Ấp áp tình nguời sau cơn lũ

Thứ Tư, 23/08/2017, 11:40
Sau những đợt lũ ống, lũ quét hoành hành tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên, những con số thống kê thương vong về người, tổn thất về tài sản, hoa màu vẫn chưa dừng lại.

Nỗi ám ảnh đau xót của người dân những tỉnh bị thiệt hại vẫn chưa nguôi ngoai thì liên tiếp lũ lại chồng lũ. Bao người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, mất nhà, mất người thân…

"Chúng tôi mất trắng rồi"

Có mặt ở xã Nặm Păm, huyện Mường La, Sơn La, chúng tôi không khỏi quặn lòng vì cảnh tượng tang thương mà người dân đang phải hứng chịu.

Mưa vẫn rơi rả rích, nước trên thượng nguồn vẫn cuồn cuộn đổ về. Tiếng trẻ khóc, tiếng người lớn hô hào nhau dọn đường, dựng nhà khiến cả xã Nặm Păm như vừa xảy ra một thảm họa.

 Chẳng ai còn nhận ra dòng suối Nặm Păm hiền hòa ngày nào. Dòng nước lũ khủng khiếp đã cuốn theo hàng nghìn mét khối đất đá, san phẳng một khu vực dài tới 10km. Với một xã quanh năm chỉ dựa vào cấy lúa, trồng ngô, nhà nào khá khẩm có mấy con bò, con trâu thì nay trận lũ đã cuốn phăng mọi tài sản.

Dòng lũ kinh hoàng đã khiến 14 người chết, 15 người bị thương, gần 600 căn nhà bị thiệt hại, hơn 400 hộ phải di chuyển khỏi vùng lũ, hơn 350 ha đất nông nghiệp bị xóa trắng.

Dù mưa đã ngớt nhưng lũ từ thượng nguồn vẫn đổ về dữ dội.

Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy huyện Mường La, Sơn La chỉ tay về phía những ngôi nhà bị san phẳng nói: "Trận lũ quét xảy ra vào rạng sáng ngày 3-8 đã gây ra thiệt hại rất nặng nề cho huyện Mường La. Sau khi cơn bão đi qua, tính tới thời điểm này, chúng tôi đã tìm kiếm và vớt được 13 thi thể, sau đó đã tiến hành chôn cất theo đúng phong tục tập quán của đồng bào. Và làm các chế độ chính sách theo quy định vừa là động viên để đồng bào vơi đi nỗi đau này. Hiện còn 2 người mất tích thì lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tổ chức tìm kiếm cứu nạn để tìm cho bằng được. Ngoài ra chúng tôi cũng đã tổ chức chữa trị, thăm khám cho 15 người bị thương. Đến thời điểm này thì chỉ còn 1 người đang còn điều trị tại bệnh viện tỉnh do vết thương khá nặng ở chân và phải làm phẫu thuật cắt gân chân".

Nhiều người còn nói với nhau, chẳng còn biết nhà mình nằm ở chỗ nào, khu đất nào. Ngồi thẫn thờ nhìn về khu đất của nhà mình, chị Quàng Thị Khương nói: "Bây giờ lại lũ tiếp, mà lũ thì cứ lũ thôi, còn gì nữa đâu mà mất. Hôm đầu tiên lũ về là khoảng 2 giờ sáng, em nghe có tiếng hô to quá, bọn em chạy ra thì trong bản nước ngập hết rồi, lũ cuốn mười mấy nhà. Bọn em giúp nhau thì không kịp vì trời tối, không như ban ngày nên ở bản khác không giúp kịp. Cuốn hết cả nhà cửa không còn gì nữa".

Sống gần 50 năm ở khúc suối Nặm Păm có lẽ đây là lần đầu tiên anh Lường Văn Dom phải trải qua những tháng ngày kinh hoàng đến thế. Anh Dom vốn là người khỏe mạnh nhất nhì trong bản nhưng quần nhau với lũ, lo lắng không ngủ được khiến anh gầy rộc hẳn.

Mắt trũng sâu, anh Dom nói mà nước mắt cứ trào ra: "Gạo, nhà cửa trôi hết rồi, mất cả ruộng ao, trâu bò, lợn gà tất cả tài sản quan trọng, có tivi mới cũng mất. Giờ gia đình chỉ còn lại mỗi khung nhà như này! Con cái, vợ phải di chuyển đến nhà ông bà ở ngoài".

Dựng lại nhà là việc đặc biệt quan trọng lúc này.

Nhiều ngày nay gia đình chị Lường Thị Hiên, bản Hốc phải sống tạm trên một mố đất, căng bạt. Tất cả những gì quý giá, hai vợ chồng vun đắp nhiều năm đã bị lũ cuốn trôi. Chị Hiên tất tả chuẩn bị bao tải đến hội trường Ủy ban xã nhận cứu trợ, chị nức nở: "Nhà có 6 con bò, trôi hết cả rồi. Nhà cũng không còn nữa, tất cả ngô, thóc cũng mất sạch. Bây giờ muốn tìm khu đất của nhà mình chỗ nào cũng khó. Chỉ biết ngồi đây chờ các đoàn cứu trợ phát đồ ăn hàng ngày thôi".

