Cần mẫn giữa đại ngàn

Thứ Năm, 16/06/2016, 13:21
Lên huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên giữa buổi sáng tháng năm ngập tràn nắng gió, tôi tìm gặp ông Ka Sô Liễng - Nhà thơ, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Vẫn nụ cười hiền lành, trầm tĩnh như thời còn là quan chức ở tỉnh, ông tiếp tôi rất thân thiện không phải vì quen biết từ lâu mà xưa nay ông luôn gần gũi, hòa đồng với mọi người như thế...

Ngồi bên Ka Sô Liễng trong căn nhà sàn ẩn mình giữa vườn rừng ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, tôi ngắm nhìn chân dung ông ở tuổi 80 với nước da màu bánh mật, mái tóc bạc trắng, nhưng vóc dáng vẫn còn rắn chắc, khỏe mạnh. Đến tuổi nghỉ hưu sau hàng chục năm làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) Phú Yên, ông khoác ba lô rời phố ngược lên miền núi Sơn Hòa để về với buôn làng đồng bào Chăm H'roi. 

Ở đó gần 18 năm qua, Ka Sô Liễng không chỉ biến đất hoang thành vườn rừng, mà còn dành nhiều tâm huyết bảo tồn nền văn hóa dân tộc thiểu số. Và chính cái chất dân dã pha chút hóm hỉnh của Ka Sô Liễng đã khiến cho tôi không xưng hô theo thứ bậc thông thường mà chỉ muốn gọi ông là già Liễng.

Hỏi về cơ duyên đến với văn hóa dân gian, già Liễng chia sẻ: "Tôi nhập ngũ vào bộ đội Trung đoàn 84 từ năm 17 tuổi, sau đó xuống tàu biển ở cảng Quy Nhơn đi tập kết ra Bắc vào năm 1954. Những năm tháng ở vùng Tây Bắc, tôi là một trong những thanh niên háo hức, đam mê với các hoạt động văn hóa - văn nghệ nên được đơn vị cho đi học bổ túc văn hóa, sau đó  chuyển tiếp đến Trường lý luận nghiệp vụ văn hóa Hà Nội. Năm 1963, tôi cầm bằng tốt nghiệp về Ty VH-TT Quảng Ninh nhận công tác ở đó suốt 7 năm mới đăng ký dự thi và đã trúng tuyển khoa đạo diễn Trường Đại học sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Học xong, tôi được nhà trường tiếp nhận làm giảng viên mỹ học và văn hóa quần chúng...".

Lật lại mấy tấm ảnh đen trắng được coi là kỷ vật sâu sắc một thời ở miền Bắc, già Liễng tâm sự bằng âm giọng sôi nổi và tự hào: "Những năm giữa thập kỷ 70 thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, rất nhiều thanh niên, sinh viên, công nhân viên chức ở miền Bắc tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Khí thế đó đã thôi thúc tôi xung phong lên đường vào Ban tuyên huấn Khu 5 nhận nhiệm vụ ở Đoàn văn công tổng hợp một thời gian, thì được lệnh khoác ba lô ngược lên Đăk Mi, huyện Phước Sơn - một vùng căn cứ cách mạng ở Quảng Nam để tham gia xây dựng Trường Văn hóa nghệ thuật Khu 5".

Đất nước thống nhất sau đại thắng mùa xuân 1975, Ka Sô Liễng về lại quê nhà khi hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh, ông vào TP Nha Trang làm đạo diễn sân khấu tuồng rồi đảm nhiệm Trưởng Đoàn dân ca kịch - cải lương, Trưởng phòng Văn nghệ Sở VH-TT Phú Khánh. 

Bằng vốn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn đã học, kết hợp những trải nghiệm góp nhặt sau dặm dài lao động sáng tạo nghệ thuật, già Liễng dàn dựng thành công gần 30 vở diễn các thể loại tuồng, dân ca kịch, cải lương phục vụ hoạt động nghệ thuật sân khấu. 

