Nhiếp ảnh gia, đạo diễn, nhà sản xuất âm nhạc Lê Thanh Hải:

Rất nhiều người làm hoen ố nghệ thuật

Chủ Nhật, 18/07/2010, 10:27
Chúng tôi muốn dành chuyên mục này để chia sẻ những quan niệm về cái đẹp, về nghệ thuật… của những nghệ sỹ, những người đang trực tiếp can dự vào đời sống nghệ thuật hiện tại. Và cuộc tranh luận đôi khi sẽ trở nên gay gắt, có khi hơi cực đoan, nhưng chắc chắn tiêu chí của nó là nhằm đưa ra những kiến giải, những ý tưởng chân thành mong nghệ thuật phát triển và đời sống nghệ thuật lành mạnh hơn.

Nhiếp ảnh gia, đạo diễn, nhà sản xuất âm nhạc Lê Thanh Hải, trong cuộc tranh luận này, sẽ đưa ra những cái nhìn trực diện, có phần riết róng, có khi sổ toẹt về một hiện tượng văn nghệ. Nhưng vẫn nhận ra ở anh, cái khao khát làm âm nhạc đích thực và mong muốn giữ lại những giá trị nguyên sơ của nghệ thuật.

Lê Thanh Hải, nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những bức tĩnh vật và cả những bức ảnh chân dung phụ nữ với người mẫu là người đẹp Thủy Hương. Nhưng đến thời điểm này, anh đã không còn nhiều hứng thú nữa. Anh đi làm đạo diễn chương trình truyền hình "Sức sống mới".

Đồng thời những năm qua, anh là nhà sản xuất âm nhạc, với những đĩa nhạc được thực hiện công phu, hướng vào cảm xúc của người nghe, với sự kỹ lưỡng tối đa. Kể từ album đầu tiên "Bóng tối ly cà phê" được giới nghề đánh giá cao, đến nay 5 album do anh sản xuất đã được phát hành. Gần như độc hành, nhưng anh có niềm tin vào sự thanh thản của người nghệ sỹ khi làm được những điều mình thích, không phải vì tiền.

Đỉnh cao của nghệ thuật là sự hài hòa

- Nghe nói dạo này anh đi làm đạo diễn chương trình truyền hình dành cho phụ nữ. Anh chán sản xuất đĩa nhạc rồi sao?

- Tôi vẫn làm đó chứ. Mới đây là Lệ Quyên, sắp tới sẽ là đĩa Quang Dũng. Lúc đầu là Quang Dũng nói muốn cộng tác với tôi, nghĩa là cùng góp vốn. Nhưng sau đó khi nghe những bài Dũng đưa, tôi thấy không ổn nên nói là em hát cho anh đi, anh trả tiền em, đây là đĩa nhạc anh tự làm.

Quang Dũng đòi 2.000 USD cho một bài thu âm, tôi nói tôi chịu, vì em "hét giá" cao hơn cả Thanh Lam. Lam có bề dày 20 năm rồi, Lam có vị trí của Lam, nếu em lấy giá bằng Lam thì anh làm, còn đắt quá thì anh mời người khác, anh mời Xuân Phú chẳng hạn… Đĩa Quang Dũng chắc chắn sẽ hay. Đĩa Lệ Quyên Acoustic nghe cũng sạch sẽ đấy chứ. Làm nghề phải tử tế.

Chứ có nhiều nhạc sỹ không ai biết là ai, bây giờ nhạc sỹ nhiều lắm, một bài sáng tác bán một triệu, thêm bản phối 800 ngàn, mời những giọng ca mà phải thêm ngoặc kép vào chữ "ca sỹ" vì muốn nổi tiếng nên đi hát, thì có khi nó còn trả tiền cho người làm để được hát. Làm đĩa như thế thì có tốn bao nhiêu tiền đâu.

Rồi nhạc thì cứ đánh chồng lên nhau, như một nồi cám lợn. Nếu làm đĩa kiểu đó thì tôi không bao giờ làm, mất thì giờ lắm. Nếu làm kiểu của tôi, phối một bài mất 5 triệu, nhưng nó rất kỹ, rất hay. Các nhạc công họ làm việc với tôi họ nói cảm ơn, vì sau 5 cái CD ý thức về âm nhạc của họ tốt hơn rất nhiều.

