Người tù "áo trắng" trong chuồng cọp

Thứ Hai, 20/06/2016, 16:23
Những ca mổ không một liều thuốc gây mê, không trang thiết bị bổ trợ, dù chỉ là một cây ben; Chỉ bằng bàn tay và khối ốc, vị bác sĩ đã cứu thương cho hàng trăm chiến sĩ đã bại liệt tứ chi có cơ hội hồi sinh giữa "địa ngục trần gian".


Cởi áo blouse, khoác nâu sòng

Ông không muốn nói về mình, bảo tôi hãy viết về những người mà ông đã từng cứu thương trong nhà lao Côn Đảo, vì họ chính là lời tố cáo đanh thép nhất cho sự tàn khốc của kẻ thù. Nhưng rồi những câu chuyện của ngày hôm qua, như thước phim quay chậm, tự dẫn ông quay về ký ức oanh liệt những năm tháng tù đày ở "chuồng cọp".

Bác sĩ Nguyễn Minh Triết sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học tại Quảng Ngãi. Tuổi thơ của ông may mắn hơn nhiều bạn cùng trang lứa là được cắp sách đến trường, được học và tiếp thu các nền văn hóa. Với sự thông minh, hiếu học, ông dễ dàng thi đậu vào Trường Đại học Y khoa Huế.

Bác sĩ Nguyễn Minh Triết.

Cũng như nhiều sinh viên yêu nước khác, ông không thể an phận theo đuổi tiếp việc học của mình khi đất nước bị quân thù giày xéo. Tiếng bom rơi, đạn nổ, tiếng khóc thất thanh của những đứa trẻ lạc đàn... Ông hiểu quá rõ sự độc tài trong gia đình trị họ Ngô đang ngày càng lộng hành, gây phẫn uất trong nhân dân. Chúng lê máy chém và luật 10/59 ngày đêm truy lùng tàn sát những người cộng sản. Ông không thể dửng dưng khi từng lớp sinh viên tham gia đấu tranh bị đàn áp đẫm máu.

Từ đó, trong các cuộc biểu tình của sinh viên, có một chàng thư sinh đeo kính cận hòa vào dòng người, lên tiếng phản đối chiến tranh. Năm 1963, làn sóng đấu tranh chống chế độ Diệm bùng nổ mạnh mẽ.

Khoảng 21 giờ, trong khuôn viên Đài phát thanh Huế có khoảng sáu nghìn người chờ đợi để nghe buổi phát thanh đặc biệt nhân ngày Phật đản, tuy nhiên, đến giờ chót thì bị cấm. Những con đường dẫn vào hội trường đông nghẹt thở, lợi dụng tình hình ấy, một đồng chí trong ban tổ chức chạy vào bệnh viện tìm Nguyễn Minh Triết (lúc này đang là sinh viên thực tập).

Với tư cách là Chủ tịch ban đại diện Đại học Y, thay mặt sinh viên Y khoa Huế, Nguyễn Minh Triết đọc bài diễn văn do dồng chí Lê Công Cơ và Hòa thượng Thích Trí Quang soạn sẵn. Xuất hiện trên bục cao với đôi kính cận rất thư sinh, Minh Triết đã truyền tải mạnh mẽ, súc tích, mạch lạc từng câu, từng chữ những lời tố cáo tội ác chiến tranh, "không khuất phục" trước kẻ thù.

Sau buổi diễn trình công khai trước hàng ngàn người hôm đó, Minh Triết chính thức dấn thân vào con đường cách mạng. Chiếc áo blouse trắng tạm thay bằng màu áo lấm lem bùn đất, chất phác của một người dân yêu nước thật sự.

Khi đang hoạt động ở Huế thì hay tin nhân dân Đà Nẵng nổi dậy chống Thiệu - Kỳ, lập tức, ông theo đội sinh viên quyết tử vào Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng, nhân dân đấu tranh bùng lên mạnh mẽ, nhiều cuộc nổi dậy đã làm thất điên bát đảo bọn tay sai của Thiệu. Chúng tăng cường quân, máy bay ném bom tang thương vào giữa vùng đất đang sục sôi đấu tranh.

Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Minh Triết chụp ảnh cùng đồng đội cũ.

Tình thế cam go, Nguyễn Minh Triết  phải vào Bệnh viện Đà Nẵng xin tá túc. Ban giám đốc bệnh viện bố trí Triết trực ở khoa Nhi. Với vốn hiểu biết về y khoa đã được học bài bản, Minh Triết phát huy tối đa khả năng của mình trong việc cứu chữa bệnh nhân.

Trong thời gian này, ông chữa trị cho một người phụ nữ đang mang thai tháng thứ 8, bị dịch hạch rất nặng, chị gái của cô ấy là giáo viên Đặng Thị Vân, đang dạy Pháp văn ở Nha Trang ra chăm sóc em. Từ đây, xuất hiện một mối tình kết tóc xe tơ của bác sĩ Minh Triết với cô giáo miền biển.

Phép màu nơi địa ngục trần gian

Chuẩn bị cho chiến dịch mậu thân 1968, Nguyễn Minh Triết bị bắt ngay trên đường đi tới bệnh viện. Chúng đưa ông lên chiếc xe bịt bùng kín bưng rồi chuyển đến nhà lao Thanh Bình.

Đêm đầu tiên trong tù ngục chật chội, không tài nào ngủ được, ông nhớ đến vợ con, thương biết mấy khi người vợ vừa bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai vừa phải chăm sóc thằng con đầu lòng mới 7 tháng tuổi. Ông lẩm nhẩm thốt lên những dòng thơ cay đắng: "Vì đâu đôi ngả vợ xa chồng/ đất nước đắm chìm trong máu lửa".

