Một đời theo dấu những bước chân huyền thoại

Thứ Hai, 29/05/2017, 21:53
Tự nhận mình là người "gai góc" nhưng chưa bao giờ phải cuốc bộ đường rừng hàng tháng trời và cũng chưa bao giờ biết đến nắng gió đại ngàn khắc nghiệt ra sao, suốt 100 ngày theo dấu đường Trường Sơn làm ký sự, đã có hơn 99 lần anh nghĩ đến hai từ... bỏ cuộc.


Từ tình yêu biển đảo

Là thế hệ trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Đức Long đã trải qua quãng đời đầy giông bão. Năm 14 tuổi, anh rời quê hương Quảng Nam, thoát ly gia đình đi lang thang khắp nơi, cuối cùng thì dừng chân ở TP Hồ Chí Minh.

Anh làm đủ nghề, đánh giày, phơi bọc nilon, phụ hồ… và được nhận nửa gói mì tôm cho một bữa ăn. Long nhận ra, đích đến cuộc đời mình không thể bó chân trong cảnh nghèo rách xác xơ thế này được.

Trước khi làm đạo diễn, Nguyễn Đức Long từng là diễn viên.

Nguyễn Đức Long đã ôn luyện, thi đậu đại học và trở thành sinh viên của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, Nguyễn Đức Long được nhiều công ty mời gọi làm việc. Anh từng có khoảng thời gian một bước lên xe hơi, một bước ngồi máy lạnh. Nhưng rồi có một thứ tình yêu đã "lôi tuột" anh rẽ sang một hướng khác.

Nguyễn Đức Long chưa một lần ra Trường Sa, nhưng trong tâm khảm của mình, anh có một tình cảm đặc biệt dành cho những hòn đảo thân thương của Tổ quốc. Để hiện thực hóa tình yêu biển đảo, anh đã lên ý tưởng, thực hiện mô hình cột mốc các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa bằng đồng và inox lớn nhất Việt Nam.

Bản thân vốn là kỹ sư xây dựng, Nguyễn Đức Long có đủ tài hoa và kiến thức tự tay thiết kế. Anh cùng với những người thợ giỏi tay nghề ngày đêm khoan cắt, đục đẽo công phu, tỉ mẩn đến từng chi tiết.

Hoàn thành xong trong vòng 2 năm, anh gửi tặng Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trước đó, anh cũng hoàn thành mô hình cột mốc Trường Sa bằng đồng khối mang ra Hà Nội tặng Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội nhân dịp tham dự chương trình "Tổ quốc nhìn từ biển". Lần đó, Nguyễn Đức Long là đạo diễn duy nhất ở miền Nam được mời dự chương trình.

Nguyễn Đức Long bảo rằng, anh làm tất cả những điều đó vì lòng yêu nước, chỉ thế thôi. Ngay cả đề tài làm phim ảnh mà anh "lao đầu vào" cũng gai góc, bầm dập và muôn vàn khó khăn, trắc trở. Hiện số người làm phim lịch sử vẫn còn rất khiêm tốn. Đó là điều duy nhất thúc giục Nguyễn Đức Long "xoáy mình" vào dòng phim lịch sử.

Làm phim lịch sử có đặc thù riêng. Vấn đề "nhặt sạn" trong phim được chú trọng rất cao vì liên quan đến lịch sử, đến sự thật. Bên cạnh đạo diễn Nguyễn Đức Long là đội ngũ cố vấn đồng hành đầy tâm huyết và trăn trở với đề tài này. 

Trong đó có các nhà sử học rất thương và hiểu tấm lòng, nhiệt huyết của anh nên hết mình ủng hộ, hỗ trợ, giúp sức. Nguyễn Đức Long cho rằng, sự ủng hộ của họ vừa mang tính chính trị, vừa giàu giá trị nhân văn.

Làm phim lịch sử, anh có cơ hội đi khắp nơi, gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người.

Đến 100 ngày vượt Trường Sơn

100 ngày đi dọc cung đường Trường Sơn để làm phim, khó khăn nhất là nhiều đoạn giáp ranh biên giới, với những quy định nghiêm ngặt của lực lượng chức năng.

Sau khi trải qua một "hàng rào" khắt khe về giấy tờ, công văn là những ngày băng rừng, lội suối với các cảnh quay cheo leo, nguy hiểm để làm sao tái hiện lại dấu tích lịch sử trên con đường huyền thoại thật đúng và thật sinh động.

