Đá bay trong gió hát

Chủ Nhật, 20/02/2022, 09:23

Tôi đến gặp nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo với sự tò mò vì những câu nói hài hước của ông với cánh nhà báo khi trả lời phóng vấn. Khi mắc chứng tai biến bị liệt tay trái (cuối năm 2010) vậy mà ông vẫn say mê làm tượng đá bằng cánh tay còn lại.

Ông từng nói: “Tôi là Bạo chứ không “tàn”!”. Với ý tứ rằng “tàn” nhưng không “phế”. Gặp tôi ông cười sảng khoái và đưa cho xem phác thảo bức tượng mới nhất. Đó là tác phẩm mang tên “Hip hop”!

Những ký ức đá một thời cầm súng

Ít ai hình dung sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (khoa Điêu khắc), Tạ Quang Bạo lại khởi nghiệp bằng nghề trang trí mỹ thuật cho một đoàn văn công. Đi nghĩa vụ quân sự, ông vừa cầm súng vừa cầm bút vẽ, trong chiến trường Quân khu V (1971-1976). Tại chiến hào ông đã từng dựng mẫu tượng bằng đất tổ mối trong rừng cây. Và tượng đầu tiên mang tên ông đã được dựng tại Quảng Nam. Tác phẩm “Dũng sĩ Núi Thành” (1973). Gặp nhau tại xưởng làm việc tôi đã được nghe ông bồi hồi kể lại những ký ức chiến tranh như vừa mới xảy ra hôm qua vậy. Đó là những đêm ông thao thức dưới làn pháo đạn của giặc Mỹ dội xuống trận địa.

Đá bay trong gió hát -0
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo bên tượng “Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền hải phận Việt Nam”

Những giây phút tĩnh lặng ông luôn nhớ về dòng sông Lèn quê hương Thanh Hóa. Câu hát tuồng của người cha ngợi ca về những người anh hùng dân tộc thời thơ bé nay lại rung lên trong tâm tưởng nơi chiến hào. Dường như cuộc chiến đấu khốc liệt và dũng mãnh của quân đội nhân dân ta trong giai đoạn quyết định này đã đem lại nhiều cảm xúc hùng ca trong tâm hồn Tạ Quang Bạo. Bên cạnh những sắc màu trên sân khấu biểu diễn ông luôn luôn ấp ủ những mẫu tượng chiến sĩ trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.

Quân khu V đã giao nhiệm vụ cho ông dựng “Tượng đài chiến thắng” vào thời điểm diễn ra cuộc tổng tiến công mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Như đón được sự dự báo từ trước ông ngày đêm sáng tác cho kịp kết thúc chiến dịch. Tượng đài đã hoàn thành trong nhịp sống hối hả của cuộc chiến đấu giải phóng miền nam (hiện bày tại Bảo tàng Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng).

Sau này được chuyển về làm việc tại Xưởng Mỹ thuật Quân đội, Tạ Quang Bạo càng phát huy được tài năng điêu khắc những tượng đài lớn. Ông làm việc như một nông phu cần mẫn trên cánh đồng bao la của nghệ thuật. Có thể kể đến những tác phẩm của ông vào các giai đoạn lịch sử và các sự kiện chính trị lớn. Đó là “Mẹ Trường Sơn”, đoạt giải nhì, năm 1976; Giải nhất tượng “Hành quân qua đường phố” (Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc-1979); Giải nhất tượng “Đảo tiền tiêu - (Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc-1980)…và Giải đặc biệt cho tác phẩm “Vọng phu” (1993). Ấy là chưa nói đến hàng chục tượng đài khác của ông đã được dựng tại các tỉnh như: Điện Biên, Phú Thọ, Quảng Trị, Quảng Nam, Nha Trang, Vĩnh Phúc, Tây Nguyên…

Thậm chí có người nói Tạ Quang Bạo là “vua” tượng đài cách mạng. Đáng chú ý ông còn là người đầu tiên sáng tác tượng về đề tài biển đảo. Sau tác phẩm “Đảo tiền tiêu” (1980) ông đã dựng bức tượng hoành tráng “Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền hải phận Việt Nam” (2015). Tác phẩm này có bố cục và tạo hình hiện đại đem lại giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng. Và đây cũng chính là một trong những tác phẩm mà ông đã được nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật (2016).

