Thể thao Việt Nam hướng đến những mục tiêu lớn của năm 2024

Thứ Năm, 18/01/2024, 21:45

Khép lại năm 2023 với nhiều kỷ niệm khó quên, thể thao Việt Nam sẽ hướng đến năm 2024 với nhiều đích ngắm lớn. Đó không chỉ là nhiệm vụ cho Olympic Paris mà còn bao gồm những công việc hướng đến tầm nhìn dài hạn để có thêm VĐV kế cận trong tương lai.

Toàn lực cho Olympic

Khác với 2 năm trước, năm 2024 sẽ không chứng kiến các kỳ Đại hội thể thao cấp độ khu vực và châu lục. Thay vào đó, sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong chu kỳ 4 năm sẽ diễn ra: Olympic Paris. Không chỉ Việt Nam, đội tuyển thể thao của các quốc gia khác cũng hướng đến giải đấu này với toàn bộ sự tập trung.

anh3.jpg -0
Boxing nữ Hà Nội là đơn vị “kiểu mẫu” trong phát triển thể thao thành tích cao ở Việt Nam.

Việc thể thao Việt Nam phải dồn toàn lực với Olympic Paris trong năm 2024 không lạ. John Maynard Keynes, kinh tế gia có ảnh hưởng lớn nhất ở thế kỷ 20, từng nói: "Trong cuộc đua đường dài, tất cả chúng ta sẽ phải dừng lại". Với thể thao Việt Nam, để hướng đến dài hạn, trước tiên cần phải hoàn thành những mục tiêu ngắn hạn. Nếu không, tất cả "sẽ phải dừng lại" theo một cách nào đó.

"Thể thao Việt Nam phải chuẩn bị lực lượng gồm VĐV 12 môn thể thao trọng điểm tham dự Olympic. Mỗi môn thể thao và cá nhân VĐV được xây dựng kế hoạch cụ thể để hướng đến việc giành vé. Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là giành được 12 đến 15 suất tham dự", ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao chia sẻ.

Người đứng đầu ngành thể thao Việt Nam cũng chia sẻ một sự thật, đó là kế hoạch chuẩn bị cho Olympic đang gặp một số khó khăn. Những điều chỉnh về quy định thi đấu cũng như chấn thương của một số vận động viên khiến thể thao Việt Nam mới chỉ có 3 vé dự Olympic của bắn súng, bơi và xe đạp.

Thể thao Việt Nam hướng đến những mục tiêu lớn của năm 2024 -0
Huy Hoàng là 1 trong 3 VĐV Việt Nam đầu tiên có vé dự Olympic.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, Việt Nam có thể chứng kiến những suất dự Olympic tiếp theo trong thời gian tới. Ở môn cử tạ, Trịnh Văn Vinh đang nằm trong top 10 của bảng xếp hạng thế giới. Anh cần tích lũy điểm số tốt hơn để đảm bảo việc có vé đến Olympic. Đây là điều nằm trong tầm tay của đô cử sinh năm 1995.

Trong môn cầu lông, Nguyễn Thùy Linh không chỉ đặt một tay vào tấm vé đến Olympic. Cô thậm chí còn hướng đến mục tiêu xa hơn là giành một suất hạt giống ở nội dung đơn nữ. Mặt khác, ở nội dung đơn nam, 2 VĐV Lê Đức Phát và Nguyễn Hải Đăng đang cạnh tranh một suất duy nhất của cầu lông Việt Nam đến Thế vận hội năm tới.

Cục trưởng Đặng Hà Việt là người dám nhìn nhận thẳng vào những mặt chưa như ý của thể thao Việt Nam. Ông thừa nhận tình trạng đầu tư dàn trải vào ngành thể thao, bao gồm chế độ giữa VĐV trọng điểm và không trọng điểm không có nhiều khác biệt. Trang thiết bị tập luyện cũng như hệ thống hỗ trợ cho VĐV trọng điểm cũng nằm trong cảnh tương tự.

