Đằng sau "đế chế" hơn 60 tỷ USD của người giầu nhất châu Á

Chủ Nhật, 26/01/2020, 07:14
Tỷ phú Mukesh Ambani, 62 tuổi, hiện đang giữ kỷ lục người giàu nhất Ấn Độ trong 12 năm liên tục và giữa năm 2018 đã vượt Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba ở Trung Quốc, trở thành người giàu nhất châu Á.

Theo dữ liệu từ xếp hạng 500 tỷ phú giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index, riêng năm 2019, tài sản cá nhân của ông Mukesh đã tăng thêm khoảng 17 tỷ USD. Mức tăng này lớn hơn mức tăng giá trị tài sản tuyệt đối của bất kỳ tỷ phú nào khác ở châu Á năm nay, đưa khối tài sản của ông Ambani đạt 61 tỷ USD.

"Thái tử" kế nhiệm "đế chế" Reliance

Mukesh Ambani sinh ngày 19-4-1957 tại ở Aden, Yemen. Gia đình Ambani chỉ sống một năm ở Yemen vì năm 1958, cha ông là Dhirubhai  quyết định đưa cả gia đình về Ấn Độ sinh sống và bắt đầu kinh doanh gia vị và sợi. Năm 1966, ông Dhirubhai mở xưởng dệt may nhỏ Reliance với vẻn vẹn 50.000 rupee. Với sự táo bạo, quyết đoán và tầm nhìn xa, ông Dhirubhai đã phát triển Reliance thành đế chế dệt may lớn nhất Ấn Độ thông qua xuất khẩu.

Dù giầu có nhưng ông Dhirubhai dạy con rất nghiêm khắc. Ban đầu, Mukesh học kỹ sư hóa tại trường đại học danh giá trong nước. Sau đó, Mukesh đi du học theo ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford, Mỹ. Nhưng lúc này công ty của gia đình đang phát triển nhanh chóng, và ông Dhirubhai tin rằng các kỹ năng sống thực tế được khai thác thông qua kinh nghiệm chứ không phải bằng cách ngồi trong lớp học nên ông đã gọi con trai về nước.

Năm 1981, Mukesh bắt đầu giúp cha mình điều hành công ty Reliance Industries Limited. Đến thời điểm này, công ty đã được mở rộng để nó cũng liên quan đến việc tinh chế và hóa dầu. Việc kinh doanh cũng bao gồm các sản phẩm và dịch vụ trong ngành bán lẻ và viễn thông. Mukesh Ambani đã nhanh chóng thể hiện được vai trò của một người có tài quản trị các dự án quy mô lớn và có vai trò quan trọng trong việc mở rộng lĩnh vực hoạt động của công ty.

Tỷ phú Mukesh Ambani hiện là người giàu nhất châu Á.

Năm 2002, ông Dhirubhai đột quỵ ở tuổi 70 không để lại di chúc, đã làm xảy ra chấp tài sản giữa 2 anh em Mukesh và Anil. Vụ việc kéo dài 3 năm, khiến người mẹ Kokilaben Ambani phải can thiệp bằng thỏa thuận chia đôi công ty. Ông Mukesh nắm quyền tại các mảng kinh doanh dầu mỏ, khí gas, hóa dầu và khai khoáng. Ngày 18-6-2014, Mukesh Ambani quyết định chuyển hướng bằng cách đầu tư 1.800 tỷ rupee cho lĩnh vực viễn thông khi thành lập Công ty Reliance Jio Infocomm. Reliance Jio Infocomm lập tức gây sốc với ngành công nghiệp viễn thông Ấn Độ bằng các cuộc gọi miễn phí và dữ liệu giá rẻ.

Năm 2015, với việc ra mắt dịch vụ 4G, Reliance Jio Infocomm đã tạo ra cuộc cách mạng trong công nghiệp viễn thông, khi lần đầu tiên hàng triệu người Ấn Độ có thể truy cập internet để đăng ký các dịch vụ thanh toán, tải xuống sách giáo khoa, hoặc đơn giản xem các trận cricket. Đến tháng 9-2016, Reliance Jio Infocomm đã có trên 252 triệu người dùng và kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ.  Ngoài ra, Mukesh đang tận dụng hệ thống bán lẻ và viễn thông của mình để khai thác thị trường thương mại điện tử tại Ấn Độ, một thị trường có tới hơn 1 tỷ dân và cạnh tranh với những đối thủ như Amazon.com.

