Trại phong bỏ hoang dưới chân núi và những thân phận tuổi xế chiều

Thứ Năm, 29/08/2019, 10:40
Nằm heo hút dưới chân ngọn núi xanh mênh mang là những ngôi nhà cấp bốn, tường vôi rêu phong, tróc lở. Và đấy là  nơi ở của 5 cụ già còn sót lại của trại phong Đá Bạc cũ, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Trại phong được xây dựng từ năm 1968, đến năm 2013 thì di dời đi nơi khác, nhưng vẫn có 10 người xin ở lại. Các cụ bảo hơn nửa thế kỉ đã qua, kể từ ngày còn tuổi trẻ đầu xanh đã gắn bó với nơi này, bao kỉ niệm day dứt khôn nguôi, nên không nỡ lòng đi nơi khác.

Trời tháng 7 âm lịch mưa nắng thất thường, đang nắng rồi mưa ngay, con đường sỏi đá vào trại phong Đá Bạc càng lầy lội. Nằm yên tĩnh, khuất nẻo tít tắp phía sâu dưới chân núi cách biệt với thế giới ồn ào ngoài thị xã, dãy nhà một tầng quét vôi màu vàng được xây dựng từ đầu thập niên 80 đến nay hỏng nặng. 

Đi qua mấy căn phòng bỏ hoang mới thấy thấp thoáng bóng hai cụ bà ngồi ở hàng hiên nhìn ra bầu trời mưa lộp bộp. Cụ Lê Thị Liên năm nay đã 83 tuổi và cụ Thực năm nay 80 tuổi chia sẻ: “Lại có hơi người rồi”.

Cụ Thực trước hiên nhà.

Cụ Liên khuôn mặt hằn lên vết cơ cực của thời gian, và chai sạn của bệnh tật, cụ bảo: “Mưa to gió lớn thế này, củi kiếm được lại ướt hết...”. Nhắc đến bệnh, cụ lặng lẽ lấy bàn tay không lành lặn, co quắp, mất đốt lên thấm đôi mắt mờ đục. Bao nhiêu người đến đây hỏi thăm là bấy nhiêu lần kí ức cụ lại hiện về.

Cụ Liên quê ở Long Biên, Hà Nội bị bệnh từ năm 16, 17 tuổi, đến năm 19 tuổi cụ vào trại phong Bắc Ninh, chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, cơ sở khám chữa bệnh di dời sơ tán khắp nơi.

Cụ nói: “Năm 1962, có hơn hai nghìn bệnh nhân phong miền Bắc tập trung ở trại phong Quỳnh Lập, Nghệ An. Có hôm trại trúng bom Mỹ, hơn 200 người vĩnh viễn ra đi trong một buổi chiều. Năm 1968 tôi về trại phong ở Đá Bạc, sống cho đến giờ".

Cụ kể ngày trước trời mùa hè nắng như đổ lửa, đi ngoài đường những người bệnh như cụ cũng phải đeo găng tay, chân đi tất để che đi những đốt ngón tay, ngón chân bị mòn vẹt do bệnh tật. Nếu để người ta nhìn thấy sẽ bị ném đá đuổi đi.

“Lắm lúc tủi thân lắm, chỉ muốn lao mình xuống sông chết quách đi cho rảnh” - cụ chia sẻ.

Cụ sống một mình trong căn phòng nhỏ cuối dãy, đồ đạc tùng tiệm, cái tivi cũ của một nhà từ thiện nào thương tình cho đã mấy năm nay. Cái giường đơn ọp ẹp. Tủ quần áo bằng gỗ thâm bong cánh, là nơi cư trú của mấy con mèo.

Cụ bảo: “Từ ngày mọi người ở trại phong chuyển đi nơi khác, hằng ngày tôi chỉ biết vui, bầu bạn với con chó, con mèo. Chả biết chó, mèo có hiểu tiếng người không?! Nhưng chí ít, khi mọi người ném đá xua đuổi tôi, họ hàng quay lưng lại với tôi thì chó mèo nó không chê. Thế mà bọn trộm chó cũng không tha, thả ra con chó nào là chúng bắt mất, giờ chỉ còn lại con mèo. May là vừa rồi nó đẻ đàn con. Ở đây ẩm thấp nhiều chuột, mèo canh chuột, không thì chuột gặm chân, gặm tay mình”.

Cụ đã từng có tình yêu đẹp với người chồng bị bệnh phong. Hơn chục năm nay ông đi trước, mộ còn nằm ở quả đồi gần đây. Mỗi năm vài lần bà Liên còng lưng đi bộ ra hương khói. Hai người có chung một cậu con trai, sau anh này lớn lên chuyển nhà ở gần ngay trại phong. Nhưng bà ở đây, thấy tự do hơn cả. Bà hì hụi trồng cả vườn rau ngót, mồng tơi, dàn mướp sai lúc lắc trĩu quả.

