Câu chuyện đuổi bắt

Thứ Tư, 23/08/2017, 10:44
Sau mấy tháng lặng lẽ, ông Đoàn Ngọc Hải lại tiếp tục công việc dẹp vỉa hè. Lần này không rầm rộ nhưng kiên quyết.


Lý do là “vỉa hè bị tái lấn chiếm trở lại khi vắng bóng lực lượng chức năng”. Hiện tượng “bắt cóc bỏ đĩa” là việc quá quen thuộc. Thế nên mỗi khi cơ quan chức năng nói “triển khai quyết liệt” thì mọi người vẫn bán tín bán nghi.

Ai cũng biết cần đường thông hè thoáng, vấn đề là cách nào. Dường như chúng ta thiếu một giải pháp mang tính chìa khóa. Việc đỗ xe hay cửa hàng lấn chiếm vỉa hè xuất phát từ thói quen để lâu cứt trâu hóa bùn.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Ở một số nước Âu, Mỹ, người bán hàng bằng xe lưu động mỗi ngày phải ở một vị trí khác nhau trong thành phố. Họ được đăng ký theo lịch quy định. Chúng ta có thể áp dụng quản lý nhóm này nếu thực sự muốn làm. Công nghệ số cho phép chúng ta thực hiện.

Đến trung tâm thành phố láng giềng rất gần chúng ta là Kuala Lumpur, rất ít hàng rong hay cửa hàng dọc đường. Đường của thành phố này là huyết mạch giao thông chứ không kết hợp với chợ. Các chung cư đều dành một diện tích cần thiết làm nơi đỗ ôtô nên xe ôtô của họ không lấn chiếm đường trong thành phố. Người dân ở đây di chuyển bằng tàu điện dưới và trên mặt đất.

Thành phố Bangkok cũng vậy. Chỉ có đường, nhà ở hoặc văn phòng. Rất hiếm khi có nhà ở kết hợp với bán hàng. Không có cửa hàng thì sẽ không có xe đỗ để vào mua hàng. Việc mua bán đã có những trung tâm mua sắm, siêu thị lớn giải quyết.

Những khu mua sắm lại liên thông với nhau, kết nối với hệ thống tàu điện nên người mua sắm hoàn toàn chìm đắm trong thế giới của mình sau khi bước lên cầu thang của người đi bộ để vào khu mua sắm đầu tiên.

Tiểu thương vỉa hè không thể tồn tại, nhưng họ có thể “gia nhập” vào một hình thức buôn bán thông minh hơn.

Ở đây, người ta quy hoạch những khu chợ rất lớn dành cho những người buôn bán nhỏ. Thí dụ như chợ Chatuchak có tới 15.000 gian hàng. Người ta ước tính rằng chợ đón khoảng từ 200.000 đến 300.000 lượt khách mỗi ngày. Chợ được xây từ năm 1938. Các chợ to hình thành thì các chợ cóc biến mất.

Trở lại với câu chuyện của chúng ta. Nếu không có giải pháp tốt thì tiểu thương sẽ luôn luôn tái phạm với hè vì đó là nguồn sống của họ. Thực tế, trong rất nhiều năm, các thành phố chúng ta tồn tại giống như cái chợ. Thị xã bé thì cái chợ nhỏ. Thành phố to thì là chợ khổng lồ. Ai cũng trổ cửa hàng ra bán cái gì đó.

Chúng ta thích cà phê vỉa hè hoặc quán nước bên đường thành một thói quen khó bỏ.

Giải quyết việc đường thông hè thoáng phải đi cùng với giải pháp đời sống nhân sinh và thói quen văn hóa. Điều này không phải “nhiệm vụ bất khả thi” bởi Hội An đã làm và làm được.

Giải quyết vỉa hè không thể triển khai quyết liệt theo kiểu đuổi bắt. Thay đổi hành vi cần phải xử lý ở phần gốc chứ không phải ngọn.

Còn bạn. Bạn có thích ngồi quán nước vỉa hè không?

Lê Tâm
.
.
.