COVID-19 áp đặt luật chơi mới với thế giới

Thứ Năm, 25/06/2020, 10:38
Tính đến ngày 22-6, thế giới đã có gần 9 triệu ca nhiễm COVID-19 khiến Tổng Giám đốc WHO phải tuyên bố đại dịch đã bước sang giai đoạn “mới và nguy hiểm”.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong tổng số 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch Covid-19, với 2.330.908 ca nhiễm và 121.999 ca tử vong. 

Tiếp đến là Brazil với 1.070.139 ca nhiễm và 50.058 ca tử vong; Nga 584.680 ca nhiễm và 8.111 ca tử vong; Ấn Độ với 412.788 ca nhiễm và 13.290 ca tử vong. Virus SARS-CoV-2 vẫn lây nhiễm nhanh và vẫn gây chết người và hầu hết mọi người vẫn dễ mắc bệnh. Từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ đến châu Phi, virus SARS-CoV-2 đang áp đặt luật chơi mới với các quốc gia.

Châu Á đảo lộn

Với hơn 380.000 bệnh nhân, Ấn Độ có số ca lây nhiễm cao thứ tư trên thế giới. Thảm cảnh của nước đông dân thứ hai thế giới là sau hai tháng phong tỏa, các biện pháp ngăn ngừa dịch không mấy hiệu quả. Trong khi đó, một tháng sau khi dỡ bỏ hầu hết các quy định giãn cách xã hội, kinh tế vẫn còn điêu đứng.

Theo RFI, nhà máy tại các khu công nghiệp cách xa các thành phố đã hoạt động trở lại từ đầu tháng 5. Dịch bệnh chủ yếu hoành hành tại các thành phố lớn. Thế nhưng, từ giữa tháng 5 vừa qua, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, dân chúng đã gần như tự do đi lại. 

Mỗi ngày có đến hơn 6 triệu lao động không có việc làm ở thành phố đã tìm tới các khu công nghiệp để kiếm sống. Virus qua đó đã đột nhập luôn vào những nơi mà tới nay còn tương đối an toàn. Hiện có hai vấn đề cản trở kinh tế Ấn Độ hồi phục. 

Trước hết là các nhà máy thiếu nguồn nhân lực để phục vụ sản xuất và cùng lúc vì các biện pháp an toàn chống dịch lây lan được tăng cường, các nhà máy không thể tuyển dụng thêm nhân công. 

Chính phủ có hứa bơm thêm 250 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế, nhưng các chuyên gia không mấy tin tưởng vào hiệu quả của kế hoạch này. Đơn giản là vì chính quyền chủ yếu giảm thuế cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho số này dễ được cấp tín dụng. 

Thế nhưng, giới tiểu thương, những người buôn bán nhỏ lại chiếm số đông và không được trợ giúp. Trong gói hỗ trợ của chính phủ, chỉ có 10% là dưới dạng trợ cấp trực tiếp. Để có hiệu quả, tỷ lệ này phải cao hơn nhiều.

Trong nhiều năm qua tăng trưởng của Ấn Độ ở khoảng từ 4-7%/năm. Với phương Tây đây là cả một thành tích, nhưng tỷ lệ này là điều kiện cần thiết để tạo công việc làm cho từ 8-10 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động Ấn Độ hằng năm, đồng thời để cưu mang hàng triệu người vẫn đang sống trong cảnh bần cùng. 

COVID-19 đã chặn đứng đà tăng trưởng của Ấn Độ khiến lần đầu tiên từ hơn 4 thập niên qua, kinh tế suy thoái. GDP giảm từ 3 đến 4 %. Ấn Độ phải trả cái giá đắt về mặt xã hội. Theo thẩm định của Tổ chức Lao động Quốc tế, đại dịch lần này có thể đẩy 400 triệu người có thu nhập bấp bênh vào cảnh khốn cùng.

Một phụ nữ tử vong vì virus Corona được gia đình chôn cất tại ngoại ô Mexico City ngày 19-6.

Trong khi đó, tính tới ngày 18-6, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất với hơn 43.000 ca nhiễm và hơn 2.300 ca tử vong. Nhưng dịch COVID-19 đã khiến Indonesia xuất hiện một loại tội phạm mới, đó là nạn cướp xác bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện.

