Giáo sư Nhật 72 tuổi và dự án chế tạo máy bay không người lái ở Việt Nam

Thứ Sáu, 13/12/2019, 09:44
Ở vào cái tuổi ngoài thất thập, GS người Nhật Obikane Yasuo không thích ngồi yên một chỗ mà vẫn hăng say đăng ký đi làm tình nguyện viên theo chương trình của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).



Điểm đến trong gần hai năm vừa qua của ông là Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế với dự án chế tạo máy bay không người lái quan trắc môi trường có thể cất và hạ cánh trên mặt nước đầu tiên tại Việt Nam.

Niềm đam mê UAV

Khuôn mặt hiền từ, tác phong nhanh nhẹn và giọng nói truyền cảm, GS Obikane Yasuo đã khiến cả đoàn chúng tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác khi nói về dự án chế tạo máy bay không người lái quan trắc môi trường ở Việt Nam. Hiện nay, ứng dụng của máy bay không người lái đang gia tăng mạnh mẽ từ các mục đích quân sự cho đến nghiên cứu khoa học, điện ảnh-truyền hình, nông nghiệp, thương mại, vận chuyển, giải trí. 

Trước những nhu cầu ngày càng gia tăng đó, sau đợt tham gia tình nguyện ở Mông Cổ cách đây 2 năm, GS Obikane Yasuo đã quyết định nộp đơn ứng tuyển vào Chương trình tình nguyện viên JICA theo yêu cầu từ chính phủ Việt Nam về một người có chuyên ngành kỹ thuật cơ khí. Đầu năm 2018, GS Obikane Yasuo cùng vợ khăn gói lên đường sang Việt Nam. 

"Chuyên môn của tôi là kỹ thuật cơ khí. Vì thế, những năm qua, nhiệm vụ hàng ngày của tôi là hướng dẫn kỹ thuật cơ điện tử sử dụng phương tiện bay không người lái và hướng dẫn sản xuất máy bay không người lái. Tôi còn nhớ vào cuối tháng 2 năm ngoái, khi tôi nói với vợ là sẽ sang Việt Nam làm việc, bà ấy đã rất mừng. Bà ấy rất yêu Việt Nam và thích được trở lại Việt Nam trong vai trò mới", GS Obikane Yasuo cười nói. Ông cũng cho biết, vì đã thực hiện một dự án phát triển máy bay không người lái (UAV) ở Mông Cổ và cả Bangladesh trước đó nên việc tiếp tục thực hiện chương trình này tại một quốc gia khác cũng không phải là điều gì quá khó khăn.

GS Obikane Yasuo đang kiểm tra lại mô hình UAV trước khi cho thử nghiệm.

Với GS Obikane Yasuo, việc chế tạo máy bay không người lái quan trắc môi trường ở Việt Nam có hai ý nghĩa. Thứ nhất, UAV có thể làm được những việc mà bình thường con người không làm được. "Nó có thể đi đến những nơi nguy hiểm mà con người không thể đi đến được. Mục đích đầu tiên của tôi làm máy bay không người lái để quan trắc môi trường. Ví dụ như hiện nay vấn đề môi trường mà Việt Nam đang gặp phải là lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu tác động mạnh đến vùng Mekong, đồng bằng sông Cửu Long… 

Tôi mong muốn có thể chế tạo máy bay không người lái, dùng UAV để quan trắc các chỉ số môi trường, làm sao để lấy được các chỉ số ở những nơi xa và khó đến rồi mang về phân tích, đưa ra các giải pháp. Thứ nữa là sản phẩm này được làm vì tính giáo dục bởi vì nó rất là tốt trong quá trình đào tạo. Để có thể làm ra được UAV, cần phải sử dụng rất nhiều công nghệ. Trong quá trình tôi hướng dẫn làm UAV thì có thể giới thiệu cho các sinh viên hoặc thầy cô giáo nhiều công nghệ mới, kỹ thuật mới", GS Obikane Yasuo tâm sự.

"Thất bại là mẹ thành công"

Cũng theo lời GS Obikane Yasuo, khi sang Việt Nam, ông thực hiện 2 nội dung song song. Nội dung đầu là hoạt động hỗ trợ trường Cao đẳng Công nghiệp Huế trong công tác giảng dạy về cơ khí và nội dung thứ 2 là cùng với các sinh viên, giảng viên của trường chế tạo máy bay không người lái quan trắc môi trường. 

"Hai năm làm tình nguyện viên tại một trường đại học ở Mông Cổ giúp tôi nhiều trong quá trình làm quen với việc giảng dạy tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Tuy nhiên, khi tiếp tục nghiên cứu UAV, tôi mới nhận ra rằng rất ít trường đại học ở Việt Nam thực nghiệm công nghệ này. May mắn cho tôi là Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã tạo điều kiện cả về tài chính, cơ sở vật chất lẫn nhân lực hỗ trợ tôi. 

JICA cũng hỗ trợ hơn 10.000 USD cho các thí nghiệm về UAV và thí nghiệm về hầm gió. Chúng tôi phải thực hiện dự án từng bước một, từ khâu lựa chọn vật liệu, con chip cho đến việc tìm ra nhà cung cấp và cách thức mua, vận chuyển nguyên vật liệu từ nước ngoài về Việt Nam. Bạn bè và cả vợ tôi, mỗi lần sang Việt Nam hoặc đi về từ Nhật Bản tới Việt Nam đều "xách" theo một vài linh kiện nhỏ mà tôi cần", GS Obikane Yasuo cho biết thêm. 

