Giám định hàm lượng các chất nghi là ma túy trong các vụ án: Cần có lộ trình phù hợp

Thứ Hai, 08/12/2014, 09:36
Tình trạng hàng trăm vụ án ma túy đang bị “ách tắc” đã ảnh hưởng đến việc thực hiện tố tụng và kéo theo nhiều hệ lụy. Chúng tôi xin nêu ra những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các cơ quan liên quan để tháo gỡ tồn tại này.

Như các bài viết Báo CAND đã đăng tải, lý do dẫn đến hàng trăm vụ án ma túy bị “ách tắc” là bởi quy định yêu cầu giám định hàm lượng trong các chất thu giữ nghi là ma tuý, lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo trong Công văn 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014. Tìm hiểu về năng lực giám định hàm lượng ma túy hiện nay, chúng tôi nhận thấy cần phải có thời gian cho việc thực hiện quy định này.

Cụ thể, hiện nay ở nước ta chỉ có một cơ quan duy nhất là Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an có đủ điều kiện vật chất, con người để giám định hàm lượng ma tuý. Về vấn đề này, Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự trong văn bản ngày 29/9/214 nêu: Trung bình mỗi năm, lực lượng phòng, chống ma túy cả nước phát hiện, bắt giữ khoảng 20.000 vụ án về ma túy, tương đương khoảng 100.000 mẫu vật cần giám định. Hiện nay, cả nước chỉ có duy nhất Trung tâm giám định ma túy (Viện Khoa học hình sự) đủ điều kiện giám định hàm lượng chất ma túy thường gặp. Các phòng kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh, thành chỉ có thể giám định định tính, không giám định được hàm lượng.

Vẫn theo Viện Khoa học hình sự, mẫu ma túy chuẩn hiện nay chỉ có ở đơn vị này. Nguồn mẫu từ Chương trình mẫu thử tay nghề do Phòng thí nghiệm Liên hiệp quốc tổ chức. Tuy nhiên, lượng mẫu chuẩn do Liên hiệp quốc cấp hiện chỉ có thể dùng để giám định khoảng 500 vụ. Thế mà chỉ riêng Hà Nội, mỗi năm phát hiện, xử lý gần 3.000 vụ án ma túy, có những vụ bắt giữ hàng chục nghìn viên ma tuý tổng hợp. Nếu phải giám định tất cả số lượng nghi là ma tuý và từng viên ma tuý tổng hợp thì cơ quan giám định không thể thực hiện. Việc này, sẽ dẫn đến vi phạm thời hạn giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Lực lượng Công an thu giữ lượng ma túy buôn bán trái phép.

Liên quan đến năng lực giám định hàm lượng ma túy, ngày 30/9/2014, liên ngành tố tụng Công an - Viện Kiểm sát (VKS) – TA của tỉnh Sơn La trong Văn bản số 250/LN nêu rõ: Hiện nay, nhiều vụ án cơ quan điều tra đã bắt giữ nhiều đối tượng về hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có trọng lượng từ 0,1g đến dưới 5g đã trưng cầu giám định hàm lượng nên cơ quan điều tra Công an huyện đã không khởi tố vụ án hình sự mà trả tự do cho người bị tạm giữ. Một số vụ án, cơ quan điều tra thu giữ vật chứng kết luận giám định xác định có thành phần heroin nhưng chưa giám định được hàm lượng, đang chờ xin ý kiến chỉ đạo liên ngành. Đáng chú ý là, với những vụ án ma túy thu giữ vật chứng dưới 5g đã lấy toàn bộ để giám định chất ma túy, chủng loại ma tuý, nay không còn mẫu để tiếp tục giám định hàm lượng.

Chúng tôi được biết, trong cuộc họp cấp chuyên viên liên ngành ngày 7/11/2014, các đại biểu nhất trí đề nghị lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương thống nhất hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương thực hiện trong khi chờ sửa đổi Thông tư liên tịch 17/2007. Ngày 18/11, trong Văn bản số 4166/VKSTC-VC1 gửi đồng chí Chánh tòa Hình sự, TANDTC của VKSNDTC nêu: Việc giám định hàm lượng các chất ma túy để xác định trọng lượng chất ma túy cần thực hiện với: các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, sái thuốc phiện… (quy định tại điểm a, b, tiểu mục 1.1, mục 1, phần I Thông tư 17/2007; trường hợp cần phân biệt chất gây nghiện, chất hướng thần với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Ngoài quan điểm “khoanh vùng” chất nghi là ma túy được quy định phải giám định hàm lượng, VKSND TC còn đưa ra các giải pháp trong việc giải quyết các vụ án ma tuý cũ và mới phát hiện.

Việc giám định hàm lượng trong các chất ma túy cần phải có lộ trình. Bởi với năng lực giám định hàm lượng ma túy hiện nay chưa thể đáp ứng cũng như những tồn tại liên quan đến hoạt động tố tụng trong các vụ án ma tuý. Thiết nghĩ, Hội đồng thẩm phán nên sớm có văn bản hướng dẫn nhằm giảm tải “ách tắc” đang rất đáng lo ngại hiện nay.              

Cao Hồng
.
.
.