Hàm răng con người: Nơi văn hóa tranh đua cùng tiến hóa

Thứ Ba, 01/03/2022, 13:59

Điều gì khiến con người trở thành con người? Là óc tư duy nghệ thuật?Là sự thấu cảm? Là khả năng tự nhận thức? Là trí tưởng tượng và niềm tin vào trí tưởng tượng? Hay là khả năng ngôn ngữ? Điều nào cũng có thể đúng...

Một trong những khoảnh khắc trong đời tôi cảm nhận rõ nhất về sự hư vô là khi nằm trên chiếc ghế của phòng khám nha khoa, há miệng thật to trong hơn 2 tiếng đồng hồ để bác sĩ lấy ra những chiếc răng khôn. Gần 30 năm sống trên đời, những chiếc răng khôn chưa làm gì phiền tới tôi cả, dù mọc lệch nhưng chúng nằm yên phận dưới lợi, cho đến một ngày tôi quyết định đi niềng răng để đưa 2 chiếc răng cửa lớn về vị trí và bác sĩ ra “phán quyết” tôi phải nhổ răng khôn trước khi làm bất cứ điều gì. Những chiếc răng khôn ấy như những sinh vật yêu thích bóng tối bỗng bị xới tung khỏi nơi trú ẩn, chẳng khác chi những kẻ đáng thương bị trục xuất khỏi quê hương mình.

Với một bên mặt sưng trong hơn một ngày trời, tôi trở về nhà và ấm ức tự hỏi tại sao con người phải chịu đựng sự đau đớn của răng khôn, như thể cuộc đời này chưa đủ đau đớn vậy và rồi đọc được sự thật trên Sapiens, một tạp chí về nhân chủng học, rằng nỗi đau đớn ấy là nỗi đau của riêng con người. Và không chỉ răng khôn, mà tất cả những vấn đề liên quan tới răng như xô lệch, móm, hô, đều là vấn đề chỉ con người phải đối mặt.

Hàm răng con người: Nơi văn hóa tranh đua cùng tiến hóa -0
Hình ảnh trong một bảo tàng riêng về răng tại London, do Hiệp hội Nha sĩ Anh xây dựng.

Thật vậy! Cứ 10 người thì 9 có hàm răng xô lệch từ nhẹ đến nặng và cứ 4 người thì 3 có bộ hàm không đủ rộng cho răng khôn mọc lên đường hoàng. Hay nói cách khác, răng của chúng ta không vừa với miệng của chúng ta. Trong khi đó, bạn đã bao giờ thấy chú cún nhà mình bị lệch khớp cắn hay chưa? Hẳn cũng rất hiếm khi bạn gặp được một chú mèo có nhu cầu phải niềng răng. Nhìn chung, động vật có xu hướng sở hữu hàm răng đều tăm tắp mà chúng ta phải bỏ hàng chục, thậm chí cả trăm triệu để có được. Nói vui thì con người phát minh ra tiền nên con người cũng cần phải nghĩ ra nhiều dịp để dùng đến tiền chứ. Nhưng, có phải là quá vô lý không khi con người được coi là tinh hoa của quá trình tiến hóa, là kẻ ăn mọi loài, lại sở hữu một hàm răng tồi tệ đến vậy?

Câu hỏi ấy đưa tôi đến những câu trả lời khiến cho tôi chỉ có thể cảm thán rằng, dường như, sự thành công của con người là một kiểu nhện độc mà ta đã thuần dưỡng nhưng vẫn có lúc, nó sơ ý cắn ta; và phần nào đó, văn hóa chính là nỗ lực của con người trong việc chiến thắng những di sản của tiến hóa sinh học, trong khi sự tiến hóa sinh học thì như cơn bóng đè thích quấy rầy con người.

