Đừng làm nhạt Tết

Thứ Ba, 17/01/2023, 11:00

Hoa đào vẫn thắm đỏ như ngàn năm trước. Những cánh mai vàng ruộm vẫn chưa phai nhạt màu. Sao lòng người kêu Tết nhạt? Bởi, Tết nghìn năm rồi đã thành nguội nhạt hay lòng người vốn đã phai lạt, bay màu với tiền nhân?

Người ta ngày càng... sợ Tết

Năm nào cũng vậy, cứ sắp đến Tết là gặp nhau ai cũng nói: Sợ Tết. Năm nay Tết sớm, người nói sợ Tết lại càng nhiều hơn. Là bởi vừa Giáng sinh xong đã đến Tết dương lịch, ngoảnh đi ngoảnh lại thì đến ông Công ông Táo và Tết Nguyên đán. Như hồi hôm, cô gái 21 tuổi nọ bảo tôi: Ôi, em ớn Tết quá. Tôi cười, hỏi cô: Em đã phải là phụ nữ của gia đình đâu mà đã ngán Tết sớm thế? Là bởi trong số hàng chục lời sợ Tết mà tôi nghe được quả thật phần đông đều từ những phụ nữ đã có gia đình. Phụ nữ luôn bị đo đếm sự đảm đang vào những dịp Tết nhất thế này.

Đừng làm nhạt Tết -0

Hỏi 10 phụ nữ đã có gia đình, tôi tin rằng quá nửa sẽ kêu sợ Tết. Nhưng, cô gái 21 tuổi kia lại đáp: Em sợ Tết là bởi Tết mọi thứ đều ngưng trệ, anh ạ! Công việc đang chạy, gặp Tết là đóng băng. Lời cô gái nói chẳng sai. Khi mà chưa đến Tết nhiều cơ quan đã rệu rã cả rồi. Những dòng người ken đặc trên phố với lỉnh kỉnh quà cáp đi biếu Tết là minh chứng cho việc tết nhất. Người ta làm việc rệu rã hơn khi sắp Tết và sau đó là chuỗi ngày liên tu bất tận nghỉ Tết, ăn Tết, chơi Tết... Nào là du xuân, nào là đi lễ, nào là chúc tụng... Có khi quá rằm tháng Giêng vẫn chưa xong.

Nhưng, đó chẳng phải là lý do khiến chúng ta sợ Tết, chán Tết hay nhạt lòng trước Tết. Kể cả với việc trên mạng năm nào sắp Tết người ta cũng tranh cãi với nhau nảy lửa việc gộp Tết dương lịch vào Tết âm lịch. Người ta nhân danh năng động, nhân tiện cấp tiến, nhân dịp sắp Tết cổ truyền mà hô hào bức tử Tết cổ truyền. Tôi vốn không theo dõi những cuộc chiến trên mạng mà chỉ nghe loáng thoáng người ta liệt kê ra hằng hà sa số những lý do nên bỏ Tết. Người ta lấy nước Nhật ra làm gương. Người ta đem sử sách ra trích cú. Người ta lại cật vấn chuyện năng suất lao động. Người ta liệt kê tai nạn dịp Tết. Người ta muốn đuổi cổ cái Tết cổ truyền của tôi đi...

Hôm bữa, mấy gia đình bạn thân của tôi rục rịch lên lịch đi... trốn Tết. Bởi tết nhất mệt nhoài nên phải đi trốn. Họ rủ gia đình tôi đi cùng. Tôi thích lắm. Nhưng, tôi lại tiếc những ngày Tết đường phố thênh thang, mấy bố con áo dài xúng xính xuống phố. Nên từ chối. Bạn bảo: Giờ thì chỉ còn sáng mùng 1 là đường vắng thôi. Chiều mùng 1 tha hồ mà tắc đường nhá! Hà Nội tắc đường liên miên rồi. Chả sá gì tết nhất đâu. Ở nhà mà hít khói bụi. Ừ, quả thật là kinh dị cho giao thông Hà Nội. Giá kể có cuộc quyên góp tiền để có giải pháp cho việc tắc đường Hà Nội thì đóng bao nhiêu tôi cũng đóng. Chả cần đến thành phố phải chi ra đồng nào í!

Rồi là chưa kể hồi tôi còn làm nhà hàng, ra Tết, 6 cái nhà hàng của tôi năm nào cũng khốn đốn bởi già nửa trong số hơn 200 nhân viên bận ăn Tết dưới quê mà chả lên làm việc. Đi đâu, mua gì, ăn gì, sắm sửa, xây dựng... tất cả đều đình trệ. Cái gì cũng phải qua rằm. Đến cả nhiều cơ quan hành chính cũng bận đi du xuân, chả có người làm.

Nhưng mà này...