Những lúc anh em mệt mỏi ngồi nghỉ bên bìa rừng, đạo diễn Nguyễn Đức Long thường trổ tài ca vọng cổ cho cả đoàn nghe. Đến một bản làng ven rừng, lúc nào anh cũng "lận lưng" vài bài cải lương mượt mà làm quà tặng cho bà con. Đoàn làm phim đi đến đâu cũng được chính quyền và nhân dân giúp sức, tiếp thêm sức mạnh cho đạo diễn Nguyễn Đức Long vượt Trường Sơn.

Từ cột mốc ở Nghệ An về đến cột mốc ở Lộc Ninh (Bình Phước), đoàn làm phim đều phải đóng lều cắm trại để ngủ. Nỗi lo thường trực không phải là việc ăn bờ ngủ lều, mà nguy hiểm nhất là rắn rết, thú rừng và vô số những bất trắc có thể xảy ra trong các khu rừng, các đoạn đường vắng dốc, đèo, vực sâu.

Trong tất thảy những vất vả khổ ải mà đạo diễn Nguyễn Đức Long trải qua trong 100 ngày đi dọc Trường Sơn làm phim lịch sử, anh nhớ nhất thời điểm cùng mọi người dừng chân gần Nghĩa trang Trường Sơn. Lúc đó khoảng 1 giờ đêm, đoàn phim tỏa ra đi tìm nhà nghỉ nhưng không có.

Đêm đen tĩnh mịch giữa rừng xanh, cuối cùng đoàn phải chọn một khu đất trống cắm trại để anh em ngả lưng. Tất cả đã thiếp đi trong giấc ngủ đầy mệt nhọc.

Được khoảng hơn tiếng đồng hồ thì giông lốc nổi lên. Gió vù vù phất qua mấy chiếc lều bạt, thổi bay mọi thứ. Mọi người hoảng loạn chạy nháo nhào gọi nhau. Không ai dám ngủ nữa, cả đoàn ngồi túm tụm vào nhau chờ đến sáng đi tìm lại đồ vật bị gió cuốn.

Nhớ lại đêm hôm đó, đạo diễn Nguyễn Đức Long không thể giải thích được giữa cánh rừng hoang vu bạt ngàn, trời trong xanh không một đám mây, không một tia chớp, mà lại có một trận cuồng phong của thiên nhiên mạnh đến mức có thể thổi bay cả con người.

Anh cho rằng, đó là thử thách cho chính anh và những người đang đi tìm lại giá trị thiêng liêng của quá khứ. Một đêm định mệnh, để càng hun đúc và tiếp thêm sức lực, niềm tin, trí tuệ cho anh đi trọn vẹn hết con đường.

Lần khác, khi đoàn về tới ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), xe đang chạy bon bon trên cung đường nông thôn mới rải nhựa phẳng lì, hai bên là đồng lúa xanh rì rào, bỗng đoàng một cái, hai bánh xe nổ tung cùng một lúc. Chiếc xe chao đảo, lết ken két trên mặt đường rồi dạt sang một bên lề.

Mọi người trên xe được một phen hú hồn, mặt ai cũng tái xanh, không còn giọt máu. Ai cũng nghĩ đến những điều xấu nhất có thể xảy ra, nhưng điều tốt đẹp nhất đã trở lại.

Nhiều người trong đoàn lúc đầu hăm hở, hào hứng nhưng chỉ được vài ngày là muốn bỏ cuộc. Các cảnh quay hầu hết là phải đi bộ, vai mang nặng trong điều kiện địa hình và thời tiết thay đổi liên tục, thì việc mọi người mệt mỏi, nản chí là điều đương nhiên. Vả lại, ngần ấy con người đi làm phim, không phải ai cũng có đam mê và tình yêu với đề tài lịch sử.

Tự nhận mình là người "gai góc" nhưng chưa bao giờ phải làm những công việc nặng nhọc, chưa bao giờ phải mang vác cuốc bộ đường rừng hàng tháng trời và cũng chưa bao giờ biết đến nắng gió đường rừng khắc nghiệt ra sao. Suốt 100 ngày làm phim, đã có hơn 99 lần anh nghĩ đến hai từ bỏ cuộc, bởi quá vất vả, gian nan và tốn kém.

