Lời ru buồn trên đỉnh Măng Ri

Thứ Hai, 03/10/2016, 15:44
Măng Ri đang vào mùa mưa, tiếng khóc của con trẻ lạc đi và lời ru dường như se lại. Bên trong những căn nhà tôn ọp ẹp oằn mình chống chọi với gió mưa là cảnh đơn thân, gối chiếc cùng bao câu chuyện thê lương về thân phận hẩm hiu của phụ nữ. Ở đây, họ đã cùng nhau chọn cho mình một lối đi chung. Lối đi ấy có sự thị phi, dè bỉu, có khốn khổ, nghèo túng…


Mối tình "công nhân xây dựng"

Tỉnh lộ 672 trườn qua vùng Măng Xăng, bản làng của đồng bào Xơ Đăng như được khoác tấm áo mới, ngạo nghễ với đại ngàn Trường Sơn. Con đường láng nhựa phẳng lì mướt mát chạy qua Măng Ri cùng cây cầu còn sực mùi vôi vữa đã làm thay đổi hẳn bộ mặt xã nghèo của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Ngày những người công nhân xây dựng về làm đường, bà con háo hức, vui mừng không sao tả xiết.

Những cô gái Măng Ri e thẹn nép mình bên liếp phên nhà sàn nhìn trộm cánh trai đồng bằng, miền biển mơ thầm một sự giao thoa. Chỉ qua vài ngày, các anh công nhân trẻ trung, nói dẻo, hát hay đã dễ dàng tán đổ gái bản.

Những người phụ nữ Xơ Đăng cô độc nuôi con.

Mở màn là chuyện tình của Y'Liên với anh công nhân Nguyễn Văn Chiến (Bình Định). Chiến 25 tuổi, dáng vẻ phong trần cộng với chất giọng "chí chóe" như chim hót đã đánh gục trái tim cô gái 19 tuổi chưa một lần yêu. Nương bắp nhà Y'Liên là nơi hẹn hò của đôi lứa yêu nhau.

Phát hiện gái bản yêu trai lạ, dân làng xì xầm bàn tán, còn cánh thanh niên bản địa hậm hực, cay cú vác gậy đánh Chiến một trận nhừ tử. Khi tình yêu đang nóng bỏng thì chẳng có lý do gì chia cắt được họ. Càng ngăn cản, càng đuổi đánh thì "máu yêu" càng sục sôi, Y'Liên đã trao tất cả sự ngây thơ trong trắng của mình cho mối tình "xây dựng".

Khi đường láng nhựa gần hoàn thành thì Y'Liên mang thai. Theo tục lệ của đồng bào, gia đình Y'Liên bị phạt heo, gà, rượu vì trót "ăn trái cấm". Chiến hứa với người yêu khi nào xong việc sẽ dẫn cô về Bình Định ra mắt gia đình và tổ chức cưới xin đàng hoàng.

Y'Liên miên man nghĩ về ngày được mặc chiếc áo cô dâu, sánh vai với trai người Kinh miền biển ăn sóng nói gió. Rồi cô sẽ sinh con, cuộc đời sẽ thay đổi, chí ít cũng thoát được cái bản làng heo hút, nghèo đói quanh năm này.

Ngày người ta về cắt băng thông đường cũng là ngày Chiến "bỏ của chạy lấy người" trong âm thầm lặng lẽ. Y'Liên chạy khắp nơi tìm người yêu như bóng chim tăm cá. Ôm bụng chửa lùm lùm chườm ra trước bàn dân thiên hạ, Y'Liên xấu hổ ê chề, khóc hết nước mắt.

Trẻ em Xơ Đăng mưu sinh.

Không chịu nổi đay nghiến của cha mẹ và nỗi nhục nhân tình, cô đã mang quần áo vào căn chòi trong rừng sống một mình rồi tự sinh con. Sau khi sinh con, vì không chịu nổi cuộc sống cô độc, buồn tẻ chốn rừng sâu, một người bạn giới thiệu Y' Liên ra phố huyện làm nhân viên bán cà phê.

