Nhạc sĩ Dương Thụ: Chương trình đã "đánh thức" tôi

Thứ Tư, 16/01/2019, 11:02
Sau hai đêm concert ở TP HCM kín khán giả, chương trình "Đánh thức tầm xuân" đã đánh thức nhiều cảm hứng trong tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa Dương Thụ. Và chắc chắn, đó sẽ không phải là đêm nhạc cuối cùng như ông từng chia sẻ.


Không thể là cuối cùng được

- Chúc mừng nhạc sĩ Dương Thụ với 2 đêm concert ở TP. Hồ Chí Minh thành công và ngày 19-1 sẽ diễn ra ở Hà Nội. "Đánh thức tầm xuân'- Cửa sổ âm nhạc số 4', ông nói  là concert cuối cùng, ông muốn chia sẻ điều gì với khán giả Hà Nội, những người chung thủy với âm nhạc Dương Thụ?

+ Ai rồi cũng đến lúc phải nghỉ ngơi thôi. Cuộc marathon âm nhạc của tôi đang ở chặng cuối, thấm mệt rồi. Kể cả tuổi mụ, tôi đã bước sang tuổi 77. Nhưng sau hai đêm diễn vừa rồi tại TP. Hồ Chí Minh, khi nghe lại những gì mình viết qua phần trình diễn của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Bằng Kiều, Tùng Dương, Trần Nguyễn Minh Đức, nhóm Con Gái cùng Ban nhạc Sơn Thạch và tứ tấu dây HBSO, khán giả đêm nào cũng kín nhà hát, tôi cảm thấy tự tin hơn, thấy mình trẻ lại.

 Chương trình "Đánh tức tầm xuân" đã "đánh thức" tôi. Khi Thanh Lam hát bài "Đánh thức tầm xuân", đến câu "Một ngày mới, một ngày đang tới", tôi lặng người đi. Sao lại là cuối cùng nhỉ? Không thể là cuối cùng được!

- Tôi vẫn nhớ từng concert của ông ở Hà Nội, từ "Cửa sổ âm nhạc số 1: Những câu chuyện kể của tôi" (2012), "Cửa sổ âm nhạc 2: Tôi mơ một giấc mơ" (2013), "Cửa sổ âm nhạc 3: Bài hát ru mùa đông" (2015) và đến tận bây giờ "Cửa sổ âm nhạc 4: Đánh thức tầm xuân". Vì sao lại cách quãng xa như vậy?

+ Cảm ơn bạn đã nhớ đến "Cửa sổ âm nhạc" chính xác như vậy. Từ năm 2012 tôi muốn làm mỗi năm một cửa sổ. Hai số đầu còn hăng hái nên làm liền mạch. Đến số thứ ba thấm mệt nên phải để tới ba năm sau mới tiếp tục. Và số thứ 4 thì "cuối cùng thôi, mệt lắm rồi". 

Tự mình làm chương trình vì không có tài trợ về tiền bạc chỉ có tài trợ bằng hiện vật (hãng Vespa tặng xe để đi, làm sao bán, hãng Ford cho xe đi đưa đón ca sĩ, dĩ nhiên thế là để quảng cáo cho họ, cà phê Trung Nguyên tài trợ cà phê cho khán giả uống trong chương trình thảm đỏ ngoài sảnh nhà hát, chỉ có thế thôi). Tôi không có ông bầu, tự mình phải lo hết chuyện bán vé. Nếu không bán được vé, chắc phải… bán nhà. Cũng may rốt cuộc vẫn chưa phải bán cái gì cả. 

Năm 2018 bị nhiều người hỏi sao không làm. Được sự hỗ trợ của các nghệ sĩ trong "gia đình âm nhạc" của tôi, của công ty tổ chức sự kiện Ngọc Việt và các đối tác của họ, tôi nghĩ thôi cố làm một lần cuối cùng vậy. Vì thế đầu năm 2019 mới có "Cửa sổ âm nhạc số 4 "Đánh thức tầm xuân".

- Những đêm nhạc của Dương Thụ vẫn luôn gắn liền với tên tuổi của những ca sĩ quen thuộc, họ là những diva, divo của nhạc Việt như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương, Bằng Kiều. Vì sao ông không mời những gương mặt mới hay vì ông không tin tưởng họ?

+ Mỗi nhạc sĩ đều có cách đánh giá của riêng mình. Dĩ nhiên làm chương trình phải chọn những gì tốt nhất. Đây không phải là chuyện tin hay không tin. Tôi không tìm người mới để đào tạo họ hát bài của mình. Ca sĩ phải tìm đến mình, phải thích hát bài của mình, điều đó mới thật sự tốt cho cả hai. 