Đánh nhạc nó phải sạch sẽ, mạch lạc và chơi bằng nhạc cụ thật. Đỉnh cao của nghệ thuật là hài hòa, chứ không phải là sự ồn ào. Nghệ thuật nó là thứ gây ra cảm giác, nó có hồn vía, không bị trơ. 

- Anh đang làm công việc sản xuất âm nhạc khá nghiêm túc. Anh có nghĩ mình đi lạc dòng, giữa những người đang dùng âm nhạc như một công việc để giành giựt, để kiếm tiền?

- Cái quan trọng là mục đích. Con tôi học nhạc. Tôi muốn tạo thương hiệu để mai mốt cho con tôi làm nghề và phải làm nghề tử tế chứ không làm âm nhạc chợ búa. Tôi sẽ nói thêm một chút về  chuyện nghề nghiệp ở Việt Nam. Hiện tại, ngoài buôn ma túy thì chẳng có nghề gì lãi nhanh bằng buôn đất. Có cảm giác cả xã hội đi buôn đất.

Nó không sản sinh ra cái sản phẩm nào cụ thể cả, giá cứ lên cà giựt cà giựt thế thôi, lãi nhanh chứ. Tôi biết dư sức những thứ đó. Nhưng tôi không đi buôn đất. Đi buôn đất thì làm giàu rất nhanh. Ở Việt Nam hiện giờ người giàu nhiều lắm. Nhưng cái giàu này lại không đồng hành với sự phát triển văn hóa, nên nó mới xảy ra chuyện, một ca sỹ hát não tình, "nôn ọe" vào âm nhạc… được tôn vinh thành đại siêu sao.

Nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải trong một chuyến công tác tại nước ngoài.

Làm nghệ thuật thì cần có nền tảng cơ bản, chứ đừng huênh hoang mình có công chúng thì mình là tài năng lớn. Ở xã hội mà người giàu ngang xương, không biết vì sao mình giàu, nhiều như ở ta, thì cái này sẽ còn xảy ra nhiều lắm… Tôi có một hạnh phúc lớn là tôi được làm những gì mình thích.

Cái đó không tiền nào mua được. Tôi không thích thì chắc chắn tôi không làm. Đó cũng là lý do tôi không đi buôn đất. Vì tôi không thích. Tôi sẽ làm hết những cái mình có thể làm được, thế nên tôi có được sự thanh thản. Như nhiếp ảnh đó, tôi chán tôi bỏ hết, tôi chỉ chụp những gì tôi thích thôi.

- Ở thời điểm hiện tại, đúng là truyền thông đang tiền hô hậu ủng cho những người có công chúng, còn nhiều tài năng đích thực lại bị mờ nhòe hoặc chìm khuất. Phải chăng, anh đang có nỗi bi quan về nền âm nhạc và công chúng của chúng ta?

- Tôi không bi quan, vì nồi nào sẽ úp vung đó, nhạc nào khán giả đó, ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Mình không cách gì lôi kéo được người ta thích dòng nhạc mà họ không thể thích. Nhạc Mỹ đó, cũng đầy thứ rác rưởi, phát ầm ĩ trên MTV suốt ngày, tuy nhiên khi nó được đặt vào đúng hoàn cảnh thì nó vẫn hợp lý và được chấp nhận.

Nhạc hip hop, nếu được chơi trong một khung cảnh của một nơi không khí đậm đặc mùi khói thuốc và rượu, nhớp nhúa mồ hôi của những con người đang lơ mơ… thì có thể nghe được, thưởng thức được. Nhưng, nếu cùng thứ nhạc đó mà nghe trong khung cảnh của một đêm khuya tĩnh lặng, khi con người cần được tập trung tĩnh tâm thì rõ ràng là không chấp nhận được vì nó không được xếp vào đúng văn cảnh của nó.

Công chúng nào sẽ có sở thích tương ứng, không ai có sở thích giống ai cả. Đối với tôi, nhạc chỉ có hay hoặc dở chứ không có khái niệm phân biệt đó là nhạc thị trường hay không thị trường. Điều mà tôi quan tâm hơn là giới nghề đánh giá tác phẩm đó ra sao chứ không phải những gì công chúng nói.

- Vậy là anh vừa làm vừa nghe xem, những người làm nghề họ xì xào thế nào về mình?