Những cơn gió mang tên tình yêu 

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo lần đầu tiên mở triển lãm tượng mang tên: “Chân dung nghệ sĩ” vào năm 2020. Ông chủ yếu giới thiệu mình qua những bức tượng có khối lượng vừa phải với những đề tài gần gũi trong đời sống. Người xem có những góc nhìn khác qua phong cách nghệ thuật theo trường phái lập thể và lấp ló đâu đó hiện lên màu sắc của siêu thực.

Đây là những tác phẩm có chiều sâu triết lý nhân văn cũng như phản ánh đúng cá tính nghệ sĩ trong ông. Bởi ở đây phần kỹ xảo đã bị lu mờ trước những hình tượng và bố cục mang tính ẩn dụ cao. Nếu ở mảng tượng đài quảng trường, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo mang yếu tố khái quát; thì ở thế giới tượng tròn ông lại thể hiện một trữ lượng cảm xúc đầy khát vọng. Đó là những bí ẩn mà ông đã hấp dẫn mọi người bằng những hình khối thấm đẫm chất thi ca lãng mạn.

Đá bay trong gió hát -0
Cụm tượng đài “Kéo pháo Điện Biên” của Tạ Quang Bạo

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo dẫn tôi lên ba tầng nhà rộng rãi để chiêm ngưỡng những tác phẩm được trưng bày khắp nơi. Đây là thế giới sáng tạo của ông. Một không gian vỡ òa bao cảm xúc bất ngờ trong tôi khi bắt gặp những tứ thơ từ hình tượng của ông. Đó là các thi phẩm bằng các chất liệu như “Cột tình”, “Nụ hôn”, “Thiếu nữ nằm”, hoặc “Tình yêu”, “Thiếu nữ trong trăng”, “Đàn bà”; và còn nữa những bức tượng mang yêu tố siêu thực trong “Bão tình”, “Hồn lìa khỏi xác”, “Trái tim lửa”…Mỗi bức tượng lại có những góc cạnh đột ngột khi mang cảm xúc nổ bung, khi lại dậy lên chùm ánh sáng khát vọng và có lúc trầm tĩnh nặng trĩu ưu tư.

Xen kẽ những hình khối lượn sóng tràn lớp là tốc độ xoay tròn vào tâm điểm. Luôn có sự chuyển động trong mọi chi tiết và đường nét của mỗi thớ đá hay gỗ được phô bày. Riêng tượng đồng của Tạ Quang Bạo lại càng đượm màu tâm linh và bí ẩn. Người xem dễ bị tác giả cuốn hút qua cách bố cục độc đáo của mình với chùm tác phẩm: “Dâng hiến”, “Tâm linh”, “Dòng sông cái”, hoặc “Đất lành chim đậu”, “Đài tưởng niệm cho mối tình đã chết”…

Ngoài đề tài về đời sống và tình yêu, tượng của Tạ Quang Bạo còn hướng tới thiên nhiên thấm đẫm tính triết lý nhân sinh. Xem tượng của ông khán giả cảm nhận được gió lộng và nắng tươi tràn ngập. Ngôn ngữ điêu khắc của Tạ Quang Bạo có tiếng nói riêng dị biệt với những thân hình không có đầu hoặc cái đầu mang biểu tượng nhỏ xíu. Đó là những khối hình tròn căng hoặc là một khoảng rỗng đột ngột như cái hố sâu trên cơ thể người. Siêu thực là như thế, gợi một cảm giác nào đó ta đã bị vướng bận trong cuộc đời mà giờ đây được rọi chiếu. Đáng kể với chùm tượng đồng thể hiện cảm xúc lãng mạn qua hình tượng “Gió” của tác giả.

