“Sân bóng trên mây” và những câu chuyện sau màn ảnh
Từng rất có duyên với giải thưởng mảng phim tài liệu, cuối năm 2023, đạo diễn Đào Thanh Hưng một lần nữa làm nên cú hích ngoạn mục. Vượt qua hơn 100 đề tài, dự án từ các nước châu Á gửi về tham dự, bộ phim tài liệu "Sân bóng trên mây" của anh được công chiếu trên Truyền hình NHK của Nhật Bản trong dự án "Sắc màu châu Á".
Những câu chuyện đời thường
Cách Hà Nội 240 km, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La nằm ở độ cao hơn 2.800 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, nổi tiếng là điểm săn mây đẹp từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch hằng năm, người ta gọi đấy là thiên đường mây Tà Xùa. Thiên đường mây Tà Xùa là vùng đất có nhiều đồng bào Mông sinh sống. Vùng đất này nổi tiếng về cây chè San Tuyết. Chè sống ở trên cao mang đến hương vị thơm ngon đặc biệt, bởi đó là những cây chè 300-500 tuổi. Người Mông ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng chè và các loại cây hoa màu.
Sân bóng Tà Xùa nằm lọt thỏm giữa mấy quả đồi bao quanh. Trước đây là một vạt đất giữa rừng, thanh niên ở Tà Xùa rất mê bóng đá, vì thế cứ chiều chiều là diễn ra các trận bóng đá. Mỗi khi gió về, thổi những đám mây bay xung quanh khiến sân bóng đẹp như nằm giữa đám mây thiên đường. Có những lúc gió mạnh, thổi mây tràn vào sân bóng làm cho các cầu thủ ngơ ngác, không biết trái bóng của mình đi đâu?
Trong đội có A Lừ 20 tuổi nhưng đã có một vợ và một con trai nhỏ. A Lừ mê sút bóng vào gôn, nhưng ở đây ai đá kém nhất thì làm thủ môn. A Lừ bắt gôn nhưng luôn muốn làm tiền đạo. Nhà A Lừ có vườn chè, A Lừ hái chè và sao chè. Từ việc sao chè mà A Lừ gặp Kiên, một người từ thủ đô lên Tà Xùa để lập nghiệp. Khác với nhiều người khác mua đất làm nhà nghỉ, homestay, Kiên bắt đầu với chè. Kiên tìm hiểu ở đây ẩn sâu trong rừng Tà Xùa có những cây chè vài trăm năm tuổi. Rừng nguyên sinh Tà Xùa rất đẹp với những thảm rêu cổ kính và những cây chè cổ thụ cao từ 5 đến 7m mọc thành quần thể. Những cây chè cổ thụ, không cần chăm bằng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, quanh năm sinh trưởng trong mây đã cho ra loại chè đặc biệt. Kiên tìm hiểu cách sao chè và kết bạn với A Lừ, cùng A Lừ vào rừng để hái chè. Việc đi vào rừng không dễ dàng, thường mất cả một ngày đường. Và chính vì thế mà nhiều người Mông đã chọn trồng chè ở nương gần nhà để tiện thu hái.
Người Mông bỏ qua việc sao chè bằng chảo gang truyền thống để mua những lồng máy sao chè, nhanh hơn, tiện ích hơn, công nghiệp hơn. Nhưng cũng đồng nghĩa với việc làm cho chè bớt ngon. Kiên và A Lừ thì không vậy, cả hai hướng đến loại chè tốt nhất. Sau những ngày lăn lộn, họ tìm được nguyên liệu chè tốt. Kiên xây 5 bếp củi và 5 chảo gang lớn, duy trì cách sao chè truyền thống bằng tay đầy vất vả nhưng cho ra sản phẩm chè thủ công đạt chất lượng cao và bán chúng với giá cao hơn nhiều.
Ước mơ của A Lừ là mua cho vợ một chiếc máy giặt khi mùa đông đang đến rất gần. Người vợ trẻ của A Lừ sẽ không phải dùng chân tay giặt quần áo cho cả nhà bên suối như bao năm vẫn làm nữa. Vợ Lừ sẽ bớt lạnh hơn. A Lừ học được ở Kiên nhiều thứ. A Lừ cũng không muốn mặc quần áo người Mông mà muốn quần áo của người Kinh để có thể trèo cây nhanh hơn, không bị vướng víu bởi vải cuốn. A Lừ biết người thành phố thích gì. Những câu đùa của chàng dân tộc Mông với một chàng trai người Kinh cũng đậm chất thành thị hơn.
Trái lại với A Lừ, một chàng trai dân tộc thích mặc quần áo người Kinh, và những tiện ích của người Kinh; Kiên lại thích mặc quần áo của A Lừ, đội mũ của A Lừ. Kiên có bàn tay sạm đi, chai lại vì sao chè ở nhiệt độ cao. Nhìn anh dần trở thành một người Mông hơn là một thanh niên thành phố.