- Tôi quan tâm điều đó. Tôi dẫn chứng điều đó bằng câu chuyện về 7 người họa sỹ lưu động nổi tiếng của Nga, trong đó nổi tiếng nhất là Levitan - tác giả của bức "Mùa thu vàng". Ngày đó họ được coi là những người tiên phong trong việc từ bỏ thói quen vẽ trong studio mà vác giá vẽ đi khắp nơi để sáng tác, sống cuộc đời phiêu bạt và được coi như những dã thú của châu Âu.

Đối với nước Nga bấy giờ, đó là một bước tiến lớn, tuy nhiên sự tiên phong đó của 7 người này vẫn bị tẩy chay, nên họ đã tới Venice - một trong hai thủ phủ của nền hội họa phục hưng Âu Châu để tổ chức triển lãm tranh trong vòng một tuần. Trong số đó, 6 phòng tranh luôn thu hút rất đông khán giả tới xem nhưng riêng phòng tranh của Mikhail Novell (tác giả bức "Con quỷ ngồi bó gối" - một trong những tác phẩm được coi là giáo khoa của hội họa thế giới) thì vắng hoe.

Nhưng có điểm đặc biệt, chỉ có duy nhất một vị khách tới thưởng thức tranh và vị khách đó liên tục trong một tuần liền, ngày nào cũng tới chăm chú thưởng lãm các tác phẩm của ông, từ lúc mở cửa cho tới cuối ngày. Vị khách đặc biệt đó chính là danh họa Pablo Picasso.

Những bức tranh đó đã thu hút Picasso bởi trong hàng chục năm trời, trong khi không ai phát hiện ra được những điểm đặc sắc trong tranh của Mikhail thì ông đã tìm ra được điều bí mật tạo nên thần thái, nỗi đau của con người gây ám ảnh trong những bức tranh đó: tác giả đã vẽ hàng loạt những bức tranh nhỏ độc lập nhưng mỗi bức tranh đó lại là một miếng ghép thành tổng thể một bức tranh lớn.

Chính điều đó đã tạo ra ảo giác và sức hút mãnh liệt cho tranh của ông và chỉ có thiên tài như Picasso mới phát hiện ra được. Một vị khách đặc biệt như vậy đáng giá hơn hàng triệu người xem bình dân khác. Làm nghệ thuật, tôi vẫn mong muốn và cần có được một người khách có giá trị như vậy, họ không cần nói, chỉ cần đến với tác phẩm của mình cũng là một điều đáng quý và thấy tự hào.

Còn nếu kinh doanh và mang tư duy theo kiểu buôn đất thì rõ ràng chọn việc làm đĩa theo kiểu bình dân, 1,8 triệu/ bài và thu những bài hát tầm phào thì sẽ đem lại nhiều lợi nhuận và ít rủi ro hơn. Báo chí hiện nay thì cũng là báo mạng, còn tồn tại nhiều điểm bất cập lắm.--PageBreak--

Nhiều người tự vu lên là… ca sỹ

- Tại sao anh lại nghĩ thế, báo mạng hay báo giấy thì cũng chỉ là phương tiện. Quan trọng là người ta đã viết về âm nhạc, về nghệ thuật ra sao mà thôi. Anh cũng bi quan cả về… báo mạng ư?

- Tôi lại đưa ra ví dụ nhé. Ví dụ như việc đối với một số cộng tác viên, nói thẳng thắn sẽ có thể bị sống sượng, khó nghe nhưng chỉ cần đưa cho họ phong bì 200.000đ- 300.000đ thì họ sẵn sàng viết một bài ca ngợi sáo rỗng trên một tờ báo mạng nào đó, nhưng không được ai quan tâm.

Nếu một bài báo tốt, được đăng bởi một tờ báo có uy tín thì sẽ có nhiều tờ báo khác sao chép lại và có thể gây được hiệu ứng. Nhưng với những bài PR trị giá vài ba trăm ngàn thì sẽ không thể có được điều đó. Tôi biết có những người đã chọn giải pháp… 200 ngàn. Khi tôi làm đĩa cho H.N.M., thực sự tôi rất thích giọng ca của cậu ấy, hay và kỹ thuật rất tốt.

Nhưng cách của tôi là cách để người nghe tự tìm đến và sẽ ở lại nếu thấy hay. Tôi không thích bỏ tiền ra làm PR. Nhưng đơn vị phát hành đĩa cho H.N.M. nói, hãy để bên đó làm PR, chỉ cần một năm sau thì ít nhất H.N.M. cũng sẽ nổi tiếng bằng… Quang Dũng.

