Ca sỹ, nhạc sỹ Thanh Bùi:

Dám thất bại và đứng lên đi tiếp

Thứ Hai, 03/10/2016, 14:50
Được quay tại nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam, MV "Missing you" mới ra mắt của nghệ sỹ Thanh Bùi và biên đạo múa quốc tế Alexander Tú gây ấn tượng bởi những "đường nhảy" đẹp, sự đầu tư nghiêm túc và có nghề.


Thanh Bùi, đứa con lai của hai nền văn hóa Á - Tây ấy, khi trở về nước hoạt động nghệ thuật lại lấy một nghệ danh thuần Việt, mơ một giấc mơ Việt.

- Nghệ danh nửa ta nửa Tây đang là mốt đấy. Thanh Bùi sinh ra tại nước ngoài, sao không lấy một cái tên thời thượng hơn vậy anh?

+ Tại vì Thanh là người Việt Nam! Vì cái tên là một điều đặc biệt của mỗi người. Tại sao mình không giữ điều đặc biệt đó cho riêng mình? Thanh là Thanh và mãi mãi là Thanh. Con của Thanh cũng sẽ là tên Việt Nam chứ không có bất kỳ tên Tây nào cả.

- Nếu tôi nhớ không nhầm, mặc dù rất yêu Việt Nam nhưng hình như, anh từng có ý định trở về Úc. Lần gần đây nhất, anh muốn bỏ đi là bao giờ?

+ Thanh là một người rất quyết đoán. Đã quyết định ở lại thì Thanh sẽ ở lại. Nếu Thanh không làm thì thôi nhưng đã làm phải làm cho tới cùng.

- Và Thanh Bùi ở lại với một giấc mơ như thế nào?

+ Giấc mơ ấy mang tên "Việt Nam". Và cụ thể hóa của giấc mơ ấy chính là Soul Music & Performing Arts Academy (SMPAA). Thanh làm tất cả để xây dựng hình ảnh SMPAA một cách đúng đắn nhất.

Thanh làm việc với những nghệ sỹ tầm cỡ quốc tế (RedOne, Apl.de.ap, Wayne Hector …), với anh Chi Thanh (người Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Grammy), với anh Alexander Tú (Biên đạo quốc tế, Top 3 "America's Best Dance Crew").

Tất cả cũng bởi một mong muốn lớn nhất: đưa những nghệ sỹ gốc Việt có tầm ảnh hưởng quốc tế quay lại Việt Nam, cùng xây dựng Việt Nam. Qua đó, cùng nhau đưa Việt Nam ra thế giới.

Trọng trách của SMPAA đối với Thanh cũng rất nặng. Sắp tới, SMPAA là đại diện của quỹ học bổng Trịnh Công Sơn. Quỹ học bổng dành cho những trẻ em tài năng, ở khắp 3 miền Việt Nam. Thanh phải làm hết sức, hết lòng, để cho dù mình có chết ngay lúc này đi chăng nữa thì cũng chẳng có gì để hối tiếc.

- Ý tưởng về việc mở ra SMPAA đến với anh từ lúc nào vậy? Giấc mơ ấy liệu có bất khả quá không? Anh biết đấy, âm nhạc trong nước vẫn luẩn quẩn trong "ao làng" của mình mà thôi.

+ Chắc có lẽ ít người biết công việc đầu tiên của Thanh là giảng dạy âm nhạc (cười). Lúc đầu, Thanh chỉ giảng dạy trong nhóm nhạc North của mình. Sau đó, số lượng học viên ngày càng tăng, có tới 40-50 học viên, một con số quá nhiều với Thanh.

Cùng thời điểm này, Thanh vừa tốt nghiệp bằng cử nhân Thương mại Điện Toán (Business IT). Để có điều kiện chia sẻ đam mê nhiều hơn với mọi người, Thanh nghĩ ngay đến việc mở một trường âm nhạc.

Vậy là Thanh có một trường âm nhạc với 4 chi nhánh đặt tại Sydney và Melbourne với hơn 250 học viên.

Việt Nam đang luẩn quẩn trong "ao làng" của mình nhưng đây lại là một thị trường âm nhạc có tiềm năng. Sự khác biệt là ở đây thiếu những trường âm nhạc chuyên nghiệp để các em có cơ hội học tập và phát triển.

