NSƯT Minh Lương: Chương trình "Âm vang chiến công" đưa hình ảnh Công an gần hơn với công chúng

Thứ Ba, 13/08/2019, 21:35
Từng đoạt giải Nhì Liên hoan Tiếng hát Truyền hình Toàn quốc nhưng NSƯT Minh Lương lựa chọn trở thành một giọng ca của lực lượng Công an. Với anh, đó là một niềm hạnh phúc vì được làm công việc mình yêu thích. Minh Lương cũng là một trong những giọng ca gắn bó nhiều năm với chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công" do Báo CAND tổ chức.


- Anh là một nghệ sĩ nhiều năm tham gia các chương trình ca nhạc chào mừng Quốc khánh 2-9 và ngày Truyền thống của Lực lượng Công an do Báo CAND tổ chức. Lần này, anh sẽ tặng khán giả món quà gì?

+ Tôi từng tham gia nhiều chương trình nghệ thuật do Báo CAND tổ chức, đó là những chương trình được đầu tư kỹ lưỡng về nghệ thuật và có sự đóng góp của nhiều giọng ca tên tuổi. Là một nghệ sĩ mang trên mình sắc phục Công an, tôi nghĩ đó là một phần trách nhiệm khi mình đứng trên sân khấu và hát những bài hát ca ngợi truyền thống của lực lượng. Có nhiều bài hát hay gắn liền với lịch sử truyền thống hào hùng của Lực lượng CAND  như "Từ một ngã tư đường phố", "Biết ơn chị Võ Thị Sáu", "Người chiến sĩ ấy"… nhưng tôi luôn chú trọng đến việc mang những sáng tác mới đến gần hơn với khán giả.

 Trong đêm nhạc "Âm vang chiến công" lần này, tôi sẽ hát bài "Kỷ niệm về ba", một sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Thịnh phổ thơ của Thượng tá, nhà thơ Đậu Thị Hoài Thanh nói về một người cha trong Lực lượng CAND đi đánh án và hy sinh, để lại giấc mơ dang dở cho người con, mong chờ ba về tặng quà sinh nhật. Và những câu chuyện về ba, giấc mơ về món quà sinh nhật chỉ còn là ký ức. Đó là câu chuyện xúc động về chiến công và sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ Công an trong thời bình. 

Tôi tin, "Kỷ niệm về ba" sẽ có đời sống trong khán giả bởi nó chạm tới trái tim nhiều người. Tôi chọn những sáng tác mới về Lực lượng CAND bởi tôi muốn mang những bài hát đó đến gần hơn với công chúng và để bài hát được lan toả trong cộng đồng, giúp khán giả hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an giữa thời bình.

- Ngoài những bài hát mới, được biết chương trình "Âm vang chiến công" còn giới thiệu tôn vinh nhiều bài hát truyền thống với những giọng ca tên tuổi trong và ngoài Lực lượng Công an?

+ Đây là một chương trình được đầu tư kỹ lưỡng về nghệ thuật, do NSƯT Quốc Hưng - người có nhiều năm kinh nghiệm dàn dựng chương trình làm Tổng đạo diễn. Chương trình sẽ có những gương mặt nổi tiếng như ca sĩ Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo, Lan Anh và nhiều giọng ca mới nổi từ các giải Sao Mai như Quách Mai Thy, Lương Hải Yến hứa hẹn mang đến một không khí mới mẻ, tươi trẻ. Bài "Kỷ niệm về ba" cũng là một điểm nhấn của chương trình, như một dòng chảy nối liền giữa quá khứ và hiện tại, để thế hệ hôm nay tiếp tục viết lên những trang sử vẻ vang của Lực lượng CAND bằng âm nhạc.

- Có thể nói, trong kho tàng những bài hát về Lực lượng Công an, có nhiều tác phẩm đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Nhưng tôi nghĩ, dòng chảy đó vẫn cần sự tiếp nối và chúng ta cần những bài hát mới mang hơi thở của đời sống hôm nay?

