Bà chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất mây tre lá được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phong “tướng”

Thứ Năm, 31/12/2015, 09:00
Bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1937, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) là chủ nhiệm hợp tác xã Ba Nhất chuyên sản xuất mây tre lá. Ấy vậy mà bà Cúc lại được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phong “tướng” sau lần gặp đầu tiên. Không những thế, sau lần gặp này, giữa vị Đại tướng của dân tộc và bà Cúc lại có những lần gặp gỡ sau đó.

Bị giặc Pháp truy bắt, người cha phải thay tên đổi họ

Đến thị trấn Uyên Hưng hỏi về bà Cúc – chủ nhiệm hợp tác xã Ba Nhất thì ai cũng rành. Những người dân nơi đây coi bà Cúc như là một vị “tiên sống” giữa đời thường bởi những gì bà đã đóng góp cho đời. Bà Cúc vốn quê gốc ở Bình Định, được sinh ra trong gia đình mà cả bố và mẹ đều đi theo cách mạng. Chính vì có sẵn dòng máu yêu nước của bố mẹ nên từ nhỏ bà Cúc đã tự ý thức được những gì mình làm để sau này khi lớn lên sẽ cố gắng góp công sức cho quê hương, đất nước.

Kể về hoàn cảnh gia đình mình, bà Cúc không thể quên được ký ức về người cha hết lòng cho cách mạng. Bà Cúc chậm rãi nói: “Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nên tôi hiểu thế nào là đau thương mất mát. Sự mất mát là quá lớn, mất người thân, mất quê hương... Đó là nỗi đau mà ai cũng phải trải qua nếu chẳng may sinh ra trong thời chiến. Ba mẹ tôi đều tham gia cách mạng nên tôi càng hiểu rõ hơn về sự chia lìa mỗi khi có người thân ra chiến trường”.

Bố bà Cúc tên thật là Đoàn Nhượng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Nhượng bị giặc Pháp bắt coi là một tử tù và bị đày ra Côn Đảo. Không chịu khuất phục trước giặc, cũng như muốn giữ lấy mạng sống để cống hiến cho đất nước, ông Nhượng đã tìm cách vượt Côn Đảo trở lại đất liền. Đương nhiên, cuộc trốn thoát không hề dễ dàng chút nào, giặc Pháp đã dán thông cáo khắp nơi để vây bắt lại người tử tù.

Bà Cúc được chụp hình cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong quá trình bỏ chạy, ông Nhượng trôi vào một bờ biển và gặp một người ăn mày đã chết, trên mình còn đeo thẻ thông hành. Lúc này, giặc Pháp đang đuổi bắt ráo riết sau lưng, ông Nhượng đã đưa xác người chết vào bìa rừng chôn, rồi lấy chiếc thẻ thông hành. Để tránh tai mắt của giặc tưởng mình đã chết cháy, ông đem bộ quần áo tử tù treo trên cây đốt, cũng như đổi tên Đoàn Nhượng thành tên người ăn mày là Nguyễn Thái Vận.

Từ đây, họ tên này gắn liền với người tử tù vượt Côn Đảo. May mắn thay, cuộc chạy thoát này đã giúp ông Nhượng nằm ngoài tầm kiểm soát của giặc. Sau khi cảm thấy an tâm, ông Nhượng tìm cách liên lạc lại với những người đồng chí cách mạng để tiếp tục hoạt động chống giặc cứu nước. Sau đó, ông Nhượng nhận được chỉ thị của tướng Cao Văn Khánh cùng một số đồng chí khác lập nên một chiến khu tại Bàu Ruộng (tỉnh Bình Thuận).

Đây được coi là chiến khu khá quan trọng của ta vào thời bấy giờ. Bởi đây là chiến khu không những dùng để trồng bông dệt vải, may quần áo cho bộ đội, mà còn là nơi sửa chữa súng đạn chế tạo mìn. Chính vì thế, chiến khu là nơi hay có các vị tướng tài lui tới. Tại đây cũng thường xuyên diễn ra các cuộc họp của các đoàn quân từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, là nơi gắn liền với cuộc chiến chống giặc cứu nước. Đặc biệt hơn, đây còn là nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số tướng lĩnh khác như tướng Cao Văn Khánh, Đại tá Phan Hạo... đã từng đến.

Vì vậy, khi kể về cuộc đời cha mình, bà Cúc rất tự hào và không khỏi xúc động. Lớn lên trong gia đình như vậy nên bà càng phải nỗ lực hết mình hơn nữa, để ngoài việc lo đủ cho cuộc sống của mình, bà còn muốn dành tâm huyết cống hiến cho quê hương đất nước, như người cha mà bà luôn nhớ, và cũng là tấm gương để nhìn vào mỗi khi suy tư. Chính vì những yếu tố hội tụ đó mà bà Cúc đã làm được việc cần làm.