Sau nhiều lần tra hỏi, thẩm vấn, chúng không lấy được lời khai của ông, cuối cùng tòa án phải gán cho ông cái tội "gây rối trật tự trị an" với mức án 3 năm tù khổ sai. Tội của ông chẳng phải nghiêm trọng, cũng không đáng để chúng bận tâm nhưng không hiểu sao vào một đêm tối mịt, ông bị đưa lên xe bọc thép, chuyển qua máy bay.

Nhà lao Côn Đảo, ký ức bi thương một thời của người tù áo trắng.

Ngồi trên máy bay, ông nghĩ: "Thôi chắc chúng đưa mình đi thả xuống biển rồi, chỉ một lát nữa thôi, thân xác mình sẽ làm mồi cho cá". Hình ảnh vợ con lại hiện về, đau đớn và thương tiếc. Hồi hộp chờ đợi, nín thở lắng nghe âm thanh của biển cả nhưng không phải là tiếng của sóng biển mà là tiếng gió vi vu hàng dương nơi Côn Đảo xa xôi.

Vừa mở tấm rèm bịt mắt ra, những người cùng đi với ông trong chuyến bay ấy hét lên sung sướng: "Sống rồi". Lòng vị bác sĩ cũng cảm giác có một niềm vui lâng lâng khó tả, tia hy vọng cho sự sống bắt đầu nhen nhóm.

Là bác sĩ từng qua nước ngoài lĩnh hội y khoa tiên tiến nên ở Côn Đảo, Nguyễn Minh Triết là bác sĩ duy nhất có trình độ chuyên môn. Theo thỏa thuận, mỗi ngày ông chỉ khám bệnh cho gia đình cai ngục một giờ còn lại sẽ được đến các trại khám cho anh em tù.

Tại đây, ông tận mắt chứng kiến những người tù chính trị bị giặc tra tấn hầu như không còn sự sống. Tất cả đều bị gông cùm, bại liệt tứ chi, duy chỉ có đôi mắt của họ là đang sống và nói cho ông biết, họ sẽ sống bằng tất cả sức lực còn lại để chờ ngày đất nước hòa bình.

Ông hiểu rằng, các đồng đội của ông sẽ không có ai chịu khuất phục trước dùi nung, roi vọt. Hơn ai hết, đây là thời điểm thuận lợi nhất để một bác sĩ như ông thể hiện tình đồng chí của mình. Ông đi khắp các nhà lao, thâm nhập vào những chuồng cọp trực tiếp điều trị vết thương cho người tù.

Thời bấy giờ, y học chưa phát triển, lại phải chữa bệnh trong hoàn cảnh lao tù cực kì khổ ải thì khó khăn không thể nào tưởng tượng được. Là một người tù "áo trắng", nhất cử nhất động của ông đều có lính canh và mật thám theo dõi. Chúng chỉ cho ông chữa những ca thập tử nhất sinh và chỉ cho băng bó, cầm máu sơ sài mà không hề có thuốc kèm theo.

Cảm xúc dội về, đôi mắt vị bác sĩ mọng nước nhớ lại: "Một hôm tôi tới chuồng cọp giam chị em phụ nữ, nhìn họ nằm tiều tụy, bất động do các vết thương nặng lại sống trong môi trường dơ bẩn nên bị nhiễm trùng rỉ máu, chảy mủ, lòng tôi đau như ai xát muối, thương lắm mà chỉ biết nhìn. Vậy mà họ cũng chỉ được cầm chừng vết thương bằng bông băng thôi, không có thuốc kháng sinh chống khuẩn.

Có một nữ tù chuồng cọp bên khẽ nói với tôi: "Anh làm ơn mổ cho em cái mảnh đạn đang găm trên trán. Nó hành hạ em đau đớn lắm, nhất là những khi chúng tra tấn thì khổ sở vô cùng, anh giúp em với".

Bác sĩ Triết gật đầu và tiến hành mổ. Dụng cụ chỉ có một con dao, một cây ben, không có thuốc gây tê. Mảnh đạn găm rất sâu trên vùng trán của nữ tù nhân, trong lúc cạy da đầu, cây ben của bác sĩ bị gãy, ông phải lấy ngón tay lùa vào trong tìm mảnh đạn. Ngón tay chạm phải dây thần kinh, máu phun ra thành đường, quệt những vệt dài trên cổ áo bác sĩ.

Vậy mà người nữ tù không hề kêu la, cô ấy ngước lên nhìn bác sĩ nói đanh thép: "Em không sao đâu, anh cứ tiếp tục đi, không thể dừng lại được nữa rồi, chúng ta cùng cố gắng". Nghe cô ấy nói, bác sĩ Triết xúc động vô cùng, ông quay mặt đi, cố gắng mím chặt môi để kìm nén cảm xúc. Đôi mắt của người tù chính trị ấy, ám ảnh ông không sao quên được.

Hơn 3 năm trong nhà tù Côn Đảo, bác sĩ Nguyễn Minh Triết đã góp phần cứu chữa cho hàng trăm chiến sĩ qua cơn nguy kịch. Ngoài việc chữa trị cho người tù, ông còn làm nhiệm vụ chuyển thư từ, mật báo.

Dáng vẻ thân thương, bước đi nhẹ nhàng của người tù "áo trắng" trong nhà lao đã đem lại hy vọng và niềm tin cho các đồng đội trong những thời khắc gian nguy nhất.

Ngày trở về, gặp lại vợ và hai đứa con, trong đó đứa con gái thứ hai đã 4 tuổi mà chưa một lần biết mặt cha nhưng qua lời kể của mẹ, nó hồn nhiên gọi: "Ba, ba", cảm xúc dâng lên tột cùng, ông ôm thật chặt vợ con vào lòng, khóc không thành tiếng.

Ngọc Thiện
.
.
.