Những dấu hỏi cho thị trường văn chương và thơ…

Thứ Bảy, 20/03/2021, 10:22
Đặt tên cho bài viết của mình là “Thị trường văn chương, và thơ”, tôi muốn lưu ý ngay về hai điểm. Thứ nhất, câu chuyện ngữ nghĩa: phải là “văn chương”, chứ không thể là “văn học”. Thật không thể hiểu nổi tại sao trong sử dụng tiếng Việt ngày nay lại có sự lộn xộn dai dẳng và gan lỳ đến thế đối với 2 từ này?

Người ta dùng hậu tố “học” là để xác nhận một khoa học về cái gì đó đứng ở đằng trước nó. Ví như, hiểu cho thật đơn giản, “toán học” là khoa học về các quan hệ số, “sinh học” là khoa học về các dạng thức và các quá trình của sự sống, “sử học” là khoa học về quy luật và diễn tiến của các xã hội người hoặc các lĩnh vực hoạt động của con người trong quá khứ v.v... 

Theo đó, “văn học” ắt sẽ là khoa học về văn chương, với những đối tượng cơ bản là tác giả, tác phẩm, các quá trình phát triển của văn chương, các mối quan hệ nội văn chương và ngoại văn chương v.v... Ấy thế mà, để chỉ các sáng tác bằng nghệ thuật ngôn từ, lâu nay người ta lại cứ nhất định dùng chữ “văn học”, vốn để chỉ hoạt động nghiên cứu, lấy các sáng tác làm đối tượng. Đây là một sự lộn xộn cần phải được điều chỉnh, bởi, như F. Engels từng phát biểu: “Khoa học, nghĩa là đặt sự vật vào đúng chỗ của nó và gọi sự vật bằng đúng tên của nó”. Và thứ hai, có lẽ cũng hơi liều lĩnh, tôi muốn nhấn mạnh đến “thơ” - một thể loại vô cùng hợp thức trong tổng thể văn chương nói chung -như một đối trọng với cái tổng thể “văn chương” đã và đang vận hành như một thị trường đầy sôi động và phức tạp. Tôi hình dung vấn đề như sau:

Trước hết, là khái niệm “thị trường văn chương”. Không phải cứ hễ có văn chương là có thị trường văn chương. Suốt 10 thế kỷ trung đại, tác phẩm văn chương ở Việt Nam nhiều vô thiên lủng nhưng miễn bàn, vì nó không phải thứ làm ra để bán. (Điều này hơi khác với ở Trung Quốc, như học giả N.I.Konrad cho biết: vào thời Đường, các bản thơ của Bạch Cư Dị đã theo thương thuyền sang Nhật Bản và trở thành một mặt hàng được bán với giá rất cao). Diễn đạt cách khác, ta chỉ có thể nói đến một thị trường văn chương trên cơ sở của một nền kinh tế hàng hóa nói chung, trong đó tác phẩm văn chương cũng chính là hàng hóa - dẫu, như người ta vẫn nói, một thứ hàng hóa đặc biệt - và dù muốn hay không, nó buộc phải dính dấp đến một loạt khái niệm của môn kinh tế học: lao động, thặng dư, giá trị, giá trị sử dụng, cung và cầu v.v... 

Xét trên phương diện diễn trình lịch sử, từ một nền văn chương không chưa có thị trường sang một nền văn chương đã tạo thành thị trường và vận hành trong thị trường, ấy chính là một bước chuyển: chuyển từ “văn hóa quà tặng” sang “văn hóa hàng hóa”. Thậm chí đó còn là một bước tiến: viết văn được chuyên nghiệp hóa, trở thành một nghề, sản phẩm của cái nghề ấy đáp ứng trực tiếp nhu cầu xã hội, được xã hội sử dụng và thông qua sử dụng mà giúp người viết văn có thể tái tạo sức lao động của mình.

