Lưu Vinh - "lão nông" cần cù trên "cánh đồng" chữ

Thứ Hai, 23/03/2020, 22:44
Ngày 20/3, Đại tá, nhà báo Lưu Huy Vinh, bút danh Lưu Vinh, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, Tổng biên tập Báo Kinh doanh & Pháp luật, đã từ trần sau một thời gian lâm bệnh, hưởng thọ 69 tuổi.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề báo, Lưu Vinh luôn đắm đuối với từng con chữ, đam mê đi và viết, vì thế ông ra đi để lại một di sản là hàng chục tập sách, thơ và 8 giải thưởng báo chí quốc gia…

1. Năm 2016, khi làm số báo đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày Báo CAND ra số đầu tiên, chúng tôi đã làm một thống kê về những tác giả của Báo CAND đoạt nhiều giải báo chí nhất trong 20 năm (1996 - 2015), trong số 40 lượt tác giả và nhóm tác giả được Giải Báo chí toàn quốc, Giải Báo chí quốc gia, nhà báo Lưu Vinh nằm trong top đầu với 8 Giải Báo chí Quốc gia, trong đó có 3 giải B, 4 giải C, 1 giải Khuyến khích cùng nhiều giải thưởng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành Trung ương khác.

Nhớ hôm ngồi với ông trong căn phòng Tổng biên tập Báo Kinh doanh & Pháp luật, thuê trên tầng 7 ở tòa nhà trên phố Giang Văn Minh, trong căn phòng nhỏ bừa bộn sách vở, tài liệu, thấy ông bày trang trọng những tấm bằng chứng nhận Giải báo chí quốc gia được đóng khung rất cẩn thận. Có lẽ, với ông đó là thứ "tài sản" đáng giá nhất mà ông muốn khoe với khách.

Nhà báo Lưu Vinh (thứ 3 từ phải sang) nhận giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2006.

Lưu Vinh đến với nghề báo và Báo CAND như một sự sắp đặt của số phận. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp lớp 10, trong khi đăng ký nguyện vọng được học nghề điện ảnh hay kiến trúc thì Lưu Vinh được Bộ Công an tuyển chọn đi học Đại học An ninh khóa I. 

Việc được chọn vào trường Công an có lẽ một phần vì Lưu Vinh là con liệt sĩ. Bởi trước đó 1 năm, trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, cha anh là ông Lưu Huy Vát, một cán bộ Công an từ miền Bắc tăng cường cho chiến trường miền Nam, đã hy sinh tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1975, sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh khóa I, Lưu Vinh được điều về công tác ở đơn vị nghiệp vụ đúng với chuyên ngành đã học. Nhưng rồi năm 1988, khi Báo CAND được phát hành công khai, trước yêu cầu phải tăng cường phóng viên là những người vừa có nghiệp vụ Công an, vừa phải đam mê và năng khiếu viết báo, ông được điều về công tác tại toà soạn bởi trước đó Lưu Vinh đã là cộng tác viên "ruột" của báo. 

Dù đến với nghề báo theo kiểu "tay ngang" như thế, nhưng đây lại trở thành nghề hợp với ông nhất. Vì thế từ phóng viên, ông trở thành Trưởng ban biên tập nội dung rồi Phó Tổng biên tập cho tới lúc về hưu năm 2012.

Ngay cả khi đã trở thành Phó Tổng biên tập Báo CAND phụ trách nội dung ấn phẩm Báo CAND ra hàng ngày và Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu tuần, Lưu Vinh vẫn không bỏ được đam mê đi và viết. Gần 25 năm gắn bó với Báo CAND, trong đó có gần một nửa thời gian làm công tác quản lý với cương vị Phó Tổng biên tập, nhưng hễ có thời gian là ông đi công tác, ông "lọ mọ" vào trại giam, xuống các đơn vị Công an ở cơ sở để lấy tư liệu như một phóng viên. 

Ngay cả khi đi tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyên công tác ở nước ngoài, ngoài viết tin, bài tường thuật về chuyến đi như một phóng viên thời sự, Lưu Vinh cũng luôn tranh thủ thời gian để tìm hiểu, lấy tư liệu, bởi ông bảo rằng: "Để có những tác phẩm báo chí chất lượng thu hút được sự chú ý của độc giả, cùng với niềm đam mê nhiệt huyết với nghề, còn phải luôn tìm tòi và sáng tạo trong cách thể hiện. Muốn thế, không thể ngồi một chỗ để nặn ra một bài báo tốt, một đề tài hay và có hiệu ứng xã hội. Muốn vậy phải đi thực tế. 

Mỗi lần đi cơ sở bao giờ tôi cũng ghi chép tỷ mỉ và cất giữ tư liệu cẩn thận… Để có những tác phẩm báo chí chất lượng thu hút được sự chú ý của độc giả, theo tôi đầu tiên mình phải trăn trở và nhiệt huyết với nghề nghiệp, phải tìm tòi và sáng tạo trong cách thể hiện".

Kết quả của những chuyến đi "lọ mọ" ấy là 8 giải thưởng báo chí quốc gia. Lưu Vinh bảo rằng đằng sau mỗi tác phẩm được giải luôn có rất nhiều kỷ niệm, nhưng ông nhớ nhất chuyến tháp tùng Thủ tướng sang Mỹ. Lần ấy, phía Mỹ đã đưa đoàn tới thăm khách sạn House Parker tại thành phố Boston, nơi có lò bánh mà những năm đầu thế kỷ XX, Bác Hồ đã đến làm công việc của một người thợ làm bánh.

