Nghệ thuật NFT: Lại một “kẻ nổi Loạn”

Thứ Năm, 14/04/2022, 10:55

NFT có thể góp phần gây nhiễu loạn giá trị nghệ thuật khi tất cả đều mới mẻ và chưa định hình. Nhưng, nghệ thuật sẽ tự biết cách để đứng vững...

Những hình tròn màu vàng lộn xộn sắp xếp với những khối cầu xanh ghi, trông vừa như hình ảnh phóng tác những tế bào trong cơ thể người, vừa như một chùm đèn sân khấu được nối kết cách điệu với nhau. Bức tranh ấy được Mike Winkelman đặt tên là “DOUBLE.DOWN”, và đó chỉ là 1 trong hơn 5000 tác phẩm mà anh vẽ từ ngày 1-5-2007 đến nay thuộc khuôn khổ dự án cá nhân “Everydays: the First 5000 Days” (Hằng ngày: 5000 ngày đầu tiên), với mục tiêu đề ra là mỗi ngày khởi thảo và hoàn thiện một bức tranh, nhằm vượt qua không chỉ nỗi sợ hãi phải bắt đầu một điều gì đó, mà còn là nỗi sợ hãi khi phải kết thúc điều ấy.

Được thôi, một họa sĩ thiết kế đồ họa muốn ghi lại những sáng tạo của mình, chuyện sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như vào năm ngoái, bộ sưu tập nghệ thuật kỹ thuật số được mã hóa token không thể thay thế, hay còn gọi là NFT (Non-Fungible Token), của Winkelman không được bán với giá 69,3 triệu USD tại một phiên đấu giá của Christie. Và, chỉ trong vòng một năm, cơn sốt nghệ thuật NFT sôi sùng sục, lây lan với tốc độ không thua gì những dịch bệnh khủng khiếp nhất và kéo theo không chỉ những bậc thầy nghệ thuật đương đại như Damien Hirst mà còn cả những kẻ vô danh.

vài tuần trước, tôi bước vào một quán cafe trên phố Kim Mã và tình cờ nghe được ở bàn bên cạnh, một nhóm thành viên dường như cùng làm việc cho agency quảng cáo đang lên chiến lược gắn NFT cho các thiết kế đồ họa của mình. “Cái này là tương lai đấy”, một người khẳng định chắc nịch.

Tương lai hay không thì hồi sau sẽ rõ nhưng nghệ thuật NFT rõ ràng đang là hiện tại.

Nghệ thuật NFT: Lại một “kẻ nổi Loạn” -0
Một trong những bức tranh mới nhất của Mike Winkelman, tiếp tục dự án “Everydays: the First 5000 Days” mà anh đã bán được với giá 69,3 triệu USD.

Bỏ qua những cuộc tranh cãi bên lề về việc NFT là một siêu nhà máy phả carbon vào bầu khí quyển, khi mà một chiếc ảnh động hình chú mèo bay lên mặt trăng thôi cũng đã thải ra lượng carbon bằng một người châu Âu dùng điện trong 2 tháng, bỏ qua luôn cả cuộc tranh cãi về nghệ thuật NFT có thực sự tồn tại không khi nó chỉ là một file ảnh JPEG, vì thật ra từ 60 năm trước, đã từng có một nghệ sĩ hàng đầu của phong trào Nouveau réalisme ở Pháp là Yves Klein bán một serie biên lai cho “những khu vực cảm nhận hình ảnh phi vật chất” - hay nói thẳng ra là những tác phẩm nghệ thuật vô hình. Vấn đề cốt lõi khiến nhiều người ngờ vực NFT, một lần nữa, như lịch sử nghệ thuật đã gặp không biết bao lần, rằng liệu những tác phẩm này có thể gọi là nghệ thuật được không?

“Vấn đề thực sự với nghệ thuật NFT ư? Chúng rất xấu!”, đó là tựa đề thẳng thừng trên một bài báo của tờ Financial Times. Vẫn biết nghệ thuật là lĩnh vực chủ quan nhất trên đời nhưng có lẽ ngay cả cha đẻ trường phái pop art chủ trương sản xuất nghệ thuật hàng loạt, Andy Warhol mà có sống lại thì cũng khó khen nổi series tranh người ngoài hành tinh được vẽ với tay nghề xiên xẹo không khác gì dùng ứng dụng Paint vừa bán với giá chục triệu USD. Dù xét theo chuẩn mực nào, phong cách nào, trường phái nào thì rõ ràng là chúng vừa cẩu thả, vừa xấu xí.

