Lênh đênh đời đào kép

Thứ Hai, 14/12/2015, 16:00
Bà là nghệ sĩ Trần Thị Bích Ngọc - một đào hát nổi danh với giọng ca cải lương mê đắm lòng người. Cuộc đời bà từng vào Nam ra Bắc, lăn lộn khắp chiến trường, hát cho đồng bào, chiến sĩ nghe. Trong căn phòng nhỏ của bà đấy ắp những ký ức. Những tấm Huân chương Kháng chiến, Huy chương Chiến sĩ văn hóa đã bạc màu vì thời gian.
Khát vọng tự do

Cuộc đời bôn ba của bà Bích Ngọc hiếm có những giây phút bình yên. Ngay cả lúc này đây, khi tôi ngồi trò chuyện cùng bà, khi sức khỏe của bà đã ở tuổi gần đất xa trời thì nỗi buồn, những trăn trở vẫn còn vẹn nguyên trong bà. Bà sống bằng ký ức. Hay chính ký ức đã giúp bà đi qua những tháng ngày biến động của đời mình. Trên tường treo đầy những bức ảnh một thời xuân sắc, một thời tiếng hát của bà vang lên khắp các chiến trường khói lửa.

Giọng nói của bà ngắt quãng, khó nhọc vì chứng bệnh tiểu đường biến chứng. Câu chuyện bà kể đôi khi nghẹn đắng. Nước mắt chực trào ra. Có lẽ chưa bao giờ bà cảm thấy cô đơn như lúc này. Dù cuộc đời bà có những lúc cùng cực, dâu bể, nhưng lúc đó bà còn tuổi trẻ, còn nhan sắc và còn tiếng hát. Bây giờ bà chỉ còn lại một nỗi khắc khoải, cả đời cống hiến cho sân khấu cải lương, nhưng hồ sơ nghệ sĩ ưu tú của bà vẫn thiếu những tấm huy chương vàng… Làm sao có những tấm huy chương, khi những nghệ sĩ lăn lộn trong kháng chiến gần như cả cuộc đời mình.

Bà Bích Ngọc sinh ra ở Hưng Yên. Tuổi thơ bà cô đơn, bố mất sớm. Một sự tình cờ của số phận đã đưa Bích Ngọc đến với cải lương. Bà đi theo đoàn cải lương Đồng Ấu Nhật Tân, sau này đổi tên thành đoàn Bình Minh ở Nam Định. Bích Ngọc học hát từ những ngày còn nhỏ đó. 15 tuổi bà trở thành vợ lẽ của Trưởng đoàn Nguyễn Thanh An. Một cuộc hôn nhân không có tình yêu, nhưng nếu muốn học hát, muốn được truyền những ngón nghề, bà buộc lòng chấp nhận. 15, 16 tuổi, bà Bích Ngọc đã là mẹ của hai cậu con trai.

Nghệ sĩ Bích Ngọc thời trẻ.

17 tuổi, Bích Ngọc xinh đẹp rực rỡ, giọng ca mê đắm trở thành đào chính của đoàn cải lương Bình Minh với vở cải lương cổ như "Hà xã tắc", "Nghi Xuân tấn lực", "Quách Hải thọ tôn tiễn cưỡi trâu bay"… Người dân Nam Định yêu mến gọi Bích Ngọc là Chim sơn ca Thành Nam. Nhan sắc và tài năng mang đến cho bà nhiều hạnh phúc nhưng cũng là nguyên cớ của những bất hạnh, đắng cay.

Bà như con chim bị nhốt vào lồng son, cần tự do, cần được bay trên bầu trời cao rộng để cất cao tiếng hát của mình. Kiếp làm lẽ khiến bà chịu đủ thiệt thòi, nhiếc móc, ghen tuông. "Tôi cần phải tự giải phóng cuộc đời mình. Làm nghệ sĩ biểu diễn mà không được tự do, diễn mà phải giả tạo thì không thể hay được. Tôi phải tự giải phóng cuộc đời mình để đi theo con đường nghệ thuật", bà tâm sự. Và đến năm 1964, bà quyết định ly hôn, hai bàn tay trắng dắt cậu con trai thứ 2 vào Nghệ An, bắt đầu lại cuộc đời mình.