Tôi nói, các ông láo, làm gì có chuyện đó được. Khi H.N.M. còn chưa biết hát tôi đã gặp Quang Dũng ở nhà Trịnh Công Sơn, nó đã gần chục năm lăn lộn ở sân khấu mới có được thành quả như ngày hôm nay. Chứ đừng nghĩ cứ nống lên mà thành ngôi sao được. Tất nhiên là họ vẫn làm, và làm theo cách… 200 ngàn. Có một số bài báo đã đăng và tôi bật cười khi đọc những bài báo đó. Ngô nghê không chịu nổi.

Đến giờ H.N.M. đã nổi bằng Quang Dũng chưa thì ai cũng biết rồi. Thế nên quan niệm của tôi là, đã làm phải làm cho thực chất. Còn xét về đường dài, nghệ thuật khác với những con đường khác, phải mất ít nhất phải có mười năm chiêm nghiệm mới có thể hiểu được nó là cái gì.

Hiện nay, có nhiều nhạc sỹ, ca sỹ vẫn sáng tác và đi hát nhan nhản khắp nơi nhưng tôi xin đảm bảo họ không hiểu hay dở của âm nhạc, của những ca khúc đó ra sao bởi chắc chắn rằng, nếu hiểu họ đã không đủ can đảm để làm những điều hoen ố nghệ thuật như vậy.

Đôi khi bản thân họ đang làm trò hề của công chúng mà không hề ý thức được. Nhiều ca sỹ hiện nay theo tôi gọi là thợ hát cũng chưa đáng bởi giọng hát non yếu, kỹ thuật thanh nhạc thiếu, khả năng đọc cảm xúc của nhạc sỹ gửi vào tác phẩm cũng không có.

Chính vì điều đó nếu nói rằng có ca sỹ này tôi thích, ca sỹ kia không thích là không chính xác vì theo tôi, có một số người là ca sỹ còn có một số người không phải, chẳng qua họ được… vu lên thành ca sỹ rồi truyền thông đánh đồng các loại vào nhau. Tôi không quan tâm đến những ca sỹ "được vu" như vậy.

- Và với anh, thì chỉ có Thanh Lam là ca sỹ biết hát, phải không?

- Lam hay lắm. Làm việc với nhau tôi nhận ra Lam giỏi vô cùng. Một cái kết, Lam đưa ra 8 cách hát khác nhau cho tôi chọn. Điều đó là vô cùng hiếm trong thời buổi nhiều ngôi sao nhìn thấy bản nhạc là khóc thét vì không biết đọc nốt nhạc. Và quan trọng nữa là Lam có được cảm xúc mãnh liệt khi hát.

Ngay cả những ca sỹ cùng thời với Lam, như một diva tôi xin giấu tên chẳng hạn, lắm khi hát vô cảm, kỹ thuật cao cường nhưng vô cảm. Thực ra Hà Trần là một giọng ca đầy mỹ cảm và hát rất văn minh. Đấy, tôi đánh giá cao cả Hà Trần chứ không chỉ Thanh Lam. Và còn rất nhiều tài năng nữa, nhưng họ bị lẩn khuất vào đâu đó, không có điều kiện xuất hiện mà thôi. Tôi rất mong tìm được những tài năng ấy.--PageBreak--

Bài hát Việt: Nông thôn hóa thành thị và lai căng

- Hình  như anh hướng đến một thứ nghệ thuật theo hướng tinh hoa của những người làm nghề nhiều hơn chứ không quan tâm đến công chúng?

- Nói như vậy không hoàn toàn đúng, vì nếu không quan tâm đến công chúng thì làm ra bất kỳ tác phẩm nào cũng đừng đem bán, chỉ cất ở nhà và đem tặng thôi. Nói về chuyện nhạc sỹ trẻ cũng vậy, nhiều bạn hiện nay còn thiếu hổng về kiến thức văn hóa nền nên đôi lúc họ không thể biết được đâu là điều hay đâu là điều dở.

Ví dụ như trong chương trình Bài hát Việt, 40% trong số các ca khúc là theo xu hướng nông thôn hóa thành thị, bằng chứng là dòng nhạc dân gian đương đại. Tôi không đánh giá cao thể loại nhạc này vì nghĩ rằng ai cũng hướng đến văn minh, mà đã là văn minh phải là văn minh đô thị.

