NSND Nguyễn Hữu Tuấn: Tôi có một Hà Nội của riêng mình

Thứ Năm, 02/05/2019, 07:00
Là dân phố cổ, cuộc đời gắn liền với con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội - phố Hàng Đào; ngấm Hà Nội từ trong máu nhưng NSND Nguyễn Hữu Tuấn vẫn cho rằng, với Hà Nội, ông có cảm giác chơi vơi, chưa hiểu hết về nó.


Chỉ những người chủ quan mới nghĩ rằng mình đã hiểu Hà Nội. Còn ông, Hà Nội mãi mãi là những dấu hỏi. Một người cũ nhưng Nguyễn Hữu Tuấn không sống bằng hoài  niệm, cũng không đi theo xu hướng hoài cổ. 

Với ông, những gì có giá trị thì nên giữ lại và cuộc sống sẽ tự đào thải. Hà Nội cũ không phải cái gì cũng giá trị. Chúng tôi  có dịp trò chuyện cùng ông về một Hà Nội xưa và nay, những biến thiên của thời gian và đi tìm cái đẹp trong sự đổi thay đó.

- Ký ức của ông về một Hà Nội xưa như thế nào?

+ Hà Nội xưa là một cái chợ. 36 phố phường Hà Nội lúc đó giống như 36 làng xã thu nhỏ, gồm những con người ở các tỉnh lân cận tìm lên buôn bán, từ Nam Định, Thái Bình, từ Bắc Ninh, Bắc Giang, từ Đa Sỹ, Hà Đông… 

Buôn có bạn, bán có phường, họ vô hình lập ra ranh giới rõ ràng giữa các phố phường, cạnh tranh nhau cũng có hoặc đào thải nhau cũng nhiều. Đó là lần đầu tiên, những người dân quê Việt Nam tiếp xúc với lối sống đô thị, biết được những lề thói cạnh tranh, họ cũng phải đóng tiền nước sinh hoạt, làm hệ thống cống rãnh, không còn sinh hoạt tự do theo lối làng xã nữa. 36 phố phường ấy gồm những người nông dân đầu tiên làm quen với cộng đồng đô thị, bởi thời đó, đến 90% người  Việt là nông dân. 

Từ quê ra phố, đầu tiên họ chỉ bán vải, sau đó thêm nhiều món hàng hóa theo nhu cầu như quạt, hòm xiểng nên mới thành ra các phố Hàng Hòm, Hàng Bồ, Hàng Giấy… Rồi Pháp vào, phố Hà Nội chia ra hai vùng, phố cũ và phố Tây. Ranh giới ở ngay đường Tràng Tiền. Chúng tôi thường đứng bên này ngó sang phố Tây văn minh, hiện đại.

- Hà Nội ngày đầu cũng là sự quy tụ của dân tứ xứ. Vậy khái niệm người Tràng An sẽ được hiểu thế nào thưa ông?

+ Làm gì có người Hà Nội gốc, tôi không hiểu mọi người lấy khái niệm người Tràng An ở đâu ra. Như tôi được gọi là dân Hà Nội gốc nhưng thực tế, bố mẹ tôi cũng từ làng Đình Bảng, Bắc Ninh ra Hà Nội làm ăn buôn bán. Ngôi nhà chúng tôi đang ở có từ thời bố mẹ tôi, tiệm vải Tam Kỳ nổi tiếng ngày xưa. Thế Kỷ 19, Hà Nội còn thưa thớt, không có người đô thị. Cho nên khái niệm người Tràng An thanh lịch là một khái niệm trừu tượng. 

Thập niên 20-30 của thế kỷ trước, Hà Nội quy tụ dân tứ xứ, đủ các vùng quê, những con người dám vượt ra khỏi lũy tre làng ra Hà Nội làm ăn, sinh sống và phát triển, góp phần cùng nhau làm nên cái gọi là đô thị. Hà Nội 36 phố - gồm 36 địa phương, tính chất khác nhau, mang đặc trưng của từng vùng miền gặp ánh sáng văn minh của văn hóa Châu Âu soi rọi. Họ tự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống đô thị. 

