Có một bản “Nhật ký trong tù” bằng thơ tiếng Bengali dịch từ chữ Hán
Năm 2013, Giáo sư Priyadarsi Mukherji, chuyên gia về ngôn ngữ, văn học và văn hóa Trung Quốc của Trường Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), đồng thời cũng là một nhà thơ đã dịch “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Bengali ở Ấn Độ.
Đây là ngôn ngữ có nhiều người nói thứ hai và là một trong 22 ngôn ngữ chính thức được hiến pháp công nhận ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Giáo sư Priyadarsi Mukherji cho biết, bản “Nhật ký trong tù” với 112 bài này đã được ông dịch sang thơ Bengali từ nguyên văn chữ Hán.
Tháng 11/2023, Tiến sĩ Võ Xuân Quế (Việt kiều hiện sinh sống ở Helsinki, Phần Lan) đã kết nối được với Giáo sư Priyadarsi Mukherji để tìm hiểu thêm về quá trình dịch tác phẩm đặc biệt này. Ông gửi cho chúng tôi bài phỏng vấn với mong muốn được chia sẻ với bạn đọc trong nước.
TS. Võ Xuân Quế: Vì sao ông dịch “Nhật ký trong tù” sang tiếng Bengali?
GS. P. Mukherji: Tôi biết tác phẩm “Nhật ký trong tù” từ năm 1996. Kể từ đó tôi cố tìm mua cho mình một bản, song tôi không tìm được và cũng không biết nhờ ai có thể mua giúp. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì tìm mua bằng được một bản để dịch nó sang tiếng Bengali, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Tiếng Bengali cũng là tiếng mẹ đẻ của nhà thơ nổi tiếng thế giới Tagore (1861-1941), người đoạt Giải Nobel Văn chương năm 1913. Trong văn học Bengali, thơ ca có rất nhiều thể thức phong phú. Là một nhà thơ, tôi muốn dịch “Nhật ký trong tù” sang thơ tiếng Bengali.
TS. Võ Xuân Quế: Bản dịch của ông được thực hiện dựa trên bản nguồn nào?
GS. P. Mukherji: Khoảng tháng 3/2011, trong chương trình trao đổi học giả Ấn Độ - Việt Nam, Giáo sư Hoàng Văn Việt từ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã gặp tôi tại Delhi để thảo luận về một số vấn đề trong mối quan hệ lịch sử của hai nước chúng ta trong thời kỳ đương đại. Cuối tháng 5/2011, tôi nhận được một cuốn “Nhật ký trong tù” do Giáo sư Hoàng Văn Việt gửi tặng từ Việt Nam. Cuốn “Nhật ký trong tù” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2010 có in cả nguyên văn các bài thơ chữ Hán, một số bài có chú thích bằng tiếng Việt. Bản dịch của tôi dựa trên những bài thơ nguyên bản chữ Hán được Cụ Hồ Chí Minh sáng tác theo phong cách thơ Đường trong thời gian bị giam cầm trong nhà tù Trung Hoa những năm 1942-1943 in trong cuốn sách này.
TS. Võ Xuân Quế: Ngoài bản nguồn chữ Hán ra, ông có tham khảo bản dịch nào khác không?
GS. P. Mukherji: Ngoài nguyên bản chữ Hán, tôi không tham khảo thêm bất kỳ bản dịch nào khác vì tôi chủ đích dịch trực tiếp các bài thơ của Cụ Hồ Chí Minh từ nguyên bản chữ Hán sang tiếng Bengali.
TS. Võ Xuân Quế: Là một chuyên gia về Hán học, đồng thời cũng là một nhà thơ, ông nhận xét thế nào về nội dung và nghệ thuật của “Nhật ký trong tù”? Ông thích bài thơ nào nhất trong tập thơ?
GS. P. Mukherji: Cụ Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây (Trung Quốc), từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943. Cụ cảm thấy thất vọng vì bị bắt và bị cầm tù, không được tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách diễn đạt của tác giả bằng tiếng Trung đầy hương vị khi phản ánh thực tế khắc nghiệt đằng sau song sắt, thường xen vào những cảm xúc đau đớn với sự hài hước. Các bài thơ miêu tả một chuỗi các sự kiện theo trình tự thời gian từ nhà tù này sang nhà tù khác, ròng rã hơn một năm. Tất cả các bài thơ đều đầy ắp ý nghĩa theo cái nhìn của Cụ và đều quan trọng để hiểu trạng thái tinh thần của Cụ ở trong tù.
TS. Võ Xuân Quế: Được biết, ông đã dịch thơ của một số nhà thơ nổi tiếng như: Lỗ Tấn, Ngải Thanh, Mao Trạch Đông, Pablo Neruda. Vậy, với ông, thơ của tác giả Hồ Chí Minh có khó dịch không?