Đời lênh đênh chìm nổi

Tôi hỏi bà Bích ngọc, điều gì đã cho bà sức mạnh đó, dám từ bỏ mọi danh hoa phú quý để tìm một chân trời tự do. Bà trầm lặng, tình yêu với nghề, với sân khấu đã giúp bà có được sức mạnh. Hai mẹ con rời nhà hát Bình Minh vào đoàn cải lương Hòa Bình ở Nghệ An (bà là hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu từ năm 1962). Những năm 1965, bà đi biểu diễn xung kích cho các công nông trường, xí nghiệp.

Chiến tranh ác liệt, một số đoàn văn công phải ngừng hoạt động, diễn viên phải tự lo cho cuộc sống của mình. Bà đi làm cấp dưỡng cho cửa hàng ăn. Rồi lưu lạc ra Bắc, kiếm sống qua ngày bằng tiếng hát. Trong chuyến trở ra Bắc lần đó, bà may mắn gặp được người quen, đã đưa bà về chăm sóc. Bích Ngọc trở lại với nghề, về tổ cải lương của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ở đó, tiếng hát ngọt ngào của Bích Ngọc vang lên trên làn sóng của đài, những "Miền Nam trong trái tim ta", và những điệu ca cổ "Điệu xuân tình", "Điệu Bắc sơn trà", "Cô giao liên"… Có một kỷ niệm mà đến bây giờ bà Bích Ngọc còn nhớ mãi, đó là lần bà được cử vào hát phục vụ Bác Hồ giao thừa năm 1969. Bích Ngọc biểu diễn tiết mục "Cô hàng xóm" của tác giả Hoàng Văn Trọng - một mình thể hiện 5 vai với 5 giọng hát khác nhau. Lần đó, bà Bích Ngọc đã được Bác Hồ tặng cam với nhiều khen ngợi.

Nghệ sĩ Bích Ngọc bây giờ.

Cuộc sống của người nghệ sĩ trong những năm tháng chiến tranh luôn ở trong tâm thế sẵn sàng lên đường. Họ là những nghệ sĩ - chiến sĩ. Bà Bích Ngọc cũng nhận lệnh vượt Trường Sơn vào chi viện cho miền Nam làm nòng cốt cho Đoàn văn công Đồng Tháp khu 8T2. Hai mẹ con Bích Ngọc - mẹ hát, con đàn đã mang tiếng hát của mình, vượt qua cái chết, qua mưa bom bão đạn vào chiến trường khói lửa, hát cho bộ đội nghe.

Bà nói, bà chưa bao giờ quản ngại gian khổ, ngay cả khi cận kề cái chết. Những ai đã từng tham gia cuộc đi bộ vượt Trường Sơn gian khổ, hiểm nguy vào những năm tháng đó, không thể không xúc động trước hình ảnh hai mẹ con bà - mẹ hát, con đàn. Một tình cảm thực sự cao quý của một người mẹ - nghệ sĩ như bà. Nhưng với bà đó là những năm tháng hạnh phúc. Rồi trong những ngày xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, bà đã có mặt, mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ bộ đội.

Có lần bà đang hát ở tỉnh Pusan-Campuchia, bỗng phía dưới có một anh bộ đội lên tiếng hỏi: "Có phải Bích Ngọc của Nam Định không?". Nhận ra người quen ở nơi mà sự sống chỉ trong gang tấc, xúc động lắm, anh em bộ đội đã đứng lên công kênh Bích Ngọc.

