Cách thi có 'tiếp tay' cho việc học lệch?

Thứ Năm, 30/07/2015, 07:00
Theo kết quả thi THPT quốc gia 2015 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, số học sinh bị điểm liệt chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong đó, riêng môn Toán có  gần 40 ngàn thí sinh bị điểm liệt, đứng "đầu bảng" trong 8 môn thi. Tiếp đến là các môn Lịch sử, Ngữ văn và Địa lý với số thí sinh bị điểm liệt mỗi môn cũng lên tới hàng ngàn. Từ những con số trên cho thấy, tình trạng học lệch ở bậc THPT đang là một vấn nạn đáng báo động.

Trước thời điểm diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng cảnh báo rằng:  Với cách thi chỉ có 3 môn chính bắt buộc là Văn, Toán và Ngoại ngữ và một môn tự chọn sẽ làm học sinh học lệch nhiều. Bởi lẽ tâm lý của học sinh hiện nay khá "thực dụng" là chỉ môn học nào nằm trong khối thi đại học và tốt nghiệp thì mới học. Và điều này đã được thể hiện rõ trong kết quả thi THPT quốc gia năm nay khi số lượng học sinh bị điểm liệt lên tới hàng ngàn.

Học sinh thi THPT quốc gia 2015.

Trong những cuộc trò chuyện với phóng viên, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT từng trăn trở: "Một trong những mục tiêu của giáo dục THPT là hướng tới sự phát triển căn bản, toàn diện. Do vậy, ở các năm trước, thi tốt nghiệp THPT thường bắt buộc thí sinh phải thi 6 môn, thay vì 4 môn như hiện nay. Trong đó, ngoài 4 môn bắt buộc, có 2 môn học thường đến phút chót Bộ GD&ĐT mới công bố với mục đích yêu cầu học sinh phải học đều, hạn chế thấp nhất việc học sinh học lệch.

Tuy vậy, tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, việc thi tốt nghiệp đã được Bộ GD&ĐT rút gọn xuống còn 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn. Đây rõ ràng là một cách thi khuyến khích học sinh học lệch. Và dường như trong cuộc chạy đua tự chọn môn thi, các môn khoa học xã hội đang bị "thất sủng", bị quay lưng. Môn Lịch sử đang bị "xem thường" và đang đứng trước nguy cơ trở thành môn học, môn thi dễ bị "khai tử" khi ngày càng có rất ít học sinh lựa chọn".

Cũng theo TS. Lê Viết Khuyến, cá nhân ông thiên về phương thức thi đánh giá năng lực như cách mà Đại học quốc gia Hà Nội vừa mới tiến hành, làm một bài thi đánh giá năng lực chung cho tất cả các môn để thúc đẩy sự học toàn diện. Cách thi này vừa đánh giá được đầy đủ cả năng lực chuyên sâu lẫn năng lực toàn diện của học sinh; vừa hạn chế được nhiều tiêu cực phát sinh thường thấy trong quá trình coi thi và chấm thi, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền của cho cả thí sinh, gia đình và xã hội.

Là người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, ông Vũ Đức Thuật, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) nhận định: Cách thi xét tốt nghiệp theo 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn như năm nay sẽ vô hình trung "tiếp tay" cho học sinh học lệch. Bằng chứng là nhìn vào tỷ lệ học sinh đăng ký các môn tự chọn năm nay cho thấy có một sự chêch lệch quá lớn. Trong đó, môn Lịch sử đứng cuối bảng với số lượng đăng ký dự thi khá "thảm hại" và có những hội đồng thi chỉ có duy nhất một thí sinh thi môn này.

Từ những con số trên cho thấy, dường như chúng ta đang đối xử "thiếu công bằng" đối với môn Lịch sử, một môn học lẽ ra cần phải đưa vào làm môn thi bắt buộc. Không dừng lại ở đó, kết quả thi THPT quốc gia 2015 với 443 thí sinh "dính" điểm 0 môn Lịch sử càng khiến cho những người nặng lòng với môn học này cảm thấy xót xa. Xót xa vì đó là hệ quả tất yếu của việc dạy và học môn Lịch sử cùng với cách hành xử thiếu công bằng khi xem Lịch sử là môn phụ, là môn học bị coi nhẹ, thậm chí "xem thường" nhất trong các môn học phổ thông.