GS Obikane Yasuo đang giảng dạy cho các sinh viên về kỹ thuật, công nghệ của UAV.

Mô hình máy bay không người lái mà GS Obikane Yasuo đang chế tạo có thể bay được 3-5km trong vòng 5 phút. Ông cùng các cộng sự và sinh viên đã nghiên cứu và đưa ra 2 loại hình điều khiển UAV này gồm một loại UAV bình thường 2 cánh và một loại UAV có 4 cánh. Loại 4 cánh được đánh giá là nhanh hơn, dễ điều khiển hơn và làm được nhiều việc cùng một lúc. UAV đầu tiên mà GS Obikane Yasuo cùng 4 sinh viên (nay đã tốt nghiệp) của trường Cao đẳng Công nghiệp Huế thực hiện hồi năm 2018 được làm thủ công bằng tre. 

"Chúng tôi nhận thấy tre có thể thay cho sợi carbon để chế tạo UAV và tre của Việt Nam thì nhẹ, có độ bền cao. Ngoài ra, bọt biển và một số nguyên liệu khác của Việt Nam cũng được đưa vào sử dụng. Chúng tôi đã thử nghiệm động cơ trong các giờ học, giờ thực hành và thu được kết quả tốt. Khi đó, các sinh viên tham gia chương trình có được lượng kiến thức phù hợp về nghiên cứu chế tạo máy bay, cách điều khiển máy bay và cách sử dụng cảm biến điều khiển máy bay. Và nếu muốn định vị tốt cho máy bay thì phải có một phần mềm tốt. Định vị này cần phải dùng thuật toán và thầy trò chúng tôi một lần nữa lại "lần mò" để tự chế tạo ra định vị giúp điều khiển UAV dễ dàng hơn. 

Mục đích của tôi là chế tạo UAV có tính năng sử dụng nhiều việc ở mức cao nhất. Vì thế, sau UAV bằng tre, tôi cùng các cộng sự và sinh viên đã tiếp tục nghiên cứu chế tạo loại UAV mà khi có bão, gió vẫn có thể điều khiển được và có thể cất, hạ cánh trên mặt nước. Nếu thành công, đây sẽ là loại UAV đầu tiên như thế tại Việt Nam. Với tôi, UAV là đam mê và chính nó giúp tôi có thêm động lực để hướng dẫn các sinh viên cùng nghiên cứu", GS Obikane Yasuo vừa giải thích vừa chỉ về chiếc thuyền mà ông và 4 sinh viên nói trên tự làm. 

Chiếc thuyền này đã giúp thử định vị UAV khi nó bay trên mặt nước và hạ cánh. Cứ vài tuần, GS Obikane Yasuo lại cùng các sinh viên và giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế ra cơ sở 2 của trường để điều khiển UAV bay thử nghiệm. "Mỗi lần thử nghiệm xong về hỏng bánh lái, chúng tôi lại sửa mất vài tuần. Hồi tháng 9, chúng tôi cũng vừa thử nghiệm UAV quan trắc môi trường hạ cánh trên chiếc thuyền. Khó khăn mà chúng tôi đang vướng chính là khi UAV bay lên cao và xa khoảng hơn 200m thì không nhìn rõ để điều khiển. Tôi đang yêu cầu các sinh viên nghiên cứu lại thuật toán để tạo bộ điều khiển tự lập trình sẵn", GS Obikane Yasuo kể.

Nói kỹ hơn về dự định tương lai của mình sau khi kết thúc nhiệm kỳ tình nguyện viên vào tháng 3-2020, GS Obikane Yasuo cho biết, đến nay, ông đã đạt được gần 80% mục tiêu đề ra và đang thử nghiệm việc thiết kế, chế tạo hầm gió đầu tiên ở Việt Nam. Hầm gió này dự kiến rộng đủ chứa một UAV bên trong. Thời gian thử nghiệm của hầm gió là 3 tháng và GS Obikane Yasuo hy vọng rằng dự án này sau đó sẽ được tiếp tục phát triển.

 "Tôi muốn truyền lửa, đam mê của mình tới các đồng nghiệp, sinh viên. Ở Việt Nam, mọi người đều bận rộn hối hả nên tôi mong muốn Việt Nam trở nên phồn vinh để mọi người có thể thong thả hàng ngày. Tôi muốn phát triển một sản phẩm và xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Đây mới là ý tưởng và tôi đang cố gắng thực hiện. Tôi đã có kinh nghiệm làm việc cho JICA và các chương trình viện trợ phát triển của Nhật Bản ở nước ngoài trong hơn 20 năm. 

Tôi cũng đã đi rất nhiều nước và hướng dẫn cho nhiều người. Nhưng tôi vẫn muốn sau khi kết thúc nhiệm kỳ tình nguyện viên JICA vào tháng 3-2020, tôi vẫn có thể quay trở lại Việt Nam làm việc bởi tôi muốn những gì mình khởi xướng về UAV sẽ tiếp tục được phát triển. Đó cũng là lý do tôi muốn xây dựng một nhà máy mà có thể làm ra những sản phẩm như thế tại Việt Nam", GS Obikane Yasuo nhấn mạnh.

Huyền Chi
.
.
.