"Trả nợ" tiền nhân

Thứ Hai, 15/08/2016, 15:43
Khác với người em trai (GS.VS. Ngô Xuân Bính) tên tuổi võ sư Ngô Xuân Nhuần đã tràn ngập trên báo chí, ông sống ẩn mình lặng lẽ chốn quê nhà. Từng là huấn luyện viên trưởng đội tuyển võ thuật cổ truyền của tỉnh Nghệ An, thầy của nhiều thế hệ học trò xuất sắc, mang “vàng” về cho thể thao đối kháng xứ Nghệ, bỗng một ngày ông xin nghỉ việc.

Lý giải chuyện này, ông nói bởi tính mình không thể chấp nhận được thói giả dối, nhất là trong võ thuật. Sau “đận” ấy, có lúc ông tính rời xa nghiệp võ. Nhưng rồi chính các học trò đã không cho phép ông nghỉ ngơi.

Họ đến năn nỉ thầy dạy lại. Thương trò, ông đã trở lại với những lớp dạy võ miễn phí ngay sau quán ăn nhỏ ông thuê làm chỗ mưu sinh. Ngày lại ngày, vị võ sư già ấy vẫn cần mẫn truyền lại cho hậu thế những tinh hoa võ thuật của dòng họ.

Tinh diệu "võ ta"

Ở thành Vinh (Nghệ An), dòng họ Ngô Xuân khá nổi tiếng, bởi gắn liền với sự trở lại của dòng võ Hét cổ xưa trong tên gọi mới: “Võ Nhất Nam” – một môn phái võ thuần Việt đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, LB Nga, các nước vùng Ban tích và Liên hiệp châu Âu.

Võ sư Ngô Xuân Nhuần

Sự nổi tiếng còn bởi tiếng vang từ những thành tựu về y học, hội họa, thi ca... của người đứng đầu môn phái này – GS.VS. võ sư Chưởng môn Ngô Xuân Bính. Bên cạnh người thầy đã thành danh ấy, trong dòng họ Ngô Xuân nơi đây, vẫn còn những võ sư kiệt xuất khác, nhưng đang sống cuộc đời “ẩn dật”, lẫn vào trong dân gian.

Tuy thế, “làng võ” xứ Nghệ vẫn biết đến họ và truyền tai nhau: “Quyền thầy Nhuần, cước thầy Vỹ”. Đó là những mô tả khái quát nhất về công phu sở trường của “bào huynh, bào đệ” (anh trai và em trai) thầy Bính.

Nếu như võ sư Ngô Xuân Vỹ sở hữu những “miếng” đá bất thường, hạ sát đối thủ chỉ trong một cái đưa chân, được người “trong giới” tôn vinh là “đôi chân vàng”, thì thầy Ngô Xuân Nhuần lại có bộ tay đạt tới độ tinh diệu.

Có chứng kiến võ sư Nhuần thị phạm kỹ thuật cận chiến của người Việt cổ, mới thấy hết được tính hiểm độc, khắc sát của võ ta khi phải đương đầu với giặc phương Bắc có thể tạng to lớn hơn.

Chỉ sau một cú lách né, hay lơi đảo, ập công áp sát địch thủ, tức thì cả series đòn tay của ông (từ 6-12 đòn) bung ra với tốc độ “khủng”, công phá liên hoàn vào các tử huyệt trên cơ thể đối phương. Chưa hết, “thần nhãn” cùng tiếng thét man dại của ông khi áp sát cũng đã đủ khiến địch thủ lâm vào tình trạng hoảng loạn, bủn rủn, tê liệt chân tay… chứ chưa cần phải “lĩnh đòn”.

Ông lý giải, võ Hét là thuật “Nhại công”, tức là mô phỏng những thế miếng đánh của loài vật, những hiện tượng tự nhiên… để đúc kết thành võ. Tiếng thét lúc ra đòn là một đặc trưng của phái võ này.

Thầy Nhuần cho biết người xưa đã “bắt nhại” tiếng gầm rống của các loài dã thú khi trấn áp đối phương. Ngoài việc giải phóng năng lượng cơ thể, tiếng thét ở cự ly gần, với âm lượng trên 100 deciben sẽ khiến đối phương đau buốt tai, chảy máu, thậm chí thủng màng nhĩ và tức thời mất tinh thần và khả năng chiến đấu. Mà trong võ thuật, chỉ cần một giây sững sờ, đủ biến thành “bao cát” cho đối thủ.