"Học sinh ta vốn thực dụng. Học là phải thi, còn không thi thì sẽ không học. Với lập luận ấy, e rằng trong tương lai môn học này sẽ không có gì sáng sủa hơn khi nó tiếp tục là môn tự chọn, chỉ học sinh nào thi mới học"- ông Vũ Đức Thuật bày tỏ quan ngại.

Dưới góc độ là người trực tiếp làm công tác nghiên cứu về Lịch sử, TS. Nguyễn Văn Khoan, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận: Việc Bộ GD&ĐT loại môn Lịch sử ra khỏi các môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp như vừa qua chứng tỏ các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục của chúng ta hiện nay đã không hiểu hết về vị trí của môn học này.

Thực tế trên cho thấy, môn Lịch sử đã không được coi như một môn khoa học có tính giáo dục tình cảm con người, bao gồm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đạo đức của các bậc tiền nhân. Nếu một đứa trẻ không biết lịch sử, không tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc mình sẽ như thế nào khi chúng lớn lên? Khi cần bảo vệ Tổ quốc, liệu có thể lấy kinh tế thị trường, tài chính, ngân hàng... để làm vũ khí thay cho tinh thần dân tộc? Nước Mỹ chỉ có lịch sử 200 năm nhưng trong số 5 môn thi tốt nghiệp của họ không bao giờ thiếu môn Sử, trong khi lịch sử đất nước ta những 4.000 năm thì môn Sử lại bị xem như môn thứ yếu.

Học lệch khiến học sinh dễ bị ngô nghê khi bước vào đời

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Chia sẻ với PV Báo CAND, PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Điều quan trọng nhất của giáo dục phổ thông là sự toàn diện, căn bản chứ không phải phân hóa. Trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, nhiều chuyên gia giáo dục đã đề xuất kỳ thi phải bắt buộc có 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và thêm hai bài tổng hợp theo kiến thức tự nhiên và xã hội. Với cách thi như thế vừa rút ngắn thời gian, vừa định hướng học sinh phải có kiến thức tổng hợp, toàn diện bên cạnh kiến thức chuyên sâu. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thi THPT quốc gia theo 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Theo đó, học sinh sẽ chỉ được chọn thêm 1 môn, hoặc là tự nhiên hoặc là xã hội. Điều này sẽ rõ ràng sẽ dẫn đến việc học lệch của học sinh ngay từ năm học lớp 10. Học sinh chọn môn tự chọn là tự nhiên sẽ không chú ý học các môn xã hội còn lại. Ngược lại, học sinh nào chọn môn xã hội sẽ không chú ý học các môn tự nhiên khác. Trong khi đó, chương trình phổ thông lại yêu cầu phải học tất cả các môn học này. Hệ quả trước mắt là chất lượng giáo dục chung sẽ không đạt chuẩn hoặc bị suy giảm bởi có những môn học sinh buộc phải đến lớp mà không muốn học, không thích học, gây ức chế cho cả người học và người dạy; lãng phí lớn.

Về lâu dài, việc học lệch này cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng học sinh Việt Nam bởi khi ra trường, nếu không có được kiến thức căn bản, tối thiểu, học sinh sẽ trở nên ngô nghê và thiếu linh hoạt trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Nếu Bộ GD&ĐT không lắng nghe dư luận xã hội, không nghiên cứu, điều chỉnh, rút kinh nghiệm mà vẫn tiếp tục duy trì cách học, cách thi như thế thì những câu chuyện ngô nghê, "dở khóc dở cười" về kiến thức Lịch sử của học sinh phổ thông như Nguyễn Huệ và Quang Trung là hai anh em, Bà Trưng và Bà Triệu là hai chị em sẽ tiếp tục tái diễn, thậm chí có thể tiếp tục gia tăng khi môn học này ngày càng ít được học sinh lựa chọn, thậm chí có thể bị "khai tử".

Huyền Thanh
.
.
.