GS. P. Mukherji: Sau khi dịch thơ của các nhà thơ như Lỗ Tấn, Ngải Thanh, Mao Trạch Đông, Pablo Neruda, Nicolás Guillén và nhiều người khác, tôi không thấy thơ Cụ Hồ Chí Minh khó dịch vì tôi có hiểu biết tương đối tốt về tiếng Hán cổ. Trước đấy, tôi cũng đã dịch một số bài của các nhà thơ lớn đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, cũng như của những nhà thơ ít tên tuổi hơn ở thời kỳ sau đó. Bản thân tôi cũng đã sáng tác một số bài thơ theo phong cách thơ Đường được xuất bản ở cả Ấn Độ và Trung Quốc.
TS. Võ Xuân Quế: Ông nói “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Bengali có rất nhiều chú thích để người đọc hiểu rõ hơn nội dung các bài thơ. Ông đã mất bao lâu để hoàn thành bản dịch của mình?
GS. P. Mukherji: Tôi bắt đầu dịch “Nhật ký trong tù” từ ngày 4/6/2011 và dịch xong vào ngày 8/3/2012. Tháng 8/2011, tôi nhận thấy cuốn “Nhật ký trong tù” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2010 có một số chú thích bằng tiếng Việt ở cuối trang. Vì không biết tiếng Việt nên tôi liên lạc với một sinh viên Việt Nam tên là Phan Nữ Quỳnh Thi, đang học lịch sử tại Đại học Jawaharlal Nehru (JNU). Trước khi về Việt Nam vào đầu tháng 9/2011, cô ấy đã giúp tôi hiểu những dòng chú thích bằng tiếng Việt đó.
Trong cuốn sách, tôi đã cảm ơn Giáo sư Hoàng Văn Việt và cô Phan Nữ Quỳnh Thi vì sự giúp đỡ quý giá của họ. Sau đó, tôi cần mẫn tìm hiểu những ý nghĩa tiềm ẩn, bối cảnh lịch sử và nội tâm của các nhân vật mà Cụ Hồ Chí Minh đã nói đến trong các bài thơ và chú thích thêm. Tôi đã hoàn thành việc chú thích các câu thơ vào tháng 3/2012.
Giáo sư Priyadarsi Mukherji sinh năm 1962 tại Calcutta, nay là Kolkata (Ấn Độ). Ông là chuyên gia về văn học, ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, từng thỉnh giảng tại một số trường đại học ở Trung Quốc, Philippines. Hiện, ông giảng dạy tại Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi, Ấn Độ).
TS. Võ Xuân Quế: Tôi được biết, tiếng Bengali là một trong 22 ngôn ngữ chính thức được Hiến pháp Ấn Độ công nhận, xin ông cho biết, đến nay “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng ở Ấn Độ?
GS. P. Mukherji: Đúng vậy, Bengali là ngôn ngữ được nói nhiều thứ hai ở Ấn Độ sau tiếng Hindi. Nhưng, chưa có ngôn ngữ nào ở Ấn Độ dịch “Nhật ký trong tù” hoặc giới thiệu vì tác phẩm này được viết bằng chữ Hán (Thật ra ở Ấn Độ, trước bản dịch tiếng Bengali, “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra hai ngôn ngữ khác là tiếng Malayalam (1976, 1982, 2004) và tiếng Hindi (2006) - Võ Xuân Quế).
Ngay cả Bộ trưởng Văn hóa Trung Quốc năm 2014 cũng không biết “Nhật ký trong tù” vốn được viết bằng chữ Hán. Ông ấy muốn biết tôi có biết tiếng Việt không khi xem bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Bengali. Tôi tin rằng, chưa có ngôn ngữ nào dịch được trọn vẹn “Nhật ký trong tù” ngoài bản dịch tiếng Bengali của tôi. Đây cũng là bản được dịch từ nguyên bản chữ Hán với rất nhiều chú thích cùng lời giới thiệu khái quát về lịch sử Việt Nam và tiểu sử tác giả Hồ Chí Minh.
TS. Võ Xuân Quế: “Nhật ký trong tù” đã được dịch sang tiếng Bengali ở Bangladesh. Ông có biết và đọc quyển đó chưa?
GS. P. Mukherji: Tôi chưa được thấy bản dịch tiếng Bengali nào trước hay sau bản dịch của tôi, cũng như không biết có bản dịch nào từ Bangladesh.
TS. Võ Xuân Quế: Ông có nói, “không phải là nhà thơ thì không thể dịch thơ từ bất kỳ ngôn ngữ nào khác”. Vậy, ông có hài lòng với bản dịch “Nhật ký trong tù” sang tiếng Bengali không?
GS. P. Mukherji: Vâng, tôi tin chắc rằng nếu không phải là nhà thơ thì không thể dịch thơ từ bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Người dịch phải là một nhà thơ để có thể hiểu rõ các thể loại thơ của cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích trước khi bắt tay vào dịch bất cứ tác phẩm nào. Tôi thấy hài lòng với bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Bengali của mình.
TS. Võ Xuân Quế: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Priyadarsi Mukherji đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc Việt Nam về một trong những dịch phẩm mà ông hết sức tâm huyết. Kính chúc ông sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có nhiều thành công trong sự nghiệp của mình.