thăng Long xưa, theo chính sách mở rộng kinh thành Thăng Long của triều đình nhà Lê sơ ( khu vực phường Kim Liên, phủ Hoài Đức). 

Hai cụ Nguyễn Thực, Nguyễn Nghệ ở phường Kim Liên đã cùng 15 cụ khác sắm thuyền, xuôi theo sông Hồng đến cửa sông Bạch Đằng - đảo Hà Nam ngày nay. Họ nhận thấy khu vực này có những điều kiện tốt có thể sinh sống lâu dài, bèn cùng nhau quai đê lấn biển, từ số ít ban đầu dân số đã tăng dần từ hàng trăm lên hàng nghìn người. Người dân Hà Nam vì thế mà luôn tự hào mình là người gốc Thăng Long - Hà Nội.

Lễ hội Tiên công in đậm nét Kinh kỳ tại nơi cửa sông lịch sử .

Chúng tôi đến với phường Cẩm La đúng dịp nhà nhà, người người ở đây đang rạo rực chuẩn bị cho lễ hội Tiên Công - lễ hội quan trọng nhất của năm. Các đường phố nhỏ mang dáng vẻ phố cổ được khoác lên mình những màu sắc rực rỡ của cờ hoa, đèn màu, sự hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. 

Trong các gia đình có các cụ Thượng (80 tuổi) tấp nập người ra vào chuẩn bị cho nghi lễ trang nghiêm. Lễ hội in đậm nét Kinh kỳ tại nơi cửa sông xa xôi được tổ chức đúng dịp Xuân về, tái hiện lại hoạt động của các vị Tiên Công xưa đã có công khai phá và tạo lập nên vùng đảo Hà Nam. 

Con cháu nhiều đời của các vị Tiên Công cùng hỗ trợ của chính quyền địa phương tổ chức hội hè, đình đám với những nghi thức diễn ra như ở chốn Kinh thành xưa. 

Các dòng họ mời các bô lão có tuổi cao nhất trong làng xã “trộm” đóng y phục giống như Đức Vua ngồi lên võng đào, kiệu rồng để con cháu nghinh rước lên miếu Tiên Công, bày soạn vật phẩm tế lễ. 

Nét sinh hoạt của triều đình được tái hiện với lọng che, phường nhạc bát âm, hát xướng... dần dần đã hình thành một lễ hội “Rước người” độc đáo của vùng đảo Hà Nam.

Phóng viên được tham gia vào buổi lễ tại gia trước ngày rước chính (Mồng 6 tết) ở nhà cụ Vũ Hữu Thỉnh là con cháu 14 đời của dòng họ Tiên Công, năm nay bước sang tuổi 80.

Tại nhà cụ Vũ Hữu Thỉnh từ sáng sớm trong gia tộc đã sẵn sàng Thọ đường, bàn ghế và kiệu rước. Dưới nhà bếp nhộn nhịp nhóm chuẩn bị tiệc. 7 giờ 30, từng nhóm khách đã đến ngồi uống nước trò chuyện. Đúng 8 giờ, cụ Thượng và cụ bà được rước ngồi trên hai ghế ở vị trí trang trọng nhất. 

Buổi lễ bắt đầu với nghi lễ khai mạc trang trọng. Tiếp đến là nghi lễ con cháu đến khấu đầu mừng thọ. Đại diện các cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương cũng tới dự, chứng kiến.

Gìn giữ nét xưa của Hà thành

Nguyên Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao thị xã Quảng Yên - nhà nghiên cứu lịch sử Lê Đồng Sơn cũng tham dự tại đây, chia sẻ: "Quê chúng tôi cụ nào lên 80 tuổi đều được phong là cụ Thượng. Ngày xưa kể cả quan xã gặp cụ Thượng giữa đường đều phải nghiêng mình chào. 

Nét đẹp của Lễ hội Tiên Công gắn liền với nét đẹp ngàn đời của dân tộc ta đó là truyền thống trọng người già! Ngoài ra, cách bày biện nơi Thọ đường cho đến các bước trong nghi lễ Tiên Công đều phải phản ánh và lưu giữ đúng cái “chất Thăng Long, trang trọng đến từng chi tiết nhỏ".