Các cụ chỉ mong có người đến để được nghe tiếng người.

Trong phòng của bà còn có một cái võng do nhà từ thiện tặng. Nhưng vật bà yêu quý nhất lại chính là một cái đài Tàu màu đỏ, bé đúng bằng bàn tay có giá 200 ngàn đồng. Tuy cái đài không có giá trị vật chất nhưng lại có giá trị tinh thần to lớn. Trong đấy có hàng trăm bài giảng của các vị sư thầy và những bài kinh. 

Cạnh phòng cụ Liên là cụ ông Nguyễn Văn Đón, 85 tuổi. Cụ ông sống một mình trong căn phòng trống huơ trống hoác. Có hai cái giường đơn, một giường hỏng để mấy thùng mỳ tôm cùng mấy chai nước mắm. Đối diện cái giường hỏng là giường còn lành lặn hơn chút - nơi cụ nằm. 

Cụ sống trong căn phòng một mình từ ngày trại phong chuyển đi. Tuy có ba người con nhưng cụ bảo hai cô con gái đi lấy chồng, phải lo liệu gia đình chồng con, còn một anh con trai thì lâu lâu mới đến.

Cụ chép miệng thở dài bảo: “Trẻ cậy cha, già cậy con, nhưng số tôi hẩm hiu, không được ở gần con. Âu  cái số nó thế”. Cạnh phòng cụ có cụ ông tên Hoà, mấy ngày nay lại đi về thăm con.

Cụ Khuất Thị Oanh ngoài bảy mươi tuổi đang phơi quần áo bảo: “Ông bà ở đây chỉ thèm nghe được tiếng người và mong không bị ai xa lánh. Các cháu đến chơi với ông bà là quý hoá lắm".

Cụ Lê Thị Liên 83 tuổi hằng ngày tụng kinh niệm Phật.

Cụ bảo mình chẳng có ai thân thích nên đất ở đây, nước ở đây, cây cối ở đây là một phần máu thịt, đến khi chết cũng phải chết ở đây. Mấy chục năm gắn bó với nơi này, quen từ bờ tường đến con mương, ngày ngắm trời Đá Bạc, đêm nghe tiếng ếch kêu quen, rồi không thể xa nơi này được nữa.

Cụ Nguyễn Thị Sợi đi chợ về, tiếng cụ sang sảng: “Tôi ở đây đã 60 năm, lâu nhất so với mọi người ở trại phong này. Thật ra thì năm 2013, khi nhà nước có chủ trương di dời bệnh nhân phong đi nơi khác thì 10 người, trong đó có tôi xin ở lại. Đến nay, ba người đã ra đi, hai cụ ông và một cụ bà, nhưng toàn trên 86 tuổi cả”.

Cụ hào hứng kể: 150 bệnh nhân ở đây từ ngày thành lập trại mà tuyệt nhiên chẳng ai mắc bệnh ung thư, toàn sống tới ngoài 86, 87 tuổi mới qua đời. Ở đây không khí trong lành, rau quả tự trồng lấy ăn, không sợ phun thuốc. Trước đây trong trại còn có cụ Thuận là Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống đến 101 tuổi.

Nơi ở của những bệnh nhân phong còn sót lại ở Đá Bạc.

Nói rồi, cụ chỉ tay ra ngọn đồi xa xa là nơi chôn cất những bệnh nhân phong, giọng cụ chợt trầm xuống: “Ở lại đây còn thỉnh thoảng lên hương khói cho người đã khuất, chứ họ khi xưa cả cuộc đời chịu cảnh cô quạnh, ghẻ lạnh, nay mất đi không ai nhang khói thì tội nghiệp...”.

Ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cho biết: “Mười bệnh nhân xin ở lại trại phong hằng tháng vẫn nhận được tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật và người cao tuổi là 700 nghìn đồng/người. Cán bộ xã đã nhiều lần vào thăm hỏi, động viên thuyết phục các cụ sang trại phong mới, tránh ở nhà xuống cấp nhưng các cụ không muốn đi. Tuy nhiên, hiện nay cả khu đất Đá Bạc này cũng đã nằm trong dự án quy hoạch, nên trong tương lai gần, chắc chắn các cụ sẽ  di rời sang chỗ ở mới. Cán bộ xã đã thông báo, làm việc với các cụ, và các cụ cũng đã chuẩn bị tâm lý rồi”.

Mỹ Trân
.
.
.