Chuyện bắt tàu 'móc ruột' sông Hồng

Thứ Năm, 09/07/2015, 08:53
Ngày 8/7, Công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho biết, đơn vị vừa bắt quả tang 1 tàu cuốc và 2 tàu hàng có hành vi khai thác và mua cát trái phép dưới lòng sông Hồng, thuộc địa bàn huyện. Đây là vụ khai thác trái phép thứ 6 kể từ đầu năm 2015 đến nay.
Trước đó, khoảng 19h45 ngày 7/7, tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường, Công an huyện Phúc Thọ phối hợp Công an xã Vân Hà, Phúc Thọ tuần tra làm nhiệm vụ dọc bãi trên tuyến sông Hồng (đoạn thuộc địa phận xã Vân Hà) thì phát hiện 1 tàu cuốc mang số hiệu TQ-0779-H đang có hành vi dùng gầu múc cát dưới lòng sông Hồng lên, đổ vào khoang của tàu hàng mang số hiệu VP-0263, neo đậu cạnh tàu VP-0263 là tàu hàng mang số hiệu HD-1515 đang đợi để lấy cát. Tổ công tác đã kiểm tra và yêu cầu các chủ phương tiện dừng ngay mọi hoạt động, đồng thời tiến hành lập biên bản sự việc trên.

Quá trình xác minh ban đầu, trên tàu cuốc mang số hiệu TQ-0779-H có 5 công nhân là Trần Văn Tuân (41 tuổi), Trần Văn Công (49 tuổi), Nguyễn Tuấn Anh (23 tuổi) và Hoàng Văn Phận (53 tuổi), cùng trú Chiêm Hóa, Tuyên Quang; Bùi Đức Trọng (29 tuổi), trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ.

Trước cơ quan Công an, những người trên khai nhận được ông Lương Quang Tạo (49 tuổi), trú Ngọc Hội, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, thuê vận hành tàu cuốc dùng gầu khai thác cát dưới lòng sông Hồng để bán cho các tàu hàng. Quá trình tổ công tác kiểm tra, những người này không xuất trình được giấy phép khai thác cát.

Trên tàu hàng mang số hiệu VP-0263 có hai vợ chồng ông bà Trần Văn Vinh (47 tuổi) và Trần Thị Tân (43 tuổi), đều trú tại Trung Hà, Yên Lạc, Vĩnh Phúc, trong đó chủ tàu là bà Tân, ông Vinh lái tàu. Ngày 7/7, ông Vinh lái tàu đi mua cát của tàu cuốc TQ-0779-H để bán cho các bến bãi tập kết cát, sỏi, nguyên vật liệu xây dựng.

Quá trình tổ công tác kiểm tra, ông Vinh cũng không xuất trình được giấy tờ gì. Trên tàu hàng mang số hiệu HD-1515 có Phạm Công Khương (44 tuổi), Phạm Công Nam (), cùng trú tại Thanh Hà, Hải Dương và cùng là lái tàu; Bùi Hữu Phúc (23 tuổi), trú tại Thanh Hà, Hải Dương, là phụ lái. Trước cơ quan Công an, 3 người đều khai nhận làm thuê cho chủ tàu là ông Phạm Công Lưỡng (43 tuổi), trú tại Thanh Hà, Hải Dương.

Công an huyện Phúc Thọ bắt quả tang tàu cuốc và hai tàu hàng đang khai thác, bán cát trái phép.

Ngày 7/7, những người này đưa tàu đến khu vực sông Hồng, thuộc địa phận huyện Phúc Thọ để tìm địa điểm mua cát, trong khi đang neo đậu chờ mua cát của tàu cuốc trên thì bị lực lượng Công an đến kiểm tra lập biên bản tạm giữ.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Trung tá Hoàng Ngọc Cương, Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết, Công an huyện Phúc Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch và thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý. Tổ công tác gồm 15 đồng chí, phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Công an TP Hà Nội và chính quyền địa phương 7 xã của huyện Phúc Thọ có sông Hồng chảy qua, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác cát trái phép.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2015, Công an huyện Phúc Thọ đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 5 vụ, 8 đối tượng có hành vi khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép, xử phạt vi phạm hành chính hơn 278 triệu đồng.

Điển hình là ngày 17/3, Công an huyện Phúc Thọ phối hợp cùng UBND xã Sen Chiểu và Phòng CSGT đường thủy, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ 1 tàu cuốc của Lê Quang Cường (35 tuổi), trú tại 48 Võ Thị Sáu, Nha Trang, Khánh Hòa, khai thác cát trái phép dưới lòng sông Hồng thuộc địa phận xã Sen Chiểu, sau đó bán cho tàu chở hàng của Trần Việt Chuyển (55 tuổi), trú xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Phúc Thọ.

Công an huyện Phúc Thọ đã báo cáo UBND huyện Phúc Thọ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng đối với Lê Quang Cường về hành vi khai thác cát trái phép và 7,5 triệu đồng đối với Trần Việt Chuyển về hành vi không có đăng ký kinh doanh.

Ngày 19/5, Công an huyện Phúc Thọ phối hợp với Phòng CSGT đường thủy, Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội và UBND xã Vân Hà kiểm tra, bắt giữ 1 tàu cuốc số hiệu PT 1803 do Nguyễn Văn Quyền (34 tuổi), trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, điều khiển đang khai thác cát dưới lòng sông Hồng lên bán cho tàu chở hàng số hiệu HN 0956 do bà Nguyễn Thị Tứ (63 tuổi), trú tại thôn Thắng Lợi, Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội.

Công an huyện Phúc Thọ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Tứ về hành vi không có đăng ký kinh doanh, đồng thời đề nghị UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Quyền về hành vi khai thác khoáng sản trái phép…

“Dù Công an huyện nỗ lực xử lý nhưng tình hình khai thác khoáng sản (cát đen) trái phép trên tuyến sông Hồng vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân” – Trung tá Hoàng Ngọc Cương khẳng định. Phúc Thọ là địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Nội và Vĩnh Phúc, trong khi Hà Nội không cấp phép khai thác cát thì tỉnh Vĩnh Phúc lại cấp phép cho một số cá nhân, doanh nghiệp có quyền khai thác cát dưới lòng sông Hồng.

Quá trình khai thác, các tàu khi khi thì di lý chỗ này, lúc lại chuyển sang chỗ khác, khiến công tác bắt giữ, xử lý gặp khó khăn. Với lực lượng mỏng, biên chế còn hạn chế, Công an huyện Phúc Thọ còn thiếu thốn nhiều trang thiết bị, phương tiện, đặc biệt là phương tiện thủy. Để bắt, xử lý một vụ việc trên bờ đã phức tạp, ở dưới nước càng khó khăn hơn, nhất là khi sông Hồng mùa nước lên, rất khó để phân biệt ranh giới lòng sông giữa các địa bàn…

Còn theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Hưng, Phó Đội trưởng Đội kinh tế, ma túy, môi trường, Công an huyện Phúc Thọ, Tổ trưởng tổ công tác, thì các đối tượng khai thác cát sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, như lợi dụng hoạt động vào ban đêm, vào ngày lễ, ngày nghỉ, khi thấy bóng dáng lực lượng Công an thì lập tức tắt máy, không hoạt động.

Và khó khăn nhất vẫn là chưa có mốc ranh giới phân chia địa bàn giữa hai tỉnh. Để phát hiện vụ việc trên, tổ công tác đã tiến hành thuê xà lan, tổ chức tuần tra mật phục nhiều ngày liền…

Quỳnh Vinh
.
.
.