Bầu Kiên - Từ đỉnh cao danh vọng đến trại giam

Bài 2: Những phi vụ kinh doanh trái phép và lừa đảo của bầu Kiên

Thứ Năm, 19/12/2013, 07:28
Kinh doanh trái phép chỉ là một góc của mảng hoạt động “khủng” dưới tay Nguyễn Đức Kiên. Cơ quan điều tra chứng minh hành vi lừa đảo của ông trùm tài chính này cũng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát ký chuyển đủ 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI để mua 20 triệu cổ phần, không ngờ đó là “bẫy” do Nguyễn Đức Kiên bày ra và ông bầu này nhẹ nhàng chiếm trọn số tiền trên.
>> Bài 1: Vang bóng một thời

Sự kiện chấn động

Số là, khoảng giữa năm 2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận được nhiều phiếu chuyển đơn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an liên quan những sai phạm của ông Nguyễn Đức Kiên. Trong đó, nhân viên Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có đơn tố cáo Nguyễn Đức Kiên có hành vi kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; hành vi thao túng ngân hàng, ảnh hưởng việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước. Trong khi đó, tại kết luận thanh tra của Ngân hàng cho thấy có một số sai phạm trong quá trình quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB. Trước tình hình đó, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc làm rõ.

Ngày 20/8/2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB về hành vi kinh doanh trái phép. Ba ngày sau, đến lượt Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB bị bắt giữ về hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẳng định: việc bắt tạm giam ông Kiên liên quan đến vi phạm của 3 công ty có đơn tố cáo, do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).

Quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Kiên "bạc” chấn động dư luận, trong đó người hâm mộ bóng đá thực sự sốc bởi chỉ trước đó nửa năm, họ được nghe báo chí đưa tin, bình luận rầm rộ về tuyên bố cải cách của ông bầu mạnh bóng đá, khủng tài chính, vững quyền lực này. Cùng với đó, do việc bắt bầu Kiên liên quan Ngân hàng ACB, cũng tác động tâm lý người gửi. Vì vậy, chiều 21/8, tức chỉ sau 1 ngày, website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam) chính thức phát thông cáo về việc ông Nguyễn Đức Kiên bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố.

Bầu Kiên khi còn vang bóng trên sân bóng đá.

Thông cáo của NHNN nêu rõ việc ông Kiên bị bắt căn cứ đơn khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty: Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B; Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT. “Bước đầu điều tra sai phạm chỉ liên quan đến ba công ty trên do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT. Việc khởi tố bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên về tội kinh doanh trái phép là hoạt động bình thường của cơ quan Cảnh sát điều tra. Do đó, người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) hoàn toàn yên tâm. NHNN Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ. Trường hợp cần thiết, NHNN Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống” - thông cáo nêu rõ.

Kinh doanh trái phép chỉ là tội danh khởi tố ban đầu. Tới nay, cơ quan CSĐT đã khởi tố, làm rõ thêm 3 tội danh khác của bầu Kiên, gồm: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế. Cùng với đó, các thuộc cấp và “bạn đồng hành” của Nguyễn Đức Kiên cũng dính vào vòng tố tụng: ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch ACB; Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch ACB; Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, nguyên thành viên thường trực HĐQT ACB; Trần Ngọc Thanh, Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB.

Không phép cũng kinh doanh khủng

Cơ quan CSĐT chứng minh hành vi phạm pháp “kinh doanh trái phép” của Nguyễn Đức Kiên tại Công ty cổ phần đầu tư B&B (Công ty B&B). Công ty này có ngành nghề kinh doanh là xây dựng dân dụng công nghiệp, nhà ở, kinh doanh vàng bạc, đá quý và nghiên cứu thị trường... Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đức Kiên, còn vợ ông là bà Đặng Thị Ngọc Lan làm Giám đốc, Lê Thu Hà là Kế toán trưởng. Hội đồng quản trị công ty gồm 3 thành viên, do Kiên làm Chủ tịch, vợ và em gái giữ luôn chân ủy viên. Với vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng (thực tế các cổ đông góp 1.460 tỉ), riêng ông Kiên góp 990 tỉ, chiếm 66%. Công ty B&B góp vốn vào Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu, số tiền 1.280 tỉ đồng. Đáng nói, Công ty B&B không được Nhà nước cấp phép kinh doanh tài chính.