Còn 40% nữa lại là thứ nhạc lai căng, được bắt chước máy móc, rập khuôn. Nhiều lúc thực hiện chương trình, tôi thấy một số bạn trẻ giới thiệu tên album bằng tiếng Anh thì cảm thấy rất khó chịu. Khi tôi quay chương trình "Sức sống mới", ca sỹ giới thiệu album mới tên là "Miss You".

Trời ơi, điên, tại sao lại phải dùng cái tên tiếng Tây đó khi mình hát tiếng Việt. Rồi tự dưng trong những bài hát, lại có câu "Baby I love you", thế là thế nào? Đối với những người thiếu vốn kiến thức, văn hóa để nhận biết hay dở, để mắc cỡ thì không nên làm nghệ thuật. Họ không thể có sự so sánh, chọn lựa trong số đó và tôi không quan tâm đến họ.

Nhiều khi, ngồi với Thanh Lam, tôi vẫn chia sẻ thân tình rằng có nhiều người vì đồng tiền mà đang làm hoen ố và pha tạp âm nhạc, sân khấu. Tôi bảo, Lam ơi, em bảo cái bạn ca sỹ của em xuống đi, nó hát kinh quá, nôn ọe trên sân khấu. Lam bảo, nhưng mà nó trả cho em nhiều tiền, nó quý em. Tôi bảo, thế thì chịu… Tôi làm âm nhạc và tôi bán, nhưng tôi sẽ bán cho những người tìm kiếm những giá trị âm nhạc thực sự.

- Nói như vậy anh không e ngại rằng có người nào đó vô tình nghe album của Lê Thanh Hải và lắc đầu?

- Thực sự tôi không quan tâm vì hiện tại tôi không có cái mơ ước rằng tất cả mọi người, từ cô bé bán vé số vỉa hè, cũng yêu thích nhạc của tôi. Chắc chắn rằng đối với nhiều tai nghe nhạc bình dân thì không thích nhạc của tôi mà phải là nhạc của Ưng Hoàng Phúc.

Chỉ cần đi xe đò chất lượng cao, bạn có thể biết số đông khán giả đang cần gì, yêu thích cái gì. Mình chỉ là một số lẻ trong số rất nhiều người để có thể lái mọi người theo ý nghĩ và sở thích của mình. Khi tham gia giải âm nhạc Cống hiến, dọc đường về Đỗ Trung Quân cứ vò đầu bứt tóc nói, tại sao đĩa "Bóng tối ly cà phê" của ông lại không được giải nhỉ?

Tôi bảo, tôi biết trước điều đó rồi. Tôi không buồn đâu. Nhưng Đỗ Trung Quân thì buồn. Phạm Hoàng Nam nó bảo nó cũng buồn, bởi vì nó làm clip ca nhạc nhưng chẳng bao giờ nghe những đĩa nhạc đó, nhưng nó đã nghe đi nghe lại "Bóng tối ly cà phê" đến 6 lần. Nhưng mà biết làm sao…

- Hình như trong thời điểm này, nói một cách tương đối thì anh đang đơn thương độc mã trên con đường của mình, con đường tạm gọi là cố công làm nhạc một cách tử tế. Còn ngay cả những nhạc sỹ từng là nhà sản xuất âm nhạc, biên tập nhiều album nhạc hay trong thập kỷ 90, ví dụ như nhạc sỹ Bảo Chấn, cũng đã im lặng hơn. Anh có nghĩ rằng, chúng ta đang sống trong… thời loạn giá trị của nghệ thuật và những người khôn ngoan, nghiêm túc thì nên im lặng chờ thời?

- Nhiều người đang kêu chán. Nhưng, vấn đề làm nghệ thuật tại Việt Nam có một điều quan trọng mà tôi thấy ít người đề cập đến, đó là bản lĩnh. Trong một thị trường âm nhạc phức tạp, vàng thau lẫn lộn, có cả rác rưởi như thế nếu không có bản lĩnh sẽ không thể tồn tại được.

Thật ra, bên trong một người nghệ sỹ luôn luôn tồn tại nhiều mặt đối lập, mâu thuẫn nội tại: họ phải có sự mong manh và nhạy cảm đủ để làm nghệ thuật, nếu đòi hỏi họ phải có thêm sự cứng rắn, bản lĩnh thì rất khó. Đó chính là một mâu thuẫn phải khắc phục.