Trong một thị trường văn chương như vậy, có thể khẳng định, mọi tác phẩm văn chương được xuất bản và phát hành đều là hàng hóa, đều được/bị thấm nhiễm tính thị trường. Điều đó cho thấy cái khái niệm “văn chương/văn học thị trường” đang được dùng khá phổ biến là một khái niệm bất ổn đến thế nào trong cách “gọi sự vật bằng đúng tên của nó”. Trong bài viết “Văn học thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh” in trên tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 6 năm 2016, hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy cũng khẳng định: “đây là cách gọi có nhiều chỗ bất hợp lý”. Theo hai tác giả, không gì khác, “văn học thị trường” chính là “văn học giải trí”, “văn học đại chúng” như nó từng được mô tả trong nhiều nghiên cứu văn học trên thế giới. 

Trên cơ sở phân tích những tác phẩm đình đám, hai tác giả bài viết đã chỉ ra một số đặc điểm nhận diện cái gọi là “văn học thị trường” ở thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây: “Gắn với những người trẻ... Nội dung sáo mòn, chủ yếu là về tình yêu, kỹ thuật viết đơn giản, dễ đoán trước được... Không thoát khỏi những trải nghiệm đơn giản của người sáng tác... Hầu như vẫn quẩn quanh trong cái tôi cá nhân mà không nhìn ra và bước vào thân phận của người khác... Nông cạn, hạn hẹp, không có sự bứt phá và tầm vóc riêng”. Mặc dù vậy, Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy vẫn buộc phải thừa nhận rằng, tác giả của dòng “văn học thị trường” đang là những cái tên có sức hút mạnh, đặc biệt là với độc giả trẻ. Sách của họ được in ra với số lượng lớn, được tái bản nhiều lần và trong nhiều trường hợp đã thực sự tạo thành những “hiện tượng xuất bản”. 

Điều này được hai tác giả của bài viết trên cắt nghĩa từ nhiều lý do: trình độ/thị hiếu thẩm mỹ (nhu cầu) của người đọc, năng lực PR của các tác giả và đơn vị xuất bản, sức mạnh cộng hưởng và lan truyền của mạng xã hội v.v và v.v... Tôi không có gì để phải phản đối cách nhìn nhận này, tuy nhiên, từ giác độ tính mục đích của người sáng tác, tôi nghĩ lý thuyết “trường” của nhà xã hội học văn học Pháp P. Bourdieu sẽ giải quyết tốt hơn câu hỏi về văn chương thị trường còn đang treo lơ lửng. Theo đó, trong “trường văn học” Việt Nam mười mấy năm đầu thế kỷ XXI, tác giả của dòng văn chương thị trường là những người làm văn để đạt được “giá trị kinh tế” chứ không phải những người làm văn để chinh phục “giá trị tượng trưng”. 

Về lý thuyết, có thể có sự chuyển hóa lẫn nhau giữa hai loại giá trị - P. Bourdieu đã chứng minh điều này một cách thuyết phục từ thực tế lịch sử văn chương Pháp thế kỷ XIX - nhưng trên thực tế của văn chương Việt Nam đương đại, tôi cho rằng sự chuyển hóa chỉ diễn ra theo một chiều: cái gọi là văn chương thị trường chỉ đạt được mục đích kinh tế trong ngắn hạn, rồi thôi, không mong gì chúng biến thành giá trị tượng trưng. 

Nhưng, những tác giả theo đuổi giá trị tượng trưng rất có thể sẽ, và một số là đã, đạt được mục đích của mình và biến giá trị tượng trưng thành giá trị kinh tế trong dài hạn. Chỉ cần nhìn vào “sức bền tiêu thụ” cho tác phẩm của những Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư v.v... trên thị trường văn chương thì đủ biết. Đó là những tác giả long-seller. Mà một nền văn chương chững chạc, theo tôi, nên có nhiều tác giả long-seller hơn và bớt các thể loại best-seller.