Trong buổi tiệc diễn ra ngay sau đó, những khách lạ như chúng tôi được dòng họ mời thưởng thức món ăn được gọi là của "những người đi mở đất” đó là con “Ngán”( giống như con nghêu nhưng to hơn), được luộc tái, uống cùng rượu huyết “Ngán”. Về tính dinh dưỡng của món ăn này thì người dân cho biết, Ngán dùng để bồi bổ sức khoẻ cho người mới ốm dậy, đặc biệt ở vùng này, Ngán là loại quà quý luôn có mặt trong bữa cơm ngày Tết và đặc biệt được mua tặng cho người mới sinh đẻ, phục hồi sức khoẻ nhanh.

Mồng 7 mới là hội chính. Từ sáng sớm khắp các nẻo đường đã đông nghẹt người, xe qua lại. Các bước được thực hiện rình rang. Từ lễ mừng thọ tại gia đình, lễ dẫn thọ, lễ rước thọ, tế lễ Tiên Công và đặc biệt là tái hiện cảnh nghi lễ đắp đê, đánh vật tượng trưng. Các trò chơi đu, cờ người, kéo co, chọi gà, tổ tôm, hát đúm càng làm không khí lễ hội thêm sôm tụ.

Nét đẹp trong các bước của nghi lễ "Rước người" thể hiện sự tôn vinh truyền thống đẹp của dân tộc: "Trọng người già".

Cô Đặng Thị Ngần, nguyên Hiệu phó Trường THPT Minh Hà, Cẩm La - Quảng Yên nói với chúng tôi: 

"Vùng đảo Hà Nam có tới 34km đê biển bao quanh, từ quá trình lịch sử lập làng đến nay, nhân dân vùng đảo luôn đoàn kết cùng nhau để chống chọi với mưa bão, sóng biển, triều dâng và làm thuỷ lợi bảo vệ xóm làng. Do vậy, tục thờ Tiên Công và truyền thống quai đê, lấn biển lập làng và làm thuỷ lợi là một nét đặc thù riêng. 

Con cháu của các Tiên Công đều tự hào mình có thuỷ tổ từng về khai canh, lập ấp từ khi bãi triều còn hoang sơ và luôn nguyện gìn giữ được nét văn hoá gốc của người Hà Thành. Những ngày giỗ tổ, lễ tiết đều trở thành ngày hội của cả dòng họ".

Đại tá Hoàng Quốc Văn - Trưởng Công an Thị xã Quảng Yên cho biết: Trong suốt tháng Giêng, cùng với lực lượng Công an địa phương, các ban ngành, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, trong đợt cao điểm giữ gìn ANTT, ATXH, phòng chống, trấn áp tội phạm, anh em CBCS đều phải căng mình làm việc! 

Năm nay cũng là năm cao điểm vì nằm trong 100 hoạt động của tỉnh Quảng Ninh hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia mà Nhà nước chọn tỉnh nhà là đơn vị đăng cai của năm 2018. Lễ hội Tiên Công là 1 trong 100 hoạt động đầu tiên của tỉnh hưởng ứng lễ hội du lịch. 

Riêng trong ngày 20-2 vừa qua, khi tỉnh nhà đón nhận bằng ghi danh lễ hội Tiên Công là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, Công an xã đã có riêng một kế hoạch với 7 tổ công tác tăng cường, phối hợp với Công an tỉnh, với lực lượng An ninh cơ sở, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, nhất là khu vực Hải Nam. Công an xã cũng được tăng cường cho công tác bảo vệ nhiều khu vực "trọng điểm" như chùa Yên Tử nơi có lưu lượng người, du khách hành hương tới tham quan đầu năm tăng vọt. 

Ngày 9-3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã vừa họp công bố chủ trương chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.080 năm và 730 năm Chiến thắng Bạch Đằng gắn với Năm du lịch. Công tác bảo vệ tập trung vào vấn đề ATGT, chống việc gây ùn tắc, việc vi phạm các vấn đề lễ hội như nạn trộm cắp, móc túi hay cờ bạc... 

CBCS trong đơn vị cũng đã chuẩn bị tinh thần cho một đợt triển khai công tác mới với nhiều việc phải làm trong việc bảo đảm ANTT, an toàn cho khách du lịch và người dân trong dịp lễ hội. Cho đến giờ này công tác bảo đảm ANTT-ATXH của địa bàn vẫn được đảm bảo một cách tốt nhất".

Huyền Nga
.
.
.