Đầu xuân, thăm lại những phận người ở làng ma túy Ngọc Vân

Thứ Hai, 17/02/2014, 08:02

Tết đến xuân về, ai ai cũng hào hứng đón chào một năm mới với những hy vọng mới. Thế nhưng ở "làng ma túy" Ngọc Vân (Tân Yên, Bắc Giang) lại có những người thực sự sợ tết. Tết với họ có khi lại là thời khắc buồn khổ nhất, xót xa nhất trong năm. Bởi nhiều người thân của họ đã bị kết án tử hình khi tham gia buôn bán cái chết trắng. Nhìn những gia đình có đủ đầy người thân quây quần, sum họp vào thời khắc thiêng liêng của năm mới họ lại thấy lòng quặn thắt khi nghĩ đến những người con, người chồng của mình đang đếm ngược thời gian chờ ngày ra pháp trường…

Tôi mà chết bốn đứa cháu sẽ thành côi cút

Ngôi nhà cấp bốn thấp tè, lụp xụp của bà Nguyễn Thị Phẩm (80 tuổi) nằm ngay mặt đường liên thôn. Trong nhà hầu như chả có thứ gì có giá trị ngoài 1 chiếc ti vi đã cũ rích. Tết đã phủ trùm khắp các ngôi nhà bình yên khác rồi nhưng hình như nó chẳng thể len vào ngôi nhà có quá nhiều bất hạnh này. Không đào cũng chẳng quất, có chăng trên ban thờ là mâm ngũ quả với nải chuối kẹ và lơ thơ vài quả quất nhỏ.

Bà bảo: "Bà cháu tôi ăn còn chưa đủ, lấy tiền đâu ra mà sắm sửa". Trên ban thờ, khói hương vẫn nghi ngút. Hỏi bà hình như nhà mới có người mất thì bà rơm rớm nước mắt bảo rằng: "Thằng con trai tôi nó mới mất. Giá có điều kiện như người ta chắc tôi cũng sắm vài mâm cơm rồi cúng cho hương hồn nó được siêu thoát nhưng khổ nỗi, nhà nghèo quá nên đành bát cơm quả trứng thắp hương chay. Từ ngày vợ nó bị bắt vì tội buôn bán ma túy lại bị kết án chung thân nó đâm ra chán đời, rượu chè be bét. Rồi ốm lăn ra, đi khám người ta bảo nó bị ung thư dạ dày. Nhà nghèo quá chả có tiền chạy chữa nên đành về chờ chết cô chú ạ".

Dù rằng, ngay cả khi anh Tiến (con trai bà) còn sống thì bà vẫn phải cáng đáng việc nuôi ba đứa con của anh. Bởi sự chán chường cộng với bệnh tật sau này khiến anh Tiến chả làm được việc gì. Nhìn con bệnh tật nằm đó từng ngày chờ thần chết đến đón bà Phẩm như đứt từng khúc ruột. "Vợ nó mang tiếng là đi buôn bán ma túy nhưng tôi cũng có thấy nó mang được gì về cho chồng cho con đâu. Từ lúc nó chưa đi buôn gia đình này đã thế, đến lúc nó bị bắt thì gia đình cũng vẫn thế thôi, chả hơn gì".

Con dâu bà là Nguyễn Thị Mỹ bị bắt khi đang vận chuyển ma túy lên Lạng Sơn. Lúc ấy, Mỹ đang mang thai đứa con thứ ba được năm tháng. Thụ án trong trại được vài tháng thì sinh con. Đứa bé đủ ngày đủ tháng thì người ta lại gửi nó về cho bà Phẩm nuôi. Bà nuôi cu Mạnh từ khi nó còn là một đứa trẻ đỏ hỏn. Thế mà cứ rau cháo qua ngày, giờ nó đã học lớp ba. Trong 5 đứa cháu cả nội lẫn ngoại mà bà Phẩm đang nuôi thì bà thương Mạnh nhất vì nó phải xa mẹ từ khi còn bé tí. Bố chán đời nên cũng chẳng thèm quan tâm gì tới Mạnh, phó thác tất cả cho người mẹ già.

"Tôi nuôi tất cả là 5 đứa cháu. Hai đứa cháu ngoại, ba đứa cháu nội. Cả năm đứa đều ở với tôi từ tấm bé. Con gái và con rể tôi cũng bị bắt vì tội buôn bán ma túy, mỗi đứa bị giam ở một nơi khác nhau" - Bà Phẩm kể chuyện mà mắt ngân ngấn nước.

Bà Phẩm lo mình chết đi 5 đứa cháu sẽ thành côi cút.

Đầu năm học vừa rồi bà Phẩm gần như tuyệt vọng trước những khoản đóng góp của mấy đứa cháu. Bà bảo, đến cơn sự này có khi bà đành đứt ruột để một đứa cháu đang học lớp 9 nghỉ học mà thôi. Mà đâu chỉ có gánh nặng các cháu, bà Phẩm còn phải nuôi cả cô con gái út tật nguyền, liệt nửa người chả thể tự làm gì cho bản thân.

