Giấc mơ của Ngô Hồng Quang

Thứ Năm, 26/11/2020, 07:55
Không phải đến bây giờ, Ngô Hồng Quang mới sáng tác ca khúc mà từ khi định hình con đường của một nghệ sĩ độc lập, anh đã bắt đầu viết.


Mới đây, Quang trình làng một MV ấn tượng, “Giấc mơ trên lưng” lấy chất liệu âm nhạc của người Mông… Có thể nói, Ngô Hồng Quang, trong hành trình theo đuổi âm nhạc đã tạo ra một không gian của riêng mình.

1. Ngô Hồng Quang sinh ra tại Hải Dương. Từ nhỏ Quang đã được kết nối với âm nhạc qua ông nội của mình - một người chơi đàn Nhị có tiếng trong gánh hát. Chính nhờ có ông mà cậu bé Quang đã say mê tiếng đàn này và dần dà tiếp thu, cảm thụ một cách tinh tế những làn điệu hát chèo, chầu văn, xẩm... Quang nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc với dòng nhạc chứa đựng tâm hồn dân tộc và được cha mẹ cho theo học đàn Nhị tại Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từ sơ cấp đến đại học.

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang giới thiệu bài hát mới của mình.

Sau khi tốt nghiệp, Ngô Hồng Quang được giữ lại làm giảng viên bộ môn Đàn nhị, khoa Âm nhạc truyền thống tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thế nhưng, anh không bó mình trong nghề dạy mà nung nấu khát vọng phát triển thế mạnh của cây đàn nhị cũng như các nhạc cụ dân tộc khác để truyền đến khán giả trong và ngoài nước những giá trị văn hoá âm nhạc độc đáo của người Việt theo một hướng đi mới, một cách thể hiện mới. Anh đã thi đỗ và giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Hà Lan học bộ môn sáng tác âm nhạc đương đại tại Nhạc viện Hoàng gia Den Haag, Hà Lan; từ đó mở ra con đường của Ngô Hồng Quang, với rất nhiều dự án, album sáng tạo lấy chất liệu từ âm nhạc dân tộc. Điều đặc biệt là Ngô Hồng Quang có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau như đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, đàn Kny, đàn tính, đàn chiêng dây... và sở hữu một giọng hát đậm màu sắc dân gian. Sẵn đam mê sáng tạo cùng với mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến với bạn bè thế giới thông qua “lăng kính” của riêng mình, kết hợp với những kiến thức được tiếp thu ở Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, Quang luôn bước vào những cuộc tìm tòi sáng tạo đầy khám phá.

Quang là nghệ sĩ biểu diễn, mang âm nhạc dân tộc Việt Nam đi trình diễn ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng giấc mơ của Quang lớn hơn thế, khi anh không chỉ làm công việc của một nghệ sĩ bảo tồn các giá trị truyền thống. Quang là một nghệ sĩ đương đại, sáng tạo và khơi nguồn trên di sản của ông cha để lại. Sau album “Hanoi duo” kết hợp với nhạc sĩ Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang ra mắt album “Nhìn lại” và “Nam nhi”, tiếp tục vệt thử nghiệm đối thoại âm nhạc truyền thống và nhạc cụ phương Tây. Nhạc sĩ Nguyên Lê ví von Quang “vừa là pho từ điển âm nhạc lại vừa là ca sĩ, đúng mẫu người tôi vẫn tìm kiếm”. Quang sử dụng các nhạc cụ truyền thống như đàn nhị, đàn môi làm cốt lõi, kết hợp với nhạc cụ phương Tây và nhiều hình thức nghệ thuật đương đại như múa đương đại, beat-boxing, nhảy… Ngô Hồng Quang tạo ra một thứ âm nhạc vừa hài hòa, vừa mới mẻ, vừa độc đáo.

Tôi hỏi Quang, làm thế nào âm nhạc của một đất nước bé nhỏ như Việt Nam có thể vang lên ở nhiều nước trên thế giới? Quang chia sẻ: “Bằng cách tôi biểu diễn và hát thôi, tôi sử dụng đàn môi, hát tiếng Mông, chơi đàn tính và một số nhạc cụ của Tây Nguyên, ngoài ra tôi vẫn chơi một số nhạc cụ của người Kinh. Tôi không phải là một nghệ nhân. Đó là cả một quá trình tôi nhận được nhiều năng lượng từ sự tiếp cận với văn hóa dân tộc, càng làm việc càng hưng phấn và say mê. Tình yêu và sự say mê đó mang đến cho tôi nhiều năng lượng, tôi thấy vui và thỏa sức sáng tạo. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ khi mình biết mình muốn gì và đi con đường của mình”.

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang biểu diễn trên sân khấu.

2. Nhưng điều ấn tượng ở Ngô Hồng Quang là anh đã tạo ra một không gian âm nhạc của riêng mình bằng chính những sáng tác của anh. Quang từng trình làng một số ca khúc mang âm hưởng của núi rừng, như “Về đồi non”, “Tình đàn”, “Gọi em”… Và mới đây nhất là “Giấc mơ trên lưng”, một MV ấn tượng về Hà Giang và âm nhạc của người Mông.