Trước hết, theo bạn, điều gì khiến con người trở thành con người? Là óc tư duy nghệ thuật?Là sự thấu cảm?Là khả năng tự nhận thức?Là trí tưởng tượng và niềm tin vào trí tưởng tượng? Hay là khả năng ngôn ngữ? Điều nào cũng có thể đúng. Nhưng, còn một điều đơn giản hơn rất nhiều: nấu ăn khiến con người trở thành con người. “Mangez bien, riez souvent, aimez beaucoup” - “Ăn ngon, cười thường xuyên, yêu thật nhiều”, câu thành ngữ của người Pháp về cách tận hưởng cuộc đời đã bắt đầu bằng “ăn”, mà phải “ăn ngon”.

Nhà linh trưởng học Richard Wrangham khi nghiên cứu những đàn tinh tinh sống trong rừng già Tanzania đã nhận thấy một điều: khi các loài trái cây thưa thớt thì những nhóm tinh tinh cũng thu bé lại. Và tuy các loài sinh vật họ hàng của chúng ta dành rất nhiều thời gian trong ngày để ăn và nhai, vậy mà chúng vẫn không thu nạp đủ chất dinh dưỡng để bộ não thực sự phát triển so với tương quan cơ thể. Loài người cũng thế thôi nhưng một bước ngoặt đã diễn ra khiến cho tổ tiên ta đột nhiên biết nấu ăn và nhờ thế, giải phóng được chất dinh dưỡng trong thức ăn, giúp kích cỡ não bùng phát. Ta ăn ít hơn mà vẫn nạp nhiều dinh dưỡng hơn, thời gian còn lại, ta có thể xây nhà, vẽ vời, làm toán - làm một con người đích thực; và ta có thể duy trì những tập thể lớn bất chấp tình trạng khan hiếm thức ăn đôi khi xảy ra cũng nhờ vậy.

Nhưng, nấu ăn cũng khiến thức ăn trở nên mềm hơn và cái giá phải trả cho một bộ não lớn là một bộ răng lệch lạc. Thật thú vị khi vấn đề chế độ ăn tưởng rất hiện đại lại đã được Charles Darwin hiểu ra từ vài trăm năm trước. Theo Darwin, thiếu áp lực nhai khiến bộ hàm con người kém phát triển và đó là nguyên nhân khiến răng phải chen chúc. Như thế, cách niềng răng mà hàng triệu người vẫn đang sử dụng ngày nay thực ra không phải để đưa răng trở về đúng trạng thái tự nhiên mà nó nên có. Điều tự nhiên muốn ta làm thật ra là: hãy nhai, nhất là khi còn là một đứa trẻ! Nhai để bộ hàm rộng ra và bao chứa được răng.

Song, con người, loài động vật trải qua thời thơ ấu dài nhất, lại có xu hướng bao bọc từng li từng tí những đứa con bé bỏng của mình. Ở thành thị, có những đứa bé đến 4-5 tuổi vẫn còn ăn cháo hay thức ăn nghiền nát, bởi cha mẹ sợ chúng sẽ mắc nghẹn. Họ thà rằng con mình có một hàm răng yếu ớt một chút còn hơn.

Vả lại, một khi đã biết trong lịch sử, nguyên nhân khiến hàm răng xấu xí của loài người lại có lợi cho não bộ thì liệu con người có tiếc nuối gì vì không có hàm răng hoàn hảo ngay từ đầu nữa hay không? Thôi thì răng xấu cũng được. Răng xấu nhưng đổi lại ta có bộ não siêu việt có thể tìm cách khiến răng trở nên đẹp hơn. Theo cách nào đó, bộ não cũng như một thứ vũ khí hạt nhân tuy đắc lực nhưng tốn kém mà con người thà có còn hơn là không có.Tự tạo nên những vấn đề rồi lại tự xử lý khủng hoảng, đó là thói quen của con người.Mà có khi, thói quen này cũng là một phần khiến con người trở thành con người không biết chừng.

Hàm răng con người: Nơi văn hóa tranh đua cùng tiến hóa -0
Nha khoa là một trong những ngành y khoa cổ xưa nhất trên thế giới. Từ thời Ai Cập cổ đại đã có những nha sĩ chuyên nghiệp, trong số đó, theo một thư tịch cổ, Hesy-Re là nha sĩ đầu tiên với bia mộ được khắc “người vĩ đại nhất trong số những người có hứng thú với răng” .