Từ đầu mùa dịch, Indonesia đã ban hành những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về mặt vệ sinh. Thi thể bệnh nhân chết vì COVID-19 phải được bọc trong những tấm nilon mỏng, thân nhân không được nhìn mặt lần cuối, và nhất là không được động vào thi thể người chết. 

Lễ an táng phải được nhanh chóng cử hành. Đối với gia đình người quá cố, đây là điều hết sức đau lòng, thậm chí là một hành động vô nhân đạo, bởi vì trong truyền thống Hồi giáo, người ta tắm rửa, thay quần áo cho người vừa nằm xuống để rửa sạch bụi trần. 

Vì vậy nhiều bệnh viện tại Makassa, thủ phủ đảo Célèbes, tuần qua đã bị tấn công khi người nhà của các bệnh nhân thiệt mạng vì COVID-19 đột nhập vào bệnh viện để cướp xác thân nhân. 

Nhiều vụ tương tự cũng đã xảy ra tại Surabaya, thành phố lớn thứ hai tại Indonesia, chỉ sau có Thủ đô Jakarta. Những người bị bắt quả tang có thể lãnh án 7 năm tù. Indonesia vẫn chưa khống chế được dịch bệnh.

Còn tại Hàn Quốc, trong mục tiêu ngăn ngừa dịch COVID-19, từ giữa tháng 6-2020, mã QR gần như là giấy thông hành khi ai đó muốn vào một cửa hàng ăn uống, quán nước hay các tụ điểm giải trí. 

Theo quy định mới, khách vào các quán bar, hộp đêm hay quán karaoke theo kiểu Hàn Quốc phải tải mã vạch QR Code qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trước khi vào cửa phải scan mã này. 

Tất cả những thông tin cá nhân phải được thu vào một danh bạ số và trong trường hợp cần thiết thì các giới chức y tế có thể tìm và liên lạc được với những ai đã lui tới một địa điểm nào đó. 

Trong cuộc chạy đua với thời gian để phát hiện virus Corona lan tới đâu, chính quyền Hàn Quốc đã sử dụng hệ thống định vị qua điện thoại thông minh, tìm kiếm qua dấu vết khi bạn sử dụng thẻ tín dụng hay qua hệ thống camera theo dõi. Với phương pháp dùng mã QR, chính quyền rút ngắn thời gian tìm kiếm những đối tượng có thể bị nhiễm, cách ly những trường hợp này càng sớm càng tốt.

Để trấn an người dân trước lo ngại các dữ liệu cá nhân bị thất thoát, chính phủ khẳng định tất cả những thông tin thu thập đều được quản lý chặt chẽ trong khuôn khổ pháp luật và toàn bộ những thông tin này sẽ được hủy một khi đẩy lui được đại dịch. 

Đối với đa số dân Hàn Quốc, lo ngại một làn sóng dịch bệnh thứ hai là một lý do chính đáng để sử dụng phương pháp mã QR. Theo một cuộc thăm dò, hơn 70 % những người được hỏi ủng hộ giải pháp này và chỉ có 16 % chống đối. Sắp tới đây Seoul dự trù mở rộng việc dùng QR code cho cả các rạp chiếu phim, các cơ sở tôn giáo và cả bệnh viện.

Quán Café de Flore nổi tiếng ở Paris, Pháp, khi được mở cửa trở lại đón khách ở ngoài hiên.

Mỹ Latinh trong cơn bấn loạn

Trong khi đó, dịch COVID-19 đang khiến các quốc gia châu Mỹ Latinh và vùng Caribe loay hoay đối phó khi đã có hơn 2 triệu ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó Brazil có gần 50.000 người chết, Mexico: 20.000 người chết, Chile: 4.000 người chết vì COVID-19.

Theo số liệu của cơ quan y tế, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Brazil đã lên trên 1 triệu  người, trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ, về số ca nhiễm và tử vong vì dịch COVID-19.