Anh Nguyễn Nam – một “truyền nhân” của võ sư Ngô Xuân Nhuần “đi” cho tôi xem những công phu, được “gói ghém” trong các bài quyền cổ như: “Vân vũ liên hoa”; “Quyền tay quyền”, “Liên hoa côn”… Từng đòn thế biến ảo liên hoàn rất kỳ dị. Điểm đặt đòn của võ Nhất Nam thường vào vùng mắt, bộ hạ, yết hầu, chấn thủy và các tử huyệt khác trên cơ thể người.

Võ sư Ngô Xuân Nhuần tại một buổi tập huấn cho học trò ở Hà Nội.

“Quân Nhất Nam giấu ở cổ tay! Bằng thuật gật, lắc cổ tay, người luyện võ có thể bung ra hàng chục đòn điểm huyệt mà không cần rút tay về để tạo lực. Đây là một trong số những điểm đặc dị, khác hẳn với các môn phái võ có nguồn gốc từ Trung Quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc” – anh Nam phân tích.

Giải thích về sự khác biệt này, võ sư Nhuần cho biết: “Người Việt Nam vốn nhỏ bé, thể tạng yếu hơn người Trung Hoa, nhưng trong lịch sử đã phải chống chọi hàng trăm cuộc xâm lược của phong kiến phương Bắc. Để thắng được giặc khi buộc phải đấu tay đôi trên sa trường, từ những trận thua đẫm máu, các cụ ta đã rút ra những tuyệt kỹ để khắc chế võ của kẻ mạnh.

Đó là tránh sao cho nhanh, né sao cho khéo… để đòn của giặc không trúng đích, rồi chớp thời cơ địch sơ hở mà áp sát, tung liên hoàn đòn vào các tử huyệt trên người kẻ thù. Đã đánh trúng một đòn thì phải đánh dấn thêm, ào ạt như mưa dội, đá lăn, đánh không dứt điểm thì nguy to. Vì kẻ địch khỏe hơn, để nó thoát được thì ta sẽ chết”.

Nặng lòng tiên tổ

Dẫn chúng tôi lên dãy Đại Huệ (Nam Đàn, Nghệ An) dâng hương trước phần mộ của dòng họ Ngô Xuân, võ sư Ngô Xuân Nhuần đã khóc và thưa với anh linh tiên tổ rằng, sẽ tận truyền lại cho “hậu nhân” tất cả những gì được dạy ngày xưa, bởi nay tuổi đã xế chiều.

Trong làn khói nhang trầm, ông kể dòng võ Hét từng cực thịnh trong nhiều thế kỷ, góp mặt trong những trận đánh lớn, như danh tướng Ngô Phan (tiên tổ của dòng họ ông) đã chém đầu Liễu Thăng trong trận ải Chi Lăng; rồi trong đoàn quân giải phóng Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu 1789, có rất nhiều cao thủ võ Hét miền Thanh- Nghệ đã tận trung báo quốc dưới chân thành Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa…

Sau những biến động lớn lao của lịch sử, nhất là sau cuộc truy sát những người đã giúp anh em nhà Tây Sơn của vua Gia Long, dòng võ Hét đã “lặn” vào trong dân gian, tồn tại dưới dạng các gia phái, chi phái, theo kiểu ông truyền cho cha, cha truyền cho con, cho cháu, không mở rộng ra bên ngoài.

Dòng họ Ngô Xuân ở thành Vinh là một gia phái như thế. Người thầy dạy võ cho 3 anh em ông (Nhuần, Bính, Vỹ) chính là thân phụ của ông - cụ Ngô Xuân Kiên, một đại cao thủ dòng võ Hét, từng tham gia tải lương, tải đạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Võ sư Ngô Xuân Nhuần thị phạm một thế đánh côn của võ Nhất Nam.

“Tuổi thơ tôi rất “ngắn”. Vì suốt thời chiến tranh và những năm tháng bao cấp, tôi đã phải đi bán từng que kem, cái bánh rán, hột lạc… khắp bến tàu, bến xe, lớn lên một chút thì làm đủ các nghề nặng nhọc để phụ bố mẹ nuôi các em khôn lớn.

Ngoài giờ học và lao động vất vả, tôi chỉ có niềm vui là luyện võ. Cả 3 anh em tôi đều cần mẫn luyện tập dưới sự chỉ dạy nghiêm khắc của cha, nên đến tuổi thanh niên đã tiếp thu tương đối hoàn đủ các “bí môn” của dòng họ. Riêng chú Bính, với thiên tư đặc biệt, đã được chỉ định làm “Chưởng môn nhân” và giao kiếm lệnh khi mới 21 tuổi.