Tại đây, cô đã phải lòng và yêu ngay anh công nhân xây dựng công trình ở Tu Mơ Rông. Để xứng đôi vừa lứa với tình mới và phù hợp cuộc sống thị trấn, Y'Liên bắt đầu thay đổi cách ăn mặc, tóc nhuộm vàng chóe, môi son gót đỏ.

Sau hai năm tô son trát phấn loại rẻ tiền, mặt mũi Y'Liên sần sùi, thâm nám, loang lổ tàn nhang, đồi mồi. Dân làng chê bai nhưng cô vẫn cảm thấy kiêu sa với sự "lột xác" của mình. Anh chàng kia hứa cuối năm sẽ cưới Y'Liên và rước cả hai mẹ con về xuôi mở quán cho cô bán hàng.

Tin vào lời hứa, Y'Liên lâng lâng hạnh phúc và yêu bằng một tâm thế ngẩng cao đầu. Riêng dân bản thì không tin vào lời hứa nữa, vì nó đã làm tan nát bao nhiêu cuộc đời, nếu Y'Liên dẫn trai về sẽ bắt phạt rất nặng và đuổi ra khỏi làng.

Yêu cùng thời với Y'Liên còn có Y'Cúc (21 tuổi). Cúc yêu anh công nhân tên Hùng (30 tuổi, quê Quảng Nam). Phát hiện Y'Cúc lén lút với trai công trình, già làng đã tới tận nhà cảnh cáo. Cũng vì "say nắng" với Hùng mà Y'Cúc đã liều lĩnh hủy hôn ước với một anh chàng cùng bản.

Bản làng quanh năm chìm trong sương mờ.

Bi kịch hơn, Hùng đã có vợ con ở quê. Sự việc bị bại lộ, Hùng xách dép bỏ chạy, để lại Y'Cúc chơi vơi, hụt hẫng. Y'Cúc quyết tâm xuống núi tìm người yêu để hỏi cho ra lẽ, nhưng cô đã không thể tìm được tung tích Hùng.

Quá đau khổ với mối tình "cầu đường", cho đến bây giờ, dù bao nhiêu trai làng đến dạm hỏi, Y'Cúc vẫn một mực từ chối. Cô suốt ngày ủ rũ, xác xơ như chiếc lá vàng. Bất cứ ai hỏi, cô vẫn một mực nói rằng mình đang chờ người yêu dưới xuôi lên để cưới. 

Người ta trách những cô gái trẻ nhẹ dạ cả tin đem con tim trao không đúng chỗ, nhưng ở đây có cả tình già, tình quá lứa lỡ thì vẫn yêu điên cuồng, yêu say đắm một cách không kiểm soát nổi mình. Đó là trường hợp của cô Y'Dáy (40 tuổi) yêu ông Cần (50 tuổi) làm đầu bếp trong công trường.

Đàn ông xa vợ con gặp ngay gái quá lứa đang khao khát yêu nên họ đến với nhau tự nhiên như con sâu con kiến. Mặc cho mẹ già phản đối, Y'Dáy vẫn yêu và có con. Nghe tin tình nhân mang thai, ông Cần bối rối không biết phải làm sao.

Ông dúi cho Y'Dáy năm trăm ngàn bảo đi ra huyện bỏ thai, nếu sinh sẽ là nghiệp chướng và ông không thể chịu trách nhiệm được. Dáy uất quá òa khóc, ném tiền vào mặt ông Cần. Mẹ già biết chuyện nước mắt ngắn dài khuyên con cứ đẻ đi, trẻ con không có tội. Hơn nữa, Giàng cũng không cho làm việc thất đức ấy.