+ Hiện nay chúng ta vẫn có thêm những bài hát mới về Lực lượng CAND, nhưng số lượng không nhiều. Hằng năm chúng ta tổ chức một số trại sáng tác về đề tài này, nhưng để chọn được một vài bài hát xúc động rất khó. Muốn tìm những bài hát chất lượng cao, góp vào những bài ca đi cùng năm tháng là điều vô cùng khó khăn. Vì thế, tôi muốn những bài hát hay như "Kỷ niệm về ba" có cơ hội lan tỏa nhiều hơn trong đời sống để góp phần vào kho tàng những bài hát về Lực lượng CAND vốn đang nhiều khoảng trống.

Chương trình “Âm vang chiến công” trở thành chương trình thường niên của Báo Công an nhân dân.

- Vì chúng ta thiếu một lực lượng sáng tác về đề tài Công an?

+ Chúng ta không thiếu lực lượng sáng tác mà thiếu những bài hát hay. Hàng năm, tôi vẫn cầm trên tay hàng tập những bài hát mới, nhưng để tìm được bài hay rất khó. Chúng ta hay bị đóng khung vào hình ảnh Công an mang tính tuyên truyền khô cứng hoặc các tác giả sáng tác lại bị khu biệt trong các vùng miền, trong khi đó, nếu nhìn rộng ra, hình ảnh các chiến sĩ công an có rất nhiều khía cạnh đời thường để khai thác, như nỗi đau, sự hy sinh thầm lặng của họ giữa thời bình… Tôi nghĩ, điều cần nhất là người sáng tác nên thay đổi cái nhìn về lực lượng CAND, đi vào khai thác những góc nhìn nhân văn hơn, ấm áp hơn về họ.

- Anh là một nghệ sĩ mang trên mình sắc phục Công an, từng mang tiếng hát của mình đến những vùng núi xa xôi phục vụ bà con. Những chuyến đi và cảm giác hát cho người dân nghe ở những nơi không có ánh đèn sân khấu rực rỡ đó như thế nào?

+ Tôi may mắn có nhiều năm công tác trong Lực lượng CAND. Tôi đi nhiều, mang tiếng hát đến vùng sâu vùng xa, những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất như Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ… để tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá văn nghệ, tuyên truyền cho người dân, mang đến cho họ niềm vui. 

Điều lạ là, khi xem các chương trình văn nghệ, họ trở về đúng con người thật của mình, cũng đam mê, hào hứng nhiệt tình và hồn nhiên. Đúng là âm nhạc giúp con người gần nhau hơn, họ vui chơi, cổ vũ rất nhiệt tình dù đa số không biết nói tiếng Kinh. Những chuyến đi vất vả hằng tháng trời, chúng tôi phải tự túc hết, vào bản làng tìm nhà rông làm sân khấu. 

Buổi tối người dân kéo đến ầm ầm bằng xe công nông, máy kéo, diễn xong chương trình rồi họ vẫn không chịu ra về. Đông và vui. Vì ở những nơi xa xôi đó, người dân ít có các hoạt động văn hóa văn nghệ. Còn chúng tôi khi lên sân khấu và nhìn thấy niềm vui, sự cổ vũ nhiệt tình của họ là quên hết mệt mỏi. Nhiều chuyến đi chúng tôi phải tự túc bánh mỳ hoặc cơm hộp mang vào ăn cả ngày. Có những bản đường vào cheo leo, lỡ dính mưa thì phải ở lại cả tuần không ra được. Công việc vất vả nhưng mà vui và ý nghĩa. Và chúng tôi đã diễn bằng tất cả nhiệt huyết của nghệ sĩ.

Chương trình "Âm vang chiến công" năm 2018.

- Anh từng đoạt giải Nhì Liên hoan Tiếng hát Truyền hình Toàn quốc, có thể nói đó là một bước đệm để cho anh tiến xa hơn trên con đường ca hát. Nhưng anh đã chọn về công tác ở Đoàn Nghệ thuật CAND. Vì sao vậy?

