Đã bặt vắng cụ Kim Lân cùng Lão Hạc

Thứ Hai, 23/07/2007, 16:07

Cứ găm mãi vào trí nhớ hình ảnh một buổi chiều, cụ Kim Lân úp hờ mê nón lên đầu không biết nhặt ở đâu thất thểu ra ra vô vô cái ngõ Hạ Hồi ngoặt vào nhà cụ như một mê cung miệng cứ lầm bầm chi đó. Thì ra cụ đang bươn bả đi tìm con sáo khá khôn nuôi lâu nay tự dưng xổng đâu mất.

Ít năm nay cụ Kim Lân dường như sao nhãng cái việc đáo qua lũ con cháu cùng việc thi thoảng lại nằm khượt ra ngoắc kính mà lướt qua ít dòng của thiên hạ để mà siêng năng việc ra ra vô vô Nhà thương Đồn Thủy, Bệnh viện Hữu Nghị bây giờ. Dường như con bệnh lẫn người thăm đã quá quen với chứng tâm phế mãn của bậc cao lão.

Những lần theo người con trai thứ là họa sĩ Việt Tuấn (cùng làm ở Báo Tiền Phong với tôi) vào thăm cụ, chợt thấy đỡ đi sự u ám của không khí nhà thương bởi trừ những giờ nằm thở thêm ốc xy với làm thuốc thì lần nào cũng thấy cụ đang co chân trên cái ghế dài đặt ngoài hành lang. Từ tít hành lang bên này đã nhác ngay điểm nhấn của tượng đài Kim Lân là trán bóng lưỡng và một bên chân co lên, khỏe lên nữa, thoải mái thêm nữa thì là chíp bằng kiểu người tọa thiền.

Mà cụ có thiền thiếc bao giờ! Kiểu co chân cò như thế ở nhà hay tại đâu cũng là sự thường. Cố tật lẫn thói quen đó ngấm vào cụ đã lẩu lâu. Nom động thái quen thương ấy như một tín hiệu của sự bình yên! Như thế là lão Hạc đang ổn rồi... Mà là ổn thật. Chất giọng chưa lào phào tẹo nào. Thi thoảng lại chen một kiểu cười rất chi Kim Lân. Kiểu cười như dẫn xuất từ lòng mề mà ra, nghĩa là thực bụng chứ không đưa đẩy, không chiếu lệ phát ra từ họng từ miệng cho có gọi là?

Hình như ít khi nào tôi bắt gặp những người thăm lẫn bệnh nhân những là vân vi chứng này tật khác mà cụ đang phải cầm cự. Những mẩu đối thoại không đầu không cuối dường như đang tiếp cái mạch đời sống trần tục tất tả ngoài kia. Cái mạch mà không nhớ năm nảo năm nào, khi tôi được anh con trai thứ Việt Tuấn dẫn về thăm nhà. Thăm là thăm, là gặp để được đối chiếu để được phơi phóng cái ký ức nảo nao bởi từng đọc lẫn học Làng cùng những Con chó xấu xí...

Lão Hạc đây ư? Sắm vai phim đâu phải là nghề của cụ nhưng phải cảm Nam Cao lẫn quý bạn như thế nào thì cụ mới vào được vai mà đạt như thế! Lắm bữa chuyện đang nối bỗng tự nhiên lỏng hờ để mà tọc mạch để mà săm soi thêm nhà văn - nhân vật đang ngồi trước mặt mình với tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài tại làm sao lại có tiết tháo của Kim Lân trong vở tuồng Sơn Hậu.

Cái làng nghèo của tôi những năm đầu bảy mươi nảy ra một Tiến Thọ nhập môn làng tuồng với vai diễn xuất thần trong vở Kim Lân biệt Khương Linh Tá rồi sau này trở thành NSND rồi Thứ trưởng ngành Văn hóa! Tiết tháo Đổng Kim Lân có sức lây lan lẫn phò trợ ghê thật! Những bận thăm gặp như thế, tôi cảm ngay cái không khí nhà cửa thân ái khi Việt Tuấn gọi bố bằng thày hệt hền hên như cách gọi của quê tôi vậy. Mà tiếng thày tính đếm tới nay đã ba mươi mốt năm tôi không được gọi mà chỉ thốt thầm mỗi khi thấy mình bỗng cạn ráo đi mọi thứ!