Tuổi già như trái chín trên cây. Hôm nay đây bà Phẩm còn có thể sống, còn là chỗ dựa cho những đứa cháu thơ dại tội nghiệp nhưng nào ai biết được ngày mai sẽ ra sao?

Chồng bị kết án tử, vợ chỉ "mơ" về cái chết

Từ xa, nhìn ngôi nhà của chị Tạ Thị Hạt (vợ của tử tù Dương Ngô Trung) giống như một biệt thự bề thế. Đoán rằng, cái cơ ngơi này chắc là "thành quả" buôn bán ma túy của Trung để lại. Thế nhưng khi trò chuyện với người vợ bất hạnh này chúng tôi mới hiểu, bản chất vấn đề không như chúng tôi nghĩ. Theo như những người vợ của nhiều tử tù buôn bán ma túy kể lại thì, hầu hết những người đàn ông ấy khi đã bập vào buôn bán ma túy thì đều muốn rời xa gia đình bé nhỏ và cặp kè với những người tình nhỏ. Hiếm lắm họ mới về nhà, không phải để thăm hỏi người thân cũng chẳng phải để dúi tiền cho vợ cho con mà là để tránh sự nghi ngờ của chính quyền địa phương khi "mất tăm" suốt một thời gian dài.

Nhìn chị Hạt yếu đuối, mong manh, ít ai có thể tưởng tượng được rằng người phụ nữ ấy đã phải trải qua rất nhiều cú sốc khủng khiếp. Hiện, chị Hạt mắc bệnh trầm cảm khá nặng. Căn bệnh này phát tác từ sau khi chồng chị bị bắt và bị kết án tử hình. Mỗi lần phát bệnh chị Hạt cứ ngồi gục mặt xuống đầu gối không nói với ai một câu.

Chồng đi ma túy liên miên hết năm này qua năm khác, chị Hạt ở nhà một mình nuôi ba con thơ và cáng đáng việc đốt hai lò gạch. Nhờ có gạch tự đốt được và nhờ anh em mỗi người một ít chị xây dựng cơ ngơi khang trang này. Chị Hạt bảo, chị không biết đồng tròn đồng méo nào của chồng. Không biết anh ta có của chìm của nổi gì. Chỉ biết rằng bắt đầu đi ma túy là chồng chị bỏ bê mẹ con chị. Không biết bao lần chị khuyên nhủ chồng từ bỏ cái thứ chết người ấy để về với vợ con là bao lần chị bị chồng đánh những trận nhừ tử.

Chồng chị bị kết án tử hình, chị Hạt cũng mang trong mình biết bao nhiêu thứ bệnh. Mà bệnh nặng nhất, đáng sợ nhất với chị là bệnh trầm cảm. Chị bảo từ khi bị bệnh này chị lúc nào cũng đau đáu nghĩ về cái chết. Lúc đó, nỗi ám ảnh về cái chết còn lớn hơn cả tình mẫu tử. Đứa con gái thứ hai của chị sau một trận ốm thập tử nhất sinh bác sĩ kết luận nó bị ung thư vú.

Có lẽ, trong sâu thẳm lòng mình chị Hạt luôn lo rằng, nếu lỡ chị chẳng may chết đi thì biết lấy ai là người nuôi ba đứa con chị khôn lớn trưởng thành. Mà cảm giác về cái chết cứ ngày một tiến gần hơn với chị.

Nhìn người đàn bà nhỏ bé, liêu xiêu trong bóng chiều ngày cuối năm chúng tôi chợt nghĩ: "Không biết trong ngôi nhà bề thế ấy đã có phút giây nào chị Hạt cảm thấy hạnh phúc hay chưa?".

Giá như đừng có Tết

Cách nhà chị Hạt không xa là nhà của ba mẹ con chị Nguyễn Thị Thủy (vợ của tử tù Thân Nhân Thịnh). Ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè, liêu xiêu cảm giác chỉ một cơn gió mạnh cũng có thể làm chao đảo. Những ngày cận Tết nhưng trong căn nhà nhỏ ấy cũng chả có gì khác biệt so với những ngày thường. Bởi người phụ nữ ấy còn đang miết mải đi gánh gạch thuê để có tiền nuôi hai đứa con ăn, học. Chị Thủy than thở: "Ai cũng nghĩ có chồng đi buôn ma túy chắc sẽ giàu có lắm. Nhưng nói thật với anh chị em chưa từng tơ hào được của anh ấy một xu nào. Mà từ khi anh ấy dính đến cái thứ này là cũng coi như bỏ rơi mẹ con em luôn. Em nghe nói anh ấy có phòng nhì ở đâu đó".