"Nguyễn Thùy Linh của môn cầu lông thường xuyên phải du đấu một mình, hoặc cùng lắm chỉ có 1 HLV đồng hành. Ngược lại, VĐV quốc tế có một ban huấn luyện riêng. Mỗi người phụ trách một phần việc như phân tích dữ liệu, lên giáo án tập chuyên môn, tập thể lực, thậm chí có cả bác sĩ", ông Đặng Hà Việt chia sẻ.

Việc nhìn nhận thẳng thắn của người đứng đầu ngành thể thao là tiền đề để những điều chỉnh được tiến hành trong thời gian tới. Hơn lúc nào hết, với những VĐV trọng điểm, thành tích ở những sân chơi lớn như Olympic, ASIAD phải được ưu tiên hơn SEA Games, thay vì đi theo mô hình "kim tự tháp ngược" như thời gian qua.

Nhìn về tương lai

Sau tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh, Việt Nam đã không giành được huy chương nào tại Olympic Tokyo. Ở môn bắn súng thời điểm hiện tại, chúng ta cũng chưa có VĐV nào đủ khả năng giữ phong độ ở mức tranh chấp huy chương Thế vận hội. Điều này cũng xảy ra với nhiều môn thể thao khác, cho thấy Việt Nam có dàn VĐV kế cận khá mỏng.

"Trình độ phát triển thể thao mỗi quốc gia được đánh giá qua nhiều yếu tố. Bên cạnh thành tích, kỷ lục, cơ sở vật chất hay những giải đấu quốc tế được đăng cai, tổ chức; lực lượng VĐV trẻ cũng là một phần quan trọng. Tài năng trẻ là nguồn VĐV tiềm năng cung cấp sức mạnh thể thao cho mỗi quốc gia", ông Vũ Xuân Thành, Phó trưởng phòng Thể thao Thành tích cao I (Cục TDTT) cho biết.

Với mục tiêu phát triển thể thao thành tích cao ở cấp độ trẻ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án 223. Đây là đề án nhằm tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2019.

Thể thao Việt Nam hướng đến những mục tiêu lớn của năm 2024 -0
U23 Mali giành vé dự Olympic bằng dàn nội binh có gia cảnh nghèo khó.

Tại Đề án 223, Việt Nam đã khoanh vùng phát triển 16 môn thể thao có thế mạnh. Đó là điền kinh, bóng đá, bơi, cử tạ, thể dục, bắn cung, đua thuyền, cầu lông, boxing, wushu, karate, silat, taekwondo, vật, đấu kiếm, xe đạp. Điều đó giúp thể thao Việt Nam có cơ hội lớn hơn trong việc đào tạo VĐV lứa trẻ và năng khiếu.

Hoạt động đào tạo VĐV trẻ ở cấp độ địa phương của Việt Nam đã thành hình. Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, cũng như 2 ngành Quân đội và Công an đều có trung tâm huấn luyện, đào tạo VĐV. Bên cạnh đó, một vài địa phương còn sở hữu mô hình trường năng khiếu thể thao, kết hợp việc dạy văn hóa và tập luyện với VĐV tại cùng địa điểm.

Một vấn đề khác được ông Vũ Xuân Thành đưa ra là việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển thể thao thành tích cao. So với mặt bằng chung, kinh phí nhà nước đầu tư cho thể thao Việt Nam còn khá khiêm tốn. Vì thế, sự hiện diện của các nguồn lực khác như doanh nghiệp, nghiệp đoàn sẽ rất quan trọng.

20 năm và một giấc mơ

Việc hình thành, xây dựng một môn thể thao thành tích cao từ con số 0 để hướng đến Olympic là quá trình không dễ dàng. Cách tốt nhất để làm được điều đó là tham khảo từ những mô hình có sẵn, với thành công được đảm bảo. Bộ môn Boxing nữ Hà Nội chính là một trong những mô hình tiên tiến nhất trong phát triển thể thao thành tích cao tại Việt Nam.