Hiện chú Bính làm việc tại LB Nga, với học hàm Giáo sư y học dân gian, Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu và Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga, là niềm tự hào của dòng họ. Còn chúng tôi vẫn ở quê nhà, mở lớp dạy võ miễn phí cho thanh thiếu niên” - võ sư Nhuần chia sẻ.

"Nghệ nhân" làng võ

Tôi đến thăm võ đường của thầy Nhuần đúng vào buổi tập tối. Trên sân xi măng, cảnh tượng hàng chục võ sỹ nam có, nữ có, đang say sưa múa quyền luyện cước nom thật đẹp mắt. Xứ Nghệ vốn là đất học, người xứ Nghệ tài hoa nên học gì cũng nhanh. Một bài quyền phức tạp như “Vân vũ liên hoa” mà cô bé Thi (học sinh lớp 5) đã múa vù vù, khiến khách không khỏi giật mình, kiêng nể.

Ở tuổi xấp xỉ 70, nhưng ông vẫn tráng kiện lắm, thân thủ nhanh nhẹn cùng tốc độ ra đòn không kịp nhìn. Những anh chàng võ sỹ to cao vạm vỡ hơn thầy, nhưng vẫn đổ chổng kềnh hay xuýt xoa kêu đau khi “được” thầy thị phạm.

Võ sư Phan Khanh – một học trò của ông nhận xét: “Cụ dạy rất quy củ và có phương pháp sư phạm. Trước mỗi buổi tập, cụ đều “soạn” giáo án đối với từng trò, chứ không dạy tùy hứng. Cụ nhìn ai mạnh về cái gì thì sẽ cho riêng những thứ phù hợp, để phát huy tối đa sở trường của họ”.

Võ sư Bùi Duy Vinh - (Phó ban chuyên môn Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam) - người nhiều lần mang “vàng” về cho thể thao Nghệ An, đã xúc động nhận xét về “ân sư” của mình: “Thầy Nhuần cương trực, trọng nghĩa khí, ghét thói đời giả dối nhưng lại rất nặng tình. Ơn thầy đối với chúng tôi rất trọng”.

Học trò thầy Nhuần kể chuyện khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, là HLV trưởng cho đội tuyển võ thuật cổ truyền, ông đột ngột cởi bỏ áo trọng tài và xin nghỉ việc. Số là ở giải đấu nọ, chứng kiến việc Ban tổ chức và các đoàn “hiệp thương” về giải thưởng, ông nổi giận bừng bừng, vỗ bàn phản đối rồi rũ áo ra đi. Bởi theo ông, trong thể thao không có chỗ cho sự giả dối, đặc biệt là trong võ thuật.

Trở về với đời thường, bươn chải với cuộc mưu sinh trong quán ăn nhỏ, tận tay bưng từng cốc bia ra cho thực khách, nhưng ông lại không thu bất kỳ khoản học phí nào của học trò. Không những thế, ông cùng một số “truyền nhân” còn dành dụm tiền cho những chuyến đi, lên các tỉnh miền núi xa xôi, để tập huấn bổ túc kiến thức võ thuật cho học trò nơi đó.

Tôi hiểu là ông làm thế để báo hiếu tiên tổ, để được sống trọn vẹn với niềm đam mê, với tình yêu võ thuật trong sáng, để chuyện vật chất nhỏ bé không che khuất đi mục tiêu cao cả của cuộc đời ông.

Ông tâm sự: “Đến bây giờ, khi mà võ Nhất Nam đã lan tỏa ở nhiều châu lục, thì đó không còn là tài sản riêng của gia đình tôi nữa, mà đã thuộc về dân tộc Việt Nam, thuộc về nhân loại, với tư cách một di sản văn hóa phi vật thể thuần Việt.

Chúng tôi có may mắn được lĩnh hội từ tiên tổ, thì có nghĩa vụ phải giữ gìn và truyền bá để di sản này được tiếp nối đến muôn sau cho các thế hệ cháu con.

Võ thuật cổ truyền trong thời buổi hiện đại này, không thể chống lại máy bay, tàu ngầm hay tên lửa hành trình… nhưng vẫn như thuở trước, nó có tác dụng nâng cao “thần khí” của dân tộc ta. Hun đúc tinh thần thượng võ, ý chí độc lập, tự cường, dám chiến đấu chống lại cường quyền, biết đoàn kết, quy tụ lòng người để bảo vệ đất nước”.

Đào Trung Hiếu
.
.
.