Đáo để và trong trẻo: Trần Đức Tiến

Chủ Nhật, 20/05/2018, 09:00
Hơn 10 năm qua do quá bận bịu những việc quyền tác giả, nghĩ lại thật tiếc quãng thời gian đó. Quay trở lại với văn chương, cảm giác đầu tiên thật sung sướng là được đọc, đọc thật chậm những cuốn sách, những tác giả mà tôi đã mua về đặt trên mặt bàn… 

Sách của Trần Đức Tiến trong số đó. Cầm cuốn sách lên, chưa đọc, ký ức hiện ra một câu của hắn: “Tất cả những vẻ đẹp trên thế gian này thì không gì sánh nổi vẻ đẹp của đàn bà… (nhưng) phụ nữ luôn luôn khiến mình thất vọng. Mình nhận ra vô số cái xấu ở họ…”. Câu nói ấy cho thấy Trần Đức Tiến là người... đáo để.

Hắn đáo để một cách hiền lành và lì lợm. Cứ mỗi lần có dịp gặp, tôi quan sát hắn từ xa, rất nể trọng văn tài của hắn, thích cái đáo để lì lợm của một gã đàn ông (tôi là một trong số những người đàn bà hay thích những kẻ không thích/ không tán mình),  muốn tiến đến với hắn để làm quen nhưng ngài ngại cái việc có thể hắn “nhận ra vô số cái xấu” nào đó của mình...

Tôi thấy hắn cũng không tỏ ra niềm nở với ai, “ lừ lừ như ông từ vào đền” hoặc giống như một con rùa “lục cục lịch kịch” khi di chuyển, lầm lũi giữa đám đông, và rất hay tránh vào một chỗ, như lão đã từng mô tả. Nhưng tôi cũng thấy nếu đã gặp ai (chắc là người hắn mến) thì hắn nở một nụ cười đẹp không để đâu cho hết. Cái cười của một gã đàn ông có bản lĩnh…

Hội nhà văn có nhiều cuộc gặp, nào là hội thảo sáng tác, liên hoan theo các mùa các ngày, họp chấp hành, chấp hành mở rộng, nào là họp bầu bán, họp các hội đồng, họp và họp. Là ủy viên chấp hành như hắn, nếu dự đủ thì có khi quanh năm đi họp. 

Dù chả có chức vụ gì, nhưng nếu muốn làm quen các quan chức nhà văn thì người ta chỉ cần đến Trụ sở Hội là sẽ gặp được. Ối người vì thế mà lấy sổ hưu rồi nhưng chả rời trụ sở Hội. Quanh quẩn ở đấy có khi cũng chỉ vì gặp gỡ… Còn hắn thì ít đi họp, do tính cách hắn… chả thích giao du, lại sống ở tận Vũng Tàu và quá tiếc thời gian cho việc viết, nên chả mấy khi hắn ra Hà Nội. 

Tôi biết hắn từ rất lâu, qua lời đồn và qua sách. Lời đồn cũng có dăm bẩy loại, nhưng tôi biết loại nào đáng tin. Hắn viết chăm chỉ, (điều chỉ có những nhà văn chuyên nghiệp, bậc thầy mới làm được). Chả hiếm nhà văn chỉ “đẻ” một lần rồi tịt hẳn. 

Sinh 1953, nhiều năm bôn ba với nghề khác (một nghề trái ngược hẳn với sự mơ mộng là nghề thống kê) vậy mà hắn có hẳn một “gia tài” văn học: “Linh hồn bị đánh cắp” (tiểu thuyết, 1990 - in lại 2006); “Bụi trần” (tiểu thuyết, 1992 - in lại 2004, 2006); “Bão đêm” (tập truyện ngắn, 1993); “Mười lăm năm mưa xói” (tập truyện ngắn, 1997); “Tuyệt đối yên tĩnh” (tập truyện ngắn, 2004); “Lỏng và tuột” (tập truyện ngắn, 2010); “Vương quốc vắng nụ cười” (tập truyện thiếu nhi, 1993); “Dế mùa thu” (tập truyện thiếu nhi, 1997); “Thằng Cúp” (tập truyện thiếu nhi, 2001); “Làm mèo” (truyện vừa thiếu nhi, 2003); “Trăng vùi trong cỏ” (tập truyện thiếu nhi, 2006)…

Bây giờ nhiều cuộc thi, nhiều giải, không chỉ lĩnh vực văn chương được tổ chức ra, thực chất không phải để tìm ra cái hay nhất, mà người ta nhận giải/ trao giải vì những điều khác. 