Thích nhất là lựa được bữa nào có mưa mát về mùa nực còn mùa lạnh thì thi thoảng, Việt Tuấn lẫn tôi kiếm được chai rượu tàm tạm vác về. Thoạt đầu, tôi nghĩ cụ cũng chỉ hạ cố mà sà xuống vuông chiếu một lát với lũ con cháu nhưng chuyện rôm quá, không khí thân tình và dân chủ quá, chỉ có mấy bìa đậu với đám vó bò thái rối mà ông con tiễn những trưa những chiều một cách rất chi là có lý! Đến nỗi có nhắp chi ở nhà Việt Tuấn (thuở ấy vợ chồng hắn ở chung với ông bà) vắng cụ Kim Lân là nhỡn tiền sự nhạt hoét của bữa rượu.

Những đận ngồi như thế là tôi so sánh với những đối chiếu này khác. Giá như cụ ông với cụ bà đây có một cái nhà kha khá. Kha khá nghĩa là rộng hơn sáng hơn thoáng hơn một chút thôi chứ chẳng nên âm u ẩm ướt lẫn bí bách như thế này. Dưng mà tịnh không lần nào tôi thấy hai cụ phàn nàn về sự ấy cả!

Cứ găm mãi vào trí nhớ hình ảnh một buổi chiều, cụ Kim Lân úp hờ mê nón lên đầu không biết nhặt ở đâu thất thểu ra ra vô vô cái ngõ Hạ Hồi ngoặt vào nhà cụ như một mê cung miệng cứ lầm bầm chi đó. Thì ra cụ đang bươn bả đi tìm con sáo khá khôn nuôi lâu nay tự dưng xổng đâu mất. Cứ ám cứ đậm mãi một hình nhân mờ ảo cứ ra vô trong cái ngõ sâu tối lầy lội kia.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu áp ngày một Tết âm lịch đến chúc thọ cụ về cứ ái ngại mãi cái ngõ với diện tích khiêm tốn mà nhà văn Kim Lân ẩn cư. Tôi liều nói vui với ông Tổng Bí thư rằng than chi nhiều Nhà nước cứ dũng cảm mà cấp cho cụ một căn hộ chả hạn? Đồng chí Tổng Bí thư không cười, lắc đầu mà rằng khó lắm chỉ có cái nhà của Đỗ Phủ thôi...

Những bận ngồi mau ngồi lâu ấy, cụ ông lẫn cụ bà đã vỡ vạc cho chúng tôi bao nhiêu những cái mờ tối lẫn lõm bõm về các đấng bậc trong làng viết. Như cái đận nhà văn Nam Cao đốt bản thảo... Cái chai rượu mà Nguyễn Tuân thủ có chữ ký của Kim Lân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... Chiếc xe đạp Thống Nhất Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng nhà văn Nguyên Hồng mà nhà văn đã phải bán đi để mưu sinh để rồi chung thân với cái xe thiếu nhi Liên Xô mà ông kêu bằng Cún!--PageBreak--

Tinh những việc, những sự kiện mà hai vợ chồng già nhà này chứng kiến hoặc có can dự. Rồi vô khối những giai thoại này khác về một thời máu lửa lẫn gian khó như hồi nảo hồi nào. Cụ ông một bận còn gợi ý nên viết về lớp con cái nhà văn thuở ấy. Con trai nhà văn Nam Cao thành tiến sĩ nuôi cá, con trai nhà văn Nguyên Hồng hiện giờ như thế nào? vv... Lần lữa bởi lười, những dẫn dụ gợi ý quý hóa ấy vẫn xếp trong dự định đến giờ!

Một bữa ngồi hoành tráng nhất có rượu lẫn đồ nhắm kha khá mà tôi được dự là vào Tiết Thanh Minh cách đây năm năm. Đâu như cụ Kim Lân chủ trì trong một phạm vi hẹp. Nhà chật nên cụ mượn cái nhà hàng ngay đầu ngõ. Khi cụ ới tôi đến  đã thấy các đấng những Tô Hoài, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Vũ, Hồ Ngọc Đại... Chả biết được mấy nả nữa. Cứ là hẵng ngồi với nhau cái đã... Cụ Kim Lân móm mém.

Cũng trong bữa Thanh Minh ấy, tôi được nhà văn Trần Vũ ôn tồn cắt nghĩa như thì thầm  rằng, có người nói cụ Kim Lân lười viết, chán viết? Chả phải! Quăng ra trước mình cái mốc những Làng những Con chó xấu xí, ông Kim Lân biết mình không muốn và không thể vượt qua được những cái mốc ấy nên thôi. Đấy là sự tự biết! Có những người như thế, lạ lắm! Tiết tháo hay gàn, chả biết? Tôi nghe vậy cũng biết vậy và đến bây giờ vẫn chưa dám bạo miệng thưa lại với cụ rằng có phải như thế không?

