Kéo giảm án bạo lực cần bắt đầu từ… luật!

Kỳ 2: “Nắm đấm” lên ngôi, vì sao?

Thứ Tư, 14/06/2017, 08:09
Vấn đề đáng lo ngại nhất đối với án có sử dụng bạo lực là có đến gần 50% đối tượng gây án thuộc dạng chuyên nghiệp, có “truyền thống” từ gia đình. Điều này không chỉ gây bất ổn cho xã hội mà còn thể hiện đạo đức gia đình của một bộ phận người dân đang xuống cấp trầm trọng…


Trong hội thảo khoa học về tội phạm có sử dụng bạo lực ở Việt Nam được tổ chức vào cuối tháng 5-2017, Đại tá, GS-TS Nguyễn Minh Đức, Ủy viên thường trực, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, TP Hồ Chí Minh là nơi có tỷ lệ án giết người, cố ý gây thương tích cao nhất nước. Ba địa phương kế tiếp là Hà Nội, Đồng Nai và Đắk Lắk.

Qua phân tích đặc điểm thân nhân của 500 đối tượng phạm tội giết người và 500 đối tượng phạm tội “có ý gây thương tích” trong giai đoạn từ năm 2012-2016 cho thấy: Nam giới chiếm 92,3%, độ tuổi phạm tội chủ yếu từ 18-30 tuổi; sống ở thành thị chiếm 73%, sống ở nông thôn chiếm 18%, còn lại không nơi cư trú cố định. Đối tượng phạm tội có trình độ văn hóa từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở chiếm 59,7%.
Một băng giang hồ bị bắt giữ và hàng nóng của một nhóm côn đồ.

Có đến 46% số người phạm tội xuất thân từ gia đình thuộc thành phần phức tạp; 18% có hoàn cảnh gia đình cha mẹ đã ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; 14% sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp; 7% xuất phát từ gia đình giàu có nhưng có lối sống buông thả, ích kỷ; 11% có hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn và 4% xuất phát từ gia đình bình thường. Động cơ gây án do mâu thuẫn từ trước chiếm 49%; mâu thuẫn tức thời chiếm 48,8% và không nguyên cớ chiếm 3,2%.

Đặc biệt, có đến 43% số đối tượng gây án có tiền án, tiền sự. Trong phạm vi hẹp hơn, Công an quận 10 (TP Hồ Chí Minh) tiến hành tìm hiểu đặc điểm nhân thân của 315 đối tượng phạm tội thì có đến 46,3% đối tượng thuộc gia đình phức tạp, có vấn đề; xuất phát từ gia đình bình thường chỉ chiếm tỷ lệ chưa đầy 2%.

Nhìn từ góc độ thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, TS Phan Đình Khánh (Trường Đào tạo - Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh) cho rằng nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xuất phát từ việc chúng ta chưa xây dựng được nền tảng vững chắc về đạo đức, pháp luật trong kinh doanh dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu đạo đức và chưa phù hợp pháp luật.

Kế đến là bị ảnh hưởng bởi văn hóa phẩm độc hại khiến cho giới trẻ bị cuốn vào vòng xoáy chủ nghĩa cá nhân. Họ ngộ nhận về bản thân mình, xem thường người khác và các giá trị truyền thống dẫn đến những hành vi vượt ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, vấn đề nóng hiện nay là ảnh hưởng của sự phát triển vượt bật về công nghệ thông tin truyền thông. Những vụ việc bạo lực từ ít đến rất nghiêm trọng đều được đăng tải, chia sẻ… rất mạnh mẽ trên mạng internet mà thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Điều này đã tác động vào nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ vốn là những người đang trong quá trình hoàn thiện nhận thức, bản lĩnh cá nhân, còn thiếu kiềm chế, dễ bị kích động. Đây chính là lý do vì sao phần nhiều các vụ việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xuất hiện chủ yếu ở giới trẻ.

Về mặt chủ quan, ở cấp độ xã hội, công tác tuyên truyền chống bạo lực chưa thật sự hiệu quả. Việc báo chí đưa tin tức về nạn bạo lực một cách tràn lan, thiếu kiểm soát đôi khi tạo ra phản ứng ngược, chẳng những không đạt hiệu quả tuyên truyền mà còn tác động làm tăng thiên hướng bạo lực trong giới trẻ.