Giá như đừng có Tết

Cách nhà chị Hạt không xa là nhà của ba mẹ con chị Nguyễn Thị Thủy (vợ của tử tù Thân Nhân Thịnh). Ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè, liêu xiêu cảm giác chỉ một cơn gió mạnh cũng có thể làm chao đảo. Những ngày cận Tết nhưng trong căn nhà nhỏ ấy cũng chả có gì khác biệt so với những ngày thường. Bởi người phụ nữ ấy còn đang miết mải đi gánh gạch thuê để có tiền nuôi hai đứa con ăn, học. Chị Thủy than thở: "Ai cũng nghĩ có chồng đi buôn ma túy chắc sẽ giàu có lắm. Nhưng nói thật với anh chị em chưa từng tơ hào được của anh ấy một xu nào. Mà từ khi anh ấy dính đến cái thứ này là cũng coi như bỏ rơi mẹ con em luôn. Em nghe nói anh ấy có phòng nhì ở đâu đó".

Vợ và mẹ của tử tù Thân Nhân Thịnh.

Từ khi dính đến ma túy, chồng chị lặn mất hút, lâu thật lâu mới ghé thăm nhà. Hồi đó chị cũng bán tín bán nghi chồng dính dáng đến ma túy. Thế nên mỗi lần Thịnh về nhà chị hết nước hết cái nịnh chồng vào miền Nam lập nghiệp nhưng anh ta không nghe. Hắn còn bảo nếu chị thích thì tự đi một mình. Bất lực trước những bước chân lầm đường lạc lối của chồng, nhiều đêm chị chỉ biết ôm con mà khóc. Hai đứa con một trai, một gái khôn ngoan, kháu khỉnh nhưng hầu như chả mấy khi được bố nó hỏi han. Đầu năm học này, mỗi đứa cũng phải đóng đến vài triệu tiền học phí. Chạy vạy mãi, nai lưng ra làm thuê chị vẫn chưa lo đủ tiền cho hai con đóng học. Đứa nhỏ vô tư không sao, nhưng đứa con gái lớn bao lần về khóc với mẹ nói rằng: "Nếu mẹ không đóng được tiên học cho con thì con nghỉ học. Không có tiền đóng học con xấu hổ lắm". Thương con mà chị chả biết làm gì hơn, chỉ biết động viên con và nói khó với cô giáo chủ nhiệm xin khất thêm vài hôm nữa để tìm cách.

Đâu chỉ lo cho hai con ăn học, hàng tháng chị vẫn phải lo tiền để đi thăm nuôi chồng. Chồng chị bị kết án tử nhưng chưa thi hành án nên đều đặn tháng nào chị cũng phải đi tiếp tế cho chồng. Cũng may, ông trời cho chị sức khỏe nên chị làm bất kể việc gì miễn có tiền nuôi con. Từ cắt lúa thuê đến hàng ngày đi xách vôi vữa phụ hồ chị đều làm tất.

Câu chuyện giữa chúng tôi hãy còn đang dở dang thì mẹ chồng chị là bà Đặng Thị Mai bước vào. Bà Mai cũng là người phụ nữ chạm tới tận cùng của những nỗi bất hạnh. Bà sinh được bốn người con trai thì hai người đã chết, một người đang chờ thi hành án tử. Nước mắt tuôn rơi, bà lần lượt kể lại sự ra đi của từng đứa con mình: "Cuộc đời tôi khổ lắm. Chồng mất, thằng cả thì chết trong tù vì bệnh xã hội. Nó cũng buôn bán ma túy. Nó mất mãi tận trong trại giam ở Thanh Hóa, nhà đã nghèo thì chớ tôi phải chạy vạy vay mượn tiền của anh em mỗi người một tí để đem xác con về. Không bao lâu sau, thằng thứ hai cũng bị người anh em trong họ đâm nhầm đến chết. Còn thằng Thịnh, chồng của con dâu tôi đây này. Lúc nó bắt đầu đi, tôi đã khóc van xin nó rằng: Họ Thân nhà mày đi thằng nào là chết thằng đấy. Thôi mẹ xin con ở nhà có rau ăn rau có cháo ăn cháo miễn sao giữ được cái mạng người nhưng nó không nghe vẫn nhất quyết theo anh em bạn bè ra đi. Giờ ra nông nỗi này đây. Tết nhất người ta sum vầy còn nhà tôi thì như đưa đám. Giá đừng có Tết thì tốt biết mấy".

Rời ''làng ma túy'' Ngọc Vân trong những ngày cận Tết Giáp Ngọ này, chúng tôi không khỏi dâng lên một nỗi ngậm ngùi xót xa cho những phận người sót lại sau cơn lốc ma túy. Nhưng phận người bất hạnh ấy, dường như ai cũng nuối tiếc một mơ ước nhỏ nhoi thôi, ấy là được sống một cuộc sống nghèo thôi nhưng bình dị, đủ đầy hạnh phúc. Thật đáng tiếc!

Song Anh
.
.
.