Văn hóa Kẻ Chợ có tính quyết định về mức sống, giá cả, văn hóa, lề thói, trật tự đô thị, hình thành nên xã hội đô thị Việt Nam. Người nông thôn rất ngưỡng mộ người sống ở Hà Nội ở lối sống đó. 

Tất nhiên những người từ quê ra Hà Nội ngày đó đều là những tinh hoa, tinh hoa của các vùng miền mới có ý thức vươn ra ngoài lũy tre làng. Và đến bây giờ cũng thế, Hà Nội vẫn là nơi tụ hội của tinh hoa các vùng miền, là những người hiểu biết, tiếp cận với văn minh, luật lệ, lề thói của thành phố.

NSND Nguyễn Hữu Tuấn và bộ sưu tập máy ảnh.

- Lâu nay, có nhiều ý kiến tranh luận về khái niệm phố cổ Hà Nội hay phố cũ Hà Nội và việc bảo tồn nó như thế nào. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng, chỉ có phố cũ Hà Nội chứ không phải là phố cổ và không nên ứng xử với phố cũ Hà Nội như một di tích. Còn ý kiến của ông thì sao?

+ Hà Nội xưa có hai vạn dân. Dân số Hà Nội bây giờ tăng lên nhiều. Hà Nội vẫn đang trên hành trình tiếp nhận tinh hoa của các tỉnh mang đến. Tôi cũng cho rằng chỉ có phố cũ Hà Nội chứ không phải là phố cổ Hà Nội. 

Ở đó lưu giữ lại một không gian sống, những thói quen, tập tục riêng có từ lâu đời. Đừng quá hoài niệm về những gì đã qua. Một Hà Nội bé nhỏ, lầm than trong quá khứ và một Hà Nội hôm nay, phát triển, văn minh hơn. 

Có 20 năm Hà Nội phát triển rất nhanh từ 1930-1950, từ một người nhà quê, Hà Nội đã có những thay đổi đáng kể, có một thế hệ Tây học về, mang theo ánh sáng văn minh phương Tây. Bây giờ, đứng trên những nhà cao tầng tôi có rất nhiều cảm xúc về một Hà Nội hôm nay. 

Chúng ta cũng phải biết học cách chấp nhận. Văn minh đô thị sẽ đi liền với các tệ nạn. Nhà văn giúp chúng ta hiểu về Hà Nội thời điểm giao thoa giữa Đông và Tây đó là Vũ Trọng Phụng. Ông phản ánh đầy đủ những nhố nhăng, kệch cỡm đi liền với văn minh đô thị trong các tác phẩm của mình. Đó là hai mặt của cuộc sống thời nào cũng có. Chúng ta phải biết cách chấp nhận, được cái này thì mất cái khác.

- Nhưng mọi người vẫn nói nhiều đến sự mất mát của Hà Nội, vẫn thương tiếc những tường nâu mái cũ, một Hà Nội đẹp và bình yên trong quá khứ dần dần biến mất. Còn ông thì sao?

+ Gia đình tôi sống thuần Việt, rất yêu văn hóa Việt nhưng không phải yêu một cách cố chấp. Hà Nội cũ có gì nào, hồi đó nghèo và khổ lắm. Tôi nghĩ không phải cái gì của ngày xưa cũng hay. 

Cách đây 30 năm tôi đi Đan Mạch, Thụy Điển, các bạn Tây nghe nhạc dân tộc của ta, họ không mấy hào hứng. Nói vậy để thấy không phải cái truyền thống nào cũng hay. Chèo, tuồng, cải lương có giá trị nhưng nó không mạnh mẽ đến mức có thể phát triển trong đời sống hôm nay. 