Mặc dù không phép nhưng công ty này dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên vẫn hoạt động kinh doanh tài chính như thường. Từ ngày 4/9/2009  đến 30/11/2010, Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B sử dụng hơn 2.348 tỉ đồng để kinh doanh tài chính trái phép. Trong đó, góp 1.280 tỉ vào Công ty AFG và dùng 324,6 tỉ đồng ủy thác cho 3 người thân là Đặng Ngọc Lan, Đào Văn Kiên, Nguyễn Anh Tuấn đứng tên mua cổ phiếu; dùng 426,3 tỉ đồng mua lại cổ phiếu của Công ty cổ phần BĐS Hòa Phát Á Châu do Nguyễn Thúy Hương, em ruột của Kiên nắm giữ. Số tiền còn lại gồm 249,1 tỉ đồng dùng để mua cổ phần, góp vốn vào các công ty khai thác, trả lãi ngân hàng, hỗ trợ công ty Thiên Nam kinh doanh.

Qua điều tra, CQĐT chứng minh Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu với giá trị đặc biệt lớn.

Nguyễn Đức Kiên còn kinh doanh tài chính trái phép tại Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (AFG). Công ty này do Nguyễn Đức Kiên đại diện, làm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, vốn điều lệ 3.200 tỉ với 10 cổ đông. Công ty này cũng không được cấp phép kinh doanh nhưng trong hơn 1 năm, từ 15/5/2007 đến 26/4/2008, Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBI sử dụng hơn 1.433 tỉ đồng để kinh doanh tài chính trái phép.

Tương tự, Nguyễn Đức Kiên kinh doanh tài chính trái phép tại Công ty cổ phần đầu tư Á Châu (ACI). Công ty này có ngành nghề kinh doanh gồm nhà, xây dựng dân dụng, dịch vụ bán đấu giá tài sản, kinh doanh vàng. Hội đồng quản trị gồm 3 thành viên do Kiên làm Chủ tịch, vốn điều lệ 300 tỉ đồng. Công ty này cũng không được cấp phép kinh doanh tài chính nhưng từ ngày 10/3/2008 đến 26/8/2008, ông Kiên đã chỉ đạo Công ty ACI sử dụng hơn 451 tỉ đồng từ việc bán trái phiếu cho Ngân hàng ĐBSCL.

Đối với Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu (ACI-HN), kinh doanh mua bán vàng bạc, đá quý, xuất nhập khẩu vàng... ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng thành viên, vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Công ty ACI-HN cũng không được cấp phép kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo sử dụng hơn 1.400 tỉ đồng từ việc bán trái phiếu cho Ngân hàng Vietbank và Ngân hàng ACB cùng hơn 124 tỉ đồng tiền huy động để kinh doanh trái phép.

Cùng với đó, ông Kiên còn có hành vi kinh doanh vàng trái phép tại Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam. Tương tự như các công ty nói trên, Công ty Thiên Nam cũng không được cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên, ông bầu tóc bạc cũng không coi việc có phép hay không phép là điều gì quan trọng, chỉ tính từ 30/11/2009 đến 30/7/2010, ông Kiên đại diện Công ty Thiên Nam đặt 49 lệnh giao dịch vàng với số lượng 150.000 ounce. Đồng thời, giao dịch mua bán vàng vật chất trong nước với số lượng lên tới 75.000 ounce thông qua tài khoản ACB, kết quả bị lỗ tới hơn 433 tỉ đồng.

Mánh lừa hốt hàng trăm tỉ

Kinh doanh trái phép chỉ là một góc của mảng hoạt động “khủng” dưới tay Nguyễn Đức Kiên. Cơ quan điều tra chứng minh hành vi lừa đảo của ông trùm tài chính này cũng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát ký chuyển đủ 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI để mua 20 triệu cổ phần, không ngờ đó là “bẫy” do Nguyễn Đức Kiên bày ra và ông bầu này nhẹ nhàng chiếm trọn số tiền trên.

