Du ký trên đỉnh Độc Tôn

Thứ Sáu, 29/05/2015, 13:00
Có lần nhà thơ Phạm Thành Trung, ở Sóc Sơn nói nếu chưa lên đỉnh Hàm Lợn nằm trong dãy núi Độc Tôn ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội ắt hẳn là một thiệt thòi cho những người ưa phiêu lưu mạo hiểm. Tuy nó chỉ cao 462m nhưng lại gập ghềnh khó leo, từ con suối trơn trượt trên cao. Từ đỉnh núi có thể nhìn thấy toàn cảnh thị trấn Sóc Sơn và cả cảnh đẹp Núi Đôi với câu chuyện tình lãng mạn của hai người chiến sĩ vệ quốc thuở nào.

Lời mách bảo đó như chắp cánh cho tôi trong chuyến đi bất ngờ vào một ngày nắng như đổ lửa trên đường...

Cưỡi trên đám mây xanh

Phải nói vừa đến con hồ Hàm Lợn dưới chân núi, tôi đã bị cuốn hút bởi một cảnh trí huyền ảo mênh mông. Hơi sương bay lên từ làn nước rung rinh, trước con gió rừng dào dạt. Cái nắng bỗng trở nên dịu dàng bởi màu xanh của rừng thông và những áng mây bay trên đỉnh núi. 

Nói đến cái tên Hàm Lợn quả là một sự lạ. Nhưng đến đây mới thấy đỉnh núi cao nhất này giống hệt với hình ảnh nhô ra của hàm con lợn. Dùng ống kính viễn vọng nhìn ta thấy ở hàm dưới còn có chân một cột cờ đã bị gãy đổ. Chính vì thế mà người dân ở quanh đây còn gọi đó là núi Cột cờ. Hình cái Hàm Lợn đã định danh cho ngọn núi cao nhất trong cả dãy núi Độc Tôn điệp trùng tiếp nối tới dãy Tam Đảo.

Người dẫn đường đưa chúng tôi theo một con đường mòn nhỏ leo lên núi chứ không phải đi dọc con suối trong mùa nước này. Phải mất gần hai giờ, chúng tôi len lỏi trong hai hàng cây ngập đầu người, với nhiều cảm xúc khó tả và bồi hồi với cảm giác sợ hãi. Vì con đường ngoắt ngoéo khó đi lậm lụi trong rừng cây rậm rịt. Rất có thể gặp rắn hay nhện độc, hoặc vắt muỗi bám vào cổ, vào chân tay. Vừa đi vừa rẽ cây cùng những bụi lau bàn tay tôi trở nên bỏng rát. 

Lần mò mãi, chúng tôi mới lên tới cánh rừng thông và keo rộng lớn. Ở đây con đường lên đỉnh núi thoáng hơn và mát mẻ. Tiếng chim hót véo von như chào đón chúng tôi nhưng nỗi sợ hãi và mệt mỏi vẫn còn đó. Mọi người toát mồ hôi, ai nấy đều muốn dừng chân để hít thở hương thơm của hàng cây thông cao vút. Nhưng chỉ lát sau đó đỉnh núi lại như một lời mời gọi kỳ thú trong lòng mỗi người. Tất cả lại hối hả lên đường. Vậy là chẳng bao lâu, chúng tôi đã có mặt ở đỉnh núi Hàm Lợn, mà mọi người vẫn gọi là nóc nhà của thủ đô, cho dù so với đỉnh núi Ba Vì thì chẳng thấm tháp gì.

Nhưng khi nhìn thấy bức tượng Thánh Gióng bằng đồng ở bên đỉnh Sóc (cao 308m) từ phía xa, thuộc xã Vệ Linh, tất cả ai nấy đều sững sờ vì sức thu hút của nó. Một bức tượng lớn cao vút nặng 85 tấn quả là một kỳ công của con người khi đưa nó lên đỉnh núi. Một khoảng trời lồng lộng xanh trong trên cao và càng bất ngờ hơn một đám mây bềnh bồng trôi đến như có thể ngồi lên được. 