Vẫn là những cảm xúc mộc mạc và chân thành nhất của Ngô Hồng Quang về những con người và vùng đất kỳ diệu ấy, lần này Quang quyết định âm nhạc hoá một cách mới mẻ hình tượng về những giấc mơ núi rừng vô cùng giản dị nhưng chứa đầy tinh thần hướng thượng, những niềm hân hoan bé nhỏ được gieo và nảy mầm trên lưng mỗi ngày, và hơn nữa là sự vượt thắng kiên cường trước những bước đi còn vô vàn chông gai của cuộc sống vùng núi cao, hiểm trở.

Với “Giấc mơ trên lưng”, khán giả đã bị Quang chinh phục, từ câu chuyện kể nơi Hà Giang địa đầu Tổ quốc, tiếng kèn môi da diết, tiếng đàn nhị ngân rung trầm ấm tới giọng hát mê hồn vang cao sâu như từ những ngọn núi, và cả những khách mời hết sức đặc biệt nữa. Một MV trong lành, hoang sơ về núi rừng Hà Giang, về cuộc sống với những vẻ đẹp nguyên bản nhất.

Quang bảo rằng, chính là sự hồn hậu, hồn nhiên của con người, sự tự do, phóng khoáng của thiên nhiên Hà Giang đã cuốn hút anh. Và âm nhạc của người Mông, những giai điệu của kèn lá rất đặc biệt. Chỉ một tiếng kèn vang lên, đã nghe thấy sự vang vọng của núi rừng. Quang từng làm luận văn thạc sĩ về âm nhạc của người Mông ở Hà Lan và tạo dấu ấn bởi chính sự độc đáo đó.

Với tài năng thiên phú thể hiện cả ở khả năng sáng tác, chơi đa dạng nhiều nhạc cụ như đàn nhị, đàn tính, đàn bầu... và giọng hát luyến láy truyền cảm, Ngô Hồng Quang được xem là một "nghệ sĩ âm nhạc dân tộc hiện đại" tiêu biểu với tư duy sáng tạo, cởi mở. Quang quan niệm không gian âm nhạc dân tộc luôn có yếu tố vận động và không ngừng phát triển, chính vì thế anh không chỉ dừng lại là người biểu diễn, mà còn là người sáng tác, và sáng tạo ra không gian âm nhạc của riêng mình vừa phá cách, mới mẻ, vừa hài hòa và đậm bản sắc, văn hóa Việt.

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang giới thiệu với khán giả những cây đàn dân tộc.

3. Tôi gặp Quang nhiều lần trong những chuyến anh trở về Việt Nam. Hiện Quang sống ở Hà Lan và đi lưu diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Hành trang của Quang là những nhạc cụ dân tộc và tiếng nói của một người trẻ đến từ Việt Nam- một tâm hồn rộng mở và không ngừng sáng tạo. Quang nói, anh sẽ đi dọc các vùng miền văn hóa của Việt Nam, đi để lắng nghe, để cảm nhận và để sáng tạo.  Quang bảo rằng anh từng đi Tây Nguyên, đến các các dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long, anh muốn thâm nhập vào văn hóa của họ sâu hơn, sống cùng họ và hiểu họ. Phải làm công tác thu gom chất liệu trước đã; công việc còn nhiều, vì chất liệu âm nhạc của các vùng dân tộc thiểu số của ta rất phong phú. Đi để thu gom, làm việc có ý thức, sâu sắc chứ không hời hợt được.

 Và chắc hẳn, Quang sẽ viết tiếp những ca khúc mới, những ca khúc mang đậm bản sắc của văn hóa Việt Nam. “Tôi theo và kiên trì với con đường này vì tôi luôn tìm được cái mới trong tôi và trong cả việc sáng tạo âm nhạc. Bản thân tôi luôn thích sự mới mẻ, thay đổi và phát triển. Tôi nghĩ điều này rất phù hợp với tính cách của tôi cũng như công việc tôi đang làm. Mỗi lần làm một sản phẩm mới hoặc kết hợp với một nền văn hoá âm nhạc nào đó mới, tôi rất hứng khởi. Việc hứng khởi này xuất phát từ tình yêu kết nối cũng như sự đắm chìm trong việc chia sẻ văn hoá âm nhạc. Mỗi lần đưa những tác phẩm hoặc chất liệu âm nhạc của Việt Nam vào một không gian âm nhạc mới như Jazz, World music, hoặc nhạc đương đại phương Tây, tôi thấy mình như được hồi sinh. Âm nhạc Việt Nam lại có cơ hội được trò chuyện, chia sẻ với những nền văn hoá âm nhạc khác nhau. Đây là một niềm tự hào”, Quang chiasẻ.

Và từ “Giấc mơ trên lưng”, một giấc mơ giản dị, trong lành ấy, Ngô Hồng Quang sẽ đi ra thế giới, chinh phục nhiều trái tim khán giả ở nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bởi trong âm nhạc của Quang luôn có sự kết nối giữa dân tộc và đương đại.

Linh Nguyễn
.
.
.