Nhưng, điều này lại đưa về câu hỏi, nghệ thuật có cần đẹp không?

Suốt tiến trình phát triển của mình, có vô số lần nghệ thuật vấp phải những cú sốc về cái đẹp. Chẳng khác chi anh chàng James Bond 007 cứ vừa mới nằm tắm nắng, uống rượu là ngay lập tức bị lôi ra khỏi trạng thái nghỉ ngơi của mình để chống lại thế lực đối đầu, nghệ thuật cũng chẳng bao giờ được yên thân, cứ ổn định chưa bao lâu thì lại đứng trước những kẻ “nổi loạn” mới. Hãy nhớ rằng ngay cả những họa sĩ Ấn Tượng mà ngày nay ta thán phục cũng từng bị coi là không biết vẽ và cách dùng màu thì quê mùa, thô thiển (“xin hãy cố làm cho ông Pissarro hiểu rằng cây không có màu tím và trời không có màu bơ tươi... xin hãy giải thích cho ông Renoir rằng thân hình phụ nữ không phải mớ thịt phân hủy đầy vệt xanh vệt tím”). Ngay đến chữ “Ấn Tượng” thật ra ban đầu cũng mang hàm ý giễu cợt, coi khinh.

Mặc dù, giờ đây hẳn ai cũng mê mẩn vẻ đẹp của tranh trường phái Ấn Tượng và phạm vi cái đẹp đã mở rộng biên cương, nhưng ngay cả vậy, liệu xác con cá mập ngâm trong bể formaldehyde với cái miệng chết há hoác như đáy địa ngục của Damien Hirst có thể coi là đẹp? Triển lãm “Design and the elastic mind” (Thiết kế và tâm trí dẻo) do Paola Antonelli tổ chức ở MOMA tuy trông đẹp đấy nhưng các tác phẩm trong đó trông giống biểu đồ khoa học hơn là nghệ thuật và sẽ chẳng có gì lạ nếu nhiều người không xếp chúng vào hàng ngũ cái đẹp thực thụ? Hay có ai từng thích bức tranh “Dải ngân hà” của Anselm Kiefer vì nó đẹp đâu, bởi đẹp gì trong một khung tranh mang tên về dải ngân hà nhưng trông chẳng khác nào một bãi chiến trường cổ xưa, đổ vỡ và hoang tàn? Một nhà phê bình nghệ thuật thừa nhận rằng ông không hiểu nổi “Dải ngân hà”, bức tranh quá khô khan và xấu xí nhưng sự xấu xí ấy lại khơi gợi và kích thích hơn những thứ đèm đẹp và cuốn hút ông trở đi trở lại với nó cho đến khi lĩnh hội được ở nó một cái đẹp sau cùng. Nghĩa là theo ông, đẹp không hẳn là tiêu chí của nghệ thuật, mà tiêu chí của nghệ thuật là tính thú vị “mời thăm lại”.

Nhưng, tính chất “mời thăm lại” nơi những tác phẩm của Damien Hirst, Andy Warhol hay Anselfm Kiefer cũng hoàn toàn biệt tăm biệt tích khi ta ngắm nghía loạt tác phẩm NFT đang được bán với giá hàng triệu USD. Chẳng có gì để ngắm lại nơi người ngoài hành tinh xanh lè đeo khẩu trang mờ mờ ảo ảo, chẳng có một ý niệm cao siêu nào trong hình ảnh những khối cầu xanh ghi chen lẫn những hình tròn vàng. Chưa kể, người nghệ sĩ bán tranh với giá 69,3 triệu USD thậm chí trong một bài phỏng vấn độ 10 năm trước còn thành thực chia sẻ rằng anh hoàn thiện tác phẩm ngay cả khi biết rằng có thể làm tốt hơn thế và anh khuyên những người sáng tạo đôi khi phải cảm thấy “thế là đủ rồi” - một quan điểm có lẽ sẽ bị coi là “tà giáo” đối với những tín đồ nghệ thuật chân chính.