Và chúng tôi đúng là nhắm mắt để tưởng tượng ra cảnh mình bay theo đám mây, trong cảnh thần tiên trôi qua từng đỉnh núi trong dãy Độc Tôn này. Có thể đó là giây phút lãng mạn trong tâm hồn mọi người. Và, tôi như trong cơn mơ giữa ban ngày vậy. Bay và bay. Mây níu chân tôi mát lạnh. Tôi có cảm giác bồng bềnh trôi về phía đỉnh Sóc ngắm ông thánh Gióng vàng óng trong nắng, lấp lánh những sợi vàng. Ông Gióng vươn lên trời cao. Tôi ngước nhìn theo và ngỡ như mình đang bay lâng lâng trong đám mây trắng xốp trong câu chuyện cổ tích năm nào vẫn được bà nội kể, ngày xửa ngày xưa, cậu bé làng Gióng nhổ cả cụm tre ngà đánh đuổi giặc Ân rồi bay lên trời...

Đúng là như mơ vậy. Tôi thấy nhà thơ kia nói đúng, nếu không lên đây thì quả là một thiệt thòi. Chả thế mà anh đã viết những câu thơ rất huyền ảo rằng: “Trôi về cõi xa xăm. Để tháng năm trăn trở. Đôi mắt người thương nhớ. Ám ảnh suốt cuộc đời. Mây trôi và mây trôi. Mơ về mối tình cũ...”

Núi vẫn đôi mà anh mất em

Thực bất ngờ con đường núi đôi hiện ra nhỏ xíu trước mắt. Từ trên đỉnh núi nhìn về phía thị trấn Sóc Sơn, hai ngọn núi nhỏ mang tên Núi Đôi kia, tôi lại sực nhớ đến một cuộc tình còn ám ảnh mãi không thôi. Đúng là vương vấn chuyện tình bất tử trong bài thơ Núi Đôi của cố thi sĩ Vũ Cao.

Ngày nay ai cũng rõ câu chuyện có thật qua sự miêu tả trong bài thơ Núi Đôi của cố thi sĩ Vũ Cao, viết năm 1956. Nhưng thực ra ông Vũ Cao không hề biết người nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc đã có chồng, mà ông chỉ nghe câu chuyện cô hy sinh khi bị sa vào tay giặc. Nhưng chuyện tình của cô gái mà nhà thơ viết ra với những ký ức sâu sắc và cảm động lại ứng nhập với mối lương duyên có thật trong cuộc sống thực tiễn. Hai mươi năm sau, ông Trịnh Khanh, chồng của cô Trần Thị Bắc tìm đến nhà thơ để cảm ơn, vì đã viết hộ lòng mình nỗi xúc động sâu sắc với người vợ chỉ sống được với ông có hai ngày nên nghĩa phu thê.

Ông Khanh kể, tình yêu ở tuổi đôi mươi, mười tám quả là hết sức lãng mạn. Tất cả đều dành cho đất nước. Hai người gặp nhau ở vùng tự do, tình yêu đã nảy sinh giữa người chiến sĩ và cô y tá ngày ấy. Sau vài năm, hai người đã làm lễ cưới và sống bên nhau được đúng hai ngày, thì phải chia tay. Nữ quân báo Trần Thị Bắc trở lại Núi Đôi hoạt động. Còn anh lính trẻ Trịnh Khanh lên đường vào chiến dịch. 

Lúc này chiến dịch Điện Biên Phủ đã nóng lên từng ngày. Tất cả dành cho tiền tuyến và cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp. Nhưng ai ngờ chỉ ít ngày sau đó nữ chiến sĩ Trần Thị Bắc đã bị rơi vào tay giặc và dũng cảm hy sinh để bảo vệ đồng đội, vào ngày 21/3/1954, khi vừa tròn 22 tuổi.