Ảnh: L.G

Vậy, trong câu chuyện này, thơ có ý nghĩa gì? Hãy nhìn vào những cái tên tác giả của dòng văn chương thị trường ở trên, ta sẽ thấy đó là những tác giả văn xuôi, chủ yếu là tản văn và truyện ngắn, không có thơ. Nhìn rộng ra hơn nữa, ta buộc phải thừa nhận một thực tế khá nghịch lý: thơ, ở dạng sách in (của một tác giả hoặc nhiều tác giả) lâu nay dường như không phải một thành tố của thị trường văn chương, dẫu chúng vẫn được gắn giá bán và được phát hành trên thị trường. Không sa đà vào việc trả lời câu hỏi “tại sao” - điều này nhiều người đã làm - tôi chỉ muốn nhấn mạnh: cái thực tế này - Việt Nam có tiếng là “thi quốc” mà thơ lại thành ra một thứ sản phẩm văn chương mãi lực rất kém, một mặt hàng ế - đã kéo dài và phổ biến đến mức người ta không thấy nó là nghịch lý nữa. 

Như một mặc định, nhà thơ cứ làm thơ, cứ in thơ - trong nhiều trường hợp là phải tự bỏ tiền ra mà in - thậm chí cứ gửi bán khắp nơi, song không mấy ai tin tưởng những tập thơ ấy sẽ đến tay người đọc như đến tay những người có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gọi là thơ. Với đại đa số nhà thơ Việt Nam đương đại, in một tập thơ chỉ là để thỏa mãn nhu cầu tự thân của mình: nhu cầu đánh dấu một quãng đường đến với thơ, đi cùng thơ; nếu có thêm nữa, là nhu cầu được cộng thông, chia sẻ với một số ít người đọc có cùng nhịp thẩm mỹ với mình, qua hình thức... tặng. Có thể nói, chưa bao giờ những chữ “chơi” - sân chơi, cuộc chơi, trò chơi - lại hợp với thơ đến như lúc này, khi mà ta buộc phải định vị nó, thơ, trong khí quyển ồn ào của thị trường văn chương đương đại.

Nhưng, nếu vậy, sẽ phải lý giải thế nào về những hiện tượng thơ của một vài tác giả trẻ thời gian gần đây: tái bản liên tục, số lượng ấn bản rất lớn, tóm lại là bán rất chạy? Nhiều người đã nhìn vào những hiện tượng này để nuôi niềm lạc quan về tương lai của thơ. Tôi lại thấy rất... bi quan: đọc những tập thơ ấy, tôi không thấy “một rừng biểu tượng” (chữ của thi hào Pháp Charles Baudelaire) mà chỉ thấy một rừng những câu triết lý có vẻ sâu sắc về kiếp người, về sự sống, về cái chết, về nỗi cô đơn, về trong nhà và ngoài phố và đương nhiên không thể thiếu tình yêu. 

Tôi tạm gọi đó là thứ thơ thời trang. Thứ thơ thời trang này hợp với cái thẩm mỹ thời trang của phần đông độc giả bây giờ. Cộng thêm với sức mạnh phát tán của mạng xã hội, nhất là Facebook - nơi mà người ta cứ nhất định phải tỏ ra yêu thơ cho bằng được mỗi khi bạn “phây” đăng thơ mới làm hoặc thông báo sắp ra thi tập - thơ thời trang trở nên một mặt hàng bán chạy, âu cũng là điều dễ hiểu.

Một cơ hội bị bỏ lỡ. Trong bối cảnh đằng nào thì thơ cũng bị xuống giá như vậy, nhà thơ hoàn toàn có quyền lựa chọn quay lưng lại với thị trường để đi vào những tìm kiếm độc đạo của mình, trở thành những nhà thơ avant-garde trong “trường văn học”. Chẳng phải từng cú nhích của lịch sử thơ ca đều được đánh dấu bởi các nhà thơ avant-garde đó sao? Mà các nhà thơ avant-garde thì không khi nào cần để tâm đến việc chiều nịnh thị trường!

Hoài Nam
.
.
.