Nhiều vở diễn như: Ba cha con, Rừng hận, Trần Bình Trọng, Đôi mắt, Hoa Plang, Núi rừng thầm lặng, A Nàng… không chỉ cuốn hút sự quan tâm của nhiều người hâm mộ, được giới chuyên môn đánh giá cao về bố cục, nội dung và nghệ thuật, mà còn mang về cho Đoàn dân ca kịch - cải lương Phú Khánh những tấm huy chương vàng, bạc tại các cuộc Liên hoan nghệ thuật sân khấu khu vực và toàn quốc. 

Nhiều đồng nghiệp thời đó ngạc nhiên và cảm phục già Liễng khi những kịch bản sân khấu hát bội, cải lương, bài chòi đậm chất văn hóa truyền thống đồng bằng, miền biển do ông dàn dựng hoàn toàn khác biệt bản sắc văn hóa buôn làng miền núi Tây Nguyên vốn là cái nôi ông sinh trưởng.

Đầu tháng 7-1989, tỉnh Phú Yên tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Phú Khánh, già Liễng cùng một số đồng nghiệp trở về "xứ nẫu" và được bổ nhiệm Phó giám đốc Sở VH-TT nay là Sở VH,TT và DL Phú Yên. Bằng giọng hóm hỉnh, ông tâm sự: "Từ khi làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, tôi mới có cơ hội và thời gian sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu văn hóa dân gian. Tôi dành nhiều ngày đêm bám các buôn làng đồng bào các dân tộc thiểu số, gặp gỡ nhiều già làng để tìm kiếm, sưu tầm rồi chắp nối, sắp xếp lại những tư liệu thu thập được...". 

Và sau nhiều năm cần mẫn lao động nghệ thuật, không ít "báu vật" văn hóa có nguy cơ bị lãng quên đã được già Liễng cẩn trọng ghi chép, biên dịch. Lần lượt những trường ca "Tiếng cồng ông bà Hbialơ Đăk", "Chi Pơ Nâm", "Chi Đê", "Chi Liêu", "Tìm lại chị em Jông Uốt", "Giàng Hlăk xấu bụng" của đồng bào Chăm; "Chơ Lơ Kok" của đồng bào Chăm; "Xing Chi Ôn" của đồng bào Ba Na, "Chơ Lơ Kok" của đồng bào Ê Đê... đã được ông sưu tầm và biên dịch.

Gần một năm sau khi rời công sở hành chính, già Liễng đã gửi đến Hội văn nghệ dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam 3 trường ca "Anh em Chư Blơng", "Tiếng cồng nàng H'Bia Đá", "Bia Tơ Lúi - Ka Li Pu", mỗi tập hơn 700 trang song ngữ Việt - Chăm H'roi. Bên cạnh trường ca, già Liễng còn có các công trình nghiên cứu "Nhận diện văn hóa Chăm trên đất Phú Yên", "Ghi chép trên đường sưu tầm nghiên cứu", "Luật tục Chăm"… 

Ngoài ra, ông còn có nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi phản ánh đời sống của người Chăm H'roi, Ba Na, Ê Đê, trong đó các tác phẩm tiêu biểu như bài thơ "Con lạch", truyện ngắn "Đưa nước lên đồi", "Người biết làm giàu" đã được đưa vào "Tuyển tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam", "Các nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20"...

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng.

Đề cập những chuyến đi sưu tầm văn hóa dân gian, già Liễng chia sẻ: "Không nặng nhọc như nông dân cày cuốc ruộng rẫy, nhưng tôi phải vất vả bám buôn làng, có khi cả tháng trời ăn ở với đồng bào, có nơi phải đến nhiều lần, tiếp xúc nhiều già làng để ghi âm, ghi chép những thông tin sưu tầm được. Ban đêm nghe lại băng ghi âm nhiều lượt, đối chiếu nội dung ghi chép sổ tay trước khi sắp xếp, biên dịch thành trường ca". 