Lưu Vinh tâm sự: "Tôi không nghĩ cuộc đời làm báo của mình đã được đến nơi mà cách đây nửa thế kỷ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng sống và làm việc. Đó là khoảng thời gian Bác là thợ làm bánh ở khách sạn House Parker tại thành phố Boston (Mỹ). Bây giờ gian bếp này đã trở thành một khu di tích lịch sử dành cho khách tham quan khắp thế giới. 

Mặc dù chỉ lưu lại ở khách sạn này gần một tiếng đồng hồ, được nhìn thấy, sờ vào bàn làm bánh mà Bác từng làm bánh, được nghe vị hướng dẫn viên kể về những năm tháng Bác làm việc nơi đây, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn. Về nước tôi còn phải đến một số nơi để thu thập tài liệu như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch để tìm hiểu về quãng thời gian người sống và làm việc tại đây". 

Sau chuyến đi ấy, Lưu Vinh đã viết bài ghi chép "Dấu ấn Bác Hồ ở Boston" và đăng trên Chuyên đề Văn nghệ Công an. Tác phẩm này đã được Giải Báo chí toàn quốc năm 2005. Nhà báo Lưu Vinh bảo rằng dù sau này còn nhiều chuyến công tác nước ngoài và nhiều lần được giải báo chí toàn quốc, giải báo chí quốc gia nhưng với ông đó vẫn là chuyến đi đáng nhớ nhất.

Nhà báo Lưu Vinh, Tổng Biên tập Báo Kinh doanh và Pháp luật phát biểu tại “Lễ phát động Cuộc Thi ảnh báo chí” năm 2017.

2. Năm 2012, tròn 60 tuổi và đang là Phó Tổng biên tập Báo CAND, nhà báo Lưu Vinh nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Tưởng rằng ông sẽ chia tay với nghề báo, nhưng thất bất ngờ chỉ vài tháng sau, tháng 9/2012, ông sang tặng anh em Báo CAND một ấn phẩm mới toanh mang tên Báo Kinh doanh & Pháp luật do ông làm Tổng biên tập. 

"Khởi nghiệp" Tổng biên tập khi đã 60 tuổi và dù là tờ báo của Trung ương Hội Makerting Việt Nam, nhưng ai cũng hiểu là ông làm Tổng biên tập nghĩa là phải lo hết mọi thứ từ lo nội dung tới làm kinh tế để nuôi quân.

Tám năm qua, với vai trò Tổng Biên tập, ông đã đối đầu với bao gian nan và thử thách để rồi vượt lên tất cả để có một "cơ ngơi" như ngày hôm nay với 2 ấn phẩm báo in Kinh doanh và Pháp luật tuần 3 số, 24 trang và số cuối tháng 32 trang và ấn phẩm Gia đình và Pháp luật tuần 2 số, 24 trang. Cùng với đó là 2 trang thông tin điện tử tổng hợp: Kinhdoanhnet.vn và giadinhphapluat.vn. 

Năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông đã mở cuộc vận động, quyên góp xây dựng tuyến đường bê tông từ quốc lộ 1 vào nhà thờ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với số tiền gần 5 tỷ đồng.

Ngoài công việc làm báo, Lưu Vinh còn đam mê biên soạn sách và làm thơ. Bởi ông bảo "nghề báo, nghề văn đã ăn vào máu thịt mình rồi, nên hầu như đối với tôi không có ngày nghỉ. Nghề viết đã đem lại cho tôi một thú vui và tôi coi đó là một nhu cầu thường nhật của mình", vì thế ngoài việc chủ biên, biên soạn gần 30 đầu sách, ông còn là tác giả của 5 tập thơ…

Bây giờ thì ông mãn nguyện với những gì mình có và có thể thanh thản về với cõi trời xanh, mây trắng.

Đại tá Lưu Vinh sinh năm 1952 tại Hưng Hà, Thái Bình, nguyên Phó Tổng biên tập Báo CAND; Tổng biên tập Báo Kinh doanh & Pháp luật. Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Vì An ninh Tổ quốc; Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí...

Trong hơn 30 năm làm báo chuyên nghiệp, ngoài các tác phẩm báo chí, ông còn là tác giả, chủ biên hàng chục đầu sách: "Hồ Chí Minh con người đẹp nhất", NXB Hồng Đức; "Theo dấu chân Bác", NXB GTVT; Đồng chủ biên cuốn: "Những kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn", NXB Công an nhân dân; biên soạn cuốn: "Phan Trọng Tuệ - Vị tướng - Bộ trưởng đức độ tài năng", NXB GTVT; "Trung tướng Trần Quyết - người cộng sản trung kiên", NXB Văn hóa thông tin; Chủ biên bộ sách: "Doanh nhân Việt Nam - Nụ cười & Nước mắt", "Nỗi đau thời hậu chiến"; Chủ biên cuốn: "Huyền thoại cầu Hiền Lương", NXB GTVT; Chủ biên cuốn: "Nữ doanh nhân thời hội nhập"; "Tình người nơi đất trại", NXB Hồng Đức; "Những nẻo đường hoàn lương", NXB Văn hóa thông tin; Tác giả của các cuốn sách: "Những chứng nhân lịch sử", NXB Công an nhân dân; "Năm lần tháp tùng Thủ tướng", NXB Văn hóa Thông tin; "Theo vết đường dây đen", NXB Công an nhân dân; "Tội phạm thời mở cửa", NXB Tư pháp; "Buôn vàng", NXB Công an nhân dân; "Gặp gỡ nơi xứ người", NXB Văn học; "Lệnh truy nã", NXB Thanh niên; "Mười ngày trên đất Mỹ", NXB Văn hóa Thông tin; "Thơ và đời"; "Tặng mẹ tặng em" (thơ) NXB Văn học; "Dòng sông nơi em"; "Gặp lại người xưa": "Theo dòng thời gian" (thơ), NXB GTVT…
Nguyễn Thiêm
.
.
.