Về quan niệm sống nói chung, từ sự tác động tiêu cực trong xã hội dẫn đến một bộ phận người dân hiện nay đã có sự thay đổi là đề cao lợi ích cá nhân hơn lợi ích cộng đồng. Khi lợi ích cá nhân bị xâm phạm thì rất dễ nổi nóng và sẵn sàng giành lại công bằng cho mình bằng mọi giá, trong đó “nắm đấm” được “ưu tiên” hàng đầu.

Nguyên nhân sâu xa trong trường hợp này là do khi còn ngồi ở ghế nhà trường đến khi va chạm ngoài xã hội người ta ít được người đi trước truyền đạt về kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống mâu thuẫn… dẫn đến những hệ quả như đề cập. Cuối cùng một nguyên nhân muôn thuở đó chính là thói quen sử dụng rượu bia của người Việt Nam “đóng góp” một phần lớn các vụ bạo lực, bạo hành!   

Từ phân tích trên cho thấy, các đối tượng xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác có phân nửa là người gây án lần đầu mà nguyên nhân từ mâu thuẫn bộc phát nhất thời; phân nửa còn lại thuộc thành phần bất hảo, “đầu trộm đuôi cướp”, đâm thuê chém mướn, từng vào tù ra khám. Mà ai cũng biết, “bầu sữa” để nuôi sống loại tội phạm này chính là các cơ sở hoạt động tệ nạn có rất nhiều trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC64) Công an TP Hồ Chí Minh, hiện toàn TP Hồ Chí Minh có gần 12.000 cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm (kinh doanh khách sạn, lưu trú có 4.931 cơ sở, dịch vụ cầm đồ 2.868 cơ sở, karaoke 404 cơ sở, dịch vụ đòi nợ thuê 21 cơ sở, massage 179 cơ sở…) mà theo quy định phải có điều kiện về an ninh trật tự.

Trong số này, nhiều tiệm cầm đồ cầm cố tài sản không chính chủ, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Một số công ty đòi nợ thuê có giấy phép hẳn hoi nhưng vẫn đòi nợ theo kiểu xã hội đen, có tính chất côn đồ, sẵn sàng dùng vũ khí, hung khí để đòi nợ và giải quyết mâu thuẫn.

Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú vì lợi nhuận làm ngơ để kẻ gian hoạt động chứa chấp mại dâm, tổ chức đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy; các nhà hàng, quán bar, vũ trường thì thuê bảo kê để giải quyết rắc rối và dùng vũ lực để cạnh tranh với các đối thủ…

Trong năm 2016, Phòng PC64 kiểm tra 7.817 lượt cơ sở kinh doanh thì có đến 2.450 cơ sở có vi phạm. Điển hình như việc kiểm tra tiệm cầm đồ Duy Ngân (xã Trung An, huyện Củ Chi) phát hiện nơi này cầm cố 10 xe không đúng chủ sở hữu, 9 xe không có giấy tờ tùy thân người cầm; kiểm tra 5 phòng ở khách sạn Tân Kim Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) phát hiện có 15 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy…

Theo Đại tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Công an quận 1 (TP Hồ Chí Minh), các vụ án bạo lực do mâu thuẫn tức thời tuy rất dễ khám phá (do đối tượng ít có thủ đoạn đối phó, ăn năn hối cãi tự ra đầu thú) nhưng khó phòng ngừa.

Để hạn chế loại án này chủ yếu tuyên truyền, kêu gọi người dân cần phải bình tĩnh, “dĩ hòa vi quý” trong lúc phát sinh mâu thuẫn. Ngược lại, hành vi bạo lực do các băng nhóm chuyên nghiệp gây ra thường gây hậu quả lớn, tạo dư luận không tốt trong xã hội nhưng ít được phát hiện, xử lý.

Do đa số các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động ẩn danh, dưới danh nghĩa doanh nghiệp trong các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó. Các đối tượng cầm đầu, chủ mưu thường không ra mặt mà chỉ đạo đàn em thân tín ra tay giải quyết đối thủ hoặc điều động giang hồ từ các địa phương khác đến TP Hồ Chí Minh gây án rồi bỏ trốn.

Nhóm PV
.
.
.