Trở lại vấn đề cách đây hơn một năm, Công ty Thép Hòa Phát có đơn gửi cơ quan CSĐT Bộ Công an với nội dung: Ngày 21/5/2012, Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát có 100% vốn của Tập đoàn Hòa Phát do ông Kiều Chí Công làm Giám đốc đại diện ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư ACBI Hà Nội, do ông Trần Ngọc Thanh làm Giám đốc, nội dung Công ty Thép Hòa Phát mua lại 20 triệu cổ phần của Công ty ACBI Hà Nội tại Công ty Thép Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, Công ty Thép Hòa Phát đã trích số tiền từ nguồn vốn tự có doanh thu hàng tháng để chuyển cho Công ty ACB Hà Nội 3 đợt. Việc thanh toán số tiền 264 tỷ đồng được thực hiện đầy đủ sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng.

Tuy nhiên, Công ty Thép Hòa Phát vẫn chưa nắm được quyền sở hữu số cổ phần này, trong khi đó họ nhận được thông báo từ Công ty Chứng khoán ACBS rằng 20 triệu cổ phần mà họ đã mua vẫn đang là tài sản đảm bảo thế chấp tại Ngân hàng ACB và Công ty Chứng khoán ACBS cho vay 800 tỷ đồng trái phiếu do Công ty ACBI Hà Nội phát hành. Nhận thấy dấu hiệu “gửi trứng cho ác”, nguy cơ mất trắng 264 tỷ, Công ty Thép Hòa Phát làm đơn đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an vào cuộc.

CQĐT có đủ căn cứ xác định, Nguyễn Đức Kiên trên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh là Giám đốc ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty Thép Hòa Phát vào Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Công ty ACBI phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB. Nguyễn Đức Kiên đã lập khống quyết định của HĐQT và chỉnh sửa sai lệch thông tin về thời gian trên các văn bản để thể hiện chủ trương Công ty ACBI bán 20 triệu cổ phần Công ty Thép Hòa Phát, làm công ty này tin tưởng, giao đủ số tiền theo hợp đồng mà không nghi ngờ gì.

Hành vi của Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 139, BLHS, trong đó Nguyễn Đức Kiên với vai trò chủ mưu, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến là đồng phạm giúp sức. Về vấn đề này, CQĐT cũng cho rằng, các bị can Thanh và Yến chỉ là người làm thuê, thực hiện theo lệnh chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên. Quá trình điều tra, hai bị can này khai báo thành khẩn, chưa có tài liệu chứng minh Thanh được hưởng lợi cá nhân.

Về phần Nguyễn Đức Kiên, tại CQĐT khai nhận rằng, Kiên là người trực tiếp gặp gỡ, giao dịch với các bên liên quan để bán 20 triệu cổ phần tại Công ty Thép Hòa Phát. Ông Kiên thừa nhận đã giao cho bà Yến liên hệ với Ngân hàng ACB, Công ty ACBS để làm thủ tục giải chấp số cổ phiếu này và thay thế bằng hơn 7,6 triệu cổ phiếu Eximbank nhưng ACB và ACBS không đồng ý. Ông Kiên cũng thừa nhận việc bán 20 triệu cổ phần Công ty Thép Hòa Phát khi số cổ phần này đang được thế chấp tại Ngân hàng ACB là vi phạm pháp luật, đồng thời có đơn xin khắc phục hậu quả thiệt hại. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng đều do cơ quan CSĐT truy thu theo các quyết định thu giữ vật chứng.

Trút bỏ những suy nghĩ dằn vặt khi ở trại...

Một điều tra viên kể, hơn một năm vào trại tạm giam, giờ ông Kiên dường như đã quen môi trường sống ở trại, không cau có, bất hợp tác như trước nữa. Nhiều lúc ông nằm trầm ngâm trong phòng, rồi đứng lặng bên khung cửa sắt to bằng ngón chân, nhìn mưa lất phất...

Hỏi chuyện, Nguyễn Đức Kiên bảo, ngày trước ở ngoài cũng mắc bệnh này, bệnh kia, nhưng không hiểu sao giờ thấy khỏe hơn, bụng bớt phệ, giảm rất nhiều kg và ăn uống cũng chừng mực lắm. Ông nói đã trút bỏ được những suy nghĩ dằn vặt mà khi chưa vào trại, đó là điều không bao giờ ông nghĩ tới...

Đăng Trường - Minh Khoa
.
.
.