Đó có thể là biểu hiện cho sự hạ giá của nghệ thuật chăng? Cứ cho là vậy đi, song, nếu bắt công nghệ NFT chịu trách nhiệm cho sự xuống cấp ấy thì cũng chẳng khác chi các nhiếp ảnh gia lên án Instagram cùng các app chụp ảnh vì khiến nghệ thuật nhiếp ảnh bị hư hại. Việc chúng ta phải đối mặt với quá nhiều những tác phẩm NFT không có tí miligram nghệ thuật nào không có nghĩa phần lớn những nghệ sĩ kỹ thuật số đều bất tài. Có lẽ tỉ lệ những người vẽ tranh màu nước tệ hại cũng nhiều chừng ấy thôi. Cái khác biệt là không gian trưng bày nghệ thuật truyền thống quá chật hẹp để ta có thể được thấy sự xuất hiện liên tục của những họa sĩ màu nước xoàng xĩnh ấy.

Nhưng, không gian số là vô tận, không biên giới, gần như rất ít rào cản gia nhập, ta phải nhìn thấy nhiều tác phẩm hơn nên xác suất phải chiêm ngưỡng một tác phẩm tồi cũng gia tăng, hệt như ta vẫn luôn có cảm giác thời đại ngày nay có vẻ nhiều vụ án nghiêm trọng hơn, trong khi rất có thể chỉ vì truyền thông phát triển hơn nên ta được nhồi nhét nhiều thông tin hơn.

Nghệ thuật NFT: Lại một “kẻ nổi Loạn” -0
Bức tranh NFT mang tên “CryptoPunk #7523” được bán với giá hơn 11 triệu USD tại một phiên đấu giá của Sotheby. Những tác phẩm anh em của nó cũng được bán với giá trung bình gần 8 triệu USD.

Không, ta sẽ chẳng phải lo lắng gì cho nghệ thuật. Lịch sử chứng minh rằng mỗi khi ta lo lắng cho nó thì đó là một lần lo lắng hão. NFT có thể góp phần gây nhiễu loạn giá trị nghệ thuật khi tất cả đều mới mẻ và chưa định hình. Nhưng, nghệ thuật sẽ tự biết cách để đứng vững. Mới đây, một tác phẩm thực tế ảo của Ashley Bickerton với hình ảnh chiếc phao nổi đựng một khối đại dương hình vuông trôi trên sông Hudson vừa được công bố sẽ được gắn NFT và bán mỗi bản với giá 10.000 USD. Một con số nhỏ so với 69,3 triệu USD nhưng là con số khởi điểm thuận lợi cho một tác phẩm nghệ thuật tồn tại như một câu đố về thiên nhiên như một món hàng. Điều quan trọng hơn cả là những nghệ sĩ đích thực đã bước chân vào lãnh địa này, họ có thể không ngay lập tức có lợi thế nhưng bất chấp việc trải nghiệm riêng của mỗi chúng ta về cái đẹp ngày một phân li, bất chấp nhân tố kinh tế luôn nhăm nhe trở thành chiếc cân đong giá trị nghệ thuật nhưng ta luôn có thể tin tưởng rằng trong dài hạn, diễn ngôn cái đẹp có thể được mở rộng chứ không thể bị lầm lẫn.

Và, ngay cả những nghệ sĩ NFT mà ta vốn cho là không xứng đáng, họ cũng không hẳn sẽ mãi không xứng đáng.Trong những tác phẩm gần đây của Mike Winkelman, ta chứng kiến những ý tưởng mới đủ sức khiến ta kinh hoàng. Chẳng hạn như, trong một bức mang tên “Happiest place on Earth” (Nơi hạnh phúc nhất trên Trái đất), anh tạo hình cái đầu của chuột Mickey ngoi lên giữa hai cột đầu lâu, đằng xa là những tòa nhà chọc trời xếp từ tiền giấy, hay ở một bức mang tên “Guilty Pleasure” (Niềm vui tội lỗi), anh hình dung về thời Trung cổ với những hiệp sĩ thánh chiến đang cùng nhìn về phía một kẻ thân người, đầu Pikachu đang chăm chú xem những trái bóng của mình. Chúng có thực sự đáng giá đến 69 triệu USD không, ta không biết nhưng một điều ta chắc chắn là hình ảnh những nhân vật hoạt hình chìm trong thế giới đen tối, lũng đoạn đủ thú vị để ta mong muốn được thăm lại chúng.

Một lần nữa, diễn ngôn cái đẹp tuy không thể bị lầm lẫn nhưng luôn có thể được mở rộng vô cùng.

Hiền Trang
.
.
.