Được phong “tướng” và hứa với Đại tướng tiếp tục giúp đời

Còn về việc bà Cúc được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời gặp mặt như một sự sắp đặt trước của mối lương duyên. Bà Cúc kể, sự việc bắt đầu từ năm 2003, đó là lần Đại tướng xem tivi thì tình cờ xem được đoạn phóng sự nói về bà Nguyễn Thị Cúc có công lớn trong việc lập ra hợp tác xã Ba Nhất chuyên sản xuất mây tre lá, cứu giúp được nhiều mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ.

Chỉ có xem qua đoạn phóng sự đó thôi nhưng vị Đại tướng bỗng dưng muốn gặp bà chủ nhiệm đã ngoài 70 tuổi này. Sau đó, Đại tướng đã nói yêu cầu này với người thư ký riêng của mình lúc đó là ông Ngũ Mại. Ngay lập tức, ông Mại đã liên hệ với ông Hưng - một cán bộ miền Nam từng là phóng viên chiến trường Điện Biên Phủ, để nhờ lấy thông tin về bà Cúc.

Điều may mắn là ông Hưng lại chính là bạn thân của chồng bà Cúc là Đại tá Trần Kỳ Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Hóa học Quân sự của binh chủng hóa học Bộ Quốc phòng). Vì vậy, mọi thông tin của bà Cúc, ông Hưng đều cung cấp ngay cho người thư ký riêng của Đại tướng. Đại tướng đã nói lại với người thư ký chuyển lời cho bà Cúc rằng, ông không thể đi vào miền Nam được vì sức khỏe nên mời bà Cúc ra, mọi chí phí nếu hợp tác xã không đài thọ được, Đại tướng sẽ đài thọ.

Bà Cúc xúc động kể lại những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nghe những lời này của Đại tướng, bà Cúc không thể tin nổi. Đương nhiên là bà hạnh phúc đến phát khóc và nhận lời ngay. Sau đó, bà Cúc cùng chồng ra Hà Nội gặp một vài người bạn nữa đến thăm Đại tướng. 

Bà Cúc đã thấy Đại tướng nhiều qua tivi, phim ảnh, báo chí, bà cảm thấy Đại tướng là người hết sức giản dị, lần gặp đầu tiên đã minh chứng cho điều đó qua hành động và lời nói. Đại tướng không những giản dị mà còn gần gũi với nhân dân. Bà cảm giác như mình được gặp một người cha luôn thương yêu, che chở cho các con. Bà cũng có đem theo tấm hình mà hồi Đại tướng vào chiến khu D chụp cùng với ông Đoàn Giang, Cao Văn Khánh, Lê Trọng Tấn.

Trò chuyện với Đại tướng được khoảng hơn 2 giờ đồng hồ, sợ Đại tướng mệt nên bà Cúc định xin phép về. Thấy thế, Đại tướng liền giữ bà Cúc và mời ở lại ăn cơm trưa. Bữa cơm diễn ra ấm cúng, thân mật, gần gũi. Điều ngạc nhiên khác nữa là sau bữa cơm, vị Đại tướng của dân tộc không nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục ngồi nói chuyện với bà Cúc và mọi người. Được một lúc, Đại tướng lại mời mọi người ra chụp ảnh chung với mình.

Thấy Đại tướng quá ân cần nên bà Cúc tỏ ra bối rối nói, rằng mình không đánh giặc mà được chụp hình với Đại tướng. Tuy nhiên, vị Đại tướng hiền từ nói: “Đâu có phải là đánh giặc mới là tướng đâu em, em là tướng thời bình, em đánh giặc đói, giặc nghèo. Anh đánh giặc ở Điện Biên Phủ còn có ngày kết thúc chứ em đánh giặc đói, giặc nghèo biết chừng nào kết thúc...”.

Sau đó, bà cùng mọi người ra chụp hình chung với Đại tướng. Bà Cúc lại được Đại tướng mời ở lại dùng bữa cơm chiều. Trước khi ra về, bà Cúc còn được Đại tướng căn dặn, có dịp hãy lên Điện Biên Phủ thăm lại chiến trường mà quân và dân ta đã chiến thắng như thế nào. Đại tướng còn căn dặn bà hãy cố gắng tiếp tục công việc giúp đời mà bà đang làm. Không quên lời hứa với Đại tướng, mặc dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn lên thăm Điện Biên Phủ cũng như góp công lớn để xây dựng hợp tác xã Ba Nhất ngày càng giàu mạnh.

Kể từ đó, bà Cúc còn gặp lại Đại tướng thêm 5 lần nữa. Lần gặp nào cũng để lại ấn tượng sâu đậm khiến bà không bao giờ quên. Được biết, hợp tác xã Ba Nhất đã giúp cho hàng trăm người nghèo khổ, bần cùng của xã hội ở khắp mọi miền đất nước có công ăn việc làm ổn định. 

Nhiều người khi vào đây tay trắng, nhưng sau một thời gian làm việc thì đã có vốn liếng kha khá để lo cho tương lai của mình. Thậm chí, gia đình nào có con ở đây cũng được ăn miễn phí và nếu không có tiền đóng học thì hợp tác xã cũng đài thọ cho nốt. Với những đóng góp của mình, bà Cúc từng được Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng bằng khen.

Sơn Hà
.
.
.