Ngày trước, trong chương trình của tôi tại Nhà hát Lớn Hà Nội (1993), tôi đã mời họa sĩ Trần Lương hát bài "Em đi qua tôi", anh ấy hát rất hay và được khán giả "bis" cũng như với Thanh Lam hay Lê Dung vậy. 

Trong "Cửa sổ âm nhạc" các số trước cũng có những tên khác: Khánh Linh, Uyên Linh, Hà Linh, Duyên Huyền, Dương Hoàng Yến, Trần Nguyễn Minh Đức, nhóm Four You. Còn chương trình này dù qui tụ đầy đủ "dàn sao" như bạn kể tôi vẫn mời Trần Nguyễn Minh Đức và nhóm Con gái, thế là có những gương mặt mới đấy chứ.

- Hình như ông vẫn chung thủy với kiểu làm concert truyền thống, không sử dụng thế mạnh của công nghệ. Vì sao vậy?

+ Có đấy chứ, nhưng là thế mạnh của công nghệ âm thanh và ánh sáng thôi. Còn những thứ khác để thực hiện những yếu tố phụ diễn thì không cần thiết lắm. Vì làm concert là làm "nhạc để nghe" cho người đi nghe nhạc. Còn làm show là để cho người đi xem ca nhạc. Nhạc của tôi làm concert hợp hơn.

Những người giỏi còn đang "tàng hình"

- Hà Nội những ngày cuối năm 2018, đầu 2019 nở rộ các live show. Nhiều ca sĩ TP Hồ Chí Minh cũng tấn công ra đất Bắc. Nhưng nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, chúng ta đang thiếu những chương trình âm nhạc chất lượng cao. Liveshow chỉ phục vụ mục đích kiếm tiền của nghệ sĩ mà thôi, nó không phản ánh đời sống văn minh và sự phát triển của âm nhạc. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề đó?

+ Dân ta giờ có tiền, họ cần giải trí nên làm live show nhiều cũng tốt. Văn hóa giải trí của ta hiện nay là phù hợp với trình độ dân trí mà. Bạn muốn khác cũng không được. Chương trình âm nhạc chất lượng cao còn ít, nó cũng phản ánh đúng với với đẳng cấp sống văn minh và sự phát triển của âm nhạc của ta hiện giờ. 

Theo tôi nhận xét thì các bạn làm âm nhạc hiện nay giỏi nghề (nhất là cái gì dính đến công nghệ) và sống được bằng nghề hơn bọn tôi nhiều. Nhưng làm nghệ thuật thực sự không chỉ giỏi nghề và làm chủ công nghệ là xong, nó đòi hỏi một thứ khác quan trọng hơn là khả năng tự do trước sự chi phối của tiền bạc và danh vọng, cảm hứng sáng tạo và một nền tảng văn hóa dày dặn. 

Cái đó thì còn thiếu. Nói như thế không phải là lỗi của các bạn trẻ mà là lỗi của cả nền giáo dục, của văn hóa truyền thông chính thống chỉ thiên về tuyên truyền và thương mại. Những băn khoăn của anh Quốc Trung là lời cảnh báo cho thực tại. Một ý kiến rất nghiêm chỉnh mà những người làm truyền thông, những người hoạt động âm nhạc nên suy nghĩ.

- Đời sống âm nhạc bây giờ nhiều thay đổi, ồn ào hơn, xô bồ hơn, nhạc thị trường đang chiếm lĩnh đời sống. Cái không khí đó chắc khác xa thời của ông? Mỗi lần làm concert chắc sẽ nhắc nhớ trong ông nhiều kỷ niệm?

+ Hơn ba mươi năm rồi phải khác chứ. Đời sống khác thì âm nhạc khác. Thời đó làm show "Nghe mưa" xuyên Việt cùng với Bảo Chấn, lên Đà Lạt phải làm ngoài sân đá bóng. Hơn vạn khán giả, họ mua vé chen lấn xô đổ cả cửa sắt, dẫm nát hết cỏ, tôi phải đền cho Ban quản lý sân vài chục triệu. 

Đi tới đâu tôi với Chấn cũng "oai" như ca sĩ, khán giả chen nhau xin chữ ký, ký mỏi cả tay. Giờ thì hết rồi, phải vào nhà hát nhỏ dành cho ít người. Các bạn trẻ không nghe  nhạc của mình, không biết mình là ai nhưng… công chúng xưa của bọn tôi vẫn đến cái nhà hát vài trăm chỗ ngồi ấy, người dẫn cả nhà gồm ba thế hệ đến để nghe nhạc và chụp ảnh cùng "anh Thụ", người dẫn vợ con đến nghe và chụp ảnh cùng "chú Thụ". Vẫn có người nhớ đến Dương Thụ là hạnh phúc rồi.