Với Thanh, việc học âm nhạc là quyền lợi thiết yếu cho mỗi người, đặc biệt là các em nhỏ. Một trong những động lực và mục tiêu để Thanh xây dựng SMPAA là Thanh mong một ngày nào đó phụ huynh và các em nhỏ sẽ nhận thức được tầm quan trọng của âm nhạc trong việc xây dựng con người.

Lý do thứ hai là Thanh muốn định hướng lại từ "nghệ sỹ". Ở các nước phát triển, nghệ sỹ là những người rất được coi trọng trong xã hội. Đến cả Tổng thống Obama cũng cần nghệ sỹ Beyonce, Steve Wonder ủng hộ vì tiếng nói của họ có sức ảnh hưởng rất lớn. Còn ở Việt Nam, hình như không thế.

Thanh mong SMPAA sẽ là nơi đào tạo ra những thế hệ nghệ sỹ thực thụ, là những người như Trịnh Công Sơn, như Phạm Duy, như những nghệ sỹ tài năng khác trên thế giới.

Người nghệ sỹ thực thụ là người hiểu rõ về tầm ảnh hưởng của âm nhạc và nghệ thuật, có tầm ảnh hưởng đủ để thay đổi nhận thức, suy nghĩ của mọi người về hình ảnh người nghệ sỹ. Thanh mong những nghệ sỹ này sẽ mang thế giới đến Việt Nam và đưa Việt Nam ra thế giới.

-  Vậy là, ngoài vai trò là một nhạc sỹ, ca sỹ, Thanh Bùi giờ còn là "nhà giáo dục" nữa. Với anh, làm nghệ sỹ hay làm nhà giáo dục khó hơn?

+ Theo suy nghĩ của Thanh thì cả hai đều khó, mỗi vai trò khó theo một cách khác nhau. Thực ra, khó hay dễ không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là mình yêu và đam mê. Điều may mắn nhất đó là Thanh đam mê cả hai.

Cái khó nhất của người nghệ sỹ là phải biết mình là ai, phải thể hiện thế nào để sản phẩm của mình chân thật nhất, từ đó kết nối và truyền cảm hứng đến mọi người. Còn cái khó của việc giáo dục là xây dựng con người.

Chân thành mà nói Thanh thấy vai trò nhà giáo khó hơn vì trách nhiệm của nó cao hơn. Với vai trò là người thầy, Thanh không chỉ hướng dẫn học trò về âm nhạc, về kỹ thuật, mà còn định hướng, xây dựng các em.

Thanh may mắn vì đã trải qua con đường nghệ thuật một thời gian dài. Điều đó giúp Thanh có những kinh nghiệm và bổ trợ cho việc giảng dạy. Thanh vận dụng tất cả để giúp đỡ học trò của mình định hướng và phát triển tốt hơn.

Thanh không chỉ là một người thầy, mà còn là một người bạn, thậm chí là một người cha để các em tin tưởng chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn của mình. Từ đó các em có thể sống thật nhất và phát triển một cách tốt nhất.

- Nghệ sỹ thường làm việc theo cảm hứng. Tuy nhiên, làm thầy thì khác. Nó đòi hỏi sự nghiêm cẩn và theo giáo trình. Làm sao để điều hòa 2 con người đó trong mình ?

+ Một người nghệ sỹ làm việc theo cảm hứng là một nghệ sỹ không chuyên nghiệp. Một nghệ sỹ thực thụ là một nghệ sỹ biết tạo cảm hứng cho mình bất cứ lúc nào. Nếu hỏi Thanh làm sao để điều hòa được cả hai thì quan trọng nhất đó chính là thái độ. Thanh may mắn khi có cơ hội làm việc với những nghệ sỹ tầm cỡ thế giới.

Thanh luôn chia sẻ với học trò về điều đó, để các em thấy được sự khác biệt giữa chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Qua đó, các em sẽ hiểu được sự nghiêm khắc, sự cố gắng, và cách để vượt qua khó khăn là những điều cần thiết giúp các em tiến bộ.

Triết lý của Thanh khi giảng dạy là phải thấy được tiềm năng của từng học trò để có sự đào tạo phù hợp với mỗi em. Đối với Thanh mỗi màu sắc của các em đều đặc biệt, và Thanh có một trách nhiệm của một người thầy để tôn lên vẻ đẹp của từng màu sắc đó.