Sân bóng đất giờ đây cũng vắng người đến chơi bởi những thanh niên Mông đến sân cỏ nhân tạo đá bóng và thật vui khi không phải chạy xuống vực nhặt bóng nữa. Họ đã có sân bóng sáng đèn suốt ngày đêm. Tà Xùa vẫn đẹp, biển mây vẫn ngày ngày xuất hiện để chờ đón những du khách lên săn mây....
Đưa chuyện đời thường lên phim
Đạo diễn Đào Thanh Hưng cho biết: "Câu chuyện sân bóng cũ và mới, nó đại diện giữa hiện đại và cổ truyền, tôi muốn hình tượng hóa sân bóng đất này giống như một nhân vật, một con người và sân bóng này cũng thay đổi theo thời gian trước sự biến đổi của thời cuộc. Điểm nhấn của phim là sự kể chuyện hài hòa kết hợp hình ảnh và âm nhạc truyền thống. Ngô Hồng Quang là một nhạc sĩ đương đại sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Khi tôi sử dụng âm nhạc của anh cho phần mở đầu, phần kết thúc thì tôi thấy rất ấn tượng. Ngoài ra tôi còn kết hợp với một nghệ sĩ trẻ người Mông đến Tà Xùa để thổi cho chúng tôi bản sáo người Mông trên những đỉnh núi bên cạnh gốc trà, kể cho tôi nghe những câu chuyện về người Mông bằng âm nhạc vô cùng thú vị".
Ông Sugano Makoto, một giám đốc công ty sản xuất phim của Nhật Bản nhận định: "Những bản nhạc dựa trên cùng địa điểm trên phim khiến chúng ta đắm chìm vào câu chuyện. Âm nhạc của người Mông khiến tôi cảm nhận được làn gió, tiếng chim hót và đôi khi là sự náo nhiệt không gian tại đây. Âm nhạc tạo ra một tầng ý nghĩa nữa cho câu chuyện và bổ sung vào bối cảnh cho những câu chuyện tại đây. Điều đặc biệt, công đoạn hậu kì của phim được làm toàn bộ tại Nhật Bản khiến phim có sự pha trộn dung hòa cách kể chuyện giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, giúp phim dễ tiếp cận hơn với khán giả. Thành thật mà nói có rất nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong câu chuyện này, khi các gia đình quan tâm lẫn nhau; hãy bằng lòng với những gì mình đã có. Phim tài liệu này khiến tôi cảm thấy gần gũi với người dân Việt Nam hơn bao giờ hết".
Để có được những cảnh quay ưng ý nhất, ekip sản xuất đã phải mất một năm với hàng chục lần lên Tà Xùa ghi hình tư liệu. Sau khi tiếp cận với người dân tộc Mông sinh sống tại Tà Xùa, những chàng trai bản và người dân sinh sống nơi đây, kịch bản dần hình thành và ý tưởng táo bạo về một bộ phim được ra đời.
Phim được chiếu tại Nhật Bản với định dạng 30 phút và một dự án tại rạp với thời lượng 90 phút được đạo diễn Đào Thanh Hưng ấp ủ gửi đến khán giả trong nước.
"Sân bóng trên mây" lại "ưu ái" được lựa chọn để vượt qua bao đối thủ nặng kí khác là bởi vì ở đây có một sự chân thực đến tuyệt đối của không gian, thời gian và hình thái. Đó là cảnh đẹp vùng cao của miền núi phía Bắc, của những người Mông sau bao năm sống trên núi với những tập tục sản xuất, sinh hoạt truyền thống, đến một ngày bị cuốn vào đời sống và những phương tiện hiện đại. Hơi thở thời đại mới với nền công nghệ và công nghiệp dần biến đổi người dân tộc miền núi cao này. Họ muốn những tiện ích vật chất như Iphone, máy giặt, tủ lạnh, ôtô… của người Kinh thay thế cho những gì cổ truyền xưa cũ. Một sân bóng với đầy đủ tiện ích của cỏ nhân tạo, đèn chiếu sáng thay cho sân bóng trên nền đất cũ...
Với "Sân bóng trên mây", cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ của một vùng núi phía Bắc hiện ra đầy mê hoặc. Những bản nhạc đậm chất dân tộc là chất liệu làm nên sự sống động, cuốn hút cho bộ phim, và trên hết đó là cuộc sống và số phận rất chân thực của mỗi con người nơi đây trong một đời sống xã hội đầy biến đổi.
Theo Đào Thanh Hưng, với bộ phim này, anh muốn truyền tải thông điệp. Đó là khoảng cách về không gian giữa đồng bằng và miền núi, khoảng cách về nhận thức giữa người với người, người đi tìm những thứ hiện đại và người muốn lưu giữ nét văn hóa cổ truyền; khoảng cách giữa người giàu và người nghèo; khoảng cách về văn hóa giữa đời sống của văn minh đô thị và những nét bình dị vùng quê miền núi quanh năm mây mù bao phủ...