- Có ý kiến cho rằng, sự mất cân bằng trong đời sống âm nhạc hôm nay một phần do các nhạc sĩ, nhà sản xuất giỏi đang "ngủ đông", họ không tạo ra những sản phẩm tung ra đời sống. Ông nghĩ sao?

+ Họ không "ngủ đông" như bạn nghĩ đâu. Họ thức và rất tỉnh táo. Những sản phẩm tung ra đời sống nhiều đấy. Sản phẩm của họ có giá trị tuyên truyền và nhiều cái có giá trị thương mại rất cao. Nhưng… người sản xuất âm nhạc cỡ như anh Quốc Trung thì rất hiếm, vậy thôi. 

Còn chuyện mất cân bằng thì tôi không hiểu là cái cân bằng nào. Ở một đất nước, dân trí chưa cao như nước ta mà đòi hỏi nghệ thuật nghiêm túc, đẳng cấp có chỗ đứng mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc chỉ là ảo tưởng. 

Hãy hướng đến nó, hãy nuôi dưỡng giấc mơ đẹp ấy cho các cháu còn học ở bậc tiểu học, cho các nghệ sĩ trẻ có khuynh hướng độc lập với tiền bạc và danh vọng, hãy ủng hộ họ. Họ có đấy, tôi đã nhìn thấy họ, đã nghe được những sản phẩm của họ, họ có thực nhưng còn đang "tàng hình", bởi họ là Underground.

Hồng Nhung và Bằng Kiều trong đêm nhạc “Đánh thức tầm xuân” ở Tp Hồ Chí Minh.

- Nhiều nhạc sĩ thế hệ ông, nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường đều cảm giác thời mình đã qua rồi. Còn ông thì sao?

+ Tôi không được biết các bạn tôi có cảm giác thế nào, còn tôi thì không có cái cảm giác ấy. Ai cũng có một thời, điều ấy là bình thường. Chỉ có âm nhạc là phi thời. Ông Đặng Thế Phong đã mất cách đây hơn 70 năm và thời của ông ấy đã qua lâu rồi, nhưng bài "Giọt mưa thu" đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. 

Còn Dương Thụ liệu vài chục năm nữa "Tháng tư về", "Họa mi hót trong mưa", "Vẫn hát lời tình yêu" v.v. có còn được hát nữa không? Làm sao còn sống để mà biết được, để cảm thấy nhạc của mình là phi thời hay hết thời. Hãy vui với những gì mình đã có, còn chuyện giá trị đến mức nào phải trả lại cho thời gian và cho người nghe.

- Ông từng chia sẻ với tôi rằng, năm 2019 ông sẽ thực hiện dự án "Tre hát". Ông có thể chia sẻ về dự án này?

+ Tôi yêu giai điệu dân ca của người Việt và các dân tộc anh em sống trong lãnh thổ Việt Nam. Yêu nó không bởi lòng yêu nước và tự hào dân tộc mà yêu bởi thấy về mặt âm nhạc nó hay thật sự, thấy nó có thể đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới một cái gì đó. 

Với tôi âm nhạc thực sự thì không có biên giới. Nhưng cách chúng ta làm với nó lại biến những giai điệu tuyệt vời như thế thành thứ đặc sản địa phương, chỉ hợp với khẩu vị chuộng lạ và du lịch.

Tôi muốn nó có ngôn ngữ toàn cầu, có nghĩa là giao hưởng hóa nó theo phong cách âm nhạc cổ điển đương đại (Contemporary Classic), được trình diễn bởi dàn nhạc giao hưởng, một loại hình dàn nhạc lớn xứng tầm để khai thác hết vẻ đẹp quí giá ẩn giấu sau những giai điệu dân ca tuyệt vời mà tôi đã nghe và cảm nhận được. 

Tre ở đây mang tính biểu tượng (Cũng có thể là "Sen hát") nó không hàm ý về việc sử dụng chất liệu (nhạc cụ bằng tre nứa). Từ năm 2009 khi làm chương trình "Điều còn mãi", mỗi năm tôi đã biên tập một tác phẩm dân ca được giao hưởng hóa với sự cộng tác của nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân và Trần Mạnh Hùng, nay đã có một số vốn ban đầu để làm tiếp. 

Nhưng tôi đã ngưng làm "Điều còn mãi" từ năm 2016. Muốn thực hiện "Tre hát" hoặc "Sen hát" thì ít nhất phải có 15 tác phẩm với nhiều hình thức khác: song tấu, tam tấu, tứ tấu, cho dàn dây, cho dàn kèn, cho acapella, cho hợp xướng, cho giọng hát thính phòng. Muốn có thì phải có tiền. Tôi sẽ cố gắng thuyết phục các nhà tài trợ và có ai đầu tư thì càng tốt.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông.
Việt Hà (thực hiện)
.
.
.