Năm 2024 đánh dấu tròn 2 thập niên Boxing nữ chính thức được bắt đầu tại Hà Nội. Quãng thời gian này không dài so với bề dày lịch sử hình thành và phát triển của môn Boxing, vốn đã xuất hiện tại Olympic từ hơn 1 thế kỷ trước. Nhưng với nỗ lực của nhiều thế hệ VĐV, HLV, Hà Nội đã trở thành đơn vị đi đầu trong phong trào tập luyện, cũng như phát triển Boxing nữ tại Việt Nam.

"Hiện nay chúng tôi có gần 60 VĐV nữ đang tập luyện tập trung tại bộ môn Boxing Hà Nội. Các em được hướng dẫn bởi đội ngũ HLV giàu kinh nghiệm, được hướng dẫn bởi chuyên gia Thái Lan Tawan Mungphingklang. Hiện chúng tôi có 3 tuyến VĐV, bao gồm đội tuyển, tuyển trẻ và tuyển năng khiếu", HLV Nguyễn Như Cường, phụ trách bộ môn Boxing nữ Hà Nội chia sẻ.

Một trong những điểm mạnh của Boxing nữ Hà Nội là môn thể thao này còn được triển khai các lớp năng khiếu ở cấp quận, huyện. Điều này giúp cho các tuyển trạch viên của đội có thể sớm tìm thấy VĐV tiềm năng. VĐV ở nhiều tuyến của Boxing nữ Hà Nội hiện tại được phát hiện từ những lớp năng khiếu như thế.

Với dàn VĐV thành tích cao, Boxing nữ Hà Nội cho thấy sự đầu tư nghiêm túc bằng việc thuê chuyên gia Tawan Mungphingklang. Ông là HLV phụ trách đội tuyển Boxing nữ Thái Lan tại Olympic 2008 và 2012, cũng như đảm nhiệm vị trí HLV trưởng đội tuyển Boxing Thái Lan tham dự SEA Games 31, 32, cũng như Asiad 19.

Việc có thể mời một chuyên gia như ông Tawan, với thời gian làm việc tổng cộng trên dưới 10 năm, đã giúp Boxing nữ Hà Nội phát triển vượt bậc. Họ không chỉ thống trị các giải đấu trong nước ở hạng mục Boxing nữ mà còn vươn tầm thế giới. Các VĐV Hà Nội đã vô địch SEA Games, giành huy chương Asiad và tham dự Olympic.

"Ước mơ lớn nhất của Boxing nữ Hà Nội là phấn đấu có VĐV tham dự Olympic lần thứ 2", HLV Nguyễn Như Cường tâm sự. Tinh thần cầu tiến, không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng của những người làm Boxing nữ tại Hà Nội đã phần nào đại diện cho thể thao Việt Nam. Họ luôn hướng về mục tiêu lớn cùng những ước mơ lớn.

Con người - nhân tố quan trọng nhất

Thành tích mà nền thể thao của mỗi quốc gia sở hữu phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó con người mới là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của các đội tuyển thể thao.

Trong câu chuyện của Việt Nam, nhân tố con người cũng được người đứng đầu ngành thể thao đề cập không dưới một lần. Ông Đặng Hà Việt cũng đặt ra 2 vấn đề. Thứ nhất, tuyển trạch viên, huấn luyện viên cần tìm ra những VĐV giàu tiềm năng. Thứ hai, ngành thể thao có thể giữ chân VĐV gắn bó hay không.

Nhiều HLV ở cấp độ địa phương thừa nhận, câu chuyện ở Đội tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia vừa qua đã khiến họ gặp khó khăn trong công tác tuyển quân. Nhiều gia đình không đồng ý cho con em mình theo nghiệp thể thao vì sợ hệ lụy. Ở đó, thu nhập khiêm tốn của VĐV không phải mối lo ngại duy nhất cho các bậc phụ huynh.

Đơn Ca
.
.
.