"Có nằm đây cả tháng giúp dân vẫn vui…"

Với số người thương vong, những thiệt hại nặng nề về tài sản, có thể thấy Mường La là rốn lũ của các tỉnh miền núi phía Bắc. Quả thực, có đến nơi đây mới thấy được tình quân dân đẹp thế nào.

Với tinh thần "Vì nhân dân phục vụ", những ngày qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng, nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.

Trên địa bàn huyện Mường La đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị Phòng Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Bên cạnh đó, Công an huyện Mường La và một số đơn vị đã khẩn trương cứu nạn, cứu hộ cả ngày lẫn đêm giúp dân di chuyển nhà cửa, tài sản, dựng chỗ tạm, dọn dẹp sau lũ.

Lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp cùng chính quyền địa phương vận chuyển lương thực, thực phẩm đến từng người dân. Trung sỹ Quàng Văn Linh (Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Sơn La) gạt mồ hôi chia sẻ: "Chúng tôi ở đây cả chục ngày rồi, chứng kiến cuộc sống người dân rất khổ, họ cũng như bố mẹ, người thân của mình vậy. Chúng tôi cố gắng nỗ lực hết sức để vận chuyển hàng hóa và lương thực tiếp tế, di chuyển nhà cửa để người dân vượt qua được khó khăn trước mắt".

Những lúc khó khăn này mới thấy tình người thật ấm áp.

Trong quá trình giúp đỡ bà con, không ít chiến sĩ, cán bộ đã bị thương, song không ai nản chí, bởi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm đối với người dân vùng rốn lũ.

Trung sỹ Quàng Văn Linh tâm sự: "Ở đây làm nhiệm vụ nhiều lúc cũng đói, cũng mệt, nhiều anh em còn bị ngã, đá đè vào chân, sai chân, bong gân, chảy máu nhưng chưa khi nào chúng tôi nản lòng cả. Ở đây 10 ngày chứ cả tháng, vài tháng, thậm chí đến tận khi nào bà con thoát khỏi cảnh này cũng được".

Bên cạnh đó, Công an huyện Mường La bố trí 4 tổ Cảnh sát giao thông hướng dẫn, phân luồng giao thông. Tại các vị trí còn ngập nước đã bố trí các tổ công tác trực 24/24h phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân và sẵn sàng ứng cứu khi có mưa lũ tiếp tục xảy ra.

Lực lượng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Sơn La túc trực 24/24h tại hiện trường để hỗ trợ bà con.

Đại tá Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Sơn La cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức quyên góp được trên 70 suất quà. Vượt qua chặng đường hơn 50 cây số, trong đó có hơn 10 cây số đường đi rất khó khăn để đưa một số nhu yếu phẩm gồm có gạo, mì tôm, bát đũa và quần áo đến cho nhân dân khắc phục khó khăn trước mắt, góp phần ổn định tình hình an ninh xã hội. Rất nhiều xã tại huyện Mường La đã bị chia cắt, chưa thể bắt tay vào khắc phục hậu quả.

Lực lượng Công an Sơn La đã huy động tối đa quân số với hơn 400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống các vùng lũ bị tàn phá để giúp dân dựng chỗ ở tạm, dọn dẹp sau lũ, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương và các đoàn tình nguyện vận chuyển lương thực thực phẩn đến tận tay người dân. Đồng thời tổ chức san đất, thông đường để những chuyến hàng cứu trợ sớm được vận chuyển tới bà con". 

* Để chung tay khắc phục hậu quả thiên tai với bà con, Công an tỉnh Sơn La đã tổ chức quyên góp tại lễ chào cờ đầu tháng 8 được số tiền 350.000.000 đồng và chuyển Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Các Phòng: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… Công an tỉnh cũng tổ chức quyên góp được số tiền gần 50.000.000 đồng cùng nhiều hiện vật như gạo, mỳ tôm, sách vở, quần áo, nước uống… Ngoài ra, Công an tỉnh Sơn La cũng đã phối hợp với Cục Y tế - Tổng cục Hậu cần, Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức trao quà cho nhân dân bằng tiền mặt và cơ số thuốc với số tiền trị giá gần 200.000.000đ. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ bão trên địa bàn huyện Mường La do một đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách. Đồng thời huy động 10% quân số mỗi đơn vị Công an tỉnh để tăng cường giúp dân trong 7 đợt, thời gian 7 ngày/mỗi đợt.

* Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy huyện Mường La cho biết: "Tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mường La nói riêng đã tập trung thực hiện một loạt giải pháp để khắc phục hậu quả sau lũ như: Tập trung ổn định dân cư, tức là làm sao để cho 419 hộ mất nhà sớm ổn định cuộc sống. Cụ thể chúng tôi đã khảo sát và lập nên 6 điểm tái định cư và dựng nhà lắp ghép cho dân (42 mét vuông) để cho những hộ mất nhà di chuyển vào ngay để ở. Hiện nay đã làm xong một số căn để chiều mai chúng tôi sẽ đến đón những hộ dân đầu tiên về.

Một vấn đề khác là khắc phục hạ tầng liên quan đến giao thông, khi nối được cầu Nặm Păm này chúng tôi đã khôi phục ngay tuyến đường 109. Trường, lớp học, trạm y tế cũng làm nhà lắp ghép ngay để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đảm bảo cho các em sẽ được đến trường đúng ngày khai giảng".

Phong Anh
.
.
.