Nguyên nhân thứ hai khiến hàm răng con người trở nên dễ tổn thương lại cũng là một tác dụng phụ của một trong những phát kiến vĩ đại nhất làm nên văn minh con người: nông nghiệp. Hóa ra, trong đám “tùy tùng” của vị Thần Nông vĩ đại dạy con người cày cấy lại có vị ác thần sâu răng.

Trong 30 năm nghiên cứu hàng ngàn chiếc răng của các loài hóa thạch và động vật sống, nhà nhân chủng nha khoa Peter S.Ulgar nói hầu như ông không bao giờ bắt gặp hiện tượng răng sâu. Vậy mà con người chúng ta có lẽ ai cũng đã từng một lần, thậm chí nhiều lần bị sâu răng, căn bệnh mãn tính thuộc hàng phổ biến nhất.

Từ thời điểm nào con người bắt đầu sâu răng? Những mẫu răng người có niên đại thời Đồ đá mới cho thấy có một mối liên hệ giữa hàm răng sâu và việc chuyển dần từ săn bắt hái lượm sang làm nông, và ngô lúa chễm chệ trong mọi bữa ăn hằng ngày. Nguồn carbohydrate mà tinh bột đem đến cho chúng ta khi ấy thật quý giá biết bao, song nó cũng sản sinh ra một lượng acid ăn mòn răng. Tới một bảo tàng về răng, khách tham quan nhận thấy trong khi những bộ răng vài trăm năm trở lại đây trông thật hãi hùng như đạo cụ làm phim kinh dị, thì bộ răng của những thợ săn thời cổ sơ lại đều đặn, vừa vặn như bộ răng một ngôi sao Hollywood. Chúng ta tóm lại chính là nạn nhân của trí thông minh và sự thành công vô tiền khoáng hậu của mình.

Ngoài lề một chút, dù không hẳn liên quan tới bộ răng nhưng cũng là liên quan tới bộ xương. Khi viết bài này, tôi chợt nhớ đến một cuốn sách “Tất cả chúng ta đều là cá”, bạn đọc có thể tìm kiếm cuốn sách này qua ấn bản được dịch và phát hành bởi Nhà xuất bản Trẻ của Neil Shubin, nhà cổ sinh học và giáo sư về giải phẫu học, người từng phát hiện ra loài cá có tay, ông đã đưa ra một giả thuyết rằng con người hay mắc bệnh đau lưng và vẹo cột sống vì chúng ta không được sinh ra để ngồi cắm mặt vào máy tính trong văn phòng, chúng ta được sinh ra để bơi. Những di chứng tiến hóa này vẫn như mảnh đạn găm vào ta, mỗi khi trái gió trở trời là gây nhức nhối.

Có lẽ, đúng thế, chẳng bữa tiệc nào là miễn phí.Được làm người có cái giá của việc được làm người. Một nhận thức như vậy khiến cho chúng ta, hay ít nhất là tôi, thấy được an ủi mỗi khi nghĩ về tình thế của con người hiện đại, mỗi khi cơn đau lưng tái phát hay mỗi khi phải nằm há mồm đến tê liệt cho nha sĩ xử lý một chiếc răng sâu đã ăn vào tủy. Bởi ta đã chấp nhận những điều ấy để đổi lại, một lúc nào khác, ta có thể hiểu được nhạc của Berlioz, có thể ăn món bánh mousse mềm mịn trôi tuột vào họng mà chẳng cần nhai, có thể tạo nên một bản thiết kế máy bay, hay đơn giản là ngồi trước màn hình máy tính xem một bộ phim trên Netflix. Lại có lúc khác, khi quá mệt mỏi, tôi tưởng tượng ra hàm răng xấu là một kiểu đóng dấu, như chữ A màu đỏ thêu trên ngực áo của một phụ nữ trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Nathaniel Hawthorne, như dấu hiệu người đó đã làm một điều lầm lỡ.

Nhưng, có lầm lỡ mới là con người. Cả sự lầm lỡ cũng là điều làm nên giống loài chúng ta.

Hiền Trang
.
.
.