Và, sau hàng chục năm lao động nghệ thuật bền bỉ, ông đã sưu tầm, biên dịch gần 25 trường ca và công trình nghiên cứu văn hóa dân gian. Đến nay già Liễng đã nhận gần 20 giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số và của tỉnh Phú Yên. Điều đáng ghi nhận là ngoài hoạt động sưu tầm, biên dịch và nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số, ông còn dày công kiến tạo chữ viết cho đồng bào Chăm H'roi. 

Già Liễng tâm sự: "Người Chăm Bà Ni ở Ninh Thuận, Bình Thuận và người Chăm Nam bộ đã có chữ viết, trong khi đó hơn ba vạn người Chăm H'roi ở Bình Định, Phú Yên chỉ có tiếng nói. Khi mới bắt đầu sưu tầm văn hóa Chăm H'roi, tôi luôn trăn trở, day dứt vì phải "mượn" chữ Ê Đê để ghi chép những thông tin thu thập được, nên tôi quyết định đi tìm ngôn ngữ viết cho đồng bào mình". 

Sau nhiều ngày đêm suy tính kết hợp dò hỏi nhiều nhà ngôn ngữ học, từ giữa năm 2010, già Liễng sử dụng một phần chữ viết Ê Đê và những mẫu tự Latinh để tạo nên bộ chữ Chăm H'roi. Cuối năm đó Đài phát thanh Phú Yên khởi phát chương trình tiếng Chăm H'roi mỗi tuần hai lần do Ka Sô Liễng biên dịch kiêm phát thanh viên. 

Sau khi Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thẩm định và công nhận bộ chữ viết Chăm H'roi do già Liễng kiến tạo năm 2011, một số tác phẩm ông sưu tầm, biên dịch đã được in song ngữ Việt - Chăm H'roi như: "Kho tàng sử thi Tây Nguyên - sử thi Chăm H'roi: Chi Bri - Chi Brit", "Tiếng cồng ông bà Hbialơ Đăk", "Tiếng cồng nàng H'Bia Đá", "Hbia Ta Lúi - Ka Li Pu", "Anh em Chi Blơng".

Có bộ chữ viết rồi, già Liễng vận động nhiều người Chăm H'roi ở các xã Ea Chà Rang, Suối Trai, Phước Tân - huyện Sơn Hòa đến lớp học do ông giảng dạy. Trong số những học trò là cán bộ - chiến sĩ công an, công chức - viên chức, có anh Nguyễn Ninh và chị Hờ Nguyệt đang đảm nhiệm công tác biên dịch, phát thanh viên chương trình tiếng Chăm H'roi ở Đài phát thanh - truyền hình Phú Yên. 

Chia sẻ niềm vui đó, già Liễng tâm sự : "Cái bụng tôi cứ đầy ắp niềm vui khi hoàn thành bộ chữ viết Chăm H'roi. Nhìn những đứa trẻ ở các buôn làng mải mê đánh vần, viết chữ của đồng bào mình, tôi biết bản sắc văn hóa dân tộc Chăm H'roi sẽ được bảo tồn và lưu truyền bền vững. Nếu như những trang sử thi góp phần lưu truyền cho các thế hệ con cháu trong cộng đồng dân tộc thiểu số hiểu biết sâu sắc về cội nguồn văn hóa Tây Nguyên, thì những trang viết về văn hóa luật tục sẽ hỗ trợ già làng hòa giải hiệu quả các cuộc mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống thường nhật ở các buôn làng...

Tiễn khách xuống mấy bậc nhà sàn khi chia tay, Ka Sô Liễng bày tỏ: "Với tâm nguyện trả ơn cho đồng bào miền núi, tôi sẽ dành hết trí lực để góp phần sưu tầm và bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số ở Phú Yên". Có lẽ vì thế nên nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, báo chí đã cảm thức rằng trong chiều sâu cội nguồn văn hóa dân gian, ông được nhiều người ví như cây kơ nia vươn cao trước gió, như cánh chim kơ tia không mỏi, như con ong cần mẫn giữa đại ngàn...

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.