Nếu trước “Cửa gió” đầy bí hiểm trong nghệ thuật siêu thực thì ở chùm “Gió 1,2,3” lại đượm chất lập thể chồng chất những chi tiết cùng bay trong bầu trời. Nào “Trước gió”, hay “Bay lên cùng gió”, hoặc “Lơ lửng”, và “Gió xoáy”…tác giả đạt được tốc độ chuyển động của chất liệu trong ánh vàng bát ngát. Người xem như được nhập vào nhịp điệu Rock trên mặt nhẵn phẳng lì của chất liệu. Đặc biệt bức “Tiên sa” với hình tượng nàng tiên giáng trần dựng ngược với hai tay nâng chiếc đầu rời khỏi cổ cùng làn tóc bay trong gió tạo một điểm nhấn kỳ thú trong phong trưng bày và cũng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Tạ Quang Bạo.  

Khúc đồng dao về mẹ

Nhà điêu khắc kể lại khi còn trẻ có thời làm việc ở Bảo tàng Mỹ Thuật nên đã học hỏi được nhiều nghệ thuật điêu khắc dân gian trong các đình chùa. Ông đi nhiều nơi ghi chép và học hỏi phương pháp thể hiện chất liệu  Folklore lên gỗ đá và gốm…Chính vì thế những tác phẩm về người mẹ hay phụ nữ nói chung nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã có những vận dụng tinh tế qua mỗi tác phẩm. Số lượng khá lớn của ông là những tượng (các chất liệu khác nhau) thể hiện qua đề tài này. Chất dân gian đã vào tượng ông khá sớm từ tác phẩm “Dấu ấn Mẹ Trường Sơn” (1973) trong thời gian cầm súng. Tiếp sau đó là “Mẹ con” (1977) và “Mẹ lá chắn” (1982). Và đỉnh cao của ông đọng lại ở tác phẩm “Vọng phu” (1993). Một tác phẩm thể hiện nỗi buồn lắng đọng của người mẹ bế con chờ chồng từ mặt trận trở về. Nỗi buồn mang dáng dấp cổ phong dân gian từ muôn kiếp trước.

Đặc biệt vào thập niên 2000 nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo tập trung làm hàng chục bức tượng về người mẹ. Những bức tượng với khối hình được đụng chạm hòa trộn chất kinh điển về đường nét và hình khối mang tính biểu tượng cao. Có thể kể đến như: “Đàn bà”, “Vú mẹ”, “Hòa bình”, “Mẹ con”, “Người đàn bà ngồi”… Trong số đó đáng chú ý có những bức tượng mang yếu tố thời đại sâu sắc như: “Dòng sông cái”, “Cao nguyên đá”, “Hòa bình”. Ở đây nét dịu dàng của đá được khắc họa lấp lánh nét cung đình bay bổng từ suối nguồn dân ca. Tôi cùng nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo chậm rãi đi trong thế giới cổ tích đầy huyền ảo qua hơi thở của đất đá. 

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thường tự nhận mình lấy cần cù bù thông minh và khiêm tốn tự xếp đứng hạng thứ 10 trong làng điêu khắc Việt Nam. Nhưng anh em đồng nghiệp lại thấy ở những tác phẩm của ông có những khối hình giầu sức biểu cảm và tráng lệ. Mỗi bức tượng như một bản nhạc nằm trong giao hưởng anh hùng về tổ quốc mà ông là chỉ huy với tổng phổ trên những vách đá. Hơn nữa với tư duy tạo hình hiện đại cùng vốn sống trải nghiệm bằng xương máu trong chiến trường, bức tượng nào của ông cũng hòa trong nắng và gió thật sống động thấm đẫm tính nhân văn cao cả.

Vương Tâm
.
.
.