+ Từ nhỏ tôi đã thích vào ngành Công an vì bố tôi cũng là Công an, gia đình có truyền thống trong lực lượng. Tôi có năng khiếu âm nhạc và cứ tâm niệm rằng, lớn lên, nếu may mắn mình sẽ vào ngành và làm chuyên môn giỏi nhất là hát. Khi đam mê và đạt được nguyện vọng thì phải nhiệt huyết và yêu công việc mình chọn. Vì yêu nên tôi luôn phấn đấu, không ngại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình. 

Từ khi vào ngành, chưa lúc nào tôi cảm thấy chán và buông xuôi. Bởi tôi đã được sống thêm một cuộc đời khác của người nghệ sĩ, ở đó không có ánh đèn sân khấu lộng lẫy, rực rỡ mà ở đó lại có những người nông dân lầm lụi, có những cuộc đời bình dị mà tiếng hát của mình đã mang đến cho họ niềm vui, xóa nhòa khoảng cách và định kiến. Sân khấu ấy cũng hấp dẫn lắm vì chúng tôi được dấn thân và tiếng hát của mình trở nên ý nghĩa hơn.

- Cái tâm thế dấn thân đó liệu có còn không trong các bạn trẻ hôm nay?

+ Các bạn trẻ ngày nay thích bay nhảy vì ở ngoài có điều kiện phát triển, bay cao, bay xa hơn. Vì thế, Đoàn Nghệ thuật CAND khó thu hút các bạn trẻ tài năng. Chúng ta cần có một chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài. Nếu không, đội ngũ này càng ngày càng thiếu vắng vì bây giờ ít bạn trẻ dám hy sinh và dấn thân cho một lý tưởng sống nào đó của mình. Thực tế, hiện nay, đời sống của anh chị em trong đoàn khá vất vả, phải chạy show ở ngoài để có thêm thu nhập. Mỗi buổi biểu diễn thù lao vẫn chỉ 40 ngàn thì làm sao thu hút được nhân tài. Tôi hy vọng đợt tới, chúng ta có những chính sách mạnh mẽ hơn vì văn hóa văn nghệ cũng quan trọng trong đời sống hôm nay.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công" sẽ được truyền hình trực tiếp trên ANTV vào 20h ngày 16-8-2019. "Âm vang chiến công" là một chương trình nghệ thuật thường niên do Báo CAND tổ chức kỷ niệm 74 năm Ngày Truyền thống Lực lượng CAND. Chương  trình gồm ba phần, phần mở đầu mang tên "Mùa thu chiến thắng", tái hiện lại những trang sử hào hùng của lực lượng CAND từ ngày đầu thành lập qua các ca khúc kinh điển "Mười chín Tháng Tám", "Tiến về Hà Nội", "Người Hà Nội" và kết phần 1 là "Bài ca thống nhất". 

Trước khi đến với phần hai, khán giả sẽ được xem một phóng sự kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và 74 năm Ngày Truyền thống Lực lượng CAND. Phóng sự tái hiện lại những trang sử hào hùng, bi tráng của lực lượng gắn liền với cuộc đấu tranh dành tự do, độc lập của dân tộc. Phần hai khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ Công an "Người chiến sĩ ấy" với những tác phẩm "Phiên gác đêm", "Kỷ niệm về ba", "Biết ơn chị Võ Thị Sáu"… 

Và phần ba sẽ là những ca khúc chào mừng chiến thắng, mừng mùa xuân của đất nước như "Mùa xuân trên quê hương" với "Đất phương Nam", "Xa khơi", "Biển hát chiều nay", Gửi lại em", "Tự hào đi lên ôi Việt Nam"… "Âm vang chiến công" có sự góp mặt của nhiều giọng ca tên tuổi như NSƯT Quốc Hưng, ca sĩ Trọng Tấn, Lan Anh, Phạm Phương Thảo…

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.