Trong văn chương đôi khi ban giám khảo (BGK) trao cho ai đó cũng chỉ theo cảm tính, họ không đọc cái tác phẩm họ bỏ phiếu trao giải, đơn giản là họ chỉ đọc của họ, và họ cũng không dành thời gian đọc nhiều cuốn khác để so sánh, họ còn trao theo cánh truyền thông, truyền thông dẫn dắt thẩm mỹ của họ. Nhưng những giải mà Trần Đức Tiến được trao, thì khác, khác hẳn. 

Một là, tên của hắn khiến người trong BGK phải chú ý, hắn có sách hay từ hơn 30 năm trước đây, nên họ đọc còn vì muốn đọc (có khi còn khoái cảm xem thằng cha này đã xuống sức chưa) chứ không chỉ vì phải đọc. Hai là hắn viết hay thật. 

Bận mờ mắt như tôi mà thấy sách của hắn cũng phải mua để đấy. Bộ sưu tập hàng chục giải thưởng của hắn kể ra đây cũng thấy nhạt hẳn so với những gì hắn thực có. 

Hắn viết rất kỹ. Văn chương mượt mà, chả gân cốt gì, triết lý đời sống được diễn đạt qua những câu chuyện dung dị, đọc mà thấm, mà thích, mà nhớ lâu. Tên của hắn không nổi ầm ầm như ai đó được giới truyền thông giúp sức. Tên của hắn gắn với mọi tác phẩm hắn xuất bản. Như thế gọi là thương hiệu gắn liền với chất lượng sản phẩm. 

Thời buổi ào ào, thời gian là vàng bạc, người ta thà ngồi chơi, đánh bạc, du lịch còn hơn là đọc sách, nhất là những trang sách dài dằng dặc chứa rất ít cái người ta muốn thấy thì người ta không đọc, hoặc người ta nhờ truyền thông đọc trước, cho nên khi vớ cuốn truyền thông chọn hộ, người ta kêu ầm lên… làm gì còn văn chương… 

Nhưng sách của hắn là đích thị văn chương, và đừng có la lối văn chương Việt đang mất dạng… Sống chậm không dễ, và phải có gì trong đầu mới đọc chậm được. 

Sách Trần Đức Tiến rơi vào khoảng này, thế giới người đọc này, thế giới của tri kỷ. Tôi không biết hắn có nhiều tri kỷ ở ngoài đời không nhưng tôi tin là hắn có tri kỷ trong văn chương. Đọc và nhớ, và thích và chờ đợi có thêm nữa để đọc, thế là tri kỷ chứ gì…? 

Quãng những năm 80, là thời gian tôi còn đang phiêu bạt nơi trời xa, lạc hẳn vào thế giới của các cuộc trao đổi quần bò, áo cành mai, thuốc tây và các mệnh giá ngoại tệ mưu sinh, thì hắn cũng rất nghèo nhưng tên hắn đã lấp ló đâu đó ở giới văn chương. 

Hắn có 11 năm ở Hà Nội, chốn văn đàn sôi nổi, nơi có nhiều cơ hội thăng tiến mọi thứ, vậy mà hắn lại không sử dụng “phép lợi thế”, hắn từ bỏ, cùng bầu đoàn thê tử vào sống ở Vũng Tàu. Từ kinh tế - thống kê gì đó hắn chuyển sang cơ quan Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Nghĩa là hắn cũng làm quan văn nghệ. 

Tôi biết, có người ngang chức như hắn từng vỗ ngực trong cuộc họp với chủ tịch một hội có số lượng hội viên đông nhất Việt Nam, rằng: “Ông là chủ tịch, tôi cũng chủ tịch… tôi sẽ… tôi phải…”. 