- Tôi tò mò liệu Thanh Bùi có phải là mẫu người mơ mộng quá không? Anh biết đấy, gu âm nhạc đại chúng của Việt Nam vẫn ở mức vừa vừa mà thôi! Anh có thấy mình mạo hiểm?

+ Thanh xin mượn câu nói của thầy mình "Một người sống mà không có ước mơ, điều đó rất đáng sợ". Nhưng một khi đã mơ, thì phải mơ cho lớn. Thanh có nhiều ước mơ lắm, nhưng tất cả rất thực tế. Ước mơ lớn nhất của Thanh là sống với đam mê của mình, may mắn là Thanh đã làm được điều đó.

Thanh luôn dạy học trò mình rằng, phải có ước mơ và sống thực tế. Phải hiểu mình là ai, mình cần gì. Phải có kế hoạch, định hướng, sự quyết tâm và dũng cảm chấp nhận thất bại thì mới có thể thành công.

- Ở nước mình, ca sỹ được xem là một nghề hot thì phải? Tôi để ý thấy, nếu có 10 gameshow truyền hình thì có tới 9 gameshow ca hát. Người người muốn làm ca sỹ. Nhà nhà muốn làm ca sỹ.

Ngoài anh, có một số nghệ sỹ khác cũng mở trường nhạc, học viện âm nhạc chiêu mộ học viên. Học viện âm nhạc của anh mở ra, có phải xuất phát từ nhu cầu thực tế đó không? Nếu có, thì Thanh Bùi cũng thức thời đấy?

+ Khoa học đã chứng minh sự ảnh hưởng của âm nhạc đến sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ. Âm nhạc giúp đứa trẻ lớn lên về mọi mặt: văn, thể, mỹ, đức, trí, giúp các em tiến bộ rõ rệt trong các môn học chính quy. Chính vì vậy mà ở các nước phát triển, âm nhạc được đưa thành bộ môn chính trong giáo trình.

Thanh không mở SMPAA để đào tạo ca sỹ. SMPAA là nơi nuôi dưỡng những đam mê và tiềm năng âm nhạc nghệ thuật. Để từ đó, xây dựng cho các em một nền tảng vững chắc. Nếu trong số các em quyết định theo đuổi đam mê thì với nền tảng vững chắc này, các em sẽ có một hướng đi đúng đắn, lâu dài với đam mê.

Tính giáo dục của âm nhạc ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của con người. Thông qua âm nhạc nghệ thuật cùng hướng đi đúng đắn, SMPAA có thể giáo dục cho một đứa trẻ vươn tới một nhân cách toàn diện.

Thứ hai, Thanh muốn định hướng lại hình ảnh của người "nghệ sỹ". Nghệ sỹ thực thụ không chỉ có tài năng là đủ, mà còn phải có tâm huyết và tầm ảnh hưởng.

- Nhạc sỹ Giáng Son từng nói rằng, chị thấy thương những bạn trẻ chẳng có giọng nhưng vẫn sống chết để làm ca sỹ. Bởi họ cứ ôm mộng ảo, không hiểu mình là ai, ở đâu, năng lực về nghệ thuật ra sao. Anh nghĩ sao về điều này?

+ Thật sự Thanh gặp trường hợp đó rất nhiều. Với vai trò là một người thầy, Thanh chỉ chia sẻ một điều với các bạn trẻ: “Ước mơ là một chuyện nhưng phải thực tế". Vì Thanh không muốn gieo cho các bạn sự ảo tưởng, mơ mộng để các bạn phí thời gian của mình.

- Với anh, sự hiểu mình có quan trọng không? Nếu khái quát Thanh Bùi ở thời điểm hiện tại vào mấy chữ, đó sẽ là những chữ gì?

+ Việc hiểu mình là tất cả. Nếu không hiểu mình thì không ước mơ, không thực tế, không đặt mình đúng chỗ, không biết mình là ai, không làm được bất cứ điều gì. Để tự nói về mình, Thanh chỉ nói: Thanh là người dám sống, dám ước mơ, dám thất bại và dám đứng lên đi tiếp.

- Cảm ơn anh!

Du Nguyên (thực hiện)
.
.
.