Thời gian trôi qua, nỗi đau và mất mát được xoa dịu một phần nào đó, nhưng nhức nhối thì đeo bám, hiện hữu giữa đời thực và cả trong giấc mơ của những người đàn bà góa. Họ đã sống và yêu bằng tất cả trái tim và tâm hồn để rồi phải ngậm ngùi gánh chịu hậu quả đắng chát của mối tình xa lạ, viển vông.

Đường làm xong đã lâu… chưa thấy người về đưa dâu

 Sinh ra là phụ nữ, ai chẳng mong một lần được lên xe hoa. Song vì hoàn cảnh hay vì trăm ngàn các lý do khác mà những cuộc tình chóng vánh, nhanh đến rồi nhanh đi để người ở lại phải mang nỗi đau về tinh thần và thể xác suốt cuộc đời.

Măng Ri đã không còn bình yên, hiền hòa, nguyên sơ thuần khiết như ngày xưa nữa. Lời ru buồn thê lương, não nề của những cô gái vừa lớn lên đã lao vào yêu như bản nhạc buồn mãi ngân dài giữa núi rừng Măng Ri.

Cuộc sống cơ cực giữa rừng già.

Từ ngày có đường nhựa, có cầu bê tông, trẻ con được sinh ra mang hai dòng máu nhưng chỉ có một hệ. Nơi đây, mọi thứ đầy đủ cho một gia đình nhưng tất cả đều vắng bóng đàn ông.

Không chồng mà chửa, nỗi nhục đổ ụp xuống đầu những người phụ nữ nông nổi. Y'Dáy yêu muộn, làm mẹ đơn thân ở tuổi ngoài 40 đã đành, còn bao nhiêu cô gái trẻ, tuổi đời còn phơi phới nhưng đã phải làm mẹ.

Họ phải tự bươn chải, tự gánh vác tất cả lo toan cuộc sống và phải chịu nỗi tủi nhục ê chề của người đời. Y'Dáy vì nhà nghèo, không có đất canh tác nên đã bỏ con cho mẹ già nuôi, còn mình đi lên thành phố rửa chén thuê.

Hầu hết những đứa trẻ sinh ra từ mối tình "công nhân xây dựng" đều sống trong cảnh đói ăn thiếu mặc, không được học hành. Đối mặt với họ chỉ thấy ánh mắt nặng trĩu, chất chứa cả đống hờn tủi. Chúng tôi không dám hỏi nhiều, vì sợ vô tình chạm đến miền kí ức đắng đót của họ.

Già làng A Bya đã phải thốt lên: "Hy vọng những cô gái một thời lầm lỡ sẽ tỉnh ngộ trước tình yêu nông cạn trong quá khứ mà sống thật tốt nuôi con cái. Đó cũng là bài học, là tấm gương để các thiếu nữ mới lớn nhận thức đúng đắn về tình yêu, đừng đi theo vết xe đổ của đàn chị để phải chịu cay đắng, tủi nhục suốt đời".

Lầm lũi ôm con bên liếp nhà sàn, họ vẫn hy vọng một ngày nào đó, người cha không hôn thú, không danh phận của những đứa trẻ sẽ quay trở lại, như lời thề tỉ tê, ngọt lịm trong những đêm hẹn hò trên rẫy bắp.

Y'Cúc vẫn một mực tin tưởng, hy vọng về anh chàng người yêu đang ở nơi nào đó thật xa xăm, hay đang má ấp vai kề với người tình mới sẽ giữ đúng lời hứa, lên núi dẫn mẹ con cô về xuôi ra mắt dòng họ. Sợi dây đợi chờ cứ kéo dài mãi, nay thì đứa con đã lên 4, đã biết nói mà chẳng có ai để gọi một tiếng cha.

Dù có xé nghĩa đến mức nào thì chúng tôi vẫn không thể hiểu cái lý lẽ tình yêu và sự chờ đợi của những người phụ nữ nơi đây. Thấy thương cảm, xót xa cho những mảnh tình vỡ vụn, gặp phải những gã Sở Khanh lọc lừa.

Ngọc Thiện
.
.
.