Thực tế, Brazil đã có nhiều tháng để nghiên cứu những thành công và sai lầm của các quốc gia đầu tiên bị COVID-19 tấn công. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng hùng mạnh của Brazil đáng ra phải được triển khai để tiến hành kiểm tra hàng loạt cũng như theo dõi các diễn biến của bệnh nhân mới nhiễm bệnh. 

Khi các quốc gia bắt đầu thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của virus hồi tháng 2 và tháng 3, Tổng thống Bolsonaro lại hạ thấp các rủi ro và khuyến khích các cuộc tụ họp công cộng. Hội đồng Điều dưỡng Liên bang Brazil (COFEN) cho biết, việc không đủ thiết bị bảo vệ và khối lượng công việc quá tải đã khiến hàng nghìn chuyên gia y tế bị nhiễm virus và các bệnh viện trở thành nơi không an toàn.

Còn tại Mexico, số người chết vì dịch tăng nhanh khiến Chính phủ phải trì hoãn một tuần quyết định dỡ bỏ phong tỏa, dự kiến vào ngày 22-6, đồng thời phải nâng dự báo lên 35.000 ca tử vong, trong khi giới chuyên gia cho là số nạn nhân sẽ còn nhiều hơn nữa. 

Theo các chuyên gia y tế, Mexico đang chờ đỉnh dịch nhưng cho đến nay không có dấu hiệu virus SARS-CoV-2 giảm tốc độ lây nhiễm. Mexico đang vất vả tìm một thế cân bằng giữa nhu cầu y tế bảo vệ tính mạng người dân với nhu cầu kinh tế quốc gia tại một nước mà đại đa số người dân sống nhờ thu nhập lao động từng ngày. 

Sau hơn hai tháng phong tỏa, giờ đây đã đến lúc 32 bang tự tìm cách thích hợp nhất để bình thường hóa sinh hoạt. Vấn đề nằm ở chỗ Mexico là một trong những nước ít sử dụng xét nghiệm nhất cho nên chính quyền chỉ có cái nhìn phiến diện về tình hình dịch COVID-19. 

Cho đến nay, bệnh viện ở Mexico chưa bị quá tải. Nhưng nếu mở cửa không đúng lúc, đúng chỗ thì có thể làm thay đổi hiện trạng và làm tăng thêm số nạn nhân vốn đã quá cao.

Nhân viên nhà tang lễ ở Rio de Janero (Brazil) đang di chuyển thi hài một nạn nhân COVID-19.

Châu Âu hy vọng đã qua đỉnh dịch

Trong khi các quốc gia Nam Mỹ đang đối mặt với dịch bệnh trầm trọng thì từ ngày 15-6, các quốc gia Liên hiệp châu Âu (EU) tiếp tục nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới. Nhịp sống thường nhật đang quay trở lại tại Thủ đô Paris, Pháp. 

Nhà hàng, quán ăn mở cửa lại đón rất đông thực khách, tháp Eiffel đang chuẩn bị những công đoạn cuối để mở cửa đón khách du lịch ngay trong tuần này. Biên giới Schengen mở lại, sự bận rộn quay trở lại tại các sân bay châu Âu. Một số nước như Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Síp đã mở lại đường bay quốc tế.

Tuy nhiên, Thụy Điển đứng ngoài danh sách này do mức độ lây lan của virus còn rất mạnh. Tính theo tỷ lệ dân số, số người chết tại quốc gia Bắc Âu này thuộc diện cao vào bậc nhất trên thế giới, với hơn 5.000 ca tử vong trên tổng số 10 triệu dân. Tại Thủ đô Stockholm, các hoạt động liên quan đến ngành du lịch giảm  90%. 

Cũng như Thuỵ Điển, ngành du lịch nhiều nước châu Âu vẫn điêu đứng vì  khách du lịch vẫn chưa sẵn sàng đến những chỗ đông người. Trong khi các đường bay quốc tế chưa nối lại cũng khiến giảm một lượng lớn khách từ châu Á.

Rõ ràng, với những gì đang diễn ra, hệ luỵ do dịch COVID-19 gây ra sẽ còn kéo dài đòi hỏi từ các chính phủ, từng doanh nghiệp và người dân phải tìm cách phù hợp để thích ứng
Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.