Bán tháo khách sạn vì COVID-19

Thứ Tư, 09/09/2020, 08:42
Dịch COVID-19 khiến nhiều ngành dịch vụ gần như đóng băng suốt 8 tháng đầu năm, đặc biệt là du lịch khi không có khách quốc tế, kéo theo nhiều nhà hàng, khách sạn tê liệt. Kinh doanh ế ẩm, nhiều chủ khách sạn đã phải rao bán…


Ồ ạt bán, sang nhượng khách sạn vì COVID-19

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, lượng du khách tới Hà Nội giảm tới 65,4%, xuống còn 4,93 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế giảm 68,8%. Lượng khách du lịch quý II giảm 84% xuống còn 1,08 triệu lượt.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, ngành kinh doanh khách sạn rơi vào một thảm cảnh chưa từng có; không ít chủ khách sạn không trụ được đã phải rao bán khách sạn. Tại Hà Nội, các khách sạn được rao bán chủ yếu tập trung ở khu vực quận Hoàn Kiếm, với giá từ hàng chục cho đến hàng trăm tỷ đồng.

Hình ảnh thế này không còn hiếm tại một số con phố nổi tiếng là đất vàng để kinh doanh dịch vụ khách sạn.

Theo khảo sát của phóng viên tại phố Hàng Buồm, một khách sạn tại đây rao bán công khai với giá 77 tỷ đồng. Khách sạn này đã hoạt động 5 năm, với 20 phòng và chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Còn một khách sạn tại phố Hàng Gai, với 83 phòng ngủ được rao bán với giá 300 tỷ đồng. Đây là khách sạn 4 sao với đầy đủ dịch vụ như spa, cà phê, nhà hàng.

Anh Lê Minh Thanh, một nhà đầu tư trong lĩnh vực khách sạn trên phố cổ Hà Nội cho biết: “Các khách sạn trên phố cổ chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, tuy nhiên do lệnh cấm bay vì dịch bệnh quá dài nên từ đầu năm đến nay gần như không có khách. Bên cạnh đó, chi phí để vận hành khách sạn vẫn không thay đổi, thậm chí còn cao hơn. Rất nhiều chủ khách sạn ở đây rơi vào khủng hoảng, cực chẳng đã mới phải rao bán”.

Có những người đầu tư vào ngành khách sạn được 1 năm thì đã rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Đơn cử như một khách sạn trên phố Tạ Hiện, ông chủ mới bắt đầu kinh doanh khách sạn từ tháng 8-2019 đã phải ngậm trái đắng. Mọi chi phí vay lãi ngân hàng, nhân công, điện nước, thuế… mỗi tháng phải trả gần 200 triệu đồng để vận hành. Dịch bệnh bùng lên, từ tháng 2-2020 gần như phải đóng cửa vì giãn cách xã hội, đến ngày được mở lại từ tháng 6 vẫn vắng bóng khách thuê.

Ông chủ khách sạn này chia sẻ: “Không còn cách nào khác là phải rao bán. Thực tế thì cứ rao bán thôi chứ chắc gì ai đã dám mua, chẳng mấy ai liều lĩnh để đầu tư khi mà dịch COVID-19 vẫn còn chưa chấm dứt. Có chăng chỉ có những người nhiều tiền, họ đầu tư chờ thị trường nóng lên thôi. Như khách sạn của tôi rao bán hơn 1 tháng nay nhưng chưa có ai đến hỏi, thậm chí gọi điện cũng không có luôn”.

Cùng chung hoàn cảnh, Anh Nguyễn Văn Nam, chủ của khách sạn trên phố Bát Sứ (Hoàn Kiếm) cho hay, do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên anh đã phải rao bán khách sạn 25 phòng, có nhà ăn riêng. Mặc dù chào giá 138 tỷ đồng nhưng chủ khách sạn cũng không giấu được lo lắng khi số người hỏi mua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trên các trang web về bất động sản có rất nhiều người rao bán khách sạn.

“Từ khi rao bán, cũng lác đác vài ba người đến xem mặt bằng nhưng rồi họ lại đi. Thời buổi khó khăn thì không phải ai cũng dám bỏ ra hàng trăm tỷ để kinh doanh lúc này. Chẳng ai biết được khi nào thì thế giới khống chế được dịch COVID-19, vì thế việc đầu tư vào khách sạn là rất liều lĩnh”, anh Nam chia sẻ.

Chị Hoa, chủ một khách sạn trên phố Hàng Bè, cũng đang rao bán khách sạn này với với giá 67 tỷ đồng. “Trước đó mỗi tháng tôi thu về khoảng 250 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch, thì gần 5 tháng nay không có doanh thu vì vắng khách du lịch. Đầu tư không nhỏ, trong khi nợ ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng nên giờ bán gấp mới may ra đỡ lỗ. Biết là tiếc công gây dựng nhưng cũng không còn cách nào khả dĩ hơn", chị Hoa than thở.

Bi đát hơn, anh Lê Vinh, chủ một khách sạn trên phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) cho biết nhà anh phải thuê và đầu tư 2 tỷ để trang bị nội thất. Nhưng từ khi hoàn thiện xong thì dịch bùng phát. “Tôi đã trả tiền thuê nhà 3,6 tỷ đồng. Giờ không kinh doanh được, không có tiền đóng tiền nhà nữa nên buộc phải sang nhượng. Tôi chỉ mong chuyển nhượng được để lấy lại tiền đặt cọc với chủ nhà, không lấy phí sang nhượng và tiền đã đầu tư vào nội thất", anh Vinh cho hay.

Thị trường phụ thuộc vào việc khống chế dịch

Theo thống kê, nguồn cung thị trường khách sạn trong quý II-2020 khoảng 9.950 phòng, với 16 khách sạn 5 sao, 19 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao. Tuy nhiên, hai khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao, chủ yếu ở khu vực quận Hoàn Kiếm tiếp tục đóng cửa.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam thì dự kiến vào nửa cuối năm 2020 sẽ có thêm 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao và 1 khách sạn 3 sao đi vào hoạt động.

Một khách sạn tại phố Bát Sứ được rao bán với giá 75 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thu Hằng, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam, cho tới khi các chuyến bay quốc tế được mở lại thì nguồn khách chính của thị trường khách sạn vẫn là khách nội địa. Chính vì thế, các khách sạn được đặt trên vị trí đắc địa như phố cổ Hà Nội vẫn gặp khó khăn, bởi nguồn thu thường đến chủ yếu từ khách du lịch nước ngoài.

Theo nhiều chuyên gia thì lĩnh vực kinh doanh khách sạn hiện nay là “vô phương cứu chữa” khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp. Ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam cho biết: “Thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vaccine phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn”.

Trước những phân tích và tình hình thực tế, nhiều chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, làn sóng bán tháo khách sạn sẽ ngày một tăng bởi chủ yếu khách sạn thường hoạt động dựa vào vốn vay. Khi lượng khách tiếp tục giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát trong nước, nhiều chủ đầu tư sẽ buộc phải thanh lý khách sạn để trả nợ.

Phong Anh
.
.
.