Nhưng mà này, Valentine sao đám trẻ hân hoan thế? Noel sao ai ai cũng quần là áo lượt đi chơi thế? Black Friday sao hàng quán nào cũng nườm nượp thế? Ngày của mẹ (không phải lễ Vu Lan nhé) sao tràn ngập Facebook những lời thương nhớ biết ơn mẹ thế? Halloween sao nô nức trảy hội thế? Mà thương cho cái Tết cổ truyền bị coi là... kéo lùi xã hội Việt Nam. Con số tai nạn giao thông dịp Tết so với các dịp lễ lạt kia gộp lại thì thế nào? Hay chúng ta chỉ tính với nhau bằng chỉ số bán hàng để quyết việc bỏ hay giữ Tết cổ truyền?

Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương hồi hôm bảo với tôi, đại ý rằng: Những người đang kêu gọi bỏ Tết cổ truyền kia có dám dỡ ban thờ gia tiên, đổi lịch cúng giỗ ông bà, cha mẹ sang lịch dương không? Tết cổ truyền của dân tộc đâu phải chỉ là đoàn viên - sum họp của người sống với nhau mà còn là dịp để hướng tâm tới cha ông, những người đã khuất.

Đừng làm nhạt Tết -0

Tôi bảo này, chúng ta giận thiên hạ gọi Tết ta thành Tết Trung Quốc và cho rằng Tết bắt nguồn từ Trung Quốc. Chúng ta hệt như những đứa trẻ dằn dỗi vậy. Chúng ta, trong đó có cả tôi, đều chẳng ưa gì những câu đối chữ Việt nhưng lại uốn éo kiểu chữ Hán và tự phong “Thư pháp tiếng Việt”, vẽ chữ Cha, chữ Mẹ còng lưng uốn dẻo rồi bày đặt áo the khăn đóng làm ông đồ. Chúng ta, trong đó có cả tôi, vẫn quen miệng gọi tiền mừng tuổi là lì xì và Tết nào cũng vẽ ra trận chiến lì xì cho lũ trẻ con so bì ai được nhiều tiền hơn. Chúng ta ghét điều đó nhưng Tết đâu có nghĩa là chỉ có mấy thứ giả cầy đó? Có ai còn nhớ câu thơ trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi không?

"Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác".

Chúng ta có cái Tết mà giờ đây nhiều nơi trên thế giới đã để nguyên chữ TẾT thay vì dịch ra tiếng nước họ. Như chữ PHỞ. Và, còn bao nhiêu chữ nữa sẽ đóng góp vào những danh từ riêng cho thế giới? Vậy thì sao ta lại muốn xóa nó đi thay vì cùng góp tay tạo nên một bản sắc Việt mạnh hơn nữa, trội hơn nữa, say mê hơn nữa? Sao chúng ta muốn tự mình xóa đi chính mình trên bản đồ thế giới? Sao chỉ muốn người ngoài kia nói với ta: "Việt Nam - pằng pằng pằng" - nói đến Việt Nam là nói đến chiến tranh trong khi chiến tranh đã lùi xa chúng ta vài thế hệ rồi?

Tết nhạt vì ai? Muôn năm hoa đào vẫn màu đỏ, vạn năm hoa mai vẫn rạng rỡ thế kia sao kêu Tết nhạt? Có những thứ biến tướng như tục lì xì, như rượu chè liên miên, như cờ bạc khắp lối, như lễ hội nối nhau dài dằng dặc là bởi chính ta đã nhìn nó móp méo đi bằng những định kiến của mình. Cái đó là phải tự mình răn mình, tự mình từ chối, sao lại đổ lỗi cho Tết? Như cái kiểu đổ lỗi cho mạng mẽo làm người ta sống ảo. Như cái kiểu kết tội Facebook làm người với người xa nhau vậy!

Văn hóa là thứ "sống", nó biến đổi dần theo thời gian, thời đại. Chẳng thể cứ ép nó nguyên mẫu trăm năm trước thế nào, trăm năm sau phải vẫn vẹn nguyên như thế. Nhưng, cái cốt lõi của Tết, giá trị của Tết thì còn nguyên giá trị. Xưa người ta có thể ăn Tết 15 ngày, cả tháng thì nay dù Tết chỉ còn 3 ngày cũng có sao. Miễn là 3 ngày ấy chúng ta có đủ lòng trọn vẹn hưởng Tết. Ai kêu rằng nó đình trệ sản xuất, nó làm cho xã hội toàn thụ hưởng thay vì lao động thì điều đó cũng chỉ là bởi đặc tính nông nhàn của tầng lớp lao động dưới quê. Rồi cũng như mọi thứ khác nó sẽ phải thay đổi theo sức ép của xã hội chứ không phụ thuộc vào việc bỏ Tết cổ truyền. Nó giống như việc chúng ta suốt ngày phàn nàn cơ quan chức năng rằng cái nào không quản được là cấm. Vậy mà chính chúng ta lại như vậy đấy thôi trong việc muốn xóa bỏ Tết cổ truyền.

Cuối cùng, ai ghét Tết, muốn bỏ Tết thì cứ việc đưa nhau đi trốn Tết. Tôi vẫn cứ yêu đến tha thiết những ngày giáp Tết, đêm Giao thừa và cả những ngày đầu năm mới!

Hoàng Anh Tú
.
.
.