...Cái tiết trời khỉ gió mà liên tằng những cơn nắng hầm người cho kỳ nhừ tử xứ nhiệt đới như thế này trẻ mỏ cho đến cánh tráng niên hẵng còn lử lả nữa là những lão trượng như Kim Lân đã tám sáu phải ra vô Viện Hữu Nghị lâu nay? Mới chiều bữa kia, bệt xuống sàn xi moong hầm hập bên quán nước chỗ cổng Tòa báo, trong cơn lử khử vì nắng, tôi còn hỏi Việt Tuấn tình hình cụ nhà thấy cái chép miệng lắc đầu của Việt Tuấn là cũng phải nhẽ trong cơn oi bức bĩ cực này Thày em lại phải vào Viện rồi!

Nhưng mà thấy chẳng phải nhẽ chút nào khi vào cái chiều oi ả này, giọng Việt Tuấn như có tiếng nấc trong điện thoại... Chợt thoáng chợt nhói câu chuyện cùng với bà Kim Lân năm nào về cụ bà Nguyên Hồng mà tôi chỉ nhớ chứ chưa kịp viết. Sao các cụ cứ rủ nhau mà đi vào cái tiết khốn khó này? Cũng vào mùa nực sáu năm trước, Việt Tuấn cũng chất giọng như chiều nay báo tin cụ bà Kim Lân đột ngột về cõi!

Lại chợt nhớ lẫn nhói vẻ thảng thốt của nhà văn Tô Hoài mà tháng trước tôi có ghé. Lúc tôi kể lại cái chuyện của Việt Tuấn rằng có đoàn làm phim nào đó đang quay bộ phim về cụ Kim Lân. Trong những trường đoạn ngắn dài chi đó không thể thiếu được cái xen là cụ Tô Hoài kể về cụ Kim Lân về tình bạn hơn nửa thế kỷ chi đó!

Không biết nghe ở đâu cái tin cụ Tô Hoài đang mệt nặng nên người nhà cụ Kim Lân không nhắn tin cho cụ Tô Hoài nên trong phim hình như không có xen ấy. Nhà văn Tô Hoài nghe kể lại giọng thảng thốt than, rằng có mệt thật nhưng cũng còn gượng ngồi được. Chứ với cụ Kim Lân, ai nỡ! Ai nỡ bỏ nhau mà đi...

Trong những đấng bậc viết cao niên ngoài cụ Tô Hoài hẳn còn ông thông gia Hoàng Công Khanh - Nhạn Lai Hồng năm nay 88 còn hơn cụ Kim Lân dững hai tuổi! Nhạn Lai Hồng là cuốn hồi ký mà nhà văn Hoàng Công Khanh viết về nhà tù Sơn La khi cùng bị giam với đồng chí Tô Hiệu.

Nhà văn Kim Lân, nhà thơ - nhà báo Trần Cư, nhà văn Hoàng Công Khanh và nhà quay phim - NSND Nguyễn Đăng Bảy (Ảnh chụp tháng 3/1987).

Mấy năm gần đây xuất hiện khá nhiều những bài thơ của Hoàng Công Khanh, ông bố vợ của anh bạn họa sĩ Việt Tuấn trên nhiều báo, tạp chí... Một dịp thích hợp nào đó, tôi sẽ trần thuật ít dòng về cái tình thông gia bằng hữu khá chi là đẹp giữa cụ Kim Lân với cụ Hoàng Công Khanh. Nhất là cái đận ông thông gia gặp nạn nặng, cụ Kim Lân đã điềm tĩnh mang cái tình người ra mà ứng xử ra sao.

Cùng với nén hương muộn trước vong linh cụ Kim Lân, tôi cũng xin phép nhà văn Hoàng Công Khanh trưng ra trên tờ An ninh thế giới Cuối tháng bức ảnh bộ tứ thân thiết nay chỉ còn mỗi Hoàng Công Khanh.

Từ trái sang phải, nhà văn Kim Lân, nhà văn Trần Cư, nhà văn Hoàng Công Khanh và nhà quay phim, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đăng Bảy. Nguyễn Đăng Bảy, tay máy làm nên nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có bộ phim Bác Hồ thăm Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Jawaharlan Neru năm 1958, cũng chính là anh vợ của nhà văn Kim Lân yêu quý của chúng ta!

Đêm 20/7/2007
.
.
.