Đạo diễn Nguyễn Đức Long tâm sự: "Để theo đến cùng và làm được những điều đó, chỉ có thể là niềm đam mê vô cùng lớn. Nhiều lúc rã rời, muốn buông xuôi nhưng trong tim lại như có gì đó thôi thúc mãnh liệt mình phải đi tiếp".

Đạo diễn Nguyễn Đức Long được Trung tâm kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục lần thứ 3 cho phim tư liệu lịch sử nhiều tập nhất.

Hoàn thành sứ mệnh của chính mình

Cơ duyên nào đã thôi thúc anh làm phim lịch sử? Đạo diễn Nguyễn Đức Long bộc bạch: "Tôi làm phim hoàn toàn xuất phát từ niềm đam mê và tâm huyết với những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc.

Việt Nam đã hòa bình hơn 40 năm, cứ đến dịp giải phóng miền Nam thì đài truyền hình lại chiếu các bộ phim tài liệu, trong đó có những thước phim tư liệu nói về đường Trường Sơn huyền thoại như một bản anh hùng ca sáng mãi. Tuy nhiên, mỗi lần xem phim, tôi lại nhói lòng khi thấy những hình ảnh bi thương về sự tàn phá, hủy diệt của chiến tranh.

Tôi muốn làm điều gì đó về con đường Trường Sơn trong thời hòa bình. Đó là ý tưởng táo bạo và bắt tay vào làm thì càng táo bạo hơn".

Sau khi bộ phim hoàn thành và được công chiếu, người ta hỏi Nguyễn Đức Long được và mất gì? Anh trả lời: "Tôi mất nhiều: Trí tuệ, sức khỏe, tiền bạc và thời gian... nhưng được thì nhiều lắm. Đó chính là sự thỏa mãn với niềm đam mê, đã hoàn thành sứ mệnh của chính mình và đóng góp được một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp phát triển xã hội, cũng như đánh thức niềm kiêu hãnh của giới trẻ về lịch sử đất nước. Sau này nhìn ngắm "đứa con" tinh thần, tôi tự hào và hãnh diện vô cùng. Mọi khó khăn, mệt nhọc trước đó tự nhiên nhẹ tênh và tan biến".

 Năm 2015, 20 tập phim ký sự "Đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình" chính thức lên sóng ở 10 đài phát thanh truyền hình trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngay sau đó, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập "Bộ phim ký sự nhiều tập lần đầu tiên do hãng phim tư nhân sản xuất".

Là hãng phim tư nhân, bám sát mảng lịch sử, đạo diễn Nguyễn Đức Long đã phải chiến đấu bằng hai trăm phần trăm sức lực của mình. Toàn bộ thời gian của mình, Nguyễn Đức Long dồn hết cho những bộ phim. Tư duy kịch bản, chọn lọc nội dung là quá trình kiên trì, tỉ mẩn như con tằm nhả tơ.

Anh tâm niệm, để một bộ phim sẽ không bị các đài truyền hình cắt xén thì trước hết, người làm phim phải yêu đề tài đó và yêu bộ phim đó. Tuy nhiên, yêu thôi vẫn chưa đủ, mà phải sống chết với nó. Phải "dầm mình" cả ngày lẫn đêm, thậm chí là quên tất cả những nhu cầu riêng tư.

Mong muốn của anh là ký sự "Đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình" sẽ được phát sóng hằng năm vào dịp kỷ niệm, để những nhân chứng từng in dấu chân của mình trên dải Trường Sơn có một ký ức chân thật, hào hùng về chính mình. Đường Trường Sơn mai này thay da đổi thịt, cũng sẽ lưu giữ hình ảnh đáng tự hào nhất trong quá khứ của nó.

Ngay sau ký sự đường Trường Sơn, đạo diễn Nguyễn Đức Long tiếp tục thực hiện bộ phim lịch sử "Triều đại Quang Trung - Nguyễn Huệ" dài 18 tập và phim Nhà Trần (dự kiến 30 tập) đã hoàn thành được nửa chặng đường. Chọn cho mình một lối đi riêng, Nguyễn Đức Long được xem là người "lội ngược dòng" đầy táo bạo trong lĩnh vực điện ảnh.

Ngọc Thiện
.
.
.