Thời gian trôi qua, tình cảm và hình ảnh: "Núi vẫn Đôi mà anh mất em" đã dần dịu bớt nỗi nguôi ngoai. Sau đó vài năm, anh bộ đội Trịnh Khanh đã xin phép gia đình vợ đi bước nữa. Và, có điều thú vị đã diễn ra, chính mẹ cô Bắc đã cùng với mẹ đẻ của anh cùng đi hỏi vợ cho anh tận bên thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Mọi người trong gia đình cô Bắc vẫn coi ông Khanh là người nhà và rất quý mến nhau. Hằng năm đến ngày giỗ cô Bắc, vợ chồng ông Khanh vẫn về phúng viếng và chăm nom mộ chí. 

Giờ đã bước sang tuổi 80, nhưng ông Khanh vẫn nhớ như in những câu thơ ẩn chứa nỗi lòng, khi thẫn thờ nghe tin vợ mới cưới của mình đã chết trong tay giặc. Nhiều lúc ông vẫn đọc một mình để tự trong trái tim mình tưởng nhớ đến người mình yêu đã hy sinh: "Nhớ nhau anh gọi em đồng chí/ Một tấm lòng trong vạn tấm lòng/ Anh đi bộ đội sao trên mũ /Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm".

Mũi tên còn hơi thở bi tráng

Người dẫn đường cho chúng tôi bỗng nhặt được một mảnh sắt vụn nhọn gỉ ngoèn trong một hốc đá. Ai cũng tò mò suy đoán, nhưng anh ta kể luôn câu chuyện đã xảy ra cách hơn hai trăm năm, ở trên đỉnh núi này. Đó là cuộc khởi nghĩa của quận Hẻo, Nguyễn Danh Phương (ông là người làng Hẻo thuộc Vĩnh Phúc) chống lại chế độ phong kiến Lê-Trịnh hà khắc một thời vào thế kỷ XVIII. Đây là một trong thời kỳ lộng quyền của chúa Trịnh trong triều Lê, kéo dài suốt 243 năm, từ thời Trịnh Kiểm nắm quyền đến Trịnh Bồng, kéo dài suốt 12 đời chúa, tạo nên một xã hội vô cùng rối ren. Cùng với đó, cuộc chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh đem lại sự tàn khốc cho dân tộc, suốt hàng trăm năm...

Tận dụng vùng núi hiểm trở, nhất là ngọn Độc Tôn, quận Hẻo ra sức xây đồn lũy để phòng thủ và chiêu thêm quân. Năm 1744, lực lượng dưới quyền ông có một vạn người. Ông mang quân đi đánh ra xung quanh. Thanh thế quân quận Hẻo lan sang khắp vùng. Đầu năm 1751, Trịnh Doanh lại thân chinh đem quân đi bao vây đánh quận Hẻo. Nguyễn Danh Phương dẫn quân phá vây chạy trốn, đến Tinh Luyện thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc thì ông bị quân Trịnh mai phục bắt được. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Nhưng giờ đây những dấu tích vẫn còn đó âm vang bi tráng trong lòng người mỗi khi lên đỉnh núi này...

Bất ngờ một đàn bướm trắng bay ra rợp trong nắng trên đỉnh núi Hàm Lợn khi đám mây vừa trôi đi. Nhưng cảm xúc của cuộc chiến vẫn còn ám ảnh làm chúng tôi bồi hồi và hình dung ra những lán trại quân sĩ vẫn còn đâu đây. Những đàn bướm bỗng bay vụt lên cao vì bản nhạc ve rung lên trong rừng thông. Ai cũng bất ngờ với bài ca thiên nhiên vang lên một thuở học trò. 

Tiếng ve kêu hè về. Những cành hoa phượng đỏ rực như lửa lưng đèo, như một điểm sáng cho con đường chiều dần buông, dẫn chúng tôi xuống núi. Chợt đám mây trôi trở lại với ánh hồng man mác. Một ánh bạc cuối cùng le lói trong cánh rừng thông xanh như một lời chào. Chúng tôi như vẫn đang trôi trong một giấc mơ trên dãy núi Sóc Sơn diễm lệ, với ánh sắc hoàng hôn.

Di Cát
.
.
.