Không dừng ở đó, Mukesh còn ôm mộng thay đổi bộ mặt của hạ tầng đô thị Ấn Độ, với kế hoạch xây dựng một siêu thành phố ở ngoại ô thủ đô Mumbai, phát triển theo hướng của Singapore như có sân bay, cảng, kết nối với biển. Khi hoàn thành, thành phố này sẽ là nơi sinh sống làm việc của hơn nửa triệu người dân. Đại dự án kỳ vọng thu hút doanh nghiệp và các tập đoàn trên khắp thế giới, 75 tỷ USD đầu tư trong 10 năm tới. nhiều chuyên gia nhận định dự án này sẽ mở ra chương mới cho Ấn Độ, có thể làm thay đổi toàn bộ bức tranh hạ tầng đô thị của Ấn Độ.

Tòa nhà 27 tầng có chi phí xây dựng lớn 1 tỷ USD của gia đình Mukesh Ambani.

Năm thu tiền khủng của người giàu nhất châu Á

Năm 2019, Mukesh đã ghi dấu ấn trong làng tỷ phú thế giới khi tài sản cá nhân tăng thêm tới 17 tỷ USD. Mức tăng này lớn hơn mức tăng giá trị tài sản tuyệt đối của bất kỳ tỷ phú nào khác ở châu Á năm nay, đưa khối tài sản của ông Ambani đạt 61 tỷ USD.

Tài sản của ông Muskesh tăng mạnh chủ yếu nhờ mức tăng 40% của cổ phiếu Reliance Industries, tập đoàn do ông nắm quyền kiểm soát với lĩnh vực kinh doanh trải rộng từ lọc hóa dầu tới dịch vụ viễn thông. Tốc độ tăng giá cổ phiếu Reliance năm nay cao gấp đôi mức tăng của S&P BSE Sensex, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Ấn Độ. Giới đầu tư đổ mạnh tiền vào cổ phiếu Reliance với niềm tin rằng những lĩnh vực kinh doanh mới của tập đoàn này như viễn thông và bán lẻ sẽ sớm mang lại giá trị. Giá cổ phiếu của Reliance hiện đã tăng gấp khoảng 3 lần so với thời điểm cuối 2016, khi mạng Jio mới ra mắt thị trường Ấn Độ bằng chương trình khuyến mãi "khủng" gồm cuộc gội miễn phí và gói dữ liệu giá rẻ. Hiện Jio đã có 350 triệu thuê bao và đạt lợi nhuận ròng 140 triệu USD trong quý III- 2019.

"Mukesh Ambani đã thay đổi bức tranh về Reliance Industries. Công ty này từ chỗ đi đầu trong lĩnh vực dầu khí, đã trở thành người đi đầu ở cả mảng viễn thông và bán lẻ, thậm chí là ở mảng thương mại điện tử trong thời gian không xa. Ông ấy đã thành công trong việc nhận diện, đầu tư và triển khai nhanh các kế hoạch kinh doanh mới. Có thể tin tưởng rằng chiến lược này sẽ làm gia tăng gấp đôi giá trị cho cổ đông của Reliance trong 4 năm tới", nhà quản lý quỹ Chakri Lokapriya thuộc TCG Asset Management nhận định. 

Cuộc sống xa hoa     

Hiện gia đình Mukesh sinh sống tại Mumbai trong tòa nhà cao 27 tầng, sang trọng, với ước tính chi phí xây dựng 1 tỷ USD, mang tên Antilia. Tư dinh này đang giữ kỷ lục ngôi nhà đắt nhất thế giới. Tòa nhà bao gồm bể bơi, phòng sự kiện, một khu vườn trải rộng khắp 3 tầng, 3 khu đỗ trực thăng và có thể trụ vững trước động đất 8 độ richter, với khoảng 600 nhân viên phục vụ.

Mukesh đã dành 6 tầng cho bộ sưu tập siêu xe 168 chiếc gồm toàn thương hiệu hàng đầu thế giới: Mercedes, Bentley, Roll Royces, Aston Martin… Tòa nhà còn có trạm dịch vụ xe hơi riêng trên tầng 7. Bên trong Antilia có ngôi đền khổng lồ theo truyền thống của người Ấn Độ. Ngoài ra, còn có phòng băng được làm mát bằng những bụi tuyết nhân tạo, giúp chủ nhân có thể tránh cái nóng của mùa hè Ấn Độ.

Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.