Cuộc đời bà Bích Ngọc gắn liền với những vai diễn trong những vở cải lương nổi tiếng, Thúy Kiều trong "Thúy Kiều- Kim Trọng", Thoại Khanh trong "Thoại Khanh - Châu Tuấn", công chúa Quỳnh Nga trong "Thạch Sanh - Lý Thông", công chúa Mỵ Châu trong "Mỵ Châu - Trọng Thủy"… Trong kháng chiến, bà hát tân nhạc, chèo cổ… Bà kể, có lẽ gia tài lớn nhất trong cuộc đời bà là tình yêu của khán giả.

Dù ở miền Bắc hay miền Nam, ở dọc Trường Sơn trên đường tình nguyện đi B, ở chiến hào chống Mỹ hay ở giữa vùng lúa bình yên, ở đâu bà cũng đều nhận được tình yêu của khán giả dành cho mình. Bà kể, có lần khi đến với các đồng bào huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, bà lấy mui thuyền làm sân khấu nổi phục vụ đồng bào.

Giấy chứng nhận Huân chương kháng chiến hạng nhì của bà Bích Ngọc.

Còn người dân chèo thuyền mủng tới xem chật kín. Năm 1979, khi đó nghệ sĩ Bích Ngọc cùng các diễn viên đoàn cải lương Tuồng cổ Tiền Giang II ra biên giới phía Bắc tỉnh Hoàng Liên Sơn, lên tận đồn Simacai 201 giáp biên giới Việt- Trung biểu diễn phục vụ bộ đội và các huyện thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Cả cuộc đời cống hiến, bà Bích Ngọc không đòi hỏi cho riêng mình điều gì. Với bà, được hát, được phục vụ đồng bào, đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ. Và sau những dịch chuyển, bà trở về Tiền Giang, dành trọn những năm tháng còn lại cho việc cố vấn, chỉ đạo nghệ thuật và truyền dạy cho các thế hệ học trò. Nhiều học trò của bà, NSND Mạnh Tưởng, NSƯT Bùi Thị Hằng, NSƯT Ngọc Chi đã thành danh, trở thành NSND, NSƯT,  còn bà, người thầy lặng lẽ ấy vẫn đang sống những năm tháng cuối đời trong cô đơn, bệnh tật và không có một danh hiệu nào. Bà bị chứng bệnh tiểu đường tai biến.

Giọng nói khó nhọc, ngắt quãng. Năm 2013, bà Bích Ngọc bị ngã, và từ đó cuộc sống của bà phụ thuộc vào cả chiếc nạng gỗ. Cơ thể bệnh tật, đau yếu. Đau đớn hơn khi cậu con trai từng theo mẹ vào chiến trường năm ấy đã ra đi vì căn bệnh ung thư ở tuổi 39. Bà gần như trở thành người cô độc. Tôi hỏi bà, vì sao một nhan sắc như bà không tìm cho mình một chỗ dựa trong cuộc đời dài dằng dặc ấy.

Bà cười, làm nghệ sĩ, cuộc đời là những chuyến đi. Đâu ai nghĩ quá nhiều đến chuyện riêng tư. Rồi chưa hết, cuộc đời bà còn trải qua nhiều nỗi phiền muộn. Nhưng bà Bích Ngọc nói, trong những lúc tuyệt vọng nhất của cuộc đời, bà đã nương mình theo tiếng hát. Âm nhạc đã cứu rỗi cuộc đời bà, mang đến cho bà niềm tin để sống.

Hơn 37 năm gắn bó, cống hiến cho sân khấu cải lương, tiếng hát của Bích Ngọc đã vang lên trên mọi trận tuyến. Với bà Bích Ngọc, hạnh phúc là được hát phục vụ đồng bào. Nhưng tuổi già, người nghệ sĩ đó đang sống trong cô đơn, bệnh tật.

Tôi rời khỏi căn phòng nhỏ của bà Bích Ngọc mang theo nỗi ám ảnh về số phận  một con người, một cuộc đời tài sắc vẹn toàn nhưng đã phải hứng chịu bao dâu bể. Điều gì giúp bà sống được đến ngày hôm nay, nếu không phải là tình yêu sân khấu, nếu không phải là lý tưởng sống trọn vẹn và cống hiến của bà. 

Việt Hà
.
.
.