Làm quan, mà hắn bình dị như nông dân, như bó mạ, hắn chẳng bao giờ tỏ ra là người có chức tước. Con rùa Trần Đức Tiến vẫn rụt rè, vẫn “phong độ chừng mực,ổn định” (trích trong “Con rùa nhỏ vô danh”). 

Ôi, sao chữ trong tản văn của Trần Đức Tiến lại có sức nặng đến vậy. Viết về con rùa mà như viết về một người, về nhân sinh quan của người đó, và về cuộc đời đang diễn ra…

Ảnh: L.G.

Thời hắn ở cương vị Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, tạp chí đã thu hút được nhiều tên tuổi lớn như: Tô Hoài, Phong Lê, Trinh Đường, Trúc Thông, Ngô Quân Miện, Vương Trí Nhàn, Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh… 

Có lẽ hắn muốn tờ tạp chí này có một tầm vóc văn hóa, một địa chỉ để lại dấu ấn văn chương trong lịch sử văn học… Mời được tên tuổi lớn viết không dễ, khó, ít nhất ở chỗ: lấy gì đáp đền. Mà có phải là cho cá nhân hắn đâu. Hắn yêu nghề, trọng nghiệp mà phải chịu khó, vượt khó thôi.

Hắn đáo để nên tư duy, chữ nghĩa của hắn cũng theo cái quan sát sắc sảo và cái duyên ngầm của hắn mà thành. Cái đáo để dường như hắn chỉ bộc lộ trong văn học. 

Có nhiều người cầm bút cũng rất đáo để, nhưng chỉ trong tranh đấu quyền lợi, để giành một cái gì đó cho bản thân hoặc nhân danh số đông. Hắn là kẻ lẳng lặng. Nhưng khi hắn đã lên tiếng thì dù có động chạm đến đâu đi nữa thì hắn vẫn quyết liệt, không ngại ngần.

Hắn viết bất cứ về cái gì cũng… hay. Cái hay giống như con gái có duyên. Một tản văn có tựa đề “Bánh cuốn, sơn nước và…” kể tả về bánh cuốn, nước chấm (rất tài), kể về cô nàng bán bánh cuốn người Hà Nam (một địa chỉ nổi tiếng về bánh cuốn ngon) nhưng… vì sốt ruột với lãi lờ mà cô bỏ nghề đi bán sơn nước... 

Chuyện chỉ thế thôi mà khiến người đọc khoái chá, triết lý nhân sinh như được thả vào ly cà phê thơm, ngon để người đọc nhâm nhi. Hắn viết cho người lớn đã duyên, viết cho trẻ con rất khó. Viết mà không duyên thì còn lâu các nhà xuất bản mới mua bản quyền, bạn đọc mới mua sách. Bây giờ người viết có sách (in sách) là chuyện dễ như ăn sáng. 

Cứ có tiền, viết xong, in ra rồi cất đi, rồi tặng, tặng cả những người chả bao giờ đọc, cốt để khoe rằng ta có sách. Mang sách đến đâu đó, có tiền, xin được lời giới thiệu, vào hội là thành nhà văn, với danh nhà văn có khi lại được phong chức. Chuyện ấy, nhỏ như con thỏ, dễ ợt. 

Nhưng sách Trần Đức Tiến thì mọi người phải mua, tôi cũng mua. Tôi thích mua sách, không chỉ để bày làm sang phòng khách. Ối cuốn tôi đã cho đi, để rộng chỗ. Nhưng sách hay thì tôi mua để đọc. Sách Trần Đức Tiến cũng vì hay mà có kẻ đứng đắn trở thành kẻ trộm bản quyền. 

Những cuốn “Dế mùa thu”, “Trăng vùi trong cỏ”, “Thiên thần nhỏ áo xanh”... viết cho trẻ em cũng ối trẻ thích. Chỉ có những bộ óc có khả năng quan sát tinh tế, có trí tưởng tượng phong phú, có tâm hồn trong trẻo và hiền hậu mới viết được những trang hấp dẫn như vậy…

Tôi viết về hắn, nhưng ngại cho hắn biết, nhưng rồi hắn cũng biết thôi, vì tôi sẽ in.

Trần Thị Trường
.
.
.