Có nhiều người nhiều lần đặt cho tôi câu hỏi rằng liệu làm nhiều nghề như vậy, thích lội ngược dòng mãi như vậy tôi có nản không? Một kẻ kiên nhẫn đến mấy, trong thị trường nghệ thuật hiện nay của Việt Nam vẫn bỏ cuộc như thường, chỉ có những kẻ lì lợm là không mà thôi, và tôi đang là một kẻ lỳ lợm. Tôi sung sướng khi người ta nói tôi là kẻ ngoại đạo.

Nếu tôi là nhạc sỹ, tôi có làm dở, các đồng nghiệp vẫn còn e ngại, kiêng nể nhau nên không dám chê. Còn khi tôi là kẻ ngoại đạo, tay ngang thì người khác sẽ dễ dàng có thể nói tôi là thứ rác rưởi dù có thể với người khác nữa tôi là vàng. Tôi không phải kiêng nể hay e dè bất cứ ai cả nếu họ dở.

Nhiều người vẫn đổ tất cả do đam mê, còn với tôi đam mê chỉ là thứ trừu tượng người ta vin vào để ngụy biện. Đam mê mãi không thể giúp được một đứa trẻ 4 tuổi giải bài toán đại học. Đam mê phải là cái định mệnh, cái nghiệp gắn với cả cuộc đời mình chứ không phải là thứ ý thích thời thượng.

Một chút năng khiếu không thể dịch thành "có khả năng", cũng như không thể tiếp tục đánh đồng "có khả năng" và "tài năng" được. Tài năng không thể chỉ dừng lại ở mức độ có được một vài tác phẩm, được một vài giải thưởng mà nó còn phải gắn liền với sự cống hiến, có sức lan tỏa đến cộng đồng xã hội, lay động con người hướng con người ta tới giá trị chân - thiện - mỹ.

Nhắc đến tài năng thì phải đi liền với sự nghiệp, đó không thể chỉ là một ca khúc được giải thưởng mà sự nghiệp phải tính đến sự cống hiến cho âm nhạc trên một quãng đường ít nhất là 10 năm và để lại một khối lượng tác phẩm xác định. Nhiều nhạc sỹ Việt Nam hiện nay phải nói lời cảm ơn đến những người phối khí rất nhiều vì đã gọt giũa, trau chuốt rất nhiều công sức để bài hát của họ vào khuôn phép để có thể chơi được vì thói quen tùy hứng, "còn lời còn nhạc".

Như trường hợp Lê Minh Sơn, cứ lời tới đâu nhạc theo tới đó. Làm nhạc nó phải có những khuôn thức chặt chẽ. Cứ ê a như thế, đó không còn là âm nhạc nữa. Nhiều lúc là cố vấn nghệ thuật cho một giải thưởng tôi đã phải cảm thấy rất xấu hổ và tự hỏi vị trí của mình ở đâu khi giải thưởng được trao cho người không xứng đáng?

- Anh có nghĩ mình quá lời không, bởi nếu đòi hỏi khuôn phép như vậy, liệu nghệ thuật còn có thể sáng tạo được nữa?

- Thật ra đó mới chính là điều bắt chúng ta phải suy nghĩ, sáng tạo rất nhiều trên khuôn phép đã có, cái tinh hoa, tinh giản phát xuất chính từ điều đó. Nghệ sỹ Jazz Đan Mạch Lan Dowski đã từng nói với tôi một điều tưởng chừng rất đơn giản nhưng chứa đầy triết lý: Thay vì anh đánh 10 nốt nhạc thì hãy chú ý đánh 3 nốt cho tử tế trước đã.

Hay Roger Water của Pink Floyd đánh bass rất dễ và đơn giản, không chạy nốt, không luyến láy, rất nhẩn nha nhưng trong đó chưa đựng cái hồn. Khi cậu ấy ra đi, ngay lập tức ban nhạc này mất lửa. Ca trù, hay quan họ chẳng hạn không hề có ký âm vì thực ra những điệu nhạc đó với những luyến láy, uốn éo trong lối hát đó còn tùy thuộc thêm nữa vào yếu tố vùng miền nên chỉ có thể truyền khẩu lại, và chính điều đó mang lại sự đặc biệt thú vị của các loại hình này.

Khi đã sạch nước cản, khi đã nắm rõ và am hiểu về luật điệu thì thăng hoa của tác phẩm phát tiết ra từ chính điều đó, và có ngụ ý gửi vào những sáng tạo đó.

- Cuộc tranh luận của chúng ta sẽ còn được tiếp tục. Nhưng sẽ vào một dịp khác. Cảm ơn anh!

Hoài Phố
.
.
.