Tôi nghĩ, cái gì hay sẽ có sức mạnh nội tại của nó và tồn tại trong đời sống dù xã hội có phát triển, hiện đại đến đâu. Tôi không thuộc típ người hoài niệm, chỉ nhăm nhăm  quay lại truyền thống. Nhà tôi rất yêu văn hóa Việt Nam nhưng tôi chỉ giữ lại cái gì thực sự đẹp. Không phải cái gì của ngày xưa cũng đẹp. Như chiếc bình gốm đời Minh này cách chúng ta 600 năm, nhưng nó không đẹp. Cuộc sống là sự vận động không ngừng. Tôi luôn nhìn mọi thứ trong sự phát triển, biện chứng của nó.

Tác phẩm "về Đồng Văn" của NSND Nguyễn Hữu Tuấn.

- Ông là một người gắn bó với Hà Nội, hẳn gia tài ảnh của ông về Hà Nội cũng rất nhiều nhưng chưa bao giờ ông triển lãm về Hà Nội?

+ Tôi không phải là người thích ồn ào, càng ngại ngần khi phải rình rang triển lãm. Những bức ảnh về Hà Nội của tôi nhiều nhưng tôi chụp Hà Nội theo cách riêng của mình. Tôi cảm nhận Hà Nội đẹp theo cách của tôi, gần gụi và giản dị như cuộc sống đang diễn ra. 

Hà Nội của tôi là những con ngõ ngoằn ngoèo, những người dân mưu sinh nhọc nhằn. Không phải là một Hà Nội với Hồ Gươm hay mái nhà nâu như nhiều người chụp. Tôi có một Hà Nội cho riêng mình như thế. Đến bây giờ, có thời gian và sức khỏe là tôi lại xách máy lên đường, đi chụp cho thỏa chí của mình mà thôi, không mục đích, không mưu cầu gì.

- Ông thuộc thế hệ cũ nhưng ông luôn có cái nhìn cởi mở về cuộc sống?

+ Tôi nghĩ, cuộc sống quan trọng nhất là sự bình yên. Chúng ta hạnh phúc vì có một Hà Nội bình yên và mỗi người đều tự tìm thấy một góc riêng, hay ho cho mình trong sự bát nháo, ồn ào của cuộc sống. Tôi luôn biết mình có cái gì, thiếu cái gì, được cái gì để mà sống. 

Sống ở đời đừng so bì, đố kỵ, tranh giành. Hãy tự hỏi mình đã đóng góp được gì cho cuộc đời hay không? Tôi sống và làm việc vì công việc và mưu sinh chứ không phải vì tôi muốn phấn đầu để đạt được mục tiêu gì. Tôi chỉ có một điều muốn làm cho thỏa chí con tim của mình mà thôi. Chỉ khác là khát vọng được thỏa chí của tôi lớn hơn một vài người. Còn việc nó được mọi người vỗ tay tán thưởng lại là một chuyện khác.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn là con trai của ông Nguyễn Hữu Nhâm - chủ tiệm vải Tam Kỳ nổi tiếng khắp Bắc-Trung-Nam thời Pháp thuộc. Ông là một nhà tư sản yêu nước của Hà Nội. Ông bà Tam Kỳ có 10 người con thành danh ở các ngành nghề bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo... Nhưng đặc biệt các con trai của ông bà không ai nối nghiệp thương gia mà đều theo lĩnh vực nghệ thuật như đạo diễn Nguyễn Hữu Hồng, đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện, NSND - nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo.

Cuộc đời của NSND Nguyễn Hữu Tuấn  gắn liền với những bộ phim nổi tiếng "Thị xã trong tầm tay", "Trở về", "Thương nhớ đồng quê" (đạo diễn Đặng Nhật Minh); "Duyên nợ", "Yên tĩnh" (đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện"), "Chuyện tình trong ngõ hẹp", "Người đàn bà mộng du" (Đạo diễn Thanh Vân), "Bến không chồng" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh)… Bên cạnh sự nghiệp phim ảnh đồ sộ, NSND Nguyễn Hữu Tuấn còn đam mê nhiếp ảnh, ông có cả một kho tàng ảnh về nhiều đề tài, nhiều vùng miền khác nhau. Ông cũng từng qua Pháp, Đan Mạch triển lãm theo lời mời của các Đại sứ quán.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.